Hotline 24/7
08983-08983

Mùa hè đến rồi, cần chuẩn bị những thuốc gì khi đi du lịch?

Mùa hè cũng là mùa của những chuyến du lịch, đi xa của các gia đình. Và trong hành trang ấy, túi thuốc là không thể thiếu để ứng phó kịp thời với những chứng bệnh thông thường có thể xảy ra… Vậy trong túi thuốc đó bao gồm những loại gì.

Thuốc dị ứng

Khi đến một môi trường lạ, chúng ta (nhất là những người có cơ địa nhạy cảm) rất dễ gặp các tình trạng dị ứng như: dị ứng thức ăn, dị ứng thời tiết, dị ứng côn trùng… Ngay sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, trên da có thể xuất hiện những cục, mảng gồ lên trên da và rất ngứa. Mảng này có thể biến mất trong vòng vài giờ đồng hồ nhưng cũng có thể xuất hiện ở một nơi khác trong cơ thể... Nặng hơn, có thể gặp hiện tượng phù môi,  sưng mắt, thậm chí sốc phản vệ…

Vì vậy, trong túi thuốc du lịch cần có thuốc chống dị ứng như desloratadine (dạng viên dùng cho người lớn, dạng siro để dùng cho trẻ nhỏ). Dạng kem bôi như phenergan, hydrocortisol để dùng bôi ngoài da.

Khi bị dị ứng, cách xử trí ngay là phải ngưng tiếp xúc với tác nhân nghi ngờ gây dị ứng, sau đó có thể dùng thuốc chống dị ứng. Trước khi dùng thuốc, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng đi kèm sản phẩm để dùng đúng liều chỉ định.

Trường hợp bị côn trùng cắn, cũng có thể gây phản ứng dị ứng. Lúc này, nên rửa sạch vết cắn côn trùng bằng xà bông với nước sạch. Có thể dùng thuốc uống trên. Ngoài ra, có thể bôi kem phenergan, hydrocortisol… lên vết cắn côn trùng để hạn chế phản ứng tại chỗ. Nếu bị dị ứng nặng, có dấu hiệu phù mặt, môi, khó thở, thở rít..., cần nhập viện gấp.

Những thuốc cần thiết khi đi du lịchĐể có chuyển du lịch an toàn, cần chuẩn bị mang theo các loại thuốc thiết yếu

Thuốc tiêu chảy

Tiêu chảy cũng là một vấn đề hay gặp trong khi đi du lịch. Có thể do virut hoặc bị ngộ độc thức ăn hoặc nhiễm do nhiễm hóa chất…

Trong túi thuốc nhất định phải có một số gói oresol hoặc gói hydrite, vì lúc này, việc cần làm đầu tiên và quan trọng nhất là phải bù nước và chất điện giải.

Pha các gói bù nước này với nước đun sôi để nguội theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất in trên bao bì. Đối với trẻ em, sau mỗi lần tiêu chảy, cần cho trẻ uống dung dịch này từng ngụm, uống chậm, tới khi trẻ không muốn uống nữa thì thôi (tránh bắt trẻ uống nhiều một lúc khiến trẻ sợ và chống đối).

Có thể thay thế dung dịch này bằng nước dừa tươi, nhưng 1 trái dừa tươi nên bỏ thêm một nhúm rất nhỏ muối tinh. Cho bé uống giống như uống oresol. Trong trường hợp trẻ không chịu uống oresol hoặc nước dừa thì có thể cho trẻ uống nước đun sôi để nguội thay thế (nếu tình trạng trẻ không nặng). Cho trẻ tới phòng khám ngay nếu tiêu chảy kèm theo một trong các yếu tố sau: sốt cao, phân có máu, đau bụng nhiều, tiêu chảy ồ ạt, tiêu chảy quá 2 ngày không  giảm.

Ngoài oresol hoặc hydrit cần mang theo thì khi trong gia đình bạn có trẻ nhỏ cùng đi du lịch, cần chuẩn bị thêm men vi sinh. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là “men vi sinh” khác với “men tiêu hóa”, chính vì thế, bạn có thể hỏi ý kiến của dược sĩ tại hiệu thuốc trước khi mua để không bị nhầm lẫn hai sản phẩm này.

Lưu ý: Không được dùng thuốc cầm tiêu chảy ngay trong trường hợp tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm.

Thuốc hạ sốt

Bạn nên mang theo thuốc hạ sốt đơn thuần là paracetamol. Tuy nhiên, trước khi uống thuốc hạ sốt, cần phân biệt giữa tăng thân nhiệt với sốt cao, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Nếu trẻ mới chạy nhảy chơi ngoài trời nắng nóng quá lâu (hoặc người lớn mải tắm biển, phơi nắng quá lâu ngoài trời), sau đó lờ đờ, mệt, thân nhiệt tăng cao… thì cần phải cảnh giác vì có thể bị say nắng/nóng. Những trường hợp này khi đo nhiệt độ thấy rất cao nhưng uống hạ sốt lại không giảm bởi đây là tình trạng tăng thân nhiệt hay còn gọi là shock nhiệt, không phải là sốt nên uống thuốc hạ sốt không giảm. Tình trạng này nguy hiểm, cần đưa người bệnh vào chỗ mát, cho uống nhiều nước mát và dùng nước mát lau người, trong lúc đó, cần gọi xe cấp cứu.

Còn khi bị sốt cao, đối với trẻ em thì sẽ có hiện tượng tăng thân nhiệt, quấy khóc, bứt rứt, biếng ăn, khó ngủ, nằm bẹp một chỗ không chịu chơi… thì cho bé dùng thuốc hạ sốt. Tùy theo cân nặng có thể dùng các gói (hoặc viên nhét hậu môn). Liều lượng theo cân nặng của trẻ, có trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Cứ sau 4-6 giờ mới được dùng thuốc hạ sốt 1 lần (nếu cần thiết).

Những trường hợp sốt cần tới gặp bác sĩ ngay: Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt; trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi  sốt  dưới 400C quá 3 ngày không hết; trẻ có biểu hiện bơ phờ ốm yếu, bứt rứt khó ở, lừ đừ hoặc từ chối uống nước; trẻ sốt  từ 400C (đo hậu môn) hoặc 39,50C (đo ở nách) trở lên, bất kỳ tuổi nào cũng cần đi khám ngay; hết sốt 1 vài ngày rồi sốt lại; đau tai, chảy mủ tai; thở gấp hơn bình thường; thở rút lõm ngực; chảy mủ mũi hôi, loét cửa mũi, sưng má, trẻ lớn biết kêu đau đầu, ói mửa…

Thuốc dự phòng táo bón

Khi đi du lịch, do sinh hoạt bị đảo lộn, thời tiết nắng nóng, cơ thể mất nước làm phân khô hoặc ăn quá nhiều thịt ít rau, lạ chỗ… rất dễ gây táo bón. Đối với trẻ em còn do mải  chơi nên quên đi cầu, phân tích tụ lại… gây táo bón. Trong túi y tế cần phải có vài typ thuốc thụt tháo phân như bibolax… để dùng khi cần thiết.

Ngoài các thuốc trên, đối với những người có bệnh mạn tính, chẳng hạn như: hen suyễn, bệnh huyết áp, tim mạch, bệnh đái tháo đường, bệnh gout… thì cần mang đầy đủ các thuốc điều trị đã được bác sĩ kê đơn và uống thuốc đều đặn. Tuân thủ chế độ về ăn uống, sinh hoạt… đã được bác sĩ tư vấn để có một chuyến du lịch an toàn và vui vẻ...

Theo BS Trần Văn Công - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X