Hotline 24/7
08983-08983

Mùa đông đến rồi, dùng thiết bị sưởi sao cho an toàn?

Nhiều đợt không khí lạnh dồn dập tràn về báo hiệu một mùa đông nữa lại đến. Thiết bị sưởi ấm là một vật dụng không thể thiếu của nhiều gia đình khi đông lạnh lại về. Nhưng việc sử dụng chúng thế nào để an toàn cho sức khỏe không phải ai cũng biết.

Cuối tháng 11 vừa qua, một gia đình ở Nghệ An bị ngộ độc khí than dẫn đến 1 trường hợp tử vong, 3 người nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TP Vinh (Nghệ An). Theo thông tin từ gia đình nạn nhân, do nhà có sản phụ mới sinh nên gia đình có đốt than sưởi ấm nên đã xảy ra sự việc đau lòng trên.

Điều đáng buồn hơn là năm nào cũng vậy, khi thời tiết trở lạnh cũng là lúc xảy ra những ca ngộ độc do sử dụng than để sưởi ấm nhiều hơn.

PGS.TS Trần Hồng Côn - khoa hóa học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định trên Tuổi trẻ rằng, tuyệt đối không sử dụng hình thức đốt cháy để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas.

Nguyên nhân là khi đốt than trong phòng ngủ, phòng kín chật hẹp, than cháy sẽ đốt hết khí oxy, trong khi khí CO độc hại hoặc khí CO2 sẽ ngày càng tăng. Đến một giai đoạn nào đó, phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu khí oxy sẽ hình thành khí CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín sẽ dần lịm đi mà không biết gì, nhanh chóng rơi vào cái chết “êm dịu”.

Những triệu chứng nhận biết ngộ độc khí CO


Những triệu chứng thông thường khi bị ngộ độc khí CO thường khá giống với một số bệnh khác, chẳng hạn như bệnh cúm. Chúng bao gồm: Nhức đầu; Buồn nôn; Yếu người; Chóng mặt; Khó tập trung; Đau ngực; Khó thở; Các vấn đề về thị lực; Môi ửng đỏ; Tay chân hơi xanh; Chảy máu đằng sau mắt (võng mạc); Các thay đổi về tinh thần bao gồm lơ mơ, hôn mê.

Bạn có thể bị ngất hoặc thậm chí mất mạng nếu hít phải quá nhiều khí CO. Những nạn nhân bị ngộ độc khí CO khi đang ngủ hoặc say có thể tử vong mà không biểu hiện triệu chứng gì.

Làm gì khi có người bị ngộ độc khí CO?


Người bị ngộ độc khí CO thường ở trong phòng đóng kín cửa nhưng có động cơ đang nổ như: xe máy, máy phát điện hoặc bếp than, củi… mà bệnh nhân bất tỉnh hoặc tử vong thì nghĩ ngay đến ngộ độc khí.

Lúc này, phải cho bệnh nhân thở dưỡng khí ngay (đưa ra khỏi phòng đến nơi thoáng mát). Nếu mới ngộ độc nhẹ thì bệnh nhân sẽ nhanh chóng hồi phục.

Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi.

Nếu nạn nhân không còn tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến bệnh viện.

Nếu tình trạng ngộ độc trầm trọng hơn, như hiện tượng run rẩy xảy ra, hay nhức đầu, ói mửa, nạn nhân cần phải được chở đi cấp cứu ngay.

Phải gọi gấp 115 và nhất là đừng cố gắng chở bệnh nhân bằng xe cá nhân của mình vì không có dụng cụ cấp cứu cần thiết như bình thở oxy.

Phòng ngừa ngộ độc CO


Ngộ độc khí CO là một tai nạn thường gây tử vong và để lại di chứng thần kinh tâm thần lặng. Cách phòng tránh tốt nhất là... không dùng than. củi sưởi ấm trong nhà và nhất là buổi tối trước khi đi ngủ. Hãy sử dụng các phương pháp giữ ấm khác thay thế than, củi...

Nếu dùng lò sưởi đốt củi, phải chắc chắn không khí được chuyển động ra khỏi ngoài ống khói. Phải dùng loại máy quạt thổi đuổi khói và không khí độc ra ngoài.

Sử dụng thiết bị sưởi thế nào để tốt cho sức khỏe?


Ngày nay, đời sống được nâng cao, thiết bị sưởi cá nhân như chăn điện, đệm điện, túi sưởi… ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất lượng. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng ta cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:

Chăn điện, đệm điện: chỉ nên đặt ở nhiệt độ 25 - 30 độ C và cũng không dùng quá 10 giờ liên tục. Đối với phụ nữ mới sinh, trẻ sơ sinh ban đầu có thể bật số lớn, nhưng sau 30 phút cần đưa về mức trung bình để tránh trường hợp “quên”, nhiệt độ đạt tới 60 độ sẽ gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không để nước tiếp xúc với bộ điều khiển của chăn điện và không quấn chăn quanh người vì dễ gây ra chập, cháy.

Túi sưởi: Không để trẻ đến gần nơi cắm điện túi sưởi, cũng không để chỗ ổ cắm thiết bị sưởi quay xuống dưới, không sờ tay hay sử dụng khi đang cắm điện. Nếu sưởi ấm, chườm nóng thì trước khi đi ngủ 15 phút nên cắm điện, để nóng 7 - 10 phút là túi tự ngắt điện, sưởi ấm được 4 - 6 giờ.

Khi sưởi không để chân tay đè lên kẻo vỡ túi sưởi, mà chỉ cần đặt nhẹ hai bàn chân lên túi chườm (lệch 45 độ). Không nên để trẻ em có thể chơi, ngồi, nghịch, dùng vật sắc nhọn vạch lên thiết bị sưởi, kẻo làm bục, rò dung dịch, rò điện gây bỏng. Khi túi có hiện tượng rò rỉ tuyệt đối không dùng cố, hoặc đổ dung dịch trong túi ra ngoài để tránh xảy ra sự cố nguy hiểm.

Khi có trục trặc và phải rút điện khi ngưng sử dụng. Những người mắc bệnh đường hô hấp, tim mạch, viêm họng mãn tính, hay bị bệnh ngoài da không nên dùng chăn điện sưởi. Phụ nữ mới sinh con, trẻ sơ sinh, do khả năng điều tiết nhiệt độ cơ thể rất kém, không nên dùng chăn điện vì có thể bị mất nước dẫn tới sốt nóng thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Dù là thiết bị nào cũng cần:

Không nên để thiết bị sưởi với nhiệt độ quá cao so với nhiệt độ ngoài trời. Mức chênh lệch này chỉ nên ở trong khoảng 10 độ, tránh xảy ra tình trạng nóng - lạnh đột ngột, dễ gây cảm và các bệnh về hô hấp. Đặc biệt với trẻ nhỏ và người cao tuổi, cần giữ thân nhiệt ổn định và hạn chế tiếp xúc với môi trường quá nóng hoặc quá lạnh, vì nguy cơ tai biến rất cao. Không nên đóng kín phòng khi bật thiết bị sưởi, bởi nếu quá kín thì sẽ không có sự lưu thông không khí, làm cho không khí khô nóng, dễ dẫn tới thiếu khí, ngạt thở.

Thùy Phương - Tổng hợp

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X