Hotline 24/7
08983-08983

Mu bàn chân nổi mạch, đau nhức hông đùi... triệu chứng bệnh gì?

Câu hỏi

Chào BS Mười Một, Tôi 34 tuổi. Gần đây tôi cảm thấy chân bị nặng, phù nhẹ. Tôi có đi khám tại bệnh viện, BS nghi tôi bị giãn tĩnh mạch chân nên có cho làm siêu âm doppler mạch máu. Kết quả hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên BS vẫn kê cho tôi thuốc Phlebodia. Tôi uống thuốc được khoảng 20 ngày nhưng không đỡ mà nặng hơn. Mu bàn chân bị nổi nhiều mạch, phần đùi đau nhức, có hiện tượng giật nhẹ lan lên mông, đau tức hông trái, đặc biệt khi ngồi. Ngoài ra xuất hiện mạch xanh nhìn khá rõ ở dọc hai bên bụng. Tôi rất lo lắng, không biết tôi bị bệnh gì? Có khả năng tôi bị bệnh ở phần khác nhưng có tác động tới chân không? Rất mong được BS tư vấn, cảm ơn BS rất nhiều!

Trả lời
Suy tĩnh mạch. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Suy tĩnh mạch. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn Hoa,

Triệu chứng bạn mô tả: nặng chân, phù chân về chiều, nhất là khi đứng/ngồi lâu là biểu hiện của triệu chứng của suy tĩnh mạch, nhưng kết quả siêu âm mạch máu của bạn bình thường thì suy tĩnh mạch ở bạn còn ở mức độ nhẹ, chưa biểu hiện trên siêu âm.

Bác sĩ đã kê thuốc Phlebodia có thành phần Diosmin và hesperidin là hoạt chất của Flavonoid có tác dụng làm tăng trương lực của tĩnh mạch, là thuốc điều trị suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên bạn đã uống 20 ngày mà không đỡ, còn nặng hơn, theo BS thì bạn nên đi khám lại để được BS xác định rõ bệnh lý và cho thuốc phù hợp.

Về câu hỏi: “Có khả năng tôi bị bệnh ở phần khác nhưng có tác động tới chân không?” thì cũng có khả năng này. Ví dụ các bệnh: bệnh tim, suy dinh dưỡng, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa… có thể làm phù chân.

Thân mến.


Giãn tĩnh mạch (hay còn gọi là bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính) là các tĩnh mạch phình ra nổi lên gần bề mặt da. Tĩnh mạch mang máu từ các mô và tế bào trở lại tim và phổi, nơi mà máu có thể trao đổi oxy.

Giãn tĩnh mạch là bệnh phổ biến, có đến 30% người lớn mắc bệnh. Người lớn tuổi, phụ nữ, bị thừa cân và những người phải đứng một trong thời gian dài có tỷ lệ giãn tĩnh mạch cao hơn.

Các triệu chứng có thể xảy ra bao gồm:

- Chân đau nhức hoặc cảm thấy nặng nề, đặc biệt sau khi đứng hoặc ngồi lâu;
- Tĩnh mạch xanh và phình ra dọc theo đùi, mắt cá hoặc đầu gối;
- Da khô và ngứa. Tình trạng thay đổi màu da, da mỏng hơn, lở loét và nhiễm trùng mô mềm (viêm mô tế bào) có thể xảy ra gần mắt cá chân.

Nguyên nhân của bệnh giãn tĩnh mạch là do các van tĩnh mạch bị yếu đi và không thể hỗ trợ đưa máu trở ngược về tim, làm máu bị ứ đọng. Bệnh không lây nhiễm nhưng có thể di truyền trong gia đình.

Điều trị giãn tĩnh mạch có ba phương pháp chủ yếu là:

- Mang vớ y khoa dành cho bệnh giãn tĩnh mạch;
- Liệu pháp xơ hóa: bác sĩ tiêm thuốc làm cứng tĩnh mạch bị giãn, thuốc khiến cho tĩnh mạch  bị mất chức năng và điều chỉnh lưu thông máu sang các tĩnh mạch khác khỏe hơn;
- Phẫu thuật: phẫu thuật thường là tiểu phẫu.  Các mạch máu sẽ được lấy ra hoặc thắt lại để ngưng hoạt động. Có nhiều cách thực hiện phẫu thuật như phẫu thuật laser, cắt đốt trị liệu, phẫu thuật nội soi và các thủ thuật khác.


BS.CK2 Dương Văn Mười Một
Phó trưởng khoa Phẫu thuật tim - Lồng ngực mạch máu, BV Nhân dân 115

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X