Hotline 24/7
08983-08983

Một số kiến thức cơ bản liên quan đến điều trị các bệnh ung thư

Kết hợp nhiều phương pháp để giảm nhẹ sự thống khổ của bệnh nhân. Hiện nay trong các bệnh viện ung thư có khoa chuyên chăm sóc giảm nhẹ.

1. Những điều cần lưu ý trong điều trị ung thư

Trước tiên, cần hiểu rằng Điều trị ung thư, Điều trị bệnh ung thư, Phục hồi sức khỏe cho người bệnh ung thư, và kiểm soát bệnh ung thư cho cộng đồng là những khái niệm khác nhau.
Điều trị ung thư là chỉ nói đến điều trị tế bào, khối u (bướu ung thư) với các phương hướng và vũ khí điều trị chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn dưới đây.

Điều trị bệnh ung thư là nói đến điều trị ung thư và những hệ lụy của nó.

Điều trị bệnh ung thư còn có thể thêm những công việc:

Điều trị triệu chứng (chăm sóc giảm nhẹ)

Kết hợp nhiều phương pháp để giảm nhẹ sự thống khổ của bệnh nhân. Hiện nay trong các bệnh viện ung thư có khoa chuyên chăm sóc giảm nhẹ.

Điều trị cấp cứu

Xử lý ngay các vấn đề có thể gây tử vong như nhiễm trùng, tắc mạch máu, thủng ruột,…

Điều trị hỗ trợ, bao gồm cải thiện dinh dưỡng, điều trị tâm lý, tâm linh

Các chương trình tư vấn hỗ trợ dinh dưỡng, cải thiện trạng thái tâm lý và tâm linh là một trong những đề tài quan trọng mà y tế Việt Nam còn thiếu.

Điều trị phòng ngừa để bệnh ung thư không xảy ra hoặc tái phát.

Ví dụ: hóa trị hoặc xạ trị sau mổ để giảm thiểu khả năng khối u xuất hiện lại. Nói xa hơn nữa là công tác phòng ngừa bệnh ung thư ở những người đang khỏe mạnh nhưng có yếu tố nguy cơ (như di truyền), như diễn viên Angelina Jolie đoạn nhũ (cắt vú) phòng ngừa vì thấy có nguy cơ bị ung thư vú di truyền cao.

Có những kỹ thuật điều trị không diệt trực tiếp tế bào ung thư nhưng lại không thể thiếu để điều trị một số bệnh ung thư (như cấy ghép tủy xương, nẹp cột sống trước khi xạ trị)

Phục hồi sức khỏe cho người bệnh ung thư bao gồm các phương pháp phục hồi chức năng, tập thể dục, điều trị tâm lý, cải thiện thẩm mỹ, hướng nghiệp, giáo dục sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ: tư vấn cách quan hệ tình dục cho người bị yếu sinh lý/bất lực để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Việc này cũng bao gồm cả phần giúp tái thiết cuộc sống cho bệnh nhân để giúp họ có cuộc sống thoải mái toàn diện.

Trước đây ngành Y chủ yếu tập trung vào việc điều trị bệnh ung thư, nhưng xu hướng mới của thế giới là làm thế nào để tăng cường sức khỏe, theo đúng định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội, không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh tật”.

Kiểm soát bệnh ung thư cho cộng đồng thì ngoài việc cố gắng điều trị bệnh cho tốt, người ta chú trọng công tác phòng ngừa bệnh ung thư cho người chưa mắc bệnh, thường bao gồm giáo dục sức khỏe, bảo vệ môi trường và tổ chức tầm soát thích hợp.

một số kiến thức cơ bản liên quan đến điều trị ung thư

2. Các phương pháp phổ biến trong điều trị ung thư

Trong điều trị ung thư, cần nắm 2 nội dung: phương hướng điều trị và vũ khí điều trị.

a. Phương hướng điều trị: cách thức tác động đến tế bào và khối u, thường chia ra 2 hướng

– Tiêu diệt và loại bỏ tế bào ung thư/khối u ra khỏi cơ thể. Đây là cách được mong mỏi nhiều nhất và nhân loại đã đầu tư nghiên cứu nhiều nhất.

– Hạn chế sự phát triển của ung thư: Được áp dụng khi tế bào ung thư hay khối u không thể bị tiêu diệt, phá hủy hoặc cắt bỏ hoàn toàn. Ví dụ như thắt mạch máu nuôi khối u, dùng thuốc cắt tín hiệu như nội tiết tố (hormone) cần cho sự tăng sinh tế bào ung thư, dùng thuốc chống tăng sinh mạch máu (vì ung thư lan đến đâu sẽ cần thêm dinh dưỡng và “ra lệnh” kích thích sinh mạch máu, tức các đường ống đến nuôi dưỡng đó).

b. Vũ khí điều trị:

Ba vũ khí hay cách thức điều trị ung thư chúng ta thường nghe là dùng thuốc (hóa trị), mổ cắt bỏ (phẫu thuật), và dùng tia phóng xạ (xạ trị). Kiến thức về mỗi loại vũ khí trên hiện nay được trình bày trong mỗi loại sách nặng vài ký, bởi vậy có bác sĩ chuyên sâu về mỗi loại vũ khí. Trong mỗi loại vũ khí lại có bác sĩ chuyên sâu hơn nữa vào những lãnh vực chuyên môn khác nhau, như hóa trị ung thư phổi, hóa trị ung thư đại tràng,…. Một bác sĩ ung thư chuyên khoa ung thư này chỉ biết một số kiến thức căn bản của chuyên khoa ung thư khác, bác sĩ không có chuyên khoa ung thư càng biết ít hơn và người dân ngoài ngành y lại càng biết ít hơn nữa.

Vì mỗi loại vũ khí còn nhiều hạn chế và nhiều trường hợp dùng riêng lẻ không đạt hiệu quả điều trị cao nên các bác sĩ phải phối hợp hài hòa ba vũ khí trên. Mỗi loại vũ khí đều đã và đang được đào sâu nghiên cứu, kết quả là đang có thêm nhiều thuốc mới đưa vào sử dụng, nhiều máy xạ trị và phương pháp xạ trị mới, các kỹ thuật mổ mới, cho ra những cách phối hợp hiệu quả hơn.

Riêng về hóa trị, đã có thêm những thuốc mới nảy sinh từ những ý tưởng điều trị mới. Những thuốc chống tăng sinh mạch, kháng hormone liên quan tới tăng trưởng khối u, liệu pháp nhắm đích đặc hiệu cho tế bào ung thư, hoặc liệu pháp miễn dịch giúp hệ miễn dịch nhận ra và tiêu diệt hiệu quả các tế bào ung thư đã ra đời, trong khi những liệu pháp gene đang được nghiên cứu để chuyển tế bào ác tính thành tế bào lành tính/bình thường. Dù vẫn chưa đạt được hiệu quả điều trị như mong mỏi, y học hiện đại đang tiến bộ như vũ bão và các hướng dẫn điều trị ung thư đang được cập nhật hàng năm sau khi có số liệu từ các thử nghiệm lâm sàng (trên người). Đối với một số bệnh ung thư và giai đoạn bệnh ung thư, hiệu quả điều trị hiện nay đã cải thiện hơn nhiều so với 10 năm trước. Cứ dần tiến bước, nhiều bác sĩ tin rằng hôm nay chữa giúp bệnh nhân sống thêm 5 năm, mai kia được 10 năm rồi 15 năm, và rồi sẽ đến ngày trị khỏi bệnh hoàn toàn.

3. Đẩy mạnh cá nhân hóa trong điều trị ung thư

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ung thư là một bệnh hỗn hợp gồm hơn 200 mặt bệnh khác nhau, như ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú…và từng khối u di căn trong cùng một bệnh nhân thật ra lại là một tập hợp cả triệu~tỉ tế bào với các đặc tính khác nhau. Mỗi bệnh nhân cũng có bệnh cảnh khác nhau, nên một phương pháp có thể có hiệu quả ở người này nhưng lại không hiệu quả lắm ở người kia. Đây cũng là lý do mà các thử nghiệm lâm sàng ít khi đạt được hiệu quả điều trị 100%.

Cũng vì tính hỗn tạp, không đồng nhất (heterogeneity) của ung thư mà người ta luôn thận trọng khi nhận định phương pháp này tốt hơn phương pháp kia. Các phương pháp mới khi làm thử nghiệm lâm sàng đều được yêu cầu chia bệnh nhân thành các nhóm (ví dụ, nhóm chữa bằng phương pháp mới và nhóm dùng phương pháp hiện hành) mà các yếu tố liên quan tới tiên lượng/kết quả điều trị được quân bằng để đảm bảo giảm thiểu sai sót do chọn bệnh. Có thể hình dung đơn giản, nếu không quân bằng nghiêm ngặt về Giai đoạn bệnh thì nhóm “tình cờ” có nhiều bệnh nhân giai đoạn III sẽ dễ có kết quả điều trị tốt hơn (ví dụ: sống lâu hơn) nhóm có nhiều bệnh nhân giai đoạn IV!

Ngoài giai đoạn bệnh, các yếu tố liên quan tới tiên lượng thường là tuổi tác, giới tính, đặc tính mô học (sinh thiết) khối u, vị trí và kích thước khối u/di căn, một số bệnh đi kèm,… Trong nghiên cứu khoa học, việc loại các yếu tố “làm nhiễu” (bias) đảm bảo tính khách quan khi đánh giá là rất quan trọng, chưa kể phải đạt đủ số lượng ca bệnh nghiên cứu thì kết luận mới có tính thuyết phục và có thể được ứng dụng rộng rãi.

Cần lưu ý thêm rằng các con số đưa ra từ nghiên cứu lâm sàng là chỉ số TRUNG BÌNH, tức có thể có người đạt kết quả cao hơn (hoặc thấp hơn) con số đó. Nó cũng giống như việc chọn thầy luyện thi đại học, thầy giỏi với khả năng giúp đậu đại học 90% không có nghĩa là con bạn sẽ đậu đại học. Tuy nhiên, ít ra con bạn sẽ có cơ may đậu hơn khi học ở đó, so với học ở một nơi không có số liệu hay bằng chứng gì.

Càng đi sâu vào nghiên cứu lâm sàng, người ta càng phải đối mặt với vấn đề cá nhân hóa điều trị. Cho dù thuốc mới nhìn chung có hiệu quả tốt hơn, vẫn có một nhóm bệnh nhân không đáp ứng, hoặc sau một thời gian bị lờn thuốc. Các bác sĩ và nhà nghiên cứu đang phối hợp để tìm ra nguyên nhân liên quan hoặc gây nên các kết quả đáng tiếc đó, và tiếp tục tìm tòi đưa ra vũ khí điều trị mới cho nhóm bệnh đó. Ngày càng có nhiều tiếp cận mới như giải trình tự gene (clinical sequencing) để xác định đặc điểm sinh học và di truyền của khối u liên quan tới khả năng dùng thuốc nhắm đích hay liệu pháp miễn dịch mới. Vì càng cá nhân hóa, số ca bệnh càng ít (càng khó có ai giống mình!), các quốc gia tiên tiến đang tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu cực lớn (database) chia sẻ thông tin bệnh nhân (nhưng vẫn giữ tính privacy) nhằm giúp những người bệnh mới cân nhắc tìm ra phương pháp tối ưu nhất dưới sự giúp đỡ của Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligent).

Y học phương Đông, với hệ thống triết lý riêng để luận chứng và trị bệnh cũng đã và đang tìm tòi các cách thức để cá nhân hóa và tối ưu hóa lợi ích của các vũ khí như thuốc nam, thuốc bắc, châm cứu, xoa bóp, day huyệt, khí công,… Tuy nhiên, cho tới thời điểm này Đông Y vẫn chưa thể hiện được vai trò gì trong chữa trị ung thư, chỉ đang được cân nhắc sử dụng để hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng ở một số bệnh nhân nhất định. Điều này có thể do thực tế rằng Đông Y đã không lý giải bệnh ung thư, ”cancer” theo cách của Tây Y. Y học phương Đông dựa trên triết lý phổ quát cảm tính, chứ không theo khoa học thường quy với đo đạc cụ thể và logic. Đây cũng là lý do mà cách chẩn đoán và trị bệnh vẫn chưa được “chuẩn hóa”, ngay cả giữa các bác sĩ Đông Y với nhau, và trải nghiệm của mỗi bệnh nhân không được áp dụng, chia sẻ và lan tỏa rộng rãi.

Mặc dù có một số ý kiến cho rằng “Cứ âm dương, ngũ hành thì chẳng bao giờ ra được thuốc mới và kỹ thuật điều trị mới”, nhiều nhóm nghiên cứu Đông Y đã và đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng để chứng minh tác dụng của một số thang thuốc bắc, châm cứu,…khi phối hợp cùng Tây Y. Dù những thử nghiệm lâm sàng này lại dễ rơi vào “vòng luẩn quẩn” của việc chọn bệnh không đồng nhất, chúng ta hãy cùng chờ xem việc “Đông-Tây hội ngộ” có mang lại hiệu quả gì không, và ai sẽ là người có khả năng đáp ứng tốt với các phương pháp phối hợp đó.

4. Những hiểu biết chưa chính xác về điều trị bệnh ung thư

Ung thư là một mặt bệnh mới và rất phức tạp, chỉ được chú trọng từ 30 năm gần đây. Vì vậy còn nhiều hiểu biết chưa chính xác về căn bệnh và công việc điều trị bệnh.

Lấy một ví dụ, ngoài xã hội đang lan truyền cái khái niệm và công việc gọi là “Giải độc cho cơ thể” sau hóa trị.

Hóa trị ung thư, theo nghĩa truyền thống là việc dùng các hóa chất (còn được gọi là “vô thuốc”) đã được chứng minh là có khả năng ngăn chặn, tiêu diệt các tế bào có tốc độ sinh sản nhanh như tế bào ung thư. Mặc dù cơ thể cũng có các tế bào BÌNH THƯỜNG/LÀNH sinh sản nhanh (như tế bào lót niêm mạc miệng, đường tiêu hóa,…) và chúng có thể bị ảnh hưởng bởi hóa chất, tạo nên một số tác dụng ngoại ý, việc chấp nhận dùng hóa chất là cần thiết để kiểm soát căn bệnh trong nhiều trường hợp.

Việc điều trị ung thư hiện nay đòi hỏi người bác sĩ cùng bệnh nhân cùng suy xét để quyết định hy sinh một số mặt (chịu một số triệu chứng do tác dụng ngoại ý của thuốc, ở một mức cho phép) để giành lại những lợi ích cơ bản khác cho người bệnh. Mục tiêu tối ưu là hết bệnh hoàn toàn và hồi phục sức khỏe, nhưng nhiều trường hợp thì mục tiêu là “cải thiện hiện trạng”, kéo dài thời gian sống có chất lượng tốt hoặc “sống chung với lũ” để hoàn thành một số tâm nguyện của cuộc đời trong thời gian đó.

Vì thế, ý tưởng dùng thuốc giải độc, tẩy độc đi kèm/sau hóa trị sẽ rất nguy hiểm vì chúng có thể làm mất tác dụng của thuốc hóa trị – phá hoại công việc điều trị! Có thể hỏi đơn giản là thuốc giải độc cơ thể có thể giúp tế bào ung thư sống khỏe hơn, hoặc kích thích chúng sinh sản nhanh hơn không?

Thật ra, các tế bào da, phổi của cơ thể vì tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên ông trời sinh cho chúng khả năng kháng chất độc và tia phóng xạ rất mạnh. Những tế bào gan, thận làm công việc lọc độc cho cơ thể cũng vậy. Những tế bào ung thư bắt nguồn từ Gan, Phổi, Thận, Da mà còn giữ lại được đặc tính kháng tia kháng độc trời cho, sẽ là những tế bào ung thư tạo thành bướu hay bệnh ung thư kháng thuốc và kháng xạ trị mạnh mẽ. Nếu cho thuốc giải độc vào nữa thì chẳng khác gì tiếp tay cho lũ ung thư sống tốt hơn. Người ta phải nghiên cứu những thuốc tăng độc cho hóa chất diệt tế bào ung thư, tăng nhạy xạ trị cho khối u đang xạ trị thì mình đang làm ngược lại?

Y học hiện đại đã và đang tìm ra nhiều cách để hạn chế tổn thương do hóa trị gây ra ở các tế bào lành trong cơ thể người bệnh, qua đó giảm nhẹ các tác dụng phụ do hóa trị. Một trong các tiếp cận mới đó là:

Chế ra thuốc mới tránh được hoặc ít có tác dụng ngoại ý hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Thuốc nhắm đích, liệu pháp miễn dịch,… là những phương pháp triển vọng, với cơ chế hoàn toàn khác hóa trị truyền thống đã và đang được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều loại ung thư.

Theo dõi chức năng gan thận và các yếu tố cơ thể khác để giảm lượng thuốc khéo léo. Với thuốc dễ làm suy thận thì trước khi, trong khi và sau khi hóa trị người ta luôn truyền nhiều nước giúp tránh suy thận.
   
Phối hợp nhiều hóa chất/phương pháp. Tấn công nhiều mặt cùng lúc có thể kiểm soát khối u tốt hơn với liều lượng từng thuốc ít hơn. Phối hợp hóa-xạ cũng có thể là cách để tận dụng sự tương hỗ của hai phương pháp; ví dụ, hóa trị làm khối u nhạy với tia xạ hơn.
   
Điều trị những tác dụng ngoại ý bằng nhiều phương pháp hỗ trợ: dùng thuốc chống nôn, thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc tăng sinh hồng cầu hoặc bạch cầu,…
   
Chọn lọc bệnh nhân kỹ. Dựa vào các thông tin về mô học, tuổi tác, bệnh đi kèm, biểu hiện gene/protein…để lường trước khả năng đáp ứng thuốc hoặc khả năng gặp tác dụng ngoại ý.

Dù vậy, câu chuyện “giải độc, tẩy độc” vẫn thường được các nhà buôn bán thực phẩm chức năng rao giảng lấy làm lý thuyết “khoa học” cho việc quảng bá sản phẩm. Cho nên khi nói đến “giải độc và tẩy độc” không thể không nói tiếp phần Thực Phẩm Chức Năng trong điều trị ung thư:

Ai đi bán hàng cũng phải chứng minh công dụng và hiệu quả của món hàng của mình. Các nhà sản xuất và buôn bán thực phẩm chức năng CHƯA chứng minh được công dụng chống ung thư và những chức năng khác của món hàng này.

Ai đi mua hàng cũng phải chọn hàng thực sự có công dụng đã được chứng minh. Tuy nhiên, nhiều người đi mua thực phẩm chức năng chỉ đi mua theo quảng cáo và tin đồn, không cần biết nó có công dụng hay không. Điều này chứng tỏ sự thiếu bình tĩnh, thiếu cân nhắc và thiếu khôn ngoan.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, những người bác sĩ trị ung thư đã chứng kiến hàng loạt bệnh nhân thì Thực phẩm chức năng không có công dụng chống ung thư.

– Nhiều sản phẩm chức năng khoe có công dụng tẩy độc cơ thể, nếu thực sự có công dụng này thì cũng KHÔNG NÊN dùng trong khi hóa trị vì những lý lẽ chúng tôi đã trình bày ở trên. Thực phẩm chức năng khoe có công dụng bảo vệ da, giảm biến chứng trên da do xạ trị thì không nên dùng trong lúc xạ trị vì theo nguyên lý nó có thể kích thích khối u kháng với xạ trị.

-Thực phẩm chức năng khoe có thành phần dinh dưỡng cân đối thì đây là quảng cáo không đúng trong thực tế. Bởi bệnh nhân dùng thực phẩm chức năng cân đối đó với thức ăn hằng ngày thì những thành phần thêm này có làm chế độ ăn mất cân đối không? Để bảo toàn tính cân đối thì chỉ dùng đơn độc thực phẩm chức năng, bỏ thức ăn đồ uống khác? Điều đó là hại chứ không lợi lộc gì.

Hơn nữa thực phẩm đi vào cơ thể sẽ qua nhào trộn ở dạ dày, hấp thu ở ruột, bào chế gan lọc ở gan thận,…nên thường đã biến đổi khi tới các tế bào trong cơ thể bệnh nhân do căn bệnh và do tương tác thuốc. Do đó, không có gì đảm bảo là thực phẩm chức năng phát huy tác dụng khi vào cơ thể.

– Thực phẩm chức năng khoe có tính bồi bổ cơ thể, thì như trên, chúng có thể giúp tế bào ung thư hay các khối u trong cơ thể phát triển tốt hơn. Vấn đề bồi bổ phải rất khoa học khéo léo, chúng tôi sẽ trình bày ở bài khác.

– Ai đi buôn bán cũng phải quảng cáo. Những nhà buôn bán thực phẩm chức năng sẽ quảng cáo rất khôn khéo, tinh vi nếu dùng một bài viết hầu hết có kiến thức phù hợp khoa học để che đậy một câu chữ không khoa học nhưng là then chốt cho quảng cáo. Bài sưu tầm kiến thức về điều trị của bạn Hoàng Vũ là một điển hình. Trong bài này, nội dung nhấn mạnh về nhiều điểm của y học hiện đại nhưng có nhẹ nhàng lồng ghép vào lý thuyết về “tẩy độc cơ thể”. Những người không có kiến thức sẽ vì đó lầm hiểu “tẩy độc cơ thể” đương nhiên là một kiến thức khoa học. Khi đó, họ dễ bị dẫn dắt vào bước kế tiếp với các thông tin/quảng cáo: ”Chúng tôi có sản phẩm tẩy độc cơ thể!”

Có bao nhiêu thành viên trong các nhóm “Hỗ trợ bệnh nhân ung thư” đã được chào mời các sản phẩm “tẩy độc cơ thể”, thực phẩm chức năng, nâng cao miễn dịch hay các phương pháp không chính thống qua liên lạc cá nhân PM hay inbox?

5. Ý nghĩa của việc tăng cường kiến thức về bệnh và điều trị bệnh cho mọi người

Nội dung được giới thiệu ở trên chỉ là những hiểu biết sơ khai. Nếu chỉ nắm được bằng ấy kiến thức, đối với nhà chuyên môn thì hoàn toàn không đủ, cũng gần như là chưa biết gì.

Nhưng đối với bệnh nhân và thân nhân, nếu biết được bằng đó thì cũng có thể mang lại nhiều lợi ích. Họ sẽ có thêm niềm tin vào khoa học và cẩn trọng với những thông tin và kiến thức y học không chính thống. Những kiến thức đó cũng giúp tăng cường sự phối hợp Bệnh nhân – Gia đình – Bác sĩ được tốt hơn, nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho người bệnh.

Qua nội dung này, mong rằng bệnh nhân và thân nhân cảm nhận được sự phức tạp của căn bệnh cùng với việc điều trị bệnh, và sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ để điều trị bệnh. Nên tránh việc chỉ mới hiểu biết một chút mà đã tự làm bác sĩ cho chính mình hoặc gia đình mình.

Nói tóm lại, điều trị bệnh ung thư là một công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có nhân viên y tế được đào tạo chuyên khoa bài bản, kỹ càng cùng tư vấn. Song song với đó là hoạt động nâng cao kiến thức cho người bệnh và thân nhân, giúp cho việc phối hợp Bệnh Nhân – Gia đình – Bác sĩ được nhịp nhàng mang lại kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Theo BS. Giang Phạm - Y học Cộng Đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X