Hotline 24/7
08983-08983

Một nhận định sai lầm về thuốc Đông, thuốc Tây, thuốc Nam, thuốc Bắc

Cho đến nay, nhiều người còn lúng túng trong việc phân chia thuốc Tây, thuốc Đông (hoặc thuốc ta). Thuốc Đông hay thuốc ta lại chia ra thuốc Nam và thuốc Bắc.

Do sự phân chia ấy, có người lại nói rằng, thuốc Bắc và thuốc Nam hợp với phủ tạng người Việt Nam hơn, vì thuốc Tây gốc ở hàn đới không thích hợp với dân Việt Nam. Hoặc thuốc Tây dùng toàn hóa chất nên chóng dẫn, nhưng cũng chóng hết tác dụng, không bằng thuốc ta hay thuốc Đông, dùng toàn cây cỏ, êm dịu, ít độc, và có hiệu lực lâu dài. Sự phân chia ấy không đúng với thực tế khoa học vì rằng:

Một nhận định sai lầm về thuốc Đông, thuốc Tây, thuốc Nam, thuốc BắC
Một nhận định sai lầm về thuốc Đông, thuốc Tây, thuốc Nam, thuốc BắC

1. Có nhiều vị thuốc hiện được sử dụng trong Đông y (y học cổ truyền dân tộc) và Tây y (y học hiện đại).

Ví dụ: Hạt mã tiền của Đông y được Tây y dùng với tên Nux vomica hay Noix vomique, Cam thảo trong Đông y được dùng trong Tây y với tên Glycyrrhiza hay Racine de réglisse, vị Lô hội của Đông y được Tây y dùng với tên Aloès, vị Ô đầu hay Phụ tử trong Đông y được Tây y dùng với tên Radix a conitii, vị Nhân ngôn trong Đông y được Tây y sử dụng với tên Arsenic… Những vị thuốc ấy, nguồn gốc nhiệt đới có, hàn đới có, thảo mộc có, hóa chất có, lấy ở bộ phận con vật cũng có.

2. Nhiều vị thuốc nhân dân ta vẫn coi như thuốc gia truyền thì ở một số nước khác người ta coi như một vị thuốc được chính thức công nhận và được sử dụng phổ biến như trước đây vị Vỏ rễ xoan chữa giun đũa, giun kim ở nước ta được coi là một đơn thuốc bí truyền của lương y Ngô Văn Lân tức Lộc Hà - Hà Nội thì Vỏ rễ xoan đã được công nhận là một vị thuốc chính thức ghi trong dược điển của Mêhicô không rõ từ năm nào. (Dược điển hay Dược thư là một bộ sách ghi chép những vị thuốc được chính thức lưu hành trong một nước).

3. Đọc một cuốn Dược điển (Codex) của một nước châu Âu, châu Mỹ, ta thấy những vị thuốc nguồn gốc châu Phi, châu Mỹ, châu á, châu Âu… vậy ta không nên dùng nơi sản xuất hay nơi vị thuốc được sử dụng mà phân chia ra nhiều thứ thuốc. Ta phải nói rằng tất cả những chất gì có nguồn gốc cây cỏ, động vật hay khoáng vật dùng để phòng hay chữa bệnh đều là thuốc.

Sở dĩ sự nhận định sai lầm ấy còn tồn tại trong nhiều người, chính vì các hình thức thuốc Tây và thuốc ta (hay thuốc Đông) nhất là trong những năm gần đây, đến nay người sử dụng khác nhau quá nhiều: thuốc Tây thường được đến tay người bệnh hoặc là những ống thuốc tiêm hay uống, đựng trong những chai thủy tinh trong suốt hay những viên con nhộng… còn thuốc Đông hầu hết chỉ là những gói gồm những mẩu rễ, mẩu thân, lá, hạt hay quả (thang thuốc) khi đem về phải sắc và cô, uống vào có mùi vị đặc biệt… Nếu không phải một nhà chuyên môn về dược, thực cũng khó mà phân biệt được, dưới hình thức khác nhau ấy, mọt tính chất dược lý chung dùng để chữa bệnh. Hình thức khác biệt ấy không phải do thuốc khác nhau, mà chỉ là do cách bào chế và nguyên lý sử dụng khác nhau. Vậy ta phải nói rằng: thuốc chỉ có một, nhưng phương pháp bào chế và sử dụng có hai:

- Thuốc bào chế và sử dụng theo phương pháp cổ truyền dân tộc (thuốc Đông hoặc thuốc dân tộc).

- Thuốc bào chế và sử dụng theo phương pháp hiện đại (hay thuốc Tây).

Một số vị thuốc mà hiện nay chỉ có Đông y sử dụng, còn Tây y chưa dùng, sau một thời gian nghiên cứu có thể cũng được sử dụng trong cả Đông và Tây y. Ngay cả những danh từ thuốc Nam, thuốc Bắc cũng không thể được hiểu theo nghĩa địa lý hẹp hòi như hiện nay: thuốc Nam là những vị thuốc sẵn có hay được trồng, nuôi ở Việt Nam, còn thuốc Bắc là những vị thuốc hiện còn phải nhập của Trung Quốc (TQ). Hiểu như vậy, chúng ta sẽ rất lúng túng khi gọi vị Sinh địa (và Thục địa) trước năm 1955 còn phải nhập của TQ là thuốc Bắc, còn từ sau 1955 là thuốc Nam vì đã trồng, thu hoạch, chế biến và sử dụng ở Việt Nam. Hay cùng một vị Quả giun (Sử quân tử) mọc và thu hoạch sử dụng ở Việt Nam là thuốc Nam, còn cũng vị ấy nhưng nhập của TQ là thuốc Bắc. Vị Ô đầu (Phụ tử), Hoàng liên mọc hoang dại và thu hoạch ở núi Hoàng Liên Sơn của Việt Nam (VN) nhưng không thấy sử dụng, chế biến ở VN mà xuất sang TQ rồi nhập vào VN biến thành vị thuốc Bắc. Nếu ta hiểu thuốc Bắc là thuốc nhập của TQ thì thực tế hiện nay, chúng ta nhập của TQ không riêng các vị thuốc Đương quy, Bạch truật, Hoàng kỳ… mà nhập cả những thuốc hóa dược Penicillin, Aspirin, Cafein… nhưng có bao gìơ chúng ta gọi  Penicillin, Aspirin… của TQ là thuốc Bắc? Mà chỉ gọi là thuốc Bắc những vị Đương quy, Bạch truật, Bạch thược, Hoàng kỳ… Ngay ở VN ta thôi, có Hoa hòe, Thanh hao hoa vàng… là thuốc Nam, nhưng Rutin chiết từ Hoa hòe, Artemisinin chiết từ Thanh hao hoa vàng lại được xếp vào thuốc Tây, chứ không ai gọi Rutin, Artemisinin… là thuốc Nam cả, mặc dầu sản xuất từ những cây cỏ mọc ở VN.

Nói tóm lại, chúng ta đã quá quen trongviệc phân chia những thuốc đang lưu hành trong nước ta thành ra thuốc Tây còn gọi là tân dược và thuốc Đông hay thuốc Đông y có khi còn gọi là Đông dược, trong thuốc Đông lại còn chia ra làm thuốc Nam và thuốc Bắc. Chúng ta nên hiểu lại một cách chính xác, khoa học như sau: Chỉ có một loại thuốc, nhưng hai cách bào chế và sử dụng khác nhau:

Thuốc bào chế và sử dụng theo YHCT ta gọi là thuốc Đông hay thuốc Đông y, thuốc Y học cổ truyền. Mỗi nước, mỗi dân tộc có một nền Y học cổ truyền khác nhau.Thuốc bào chế và sử dụng theo Y học hiện đại (ta vẫn quen gọi là thuốc Tây hay thuốc Tây y).

Chúng ta sẽ có dịp so sánh hai phương pháp chữa bệnh và bào chế sử dụng thuốc của hai nền y học, cổ truyền và hiện đại, để hiểu và thực hiện phương châm: kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại.

Theo Cây thuốc quý

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X