Hotline 24/7
08983-08983

Móng chân bị "bay" mất, phải xử lý thế nào AloBacsi?

BS Tố Uyên hướng dẫn cách xử lý khi bị bay móng chân và tư vấn về: thay khớp gối nhân tạo, tiểu buốt, u tuyến ống loạn sản nhẹ ở ruột, thủ dâm đồng tính nam có lây HIV?...

BS.CK1 Nội tổng quát Võ Thị Tố Uyên - BV Nguyễn Tri Phương
Nội dung tư vấn của BS Tố Uyên với bạn đọc AloBacsi

- Trần Đức Hùng - Hà Tĩnh

Chào BS,

Tôi là nam giới năm nay 30 tuổi. Dạo này tôi liên tục bị đau ở vùng đầu gối và gót chân thỉnh thoảng lại thấy nóng ran nữa.

Đặc biệt là đầu gối dạo này tôi thấy hình như yếu đi và không có sức và liên tục phát ra tiếng kêu mỗi khi tôi co hay gập đầu gối lại.

Tôi rất hoang mang va co đi khám nhưng BS lại nói không có vấn đề gì nhưng thực sự tôi rất đau khi đi lại vận động.

Mong BS trả sớm trả lời câu hỏi giùm tôi để giúp tôi có phương pháp điều trị, chúc BS luôn luôn khoẻ mạnh ạ. Cảm ơn ạ!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn Hùng,

Đau vùng gối khi đi lại, có tiếng kêu nhẹ khi gập duỗi có thể là dấu hiệu của thoái hoá khớp gối.

Đây là tình trạng hư hại dần dần của lớp sụn khớp khiến cho việc cử động khớp không còn dễ dàng.

Ở giai đoạn trễ hơn, thỉnh thoảng bệnh nhân hay có những đợt tràn dịch khớp gối làm gối sưng to, khiến bệnh nhân cử động gập duỗi gối khó khăn, nhất là gập gối hay có cảm giác bị căng tức. Bệnh nhân sẽ chuyển từ trạng thái chỉ đau khi đi nay chuyển sang đau vào ban đêm và sưng khớp gối.

Bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng một số cơ địa đặc biệt có thể bị sớm hơn như béo phì, chấn thương khớp gối, biến dạng khớp gối bẩm sinh…

Bạn nên khám BS chuyên khoa Cơ xương khớp để BS thăm khám trực tiếp, chỉ định chụp phim giúp chẩn đoán xác định bệnh và điều trị bạn nhé


- Nguyễn Thị Ng. - Hà Nội

Tôi bị tiểu buốt từ rất lâu. Đã chữa nhiều đợt theo đơn của BS viêm đường tiết niệu bằng kháng sinh, không đỡ. Đã làm xét nghiệm nước tiểu cấy vi khuẩn. Kết quả âm tính.

Xin được tư vấn và điều trị. Xin cảm ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Nguyên nhân tiểu buốt thông thường nhất là nhiễm trùng tiểu, ở mỗi lứa tuổi, giới tính, cơ địa sẽ có hướng tiếp cận và điều trị khác nhau.

Bạn vui lòng cung cấp thêm các thông tin trên kèm theo hình chụp các toa thuốc và xét nghiệm đã làm để BS tư vấn cụ thể hơn, bạn nhé!


- Đinh Thị Hằng - Đăk Lăk

Bệnh u tuyến ống loạn sản nhẹ ở ruột cách điều trị như thế nào ạ? Có phải phẫu thuật không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn Hằng,

Polyp là một khối mô phát triển vào trong lòng đại tràng. Bản chất polyp thường là lành tính nhưng cũng có những trường hợp tổn thương ác tính phát triển từ những polyp sẵn có và những polyp này cần được phát hiện, cắt bỏ sớm.

Polyp dạng tuyến là polyp tạo thành từ loại mô tương tự như mô lót bên trong lòng đại tràng, có 2 dạng polyp tuyến là polyp tuyến ống và polyp tuyến nhung mao, một số loại polyp có dạng hỗn hợp. Polyp tuyến ống thường có kích thước nhỏ và ít có nguy cơ chuyển thành ác tính hơn.

Loạn sản là thuật ngữ giải phẫu bệnh mô tả đặc điểm tính chất của polyp này có giống ung thư hay không. Polyp có rất ít những đặc điểm giống ung thư được xem là loạn sản nhẹ.

Mặc dù với những tính chất trên, khối polyp được xem là ít có nguy cơ ung thư, nhưng cần biết thêm thông tin về kích thước khối polyp, số lượng polyp trong khung đại tràng… để xác định xem bao lâu nữa bạn cần phải nội soi lại kiểm tra. Vấn đề này bạn nên hỏi trực tiếp BS nội soi, bạn nhé!


- Lê Thị Diễm - tdiem…@gmail.com

Chào BS,

Tháng 5/2016, em thấy vùng quanh cổ bị phình to nên đi khám ở BV và kết quả như sau:

- Xét nghiệm máu:

+ FT3: 2.13

+ FT4: 0.72

+ TSH: 21.463

- Siêu âm: hình ảnh cường giáp

+ Thùy phải: cao 50mm, dày 18mm, ngang 24mm; chủ mô đồng dạng, không u, không nang

+ Thùy trái: cao 50mm, dày 20mm, ngang 26mm; chủ mô 02 thùy mất đồng dạng; không thấy hạch vùng cổ hai bên.

Em có uống lyvothyroxin để điều trị trong 1 tháng. Sau đó đến tháng 9/2016, em có đi khám lại và kết quả như sau:

- Xét nghiệm máu:

+ FT3: 3.09

+ FT4: 2.26

+ TSH: 3.11

- Siêu âm: hình ảnh cường giáp

+ Thùy phải: cao 50mm, dày 13mm, ngang 18mm

+ Thùy trái: cao 49mm, dày 11mm, ngang 20mm; chủ mô 02 thùy kém đồng dạng; eo giáp dày 2.9mm; không thấy hạch vùng cổ hai bên.

Lúc này BS không cho thuốc điều trị.

Đến tháng 11/2016, em có đến khám tại phòng khám

- Xét nghiệm máu:

+ FT3: 3.37

+ FT4: 1.23

+ TSH: 3.430

- Siêu âm: hình ảnh cường giáp

+ Thùy phải: cao 44.8mm, dày 13.1mm, ngang 21.2mm; chủ mô không đồng dạng, không tăng sinh mạch máu

+ Thùy trái: cao 49mm, dày 15.1mm, ngang 22.8mm; chủ mô không đồng dạng, không tăng sinh mạch máu; eo giáp dày 3.3mm; không hạch vùng cổ hai bên.

Theo dõi phình giáp

Từ đó đến nay, em không khám và uống thuốc. Hiện tại, em thấy vùng quanh cổ vẫn phình to nên mong BS cho ý kiến về tình trạng bệnh của em. Em nên đi khám ở đâu và điều trị như thế nào?

Em chân thành cảm ơn BS.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Diễm thân mến,

Tình trạng hiện tại của em là một bướu giáp đơn thuần, không có dấu hiệu nghi ngờ ung thư và cũng chưa tăng thêm kích thước trên siêu âm.

Em không cần điều trị gì trong giai đoạn này, chỉ cần tái khám theo dõi 6 tháng để kiểm tra chức năng tuyến giáp và kích thước khối phình giáp.

Ngoài ra em cũng nên hạn chế ăn nhiều các loại cải thảo, sản phẩm từ đậu nành và bổ sung thêm iod để hạn chế sự tăng thêm kích thước của khối phình, em nhé!


- Nhật Hạ - TPHCM

Chào BS,

Cách đây 2 tuần, em có bị đau cơ 1 bên tại cổ bên phải, thường cơn đau nhức buốt gây đau đầu mất ngủ khó chịu xuất hiện vào mỗi buổi sáng sớm khi thức dậy, trong ngày cơn đau bớt dần đến chiều tối. Hiện tượng này xảy ra liên tục trong vòng 1 tuần.

Sau 1 tuần, em đi chụp Xquang: kết quả bình thường. Em có đi điện châm bằng phương pháp y học cổ truyền 3 lần và uống thuốc Mobic 7.5mg - Myonal 50mg - Omeprazole 20mg trong vòng 5 ngày thì cơn đau vào mỗi buổi sáng vẫn không hết nhưng có thuyên giảm, vẫn bị căng cơ nhưng không tới nỗi buốt gây đau đầu.

Em cảm thấy vẫn không được như bình thường. Vậy BS cho em hỏi: em có nên tiếp tục dùng thuốc đó không? Nếu có thì dùng trong khoảng bao lâu nữa hay em phải thay thế thuốc khác?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Trước tiên cần làm rõ nguyên nhân đau cơ của em và điều chỉnh thì bệnh mới không tiến triển.

Em nên xem lại giường ngủ, chiều cao gối, chất liệu gối và tư thế nằm ngủ để tránh đau cơ cổ vào buổi sáng.

Hiện tại em nên tiếp tục uống các thuốc BS kê đơn để giảm đau và tập xoay cổ nhẹ nhàng khi có thể.


- Duy H. - nguyenle…@gmail.com

Em có một nguy cơ muốn trình bày với BS,

Em là nam có cùng với một bạn nam thủ dâm cho nhau. Ban đầu tụi em tự thủ dâm cho mình sau đó bạn đó xuất tinh và tinh dịch có thể dính lên tay sau đó bạn ấy dùng tay đó thủ dâm cho em. Cho em hỏi em có nguy cơ nhiễm HIV trong trường hợp này không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Về nguyên tắc, nếu tinh dịch của bạn kia dính vào vết thương hở trên người em thì em có nguy cơ nhiễm HIV. Tuy nhiên, khả năng em có vết thương hở, trầy xước ở dương vật ở thời điểm đó không cao, chưa kể bạn em chưa chắc là đã bị HIV (điều này em cần tìm hiểu).

Do đó, em cũng không nên quá lo lắng. Nếu không yên tâm về sức khoẻ của mình, em có thể đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, em nhé!


- Nguyễn Thị Huyền - Hà Tĩnh

Chào BS,

Cháu năm nay 19 tuổi. Khoảng 1 năm trở lại đây cháu hay bị dị ứng thời tiết. Mẩn đỏ mọc ở bụng, tay, mặt và 4 mùa cháu đều bị như vậy.

Cách đây 6 ngày cháu tự ý đi tiêm kháng sinh ở phòng khám tư. Sau khi tiêm cháu bị nổi mẩn ở tay, mặt, bụng, chân nên cháu tìm gặp BS đã tiêm cho cháu.

Ông ấy lại tiêm cho cháu 2 mủi nữa. Cháu có hỏi thì ông ấy bảo tiêm canxi. Nhưng sau khi tiêm 2 mũi đó. Người cháu nổi mẩn khắp người và mặt dày đặc. Và rất ngứa.

Đến bây giờ là 6 ngày nhưng vẩn không đỡ là mấy. Ông ấy có kê cho cháu đơn thuốc gồm vitamin C, canxi D. Telfor. Và bảo cháu đi viện xét nghiệm máu. Nếu BS hỏi thì bảo đã tiêm Dimedron. Dipropan. Sol. Nhưng lại không nhắc đến canxi.

Vậy cho cháu hỏi co phải cháu bị dị ứng thuốc không ạ? Và bây giờ cháu phải làm gì để những mẩn đỏ ở mặt và người biến mất. Mong BS tư vấn giúp cháu với ạ. Cháu xin cảm ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em Huyền,

Những thuốc BS đã tiêm cho em lúc sau là các thuốc kháng viêm để điều trị dị ứng. Nhưng do em không mô tả rõ triệu chứng ở da (có ngứa, đau rát gì không), cũng không có hình ảnh sang thương nên BS chưa thể nói được em bị dị ứng hay nổi mẩn do bệnh lý nhiễm trùng gây nên.

Em nên khám chuyên khoa Da liễu để tiếp tục chẩn đoán và điều trị, em nhé!


- Ngô Bá Nhất - TPHCM

Tôi năm nay 26 tuổi. Thời gian trước hay bị tình trạng là: khi ngồi khoanh chân một thời gian 5-10p, lúc dứng dậy chân trái đau mỏi, không đứng được, phải duỗi chân một lúc thì đi lại bình thường. đi siêu âm khớp và chụp Xquang gối thì BS nói bình thường.

Một thời gian thì không lặp lại trường hợp trên. Nhưng 2-3 ngày đây lại lặp lại nhưng bị nhẹ không như lần trước. Cho tôi hỏi như vậy là bị vấn đề gì ạ? Tôi cảm ơn.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn Nhất,

Khi ngồi khoanh chân, máu tĩnh mạch bị ứ trệ, thần kinh cảm giác ngoại biên bị chèn ép gây ra cảm giác tê chân.

Đây là hiện tượng hết sức bình thường mà ai cũng bị. Bạn chỉ cần thay đổi tư thế ngồi cho thoải mái, không ngồi tréo chân, không ngồi xổm, thỉnh thoảng nên đứng dậy đi lại cho máu huyết lưu thông.

Tư thế ngồi lâu hoặc đứng lâu 1 chỗ cũng không tốt cho sự hồi lưu tĩnh mạch ở chân, dễ dẫn đến nguy cơ suy van tĩnh mạch về sau nên bạn cũng cần hạn chế. Thân mến!


- Phạm Văn Phúc - phamvanphuc…@gmail.com

BS cho em hỏi em hay bị đau ở thắt lưng đau xương mông xương gối và xuống bàn chân là bênh gì ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Phúc thân mến,

Dấu hiệu đau của em có thể liên quan đến chèn ép rễ thần kinh ở vùng thắt lưng. Nếu có tiền sử đau lưng từ lâu, em nên khám Cơ xương khớp hoặc khám chuyên khoa Thần kinh nếu triệu chứng mới xuất hiện để tìm nguyên nhân và điều trị, em nhé!


- Bạn đọc Hoàn - Đăk Nông

Chào BS, em muốn hỏi BS về bệnh lao phổi.

Người thân em bị bệnh lao phổi lần đầu cách đây 1 năm (lao âm tính), xét nghiệm đàm và máu đều không có vi trùng lao, được BS chẩn đoán lao điều trị phác đồ 10 -12 tháng.

Chị em uống thuốc đều đặn 9 tháng thì ngưng thuốc. Bây giờ được 1 năm nhưng hay bị đau vùng ngực trái, bị vài ngày rồi hết, rồi mỗi khi chuyển trời lại bị, cảm giác nhói ở ngực và lan ra cánh tay trái, và cũng rất hay bị mệt, cảm giác như hạ huyết áp.

Không biết có phải do bị hạ đường huyết hay bị gì mà hay mệt, chị em rất sợ bị lao tái phát.

Em muốn hỏi BS có phương pháp nào có thể biết được chính xác bị lao mà xét nghiệm đàm âm tính?

Làm sao có thể biết được liệu chị em bị tổn thương do lao cũ hay lao tái phát, nếu như đàm không có vi trùng lao?

Tại sao phát đồ điều trị của chị em ở lần đầu tận 10 -12 tháng trong khi đó chỉ có 6-8 tháng?

Em cảm ơn BS rất nhiều.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em Hoàn,

Tổn thương lao có thể thấy được trên Xquang phổi. Ở bệnh nhân có di chứng phổi do lao trước đó, nếu không thể xác định lao mới hay lao cũ, có thể chẩn đoán bằng thử đàm, cấy đàm tìm lao hoặc nội soi phế quản lấy dịch rửa làm xét nghiệm.

Ngay cả khi mọi thứ đều âm tính, nếu vẫn nghi ngờ bệnh lao nhiều BS sẽ cho điều trị thử, nếu triệu chứng cải thiện thì khả năng cao là bị lao.

Hiện nay chương trình chống lao quốc gia đưa ra phác đồ điều trị lao là 6 tháng, một vài trường hợp lao nặng, kháng thuốc thì mới tăng thêm thời gian. Do không rõ chị em điều trị ở đâu nên em cần tới trực tiếp địa chỉ khám chữa bệnh này để hỏi rõ lý do.

Trường hợp của chị em có triệu chứng không điển hình của bệnh lao. Em nên khuyên chị đến BV để khám tổng quát kiểm tra sức khoẻ, tìm nguyên nhân bệnh.


- Phúc Sơn - Đà Nẵng

Chào BS,

Cách đây hai hôm con có dắt xe máy không cẩn thận để chân chóng quẹt qua ngón chân cái và bay móng gần như là hoàn toàn.

Xong mẹ con cắt bớt rồi sát trùng bằng oxy già, đổ thuốc đỏ và rắc thuốc kháng sinh vào vết thương, hiện tại cũng như vậy.

BS cho con hỏi làm vậy có sao không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Phúc Sơn thân mến,

Vết thương của em nếu được chăm sóc rửa vết thương hàng ngày, băng bằng gạc y tế tránh nhiễm trùng, bụi bẩn thì sẽ mau chóng lành, móng cũng sẽ mọc lại nếu giường móng vẫn còn.

Em chỉ cần rửa bằng nước muối, sát trùng vùng xung quanh với cồn hoặc Povidine chứ không nên đổ trực tiếp Povidine hay thuốc đỏ, kháng sinh vào vết thương.

Ngoài ra em cũng nên đến BV để tiêm ngừa uốn ván, em nhé!


- Nguyễn T. Huy - Hà Nam

Cháu chào BS,

Cháu tên là Huy, năm nay cháu 30 tuổi cháu cao 1m67, cân nặng 50kg. Cháu muốn hỏi BS và rất mong BS giải đáp thắc mắc giúp cháu ạ.

Câu hỏi: một bên ngực phải của cháu xuất hiện một cục to khoảng bằng đầu ngón tay cái nằm ở chính giữa núm vú, cháu bị hiện tượng này cách đây 3-4 năm rồi, bình thường thì không đau nhưng khi sờ vào ấn mạnh hoặc bóp mới thấy hơi đau.

Và thỉnh thoảng trở giời mới thấy hơi ngứa vùng ngực bên phải, không phải ngứa trực tiếp ở đầu núm vú.

Hiện tại núm vú cháu vẫn bình thường và cũng không thấy có giấu hiệu tấy đỏ và loét bên cạnh. Vì vậy cháu muốn hỏi BS là cháu bị bệnh gì, rất mong BS giải đáp giúp cháu ạ. Cháu cảm ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em Huy,

Với một khối u xuất hiện đã lâu, không có triệu chứng gì và không tăng thêm kích thước thì ít nghĩ là khối u ác tính. Thông thường đó là các bướu bã lành tính, thường không cần điều trị hoặc có thể giải quyết bằng tiểu phẫu đơn giản.

Em có thể đến các BV từ tuyến quận trở lên để khám và có hướng xử trí, em nhé!


- Duc Hoang - hoangvanduc…@gmail.com

Xin chào BS,

Bố em bị thoái hóa 2 khớp gối đã lâu, đi khám ở nhiều nơi như TPHCM, BV Bà Rịa - tỉnh BRVT các BS đều tư vấn phải mổ để thay khớp gối nhân tạo mới đi lại được.

BS cho giúp gia đình em lời khuyên ạ. Tỷ lệ mổ thay khớp gối nhân tạo để đi lại được thành công công cao không BS? Em xin cảm ơn BS ạ!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Khớp gối nhân tạo thường làm bằng hợp kim của kim loại.

Chỉ định thay khớp gối khi bệnh nhân bị thoái hoá khớp gối, hư hại quá nhiều không còn sử dụng được nữa, gây đau đớn khi đi lại, hạn chế vận động khớp gối mà không đáp ứng với điều trị khác.

Sau khi thay khớp bệnh nhân có thể hồi phục vận động như bình thường.

Thay khớp gối cũng có một số chống chỉ định, sẽ do BS gây mê hội chẩn và đánh giá khi nhập viện. Khớp nhân tạo có tuổi thọ 10-15 năm, khi đó sẽ phải phẫu thuật thay lại, nên thường không khuyến cáo cho người trẻ.

Sau mổ thay khớp gối nhân tạo vẫn có thể xảy ra các biến chứng như nhiễm trùng, khớp bị đặt sai, trục chân không được thẳng trục, mất gập hay duỗi gối, lỏng khớp gối nhân tạo… Nhưng những tai biến này ít gặp và còn tuỳ thuộc vào tay nghề của BS phẫu thuật cũng như uy tín của cơ sở y tế. Thân mến!

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X