Hotline 24/7
08983-08983

Môn thể dục thể thao nào phù hợp với bạn?

Quá bận rộn với công việc, lo toan gia đình và các mối quan hệ xã hội làm cho chúng ta quên luôn cả việc chăm sóc bản thân. Vì thế hoạt động thể chất của con người giảm sút rất nhiều, đặc biệt là giới trẻ.

Lựa chọn ngay trước khi quá muộn!

Stress (căng thẳng) ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại, được các chuyên gia y tế xem là kẻ giết người thầm lặng và đang trở thành vấn nạn toàn cầu. Quá bận rộn với công việc, lo toan gia đình và các mối quan hệ xã hội làm cho chúng ta quên luôn cả việc chăm sóc bản thân.

Vì thế hoạt động thể chất của con người giảm sút rất nhiều, đặc biệt là giới trẻ. Tỷ lệ những người trẻ tuổi hoạt động thể thao dưới mức tối thiểu đang tăng lên từng ngày. Chăm sóc sức khỏe đôi khi từ những điều rất đơn giản chứ không cần phải đợi đến khi có nhiều thời gian và tiền bạc.

Hãy chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để làm “vũ khí chống lại bệnh tật”, trước khi quá muộn.

1. Bơi lội

Lợi ích của bơi lội?

Bơi lội là một hình thức thể dục, vận động toàn thể và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Khi bơi sẽ vận động từ đầu đến chân, hơn nữa có hiệu năng mát-xa tự nhiên tốt nhất, có thể thúc đẩy tuần hoàn máu của hệ thống huyết quản toàn thân, làm tăng tiêu hao mỡ, thúc đẩy sự phát triển của cơ bắp của chân tay, bụng, đùi, lưng… tăng cường công năng cơ quan nội tạng, đề cao sức đề kháng của cơ thể, thực hiện quá trình giảm béo nhẹ nhàng, thoải mái.

Vì thế bơi lội giúp phòng ngừa viêm khớp, giúp giảm cân, có lợi cho hô hấp, tốt cho tuần hoàn và giúp giải tỏa áp lực, stress một cách hiệu quả.

Những đối tượng nào tập bơi lội?

Bơi lội là môn thể thao thích hợp với mọi lứa tuổi, điều quan trọng là duy trì lịch sinh hoạt và tập luyện thường xuyên thì sẽ cho kết quả tốt.

Những đối tượng nào không nên tập bơi lội?

- Người bị động kinh: Vì bệnh này thường lên cơn đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, dễ gây đuối nước.

- Người bị mắc một số bệnh lý tim mạch mà khả năng gắng sức hạn chế như tim bẩm sinh, thông liên thất, thông liên nhĩ… thì không nên bơi lội gắng sức.

- Người bị dị ứng nước hồ bơi hay bệnh lý da thì không nên tập bơi vì có thể nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.

Tập bơi lội như thế nào?

Thông thường một người bắt đầu tập bơi, các huấn luyện viên sẽ hướng dẫn tuần tự các bước: tập thở dưới nước, tập đạp chân, kết hợp đạp chân và thở nước, kết hợp đạp chân - thở nước và kéo tay (quạt tay). Sau khi thực hiện thuần thục các động tác thì sẽ được học nhiều kiểu bơi khác nhau. Trung bình một người tập khoảng 12-15 buổi sẽ biết bơi thuần thục.

Các nghiên cứu cho thấy: việc bơi đều đặn 30 phút đến 60 phút/ngày rất tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

2. Tập Yoga

Lợi ích của Yoga?

Yoga cho phép một người thư giãn bằng phương pháp thiền định và áp dụng tư thế cụ thể cho việc luyện tập để khỏe mạnh và thư giãn. Tập yoga hàng ngày còn là liệu pháp tuyệt vời để phòng và chữa bệnh, tăng cường sức khỏe.

Các bài tập yoga có những tác dụng như: ngăn ngừa các bệnh về xương khớp (giảm đau lưng, đau cổ, đau vai, đau nhức các khớp); Cải thiện khả năng hoạt động của phổi, ổn định đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường; giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Những đối tượng nào tập Yoga?

Có thể bắt đầu tập luyện Yoga ở bất cứ độ tuổi nào và tập luyện tới hết cuộc đời. Hãy yên tâm rằng Yoga luôn có các mức độ luyện tập khác nhau và sẽ luôn có những sự lựa chọn hợp lý nhất dành cho mỗi người.

Những đối tượng nào không nên tập Yoga?

Những người bị đau dạ dày, chảy máu dạ dày, cao huyết áp, từng bị nhồi máu não… phải hết sức cẩn thận khi tập luyện, nếu có biến chứng nào cần dừng tập và xử lý ngay.

Có những động tác khá nguy hiểm như động tác bánh xe, trồng cây chuối đặc biệt không tốt cho người bị cao huyết áp, động tác vặn, xoắn dồn lực vào khoang bụng và dạ dày nguy hiểm với những người có dạ dày bị tổn thương.

Tập Yoga như thế nào?

Lời khuyên đầu tiên và quan trọng mà các chuyên gia khuyên bạn để tập yoga đúng cách đó là bạn cần có người hướng dẫn tập yoga để việc tập các tư thế được đúng và hiệu quả nhất nhằm bảo vệ sức khỏe của bạn.

Tập luyện yoga thông thường gồm 05 bước bao gồm: Thiền - Khởi động - Tập các asana (các động tác) - Xoa bóp và thư giãn. Người tập cần phải tuân theo đúng quy trình những bước này để tập được yoga đúng cách.

Việc luyện tập yoga cần sự chậm rãi, cẩn thận và chính xác trong từng động tác, từng tư thế để việc luyện tập có hiệu quả. Sau buổi tập nếu tập đúng cách, bạn sẽ thấy đầu óc thanh thản, cơ thể nhẹ nhàng.

3. Đạp xe

Lợi ích đạp xe?

Đạp xe có nhiều tác dụng rất tốt cho cơ thể như hình thành cơ bắp, tăng cường sức khỏe tim mạch, tăng tuần hoàn máu, giảm stress. Nó là cách vận động nhẹ nhàng nhưng không kém phần hiệu quả trong việc rèn luyện thể chất.

Thường xuyên đạp xe đạp giúp tăng cường cơ chân, các khớp hông và khớp gối. Đạp xe đạp cũng tăng cường cơ tay và nói chung cải thiện chức năng cơ của cơ thể.

Khi đạp xe, tim sẽ đập nhanh hơn tốc độ bình thường, giúp thúc đẩy tim khỏe mạnh vì tim bơm máu nhanh hơn giúp cải thiện tình trạng của tim. Những người đạp xe mỗi ngày ít có khả năng bị huyết áp cao.

Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và mức đường huyết. Đạp xe đạp mỗi ngày sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đây là một trong những cách tốt nhất để kiểm soát lượng đường huyết. Đạp xe đạp mỗi ngày trong hơn 30 phút sẽ giảm 40% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Đạp xe là một cách tốt để loại bỏ chất béo không mong muốn khỏi cơ thể. Đạp xe đạp là tập thể dục cơ đùi và cũng làm tăng tỉ lệ trao đổi chất, do đó làm giảm béo bụng.

Những đối tượng nào tập được?

Từ trẻ em cho đến người cao tuổi, ai cũng có thể đi xe đap để có sức khỏe tốt hơn.

Tập như thế nào?

Nếu xác định tập luyện để rèn luyện sức khỏe, tăng cường dẻo dai thì bạn có thể tập luyện với xe đạp tập thể dục tại nhà hoặc đạp xe ngoài trời trong khoảng thời gian 30 phút mỗi ngày và tập từ 3 tới 5 buổi mỗi tuần.

BS Phạm Thanh Vũ - Phụ trách Khoa Ngoại Chấn Thương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X