Hotline 24/7
08983-08983

Mối liên quan giữa stress và tăng huyết áp

Khi xảy ra stress, cơ thể bạn sản sinh ra một lượng lớn các hormone, và đây là thủ phạm chính gây gia tăng huyết áp đột ngột.

Stress là một tác nhân có thể gây gia tăng huyết áp một cách nhất thời và tự phát. Các đỉnh huyết áp này xuất hiện và mất đi trong khoảng thời gian tương đối ngắn, và các bằng chứng hiện tại chưa cho thấy mối liên kết giữa stress kéo dài và nguy cơ gây tăng huyết áp thực sự.

Tuy nhiên, tập luyện và kiểm soát stress trong cuộc sống đóng vai trò khá quan trọng trong chiến lược điều trị tăng huyết áp. Ở một số bệnh nhân, việc tập luyện, thay đổi chế độ ăn cùng với kiểm soát stress một cách phù hợp thậm chí có thể giúp bệnh nhân đó tránh khỏi việc phải sử dụng các thuốc điều trị tăng huyết áp.

Stress là một tác nhân có thể gây gia tăng huyết áp một cách nhất thời và tự phát.
Stress là một tác nhân có thể gây gia tăng huyết áp một cách nhất thời và tự phát. Ảnh: Internete

Stress và các thách thức trong điều trị tăng huyết áp

Khi xảy ra stress, cơ thể bạn sản sinh ra một lượng lớn các hormone, và đây là thủ phạm chính gây gia tăng huyết áp đột ngột, thông qua việc gia tăng lưu lượng tuần hoàn, cũng như gây co thắt mạch máu.

Chưa có bằng chứng nào cho thấy, stress đơn độc có thể gây ra tăng huyết áp. Nhưng stress lại có thể dẫn tới các thói quen có hại khác, bao gồm phản ứng thái quá, rượu bia và mất ngủ. Các hệ quả do stress gây ra, như rối loạn lo âu, trầm cảm, lối sống cô lập khỏi cộng đồng xung quanh, có thể là nguy cơ dẫn tới tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch khác. Mặt khác, các hormone sản sinh ra mỗi khi gặp stress cũng có thể gây tổn thương hệ thống thành mạch và từ đó gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, trong đó có tăng huyết áp.

Cuối cùng, sự căng thẳng quá mức trong cuộc sống có thể khiến bệnh nhân bộc phát các hành vi bất cần và nguy hại, ví dụ như chối bỏ việc tuân thủ điều trị.

Nguy cơ tăng huyết áp gia tăng theo thời gian

Mức gia tăng huyết áp trong các cơn stress có thể khá cao. Nhưng khi các yếu tố gây stress không còn hiện diện, huyết áp của bạn sẽ nhanh chóng quay về mức bình thường. Tuy nhiên, nếu các đỉnh gia tăng huyết áp này xuất hiện một cách thường xuyên, nó rất dễ gây tổn thương đến các cơ quan đích, như mạch máu, tim và thận, tương tự như cơ chế gây tổn thương cơ quan đích trong bệnh lý tăng huyết áp.

Thêm vào đó, nếu bạn tìm đến rượu, bia, thuốc lá hoặc các loại đồ ăn nhanh, nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành và đột quỵ của bạn cũng tăng lên đáng kể.

Kiểm soát stress giúp làm giảm mức huyết áp

Kiểm soát stress không trực tiếp làm giảm huyết áp, mà nó tác động gián tiếp thông qua việc cải thiện chất lượng cuộc sống và thay đổi lối sống. Hãy nhớ rằng, bạn có vô số cách khác nhau để tự mình kiểm soát chúng. Không nhất thiết phải gò bó mình vào một phương thức cụ thể nào cả, miễn là phương thức bạn lựa chọn phù hơp để bạn có thể áp dụng trong một khoảng thời gian dài. Dưới đây là một số ví dụ:

- Đơn giản hóa lịch trình. Nếu bạn luôn cảm thấy lịch làm việc của mình chật kín, hãy dành ra vài phút để xem lại lịch trình và các công việc cần làm. Hãy tìm ra những thứ ít quan trọng nhưng lại tiêu tốn quá nhiều thời gian của bạn. Xem xét việc giảm tải, hoặc thậm chí cắt bỏ luôn chúng.

- Thư giãn nhịp thở. Thở chậm và sâu luôn có tác dụng thư giãn và giảm stress một cách đáng kể.

- Tập luyện. Đây là cách giảm stress tự nhiên nhưng lại khá hữu dụng. Nếu bạn đã được chẩn đoán tăng huyết áp, hãy nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng các hình thức tập luyện định lựa chọn.

- Yoga và thiền. Không chỉ làm giảm stress và gia tăng sức bền cơ thể, yoga và thiền đã được chứng minh là có thể làm giảm huyết áp tâm thu xuống tới 5mmHg.

- Ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ có thể làm bạn trầm trọng hóa mọi thứ, từ đó gây ra các stress không đáng có.

- Mục tiêu của bạn là tìm ra những gì thực sự phù hợp với mình. Hãy phá bỏ các rào cản sẵn có và sẵn sàng trải nghiệm. Lựa chọn các chiến lược phù hợp, bắt tay vào hành động, kết quả tích cực rồi sẽ sớm đến với chính bạn và cơ thể của bạn.

Theo Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X