Hotline 24/7
08983-08983

Miền Trung hứng chịu mùa đông bất thường

Miền Trung đang trải qua một mùa đông quá bất thường: trời xanh ngắt, nắng gay gắt, mưa lắt nhắt, công sở phải chạy máy lạnh, các hồ chứa nước đều khô cạn.

Mùa đông là mùa khô ở hai đầu đất nước, nhưng là mùa mưa ở miền Trung. Mở đầu mùa là những trận mưa lớn gây ngập lụt, kéo dài từ khoảng tháng 9 đến tháng 11.

Sau đó, thời tiết chuyển lạnh do gió mùa đông bắc và không khí lạnh phía Bắc tràn về, tạo nên những cơn mưa dầm và rét mướt. Điển hình cho hình thái thời tiết này là Huế, xứ sở của mưa, nơi có lượng mưa cao nhất nước. Nhưng mùa đông năm nay đã khác.

Mùa đông mà phải chạy máy lạnh

Đến giữa tháng 12 mà cánh đồng ở huyện Quảng Điền, vùng thấp trũng nhất của Thừa Thiên - Huế, cỏ vẫn mọc xanh rờn, khác hẳn với hình ảnh nước ngập trắng đồng như mọi năm.

Tại các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ (Quảng Điền), nhiều cánh đồng vẫn cạn nước, nông dân tranh thủ ra đồng cày ải để dập cỏ dại.

Giữa mùa đông nhưng người dân Huế khi dừng trước đèn đỏ phải chọn bóng râm để tránh nắng.
Giữa mùa đông nhưng người dân Huế khi dừng trước đèn đỏ phải chọn bóng râm để tránh nắng

Ông Nguyễn Văn Phong, ở làng Tây Thành (Quảng Thành) đang cày máy trên đồng, than vãn: “Cả năm không có một trận lụt. Mùa đông mà nắng chang chang. Ruộng đồng khô cạn, cỏ mọc đầy, chuột và sâu bọ sinh đẻ dữ lắm. Mùa tới cách chi chuột cũng chạy khắp đồng”.

Trên cánh đồng rau xã Quảng Thành, nông dân vẫn hì hục tưới rau dưới cái nắng gay gắt. Tại các điểm dừng đèn đỏ trên đường phố Huế, nhiều người chen nhau dừng xe ở chỗ có bóng cây để tránh nắng - hình ảnh chỉ nhìn thấy vào những trưa hè.

Ngày 17/12 trời trở rét nhưng ngày 22/12 trời nắng trở lại, các công sở ở Huế lại phải chạy máy lạnh. Đêm Giáng sinh trăng sáng vằng vặc, đi chơi nửa đêm mà đổ mồ hôi.

Thời tiết mùa đông năm nay ở miền Trung quá bất thường, nền nhiệt cao và không có mưa lũ. Đây là hệ quả của hiện tượng El Nino đang thời kỳ hoạt động mạnh nhất trong vòng 60 năm qua.

Thời tiết bất thường như năm nay đã làm đảo lộn những cân bằng vốn có của tự nhiên, sẽ phát sinh nhiều vấn đề xấu về môi trường, nguy cơ dịch bệnh và dẫn đến những hệ lụy rất xấu, tác động trực tiếp đến đời sống người dân.

ThS Trương Đình Trọng (Phó chủ nhiệm khoa địa lý địa chất - Trường đại học khoa học Huế).


Ruộng đồng không có lũ lụt thì sâu bệnh, chuột và cỏ dại phát triển mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến mùa vụ tới.

Trước tình hình các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh chỉ mới tích được 50% dung tích, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các hồ thủy điện chỉ xả nước về hạ du bằng lượng nước về hồ nhằm duy trì dòng chảy sinh thái, đồng thời cung cấp một phần nước cho vụ mùa đông xuân.

Nhưng không chỉ vụ đông xuân, ông Phước lo ngại rằng vụ hè thu năm 2016 cũng sẽ thiếu nước, khô hạn, nông dân phải đối mặt với nguy cơ mất mùa.

Chống hạn giữa mùa mưa

Tại Quảng Nam, đã đến mùa gieo sạ mới nhưng ruộng đồng vẫn khô nước. Lão nông Nguyễn Bình (xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) phải be bờ chờ tích thêm nước từ hồ chứa thủy lợi về để xuống giống.

Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Bình phải thuê bò cày ải vì thiếu nước cày bằng máy không hiệu quả.

“Đời làm nông tôi chưa thấy năm mô mà mùa đông chỉ có vài đợt mưa nhỏ giọt như năm nay” - ông Bình than thở.

Du khách trong trang phục quần áo mùa hè dạo chơi trong đêm mùa đông trên đường Trần Hưng Đạo, TP Huế (ảnh chụp lúc 21g ngày 27-12).
Du khách trong trang phục quần áo mùa hè dạo chơi trong đêm mùa đông trên đường Trần Hưng Đạo, TP Huế (ảnh chụp lúc 21h ngày 27/12)

Ông Võ Văn Điềm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, cho biết ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đang áp dụng triệt để những biện pháp nhằm ứng phó với tình trạng hạn hán.

Ngay từ đầu năm, sở đã có những phương án ứng phó, đồng thời xây dựng riêng một kế hoạch chống hạn để báo cáo Bộ NN&PTNT.

Khuyến cáo nông dân chọn các loại giống ngắn ngày để gieo sạ, thời điểm bắt đầu vụ đông xuân cũng sớm hơn (từ đầu tháng 12) để tận dụng tối đa nước mưa. Các hồ đập thủy lợi đều hạn chế tối đa việc xả nước sớm, khuyến cáo nông dân tiết kiệm nước.

Từ giữa mùa mưa (tháng 11) cả tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc chống hạn, không chỉ cho vụ đông xuân mà cả vụ hè thu năm 2016.

Ông Lê Đa Sơn, Chi cục Thủy lợi và phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Trị, cho biết đơn vị đã liên tục đi kiểm tra tình hình hạn hán và các phương án chống hạn tại các địa phương - một hoạt động thường chỉ diễn ra trong vụ hè thu.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình, cho biết tỉnh này đã triển khai chống hạn từ cuối tháng 9/2015. Ngay trước mùa mua bão mà tỉnh đã triển khai tích nước tất cả các hồ chưa, trong khi mọi năm thời điểm này phải tháo nước các hồ để đón lũ.

Vậy mà đến tháng 12, các hồ chứa lớn ở phía Bắc tỉnh vẫn mới chỉ tích được hơn 50% dung tích thiết kế.

 Mọi năm vào tháng 12, nước hồ Liệt Sơn (Quảng Ngãi) đã xả qua đập tràn, năm nay nước thấp hơn đập tràn đến 6m.
Mọi năm vào tháng 12, nước hồ Liệt Sơn (Quảng Ngãi) đã xả qua đập tràn, năm nay nước thấp hơn đập tràn đến 6 m

“Chúng tôi tính toán vụ hè thu 2016 sẽ phải chuyển 1.600 ha đất trồng lúa sang trồng hoa màu vì thiếu nước. Nếu từ bây giờ không triển khai ngay các biện pháp tiết kiệm nước thì hơn 4.000 ha ở các huyện phía bắc Quảng Bình sẽ phải đối diện với hạn hán nặng”, ông Khoa nói.

Còn tại Quảng Ngãi, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh này, cho biết trước tình trạng hồ đập thiếu nước nghiêm trọng thì phương án chống hạn phải đặt lên hàng đầu.

Các huyện phải theo dõi sát lượng nước ở các hồ để chỉ đạo xuống giống vụ lúa mới sớm hơn dự kiến.

Thiếu nước trầm trọng

Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, cho biết tất cả các hồ chứa nước của tỉnh đến thời điểm giữa tháng 12 chỉ mới tích được 30-55% dung tích.

Đợt không khí lạnh hôm 17/12 gây mưa nên nước có cải thiện phần nào, nhưng một số hồ vẫn mới đạt 60% dung tích. Hồ Liệt Sơn (xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ) là một trong hai hồ chứa nước lớn nhất của Quảng Ngãi đến thời điểm cuối tháng 12 mới tích được 50%.

Suốt hai tháng qua, cán bộ trạm khai thác thủy nông số 6 (huyện Đức Phổ), đơn vị quản lý và khai thác hồ Liệt Sơn, phải quan sát mực nước ở hồ từng ngày.

Ông Phạm Quốc Vương, cán bộ trạm, cho biết hai năm 2013 - 2014, vào cuối tháng 10 hồ đã phải xả tràn vì nước đã tích đủ.

Nhưng năm nay đã đóng cửa hồ từ tháng 8 mà đến cuối tháng 10 (cao điểm mùa mưa) nước cũng chỉ tích được 9 triệu m3.

Ông Huỳnh Thế Cương, trưởng trạm khai thác thủy nông số 6, cho biết với lượng nước hiện có thì tiết kiệm cũng chỉ đủ cung cấp cho vụ đông xuân, còn vụ hè thu chắc chắn thiếu nước.

Sau Quảng Ngãi là Quảng Trị, các hồ chứa nước đều đang khô cạn. Ông Lê Đa Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống bão lụt tỉnh Quảng Trị, cho biết toàn tỉnh Quảng Trị có 18 hồ thủy lợi từ loại vừa trở lên, đến thời điểm giữa tháng 12 thì 14 hồ lớn mới đạt mức tích nước 60% dung tích.

Hồ Trúc Kinh (Gio Linh) là hồ chứa thủy lợi lớn nhất tỉnh với dung tích 39 triệu m3 nhưng chỉ tích được 61% dung tích.


Theo Ng.Linh - Q.Nam - Tr.Mai - Tr.Trung - Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X