Hotline 24/7
08983-08983

Mexico và những góc khuất đằng sau cơn địa chấn trước Đức

Chiến thắng 1-0 trước đội đương kim vô địch World Cup đang làm người Mexico sung sướng tột độ, nhưng nó không phản ánh đúng thực chất của nền bóng đá ở quốc gia Trung Mỹ này.

Mexico có một đội tuyển quốc gia giàu tiềm năng, trên nền tảng giải VĐQG giàu chất lượng, nhưng chưa bao giờ tiến xa ở đấu trường World Cup


Bóng đá là cuộc chơi của các ông trùm

Mexico chưa từng vào đến bán kết World Cup, dù họ là nơi đầu tiên đăng cai đến hai kỳ đại hội, và cả hai đều được xem là những ngày hội hay nhất trong lịch sử bóng đá thế giới. Mexico có một giải vô địch quốc gia hay bậc nhất khu vực Mỹ Latin, nên nếu không sang châu Âu, hầu hết những sao số của Nam Mỹ đều tề tụ ở đây. Họ cũng có những cầu thủ chơi bóng mà chất kỹ thuật không hề kém Brazil, CĐV  thì nói về bóng đá suốt ngày. Nhưng nhìn lại, bóng đá Mexico vẫn chỉ là kẻ thất bại... khi không thể chiến thắng chính mình và tồn tại vô số điều kỳ lạ.

Trong cuốn tự truyện My Story, Sven Goran Eriksson bảo toàn bộ nền bóng đá Mexico được nắm giữ bởi một vài ông chủ giàu có của các CLB. Thế nên mới có chuyện Eriksson phải báo cáo hàng tuần không phải với Liên đoàn bóng đá Mexico (FMF), mà là nhà riêng của các ông chủ CLB. Đã quen với cách làm việc chuyên nghiệp của người châu Âu, HLV người Thụy Điển mệt mỏi vì phải giải trình tại sao đội tuyển phải đá thế này, vì sao phải đá thế kia. Rất phức tạp, và thế là chỉ sau vài tháng, cuộc hôn nhân ấy kết thúc trong lặng lẽ (năm 2008).

Eriksson từng phải rời đi vì không thể thích nghi với văn hóa bóng đá ở Mexico


Bóng đá ở Mexico là hơi thở của người dân, ai nắm được huyết mạch tinh thần ấy, kẻ đó sẽ chiến thắng trên thương trường. Chính vì vậy, giải vô địch quốc gia Mexico Liga MX quy tụ 18 đội bóng, nhưng đấy lại là cuộc chiến khốc liệt giữa những tập đoàn kinh tế hùng mạnh. Cũng vì thế mà các ông chủ CLB chi phối luôn cả FMF. Theo Eriksson, FMF chỉ là bình phong, bởi mọi quyết sách sống còn của bóng đá Mexico đều được thông qua bởi giới chủ giàu có.

Vì nắm quyền lực trong tay, giới tài phiệt đưa ra những luật lệ của riêng họ, mà đến FIFA cũng ngán ngẩm. Như vấn đề chuyển nhượng chẳng hạn, với luật ngầm “Pacto De Cabaleros” của các bố già, đố cầu thủ nào dám chuyển sang đội khác khi hết hợp đồng. Cũng chỉ ở Liga MX mới có chuyện một ông chủ sở hữu đến vài ba đội bóng, mà không ai thấy... bất thường. Như Leon hay Pachuca chẳng hạn, cả hai đội đều thuộc sở hữu của tỷ phú Carlos Slim, trong khi siêu tập đoàn của ông - Groupo Salinas có hai đội khác là Morelia và Atlas.

Tài năng và những mâu thuẫn

Năm 2005, giải U17 thế giới diễn ra ở Peru, và đất nước Mexico sục sôi theo từng chuyển động của giải đấu, khi sắc áo El Tri làm nổ tung cầu trường của người Inca bằng thứ bóng đá đậm chất hoa mỹ và cống hiến, với vai trò đầu tàu của Giovanni Dos Santos và khả năng làm bàn tinh diệu từ Vela. Trong trận chung kết, họ hủy diệt Brazil của Marcelo, Renato Augusto và Anderson tới  ba bàn không gỡ. Thế hệ Dos Santos, Vela trở về nhà với sự kỳ vọng sẽ nối tiếp vinh quang của thế hệ của Hugo Sanchez, Rafael Marquez. Nhưng hiện tại, ở tuổi chưa đầy 30, họ đành chấp nhận nghỉ hưu sớm ở MLS.

Chức vô địch U17 thế giới năm 2005 đã làm hư cả thế hệ tài năng trẻ mà Mexico tạo ra


Tám đội bóng trong bảy năm, đó là thống kê về Dos Santos kể từ ngày anh rời Barca, nghĩa là đội bóng nào anh cũng chỉ gắn bó chưa đầy một năm. Xét về logic, nếu không có sự ổn định về mặt nghề nghiệp thì cầu thủ rất khó tiến bộ về chuyên môn. Như năm 2008, lẽ ra nên ở lại La Liga để tiếp tục hoàn thiện bản thân, anh tìm đến Tottenham theo tiếng gọi của Juande Ramos, để rồi phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị khi Harry Redknaap lên nắm quyền.

Dos Santos quá yếu về thể lực để cạnh tranh ở Ngoại hạng Anh, và thời gian ra sân quá ít góp phần làm thui chột sự phát triển của một cầu thủ trẻ. Sai lầm nối tiếp sai lầm, sau Tottenham, Dos Santos tiếp tục chuyển đến Ipswich Town hay Galatasaray, những nơi thay vì bồi dưỡng, lại góp phần hủy hoại tài năng chơi bóng của "Tiểu Ronaldinho". Những phút lóe sáng cùng Villarreal sau này là quá trễ để vực dậy một Dos Santos vốn đã cạn kiệt đam mê. Năm 2015, chán nản với bóng đá châu Âu, anh lui về ở ẩn tại LA Galaxy.

Với Carlos Vela, trước World Cup 2014, người hâm mộ Mexico tá hỏa khi biết tin anh năn nỉ xin HLV Miguel Herrera cho... ở nhà vì không đủ động lực thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Thay vào đó, bóng rổ và âm nhạc là đam mê của chân sút này. Năm 2016, Vela từng ngang nhiên bỏ tập ở Sociedad chỉ để kịp đến liveshow của Chris Brown tại Madrid. Dù anh đá rất hay ở xứ Basque, ai cũng thấy đam mê chơi bóng của Vela vơi dần theo năm tháng. Hè 2017, anh sẵn lòng rời Real Sociedad để đầu quân cho Los Angeles FC, bất chấp chuyện phải ngồi chơi xơi nước hơn nửa năm, vì mãi tới tháng 2/2018, đội bóng này mới thi đấu ở MLS.

Nhìn nhận về thất bại của cả hai tài năng lớn nhất Mexico trong 10 năm qua, báo chí Mexico cho rằng nguyên nhân cũng rất quen thuộc rằng cả hai bị ngợp bởi chính thành công của họ từ năm 17 tuổi. Dos Santos được gọi là Ronaldinho mới ở Barca, mà tầm cỡ ấy, rất khó để anh chịu lui bước để thi đấu ở Segunda hay một đội bóng làng nhàng ở La Liga để phát triển. Với Vela, sự cưng chiều quá mức của người Mexico khiến anh tự phụ rằng, bản thân đã ở vị thế của huyền thoại cỡ... Hugo Sanchez, và không cần phải phấn đấu quá nhiều cho sự nghiệp.

“Các cầu thủ Mexico chơi bóng vô cùng kỹ thuật, nhưng cái thua của họ là tâm lý yếu và kỷ luật rất nghiệp dư”, Eriksson nhận xét. Chính những điều này đã vùi dập một nền bóng đá có đủ tiềm năng, cả về vật chất lẫn con người, để vươn đỉnh thế giới.

Chiến thắng của Vela và đồng đội trước ĐKVĐ Đức giúp Mexico khởi đầu ấn tượng World Cup, nhưng nó không đảm bảo cho Mexico một giải đấu thành công

Hiện tại Mexico sở hữu thế hệ hay nhất trong lịch sử, nhưng kết hợp thế nào và làm sao để khơi dậy khao khát và đam mê trong họ là điều mà rất nhiều HLV trước Juan Carlos Osorio đã bất lực. Vì thế, khi chứng kiến cảnh Vela tả xung hữu đột, tham gia phòng ngự trước Đức ở trận ra quân World Cup năm nay, nhiều người hẳn đã kinh ngạc khi rốt cuộc điều người Mexico cần bao năm qua đã đến.

Nhưng liệu HLV Osorio có thể kéo dài khí thế, nhiệt huyết ấy cho các học trò ở El Tri bao lâu? Bởi xét thực tế, trận thắng Đức chỉ được xem là hiện tượng đem lại niềm vui nhất thời cho người hâm mộ Mexico, chứ chưa chắc sẽ phản ánh sự chuyển biến về bản chất của cả nền bóng đá.

Theo Anh Tuấn - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X