Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ thiên nhiên đang nổi giận với người Việt như thế nào?

Những hiện tượng vốn dị thường, được miêu tả bằng những cụm từ như 'kỷ lục', 'bất thường', 'chưa từng có'… nhưng càng ngày càng xảy ra nhiều.

Cá chết hàng loạt dọc biển miền Trung

Những ngày qua, người dân sinh sống ven biển các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên - Huế đang chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ chưa từng thấy.

Nhiều loại cá biển, trong đó có những loại rất hiếm khi đánh bắt được, nay bỗng nhiên lừ đừ rồi chết trôi dạt vào bờ với số lượng lớn. Không chỉ thế, cá nằm trong khu vực ao nuôi của nhiều hộ dân ven biển cũng bị ảnh hưởng.

Cá chết hàng loạt. Ảnh: Giadinh.net.Cá chết hàng loạt. Ảnh: Giadinh.net.

Càng hoang mang hơn khi theo cán bộ y tế ở Quảng Bình, liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt, đã có một số người dân địa phương phải đến trạm y tế để điều trị.

Những người này trong lúc hiếu kỳ đi xem cá chết, họ phát hiện có nhiều con cá đuối đang bơi lờ đờ sát bờ nên lao ra bắt thì không may bị gai của nó đâm phải, dẫn đến tay chân sưng đỏ, đau nhức, ngứa ngáy khó chịu.

Rồi có bé gái 8 tuổi phải nhập viện vì ngộ độc do ăn cá chết…

Lo lắng, bất an và thật đáng báo động khi cá chết không chỉ ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của nhiều hộ dân mà nó đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.

Theo giải thích ban đầu của cơ quan chức năng, cá chết hàng loạt là do yếu tố gây độc trong môi trường nước. Dưới tác động của dòng hải lưu, nguồn nước ô nhiễm từ KCN Vũng Áng (Hà Tĩnh) bị đẩy vào phía Nam gây nên hiện tượng cá chết.

Hóa chất, nước bẩn… đang len lỏi khắp mọi nơi, cuối cùng thì cũng chỉ có con người tự hại nhau và hại cả thiên nhiên, môi trường sống.

ĐBSCL lao đao vị hạn hán lịch sử

Cùng thời gian này, khu vực ĐBSCL và Tây Nguyên ở nước ta cũng đang phải hứng chịu đợt hạn hán khốc liệt.

Một vị 'tướng lĩnh' đầu ngành nông nghiệp sau khi trở về từ chuyến công tác dài ngày ở các tỉnh phía Nam đã phải thốt lên rằng, hơn 100 năm qua chưa có trận khô hạn nào khốc liệt như thế.

Hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra trên phạm vi 13/13 tỉnh thành ở ĐBSCL, có nơi nước mặn vào sâu trong đất liền gần 100km, số người dân ở ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt lên tới hàng trăm ngàn người, có tỉnh bị nước mặn bao vây cô lập hoàn toàn.

Người dân ở Khánh Hòa vét nước dưới con suối để sử dụng. Ảnh: Người lao động.Người dân ở Khánh Hòa vét nước dưới con suối để sử dụng. Ảnh: Người lao động.

Đến cả một tờ báo ở nước ngoài (Forbes) hôm qua cũng đã đăng tải bài viết về hạn hán ở miền Nam nước ta, cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về tác động của hạn hán, không chỉ với đời sống người dân, mà còn là vấn đề an ninh quốc gia, an ninh khu vực.

Theo đó, các tác động của hạn hán đến con người và kinh tế đang ngày càng nghiêm trọng.

Ước tính gần nửa triệu hộ gia đình thiếu nước uống và đang trải qua tình trạng thiếu lương thực. Thậm chí hạn hán có thể khiến tăng trưởng GDP dự kiến của năm nay giảm 1 điểm phần trăm ở Việt Nam.

'Mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và xung đột khu vực rất phức tạp. Chỉ riêng biến đổi khí hậu khó có thể tạo ra xung đột, thế nhưng khi kết hợp với các mối đe dọa an ninh khác vốn đã tồn tại từ trước, thì nó hoàn toàn có thể châm ngòi một cuộc xung đột giữa các quốc gia', tờ báo nhận định.

Nắng nóng bất thường ở cả 2 miền Bắc - Trung

Những đợt nắng nóng gay gắt đã xảy ra ở miền Bắc và miền Trung nước trong năm 2015 khi các kỷ lục liên tục bị phá vỡ.

Khu vực 'chảo lửa' miền Trung liên tục hứng chịu nắng nóng trên diện rộng, với nền nhiệt có lúc lên tới 42,7 độ C, vượt giá trị lịch sử trước đó là 41,5 độ, nhiều diện tích hoa màu của bà con ở huyện Con Cuông (Nghệ An) gần như mất trắng.

Nắng nóng khiến mặt đường chảy nhựa ở Hà Tĩnh. Ảnh: Vnexpress.Nắng nóng khiến mặt đường chảy nhựa ở Hà Tĩnh. Ảnh: Vnexpress.

Tại Hà Nội, nhiệt độ ngoài trời đo được trong những ngày nắng gay gắt lên tới gần 50 độ C, thậm chí có thể nấu chín thịt và trứng.

Nắng nóng kỷ lục kéo dài khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Có nơi, người dân phải soi đèn ra ruộng cấy ban đêm để tránh nóng.

Lạnh giữa mùa hè ở Sa Pa

Năm ngoái, trong lúc các địa phương đang quay cuồng giữa nắng nóng thì nhiệt độ Sa Pa (Lào Cai) đột ngột giảm sâu xuống còn 12,6 độ C vào sáng ngày 6/7.

Đây được coi là hiện tượng hiếm thấy xuất hiện giữa mùa hè oi bức trong suốt hàng chục năm qua.

Sa Pa trong ngày rét đột ngột giữa mùa hè. Ảnh minh họa.Sa Pa trong ngày rét đột ngột giữa mùa hè. Ảnh minh họa.

Dù đã quen với không khí giá lạnh nhưng cái rét hơn 12 độ xuất hiện bất ngờ giữa những ngày hè khiến chính người dân nơi đây và du khách phải ngỡ ngàng.

Đánh giá về điều này, các chuyên gia khí tượng thủy văn Việt Nam cho rằng đây là hiện tượng dị thường do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra.

Quảng Ninh hứng chịu đợt mưa lũ lớn nhất trong 40 năm

Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm ngoái, miền Bắc đã phải trải qua những ngày mưa lũ kinh hoàng gây ngập lụt nhiều tỉnh, thành phố khiến 27 người thiệt mạng, 6 người mất tích, 40 người bị thương, thiệt hại vật chất không thể nào kể xiết.

Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Ninh xảy ra đợt mưa lũ lớn nhất trong 40 năm, gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ bùn nghiêm trọng làm 17 người thiệt mạng, ngành than tê liệt.

Chỉ trong 9 ngày, ở Cửa Ông ghi nhận lượng mưa kỷ lục - khoảng 1.500mm.

Theo đánh giá chuyên gia khí tượng, mưa lũ kỷ lục tại Quảng Ninh là bất thường vì đang khô hạn đột ngột chuyển sang mưa lớn.

Cuồng phong ở Hà Nội

Chiều 13/6/2015 ở Hà Nội xảy ra trận dông lốc kinh hoàng đè chết 2 người đi đường, làm nhiều người khác bị thương và khiến khoảng 1.300 cây xanh bị bật gốc, gãy đổ, đè lên nhà cửa cùng các phương tiện giao thông trên đường phố.

Thủ đô Hà Nội tan hoang sau trận cuồng phong kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ.

Trận cuồng phong ngày 13/6/2015 gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại Thủ đô. Ảnh: VnExpress.Trận cuồng phong ngày 13/6/2015 gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại Thủ đô. Ảnh: VnExpress.

Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng, trận cuồng phong này có cường độ tương đương với gió bão cấp 9, một số nơi có thể đạt cấp 10 (89 - 102km/h) và cực kỳ hiếm gặp.

Ngay cả ông Lê Thanh Hải, Phó TGĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ, cũng cho biết: 'Bản thân tôi suốt 30 năm ở Hà Nội chưa từng chứng kiến một cơn dông nào mạnh đến thế'.

Thế đấy, người Việt đang liên tục chứng kiến những kỷ lục không đáng có. Là thiên nhiên bất thường hay là vì 'người mẹ' này đang nổi giận với chính những hành động tàn phá tự nhiên của chúng ta: từ chặt phá rừng đến xả rác, nước thải, hóa chất độc hại ra môi trường…

GS.TS khoa học Nguyễn Đức Ngữ, GĐ Trung tâm Công nghệ khoa học Khí tượng thủy văn và môi trường, từng bàn về vấn đề này và cho rằng:

Nếu chúng ta cứ tiếp tục tàn phá môi trường sống thì trong tương lai, chúng ta không chỉ đối mặt với những hiện tượng thời tiết cực đoan đơn lẻ, mà có thể đối phó với hình thái thời tiết nguy hiểm kép như mưa lớn kết hợp với bão, mưa lớn kết hợp với triều cường, nước biển dâng do bão, gió mạnh.

Khi ấy, mức độ nguy hiểm còn tăng lên nhiều lần.

Theo Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X