Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ nạn nhân chất độc da cam: 'Tôi hy vọng con sẽ chết trước'

Suốt 20 năm qua, mỗi đêm, Nguyen Thi Tai uống bốn viên thuốc trắng trước khi lên giường để có thể ngủ mà không đau đớn.

Những viên thuốc giảm đau và chống động kinh được trợ cấp cho người phụ nữ 32 tuổi bị tổn thương não và loạn dưỡng cơ do ảnh hưởng của chất độc da cam.

"Nếu không uống thuốc, nó sẽ thức cả đêm, khóc lóc và đập đầu vào tường", bà Tran Thi Gai 58 tuổi, mẹ của Tai, cho biết. Bốn trong 8 đứa con của bà Gai gặp vấn đề sức khỏe liên quan đến chất độc da cam. Cả gia đình sống tại căn nhà tồi tàn ở xã Cam Tuyền, tỉnh Quảng Trị, với mức trợ cấp chưa đầy 700.000 đồng mỗi tháng.

Bà Tran Thi Gai là người chăm sóc chính cho con gái Nguyen Thi Tai bị tổn thương não và loạn dưỡng cơ do chất độc da cam. Ảnh: Khairul Anwar.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam, khoảng ba triệu người Việt ra đời sau năm 1975 gặp các khuyết tật bẩm sinh liên quan đến chất độc da cam. Họ cần thuốc và phục hồi chức năng nhưng khó tiếp cận dịch vụ y tế, dẫn tới phải dùng thuốc giảm đau không kê đơn thay thế. Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho thấy chỉ trong bốn năm, doanh số thuốc giảm đau tại Việt Nam tăng gần 80%, từ 76,1 triệu USD năm 2014 lên 135,4 triệu USD năm 2018. Hầu hết người bị ảnh hưởng chất độc da cam sống ở nông thôn không thể bỏ thuốc giảm đau giá rẻ, khiến các bác sĩ lo ngại về rủi ro lâu dài.

Quảng Trị là một trong những vùng tập trung nhiều nạn nhân chất độc da cam nhất với 15.000 trường hợp trên số dân 650.000 nhưng cơ sở vật chất và nhân lực y tế chưa đủ đáp ứng. Chưa kể, bệnh viện thường ở quá xa. Với nhiều gia đình có con là nạn nhân chất độc da cam, đến bệnh viện là thử thách quá lớn. Bà Tran Thi Nghiem, 56 tuổi, ở làng Bảng Sơn không dám đưa con trai Tran Van Hung 18 tuổi đến cơ sở y tế vì bệnh viện gần nhất cách nhà họ 10 km. Hung nằm liệt giường do tổn thương não nghiêm trọng, không thể nói hoặc nhai.

"Tôi ngày càng già mà bệnh của con ngày một nặng", bà Nghiem nói. "Đưa thằng bé đi tắm cũng rất khó rồi, nói gì đi viện".

Tại làng Phương An cách đó không xa, bà Le Thi Bich, 70 tuổi, cùng chồng là Nguyen Van Loc, 75 tuổi, sống với mức trợ cấp 500.000 đồng từ nhà nước. Họ kiếm thêm chút tiền nhờ bán gà và lá chè trong vườn. Hai trong số ba người con của bà Bich và ông Loc đã qua đời, để em trai Nguyen Van Thong, 32 tuổi, bị tổn thương não nghiêm trọng cho bố mẹ chăm sóc. Vợ chồng bà Bich không đủ tiền đưa Thong đến bệnh viện cách nhà 20 km nên đành mua thuốc cho con, gồm ba loại thuốc ổn định thần kinh và bốn loại giảm đau hòng kiểm soát những cơn co giật.

"Vất vả lắm", bà Bich nói. "Tôi hy vọng con sẽ chết trước tôi để tôi không lo lắng chuyện gì sẽ xảy ra với nó khi tôi qua đời".

Trong giai đoạn 1961-1971, chiến dịch Ranch Hand của quân đội Mỹ phun khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ xuống 2,63 triệu ha diện tích miền Nam Việt Nam, trong đó chất độc da cam/dioxin chiếm khoảng 60%.

Khi tiếp xúc với cơ thể, chất độc da cam xâm nhập trực tiếp vào da, các tổ chức dưới da; tổ chức phần mềm, đặc biệt là mô mỡ và mô liên kết; máu, sữa, hệ thống nội tiết, cơ quan sinh sản. Chất độc cũng xâm nhập vào gan, phổi, các tổ chức thần kinh ngoại vi và trung ương...

Trên cơ thể người, dioxin gây nhiễm độc tế bào sinh sản gây vô sinh, sảy thai, dị dạng và các rối loạn về kiểm soát sinh sản, sinh ung thư. Các loại ung thư có liên quan đến dioxin bao gồm ung thư phần mềm, ung thư máu, các ung thư đường hô hấp như thanh quản, khí phế quản, đa u tủy, tuyến tiền liệt, ung thư nhau, bàng quang, gan... Nhiều tổ chức quốc tế đã đầu tư và hợp tác với Việt Nam để nghiên cứu về dioxin và ung thư. Kết quả đều tìm thấy mối liên quan giữa ung thư gan, u lympho, phần mềm, ung thư nhau thai với dioxin.

Theo Minh Nguyên - VnExpress/SCMP

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X