Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ đơn thân nuôi con 1.2 kg thành cậu bé tài năng

Suốt 6 năm qua, bà mẹ trẻ ở Hà Nội kiên trì với từng bữa ăn của cậu con trai sinh non chỉ để mong con tăng được vài lạng.

Tony tình cảm, ga lăng và yêu mẹ

6 tuổi, cậu bé Tony (Bùi Hoàng Thiên Ân) có cơ hội góp mặt trong một chương trình thời trang danh tiếng dành cho trẻ em. Trên sàn catwalk, Tony khoác lên mình bộ cánh phong cách, tự tin sải bước trước cái nhìn yêu mến của khán giả. Trong phòng chờ, Hoàng Lan Anh, mẹ bé Tony, trào nước mắt khi chứng kiến con trai trưởng thành. Mới ngày nào, Tony nhỏ xíu, nằm vừa lòng bàn tay của người lớn, mà giờ, cậu bé đã là học sinh lớp một, là "người đàn ông trong hình hài đứa trẻ" của mẹ. 

Với bà mẹ 31 tuổi này, 6 năm một mình ôm con đi viện, một mình kiên nhẫn tăng từng lạng cho con, một mình xoay xở để có tiền nuôi bé và một mình ôm nỗi buồn bị phụ bạc khi đêm về được đền đáp xứng đáng bằng cậu con trai thông minh, ngoan ngoãn. Cô bảo so với các mẹ đơn thân khác, mình may mắn hơn nhiều vì có sự hỗ trợ của hai bên gia đình. Cô thấy biết ơn bà nội và bà ngoại của Tony vì đã âm thầm dõi theo từng bước đi của hai mẹ con.

Cú sốc sau sinh và ý định tự tử

Lan Anh kết hôn với đồng nghiệp quen tại Hà Nội năm 2010. Sau đó, cô theo chồng về quê Quảng Ninh sinh sống và có bầu. Suốt những tháng đầu mang thai ốm nghén, cô mệt mỏi và không ăn uống được gì nhiều. Khi thai được 30 tuần, Lan Anh bị cạn ối và sinh non. Em bé chỉ nặng 1,2 kg và được nuôi trong lồng kính tại bệnh viện ở Quảng Ninh suốt 10 ngày. Lần đầu tiên được nhìn rõ mặt con, bà mẹ người Sơn La choáng váng khi thấy sinh linh bé nhỏ lọt thỏm trong bỉm, gương mặt chằng chịt băng dính và các loại ống. 

Không thấy tiến triển, gia đình quyết định đưa bé lên bệnh viện ở Hà Nội với hy vọng cứu sống con. Sau 20 ngày được nuôi trong lồng kính ở viện nhi, bé Tony được ra ghép mẹ. Lúc đó, con đã có thể tự thở và tự ăn. Thay vì đưa Tony về Quảng Ninh luôn, Lan Anh quyết định để bé ở lại Hà Nội thêm một tháng nữa sau khi ra viện. Thời gian đó, Lan Anh phát hiện chồng có người phụ nữ khác. Cô im lặng, nhẫn nhịn và giấu nhà ngoại vì hy vọng chồng sẽ thay tâm chuyển ý mà về với vợ con. Nhưng cuối cùng, cô chỉ nhận lại sự thất vọng. Từ đó tới nay, cuộc sống của mẹ con cô luôn thiếu hình bóng của một người chồng, người cha.

"Tôi từng muốn tự tử vì cú sốc phản bội của chồng nhưng nhìn đứa con nhỏ xíu, tôi vực lại tinh thần và quyết tâm nuôi con nên người", Lan Anh tâm sự.

Suốt một năm sống trong đau buồn, cô mở lòng với mẹ đẻ và chuyển về Sơn La sống. Tuy nhiên, không muốn làm phiền cuộc sống mới của mẹ và tránh bị hàng xóm bàn tán, một tháng sau, Lan Anh đưa con xuống Hà Nội. Thời gian đầu, Lan Anh thuê nhà, vừa làm chỗ ở cho hai mẹ con, vừa làm nơi buôn bán quần áo. Sau đó, cô ở cùng một người bạn gái để đỡ tiền trọ và để có người chia sẻ lúc con ốm đau. Công việc buôn bán không thuận lợi, mẹ con Lan Anh chuyển qua nhiều nhà thuê khác nhau. Cô tính đi làm nhưng con còn nhỏ lại yếu nên không đáp ứng được yêu cầu công việc. Lan Anh đành ở nhà quanh quẩn chăm con và túc tắc bán hàng.

Món quà 20/10 Tony làm tặng mẹ

Hành trình nuôi con một mình đầy nước mắt

Con sinh thiếu tháng lại nhẹ cân nên Lan Anh luôn căng thẳng nghĩ cách tăng cân cho bé. Suốt thời gian ở trong lồng ấp, Tony tăng được ba lạng. Một tháng sau khi về với mẹ, cậu bé nặng 3 kg và đều đặn lên cân những tháng sau đó. Lúc mới sinh, Lan Anh vắt sữa để gửi vào viện cho con. Sau một thời gian không vắt đều, sữa mất dần khiến cô phải cho con ăn sữa ngoài. Lượng sữa con ăn tăng dần từ vài ml đến vài chục ml. Con không bú mẹ vì đã quen bú bình từ nhỏ.

Lần đầu làm mẹ, Lan Anh không quá bỡ ngỡ vì thường quan sát các bà mẹ khác ở viện chăm con. Cô học họ cách bế, thay bỉm, mặc quần áo và cho bé bú bình. Sau lần tình cờ thấy y tá tắm cho Tony, Lan Anh đã có thể tự tắm cho con, trong khi người thân ai nấy đều sợ vì bé quá nhỏ.

Càng lớn, việc cho Tony ăn càng trở nên khó khăn. Lan Anh tìm hiểu các phương pháp nuôi con và áp dụng nhưng đều không có kết quả. Mỗi bữa ăn của hai mẹ con là cả một "trận chiến" khi con trớ ra hết những gì vừa đưa vào miệng. Nhiều lần, vừa uống được chút sữa, Tony phun ra "như vòi rồng". Không bỏ cuộc, Lan Anh nghĩ ra cách con trớ ra chỗ này, cô dịch bé sang bên cạnh rồi cho ăn tiếp để bữa ăn không bị gián đoạn. Sau bữa ăn, sàn nhà trở thành "bãi chiến trường".

Tới giai đoạn ăn cơm, Tony không chịu nhai mà luôn ngậm. Để cho con ăn được vài miếng, Lan Anh mất 2-3 tiếng. Hôm nào nhiều nhất, Tony mới ăn được một bát cơm. Con không chịu ăn cơm, Lan Anh chế biến nhiều thức ăn ngon để con ăn vã. Tuy nhiên, cậu bé không có hứng thú với chuyện ăn uống và say sưa chơi đồ chơi từ sáng đến chiều mà không thấy đói.

Chiếc cân trở thành đồ vật quen thuộc với mẹ con Lan Anh. Cô cho con cân thường xuyên và mừng quýnh khi thấy bé lên được vài lạng. Nhưng chỉ sau một trận ốm, Tony lại sút mất cả cân khiến Lan Anh sốt ruột. 

"Con sinh ra đã ít cân hơn các bạn nên tôi luôn bị áp lực chuyện cân nặng của con. Mọi thứ của Tony đều bình thường, trừ việc ăn uống. Mỗi bữa ăn, tôi luôn phải lặp lại điệp khúc 'nhai đi, nuốt đi'", Lan Anh kể.

Lan Anh tâm sự cô kỹ tính và cầu toàn nên chăm con khá cẩn thận. Không dám chi tiêu cho bản thân, thậm chí nhiều hôm cô nhịn để mua đồ ngon cho con ăn. Lan Anh từng thuê người giúp việc để tính chuyện đi làm nhưng sau đó đành cho họ nghỉ việc vì không yên tâm. Muốn con được trải nghiệm để bạo dạn hơn, cô cho Tony tham gia nhiều lớp nghệ thuật. Nhờ đó, cậu bé tự tin và hòa đồng hơn với các bạn, đồng thời bộc lộ được nhiều năng khiếu như làm người mẫu.

Trong mắt người mẹ trẻ, con trai là cậu bé hoạt ngôn, tình cảm, ga lăng và biết chia sẻ. Thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người đàn ông nhưng bù lại, Lan Anh thấy ấm lòng trước những hành động chăm lo của con trai. Cậu bé luôn khiến mẹ bất ngờ bằng việc lấy sẵn kem đánh răng cho mẹ hay vỗ về, an ủi những lúc mẹ buồn hoặc mệt mỏi. Tony cũng thường động viên mẹ đi chơi, trang điểm và mặc đẹp.

Cậu bé luôn khao khát tình cảm và sự yêu thương của người cha. Lớn lên không có bố, Tony nhiều lần thắc mắc với mẹ rằng tại sao không được bố đón như các bạn. Cậu mong có bố tới mức bí mật gọi người hàng xóm đến chơi là bố. Tony dặn người ấy không được tiết lộ với mẹ vì xưng hô bố - con với họ. Mãi tới tháng 11 năm ngoái, cậu bé mới lần đầu tiên được gặp và trò chuyện với bố ruột. Từ đó, mỗi lần nhớ, Tony đều so sánh một đặc điểm nào đó trên cơ thể với bố. Cậu ra sức bảo vệ khi ai đó nói điều gì không hay về bố. 

Trong lần tham gia một chương trình truyền hình, Tony thổ lộ mong ước bố mẹ nói chuyện với nhau, được bố đưa đi chơi và có một gia đình. Ước mơ ấy khiến mẹ cậu ngồi nghe phía trong bật khóc.

Tony tự tin và cá tính trên sàn diễn thời trang

Hiện tại bình an và hạnh phúc của hai mẹ con

Sau nhiều năm thuê nhà vất vả, năm ngoái, mẹ con Tony đã có một căn nhà của riêng mình, nhờ sự hỗ trợ của hai bên nội, ngoại. Lan Anh chọn việc kinh doanh ở nhà để có thời gian chăm lo cho con trai. Một ngày bây giờ của cô bắt đầu từ 5g sáng để chuẩn bị đồ ăn cho Tony đi học. Trong thời gian con tới trường, Lan Anh trả lời tin nhắn mua hàng và ship đồ cho khách.

Trước khi con tan học về nhà lúc hơn 4g chiều, cô chuẩn bị sẵn cơm. Nếu Tony không có lịch học buổi tối, hai mẹ con sẽ cùng học bài và nói chuyện trước khi đi ngủ. Cuối mỗi tuần, Lan Anh đều tranh thủ cho con tham gia trải nghiệm ở các lớp học năng khiếu hoặc đi dã ngoại.

Nhắc tới chuyện riêng, Lan Anh chia sẻ, sau những gì trải qua, cô sợ lấy chồng dù có không ít người tìm hiểu. Thế giới của cô từ trước tới giờ chỉ quanh quẩn bên con trai.

"Tôi không muốn nghĩ tới chuyện đi bước nữa sau 6 năm sống một mình. Tôi sợ người mới không yêu thương Tony và con trai thiệt thòi. Với tôi, con là tất cả. Mỗi khi ra ngoài, con được mọi người yêu quý vì ngoan ngoãn, lễ phép là tôi hạnh phúc rồi", Lan Anh nói.

Theo Hà Phương - Ngoisao.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X