Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ cháu bị suy thận, chỉ còn 1 quả, làm sao để kéo dài tuổi thọ?

Mẹ cháu 48 tuổi, bị suy thận và giờ chỉ còn 1 quả thôi. Việc đi lại rất khó khăn. Làm sao để kéo dài tuổi thọ cho mẹ cháu?


Bác sĩ ơi, mẹ cháu 48 tuổi, bị suy thận và giờ chỉ còn 1 quả  thận thôi. Việc đi lại của mẹ cháu rất khó khăn. Nhờ BS tư vấn giúp mẹ cháu phải uống thuốc gì hay phải làm như thế nào để kéo dài tuổi thọ ? Xin cảm ơn BS ạ!

(Thiệu Lâm - nhatlam…@yahoo.com)

Thiệu Lâm thân mến,

 

AloBacsi thật sự cảm động và thông cảm với nỗi lo lắng của em - một người con hiếu thảo muốn làm mọi cách để người mẹ thân yêu của mình mau chóng khỏi bệnh!

 

Em nên biết suy thận mãn là sự suy giảm chức năng thận mãn tính không hồi phục theo thời gian, do tổn thương không hồi phục về số lượng và chức năng các nephron (đơn vị cấu trúc của thận). Hậu quả cuối cùng là suy thận giai đoạn cuối.

 

Nguyên nhân gây bệnh gồm :

 

- Các nguyên nhân trước thận: tăng huyết áp, bệnh mạch máu thận…

 

- Các nguyên nhân tại thận: Viêm cầu thận, Bệnh thận do thuốc giảm đau, do tiểu đường. . .

 

- Các nguyên nhân sau thận: Sỏi thận, Lao đường niệu, Viêm thận, bể thận mãn…

 

Việc chẩn đoán và điều trị nguyên nhân trong giai đoạn thận tổn thương, chưa suy hoặc suy thận nhẹ giúp làm chậm tiến triển của suy thận. Nhưng khi thận đã teo rồi thì mức độ lọc cầu thận (GFR) <30% thì việc tìm căn nguyên qua sinh thiết thận không được đặt ra.

 

Có một số chi tiết mà AloBacsi cũng chưa rõ là: mẹ em chỉ còn một quả thận cách đây bao lâu? Chẩn đoán suy thận mạn của BS như thế nào? Mức độ suy thận (nhẹ, trung bình, nặng, giai đoạn cuối)? Đã được điều trị chưa?

 

Điều trị suy thận mạn gồm:

 

+ Điều trị bảo tồn:

 

- Chế độ ăn

 

- Điều trị các yếu tố làm nặng thêm tình trạng suy thận,

 

- Điều trị thiếu máu và các rối loạn chuyển hóa calci, phospho,…

 

Do sự bài tiết chất urê (chất thải bỏ chính của quá trình chuyển hóa chất đạm) kém, nên chế độ ăn của người suy thận phải hạn chế đạm (thịt). Chế độ ăn nên:

 

1. Đủ calo: Tổng năng lượng đạt 30-35 kcal/kg thể trong/ ngày và đầy đủ 4 thành phần: chất đường bột, đạm, chất béo và chất khoáng - vitamin như người bình thường.

 

Thực đơn trung bình cho người suy thận hằng ngày: Chất bột đường 300g- 450g; chất béo 45-55g, chất đạm 20-27g, chất khoáng - vitamin như người bình thường, tổng số calo năng lượng 1.600- 2.000 kcal/ ngày.

 

2. Hạn chế Protide: tùy theo mức độ suy thận và có chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng hay không, tiết chế 0,5 - 0,8g/kg thể trọng/ ngày.

 

Dùng đạm quý: thịt cá tôm nạc, trứng sữa. Mỗi ngày ăn đạm tương đương 100g thịt bò tươi hoặc 2 quả trứng, uống thêm 1 cốc sữa loãng. Suy thận nặng lên thì giảm bớt thịt cá.

 

Ăn dầu thực vật, bơ, họ rau cải, họ bầu bí, trái cây ngọt, không nên ăn trái cây chua.

 

Lượng nước đưa vào cơ thể, kể cả trong thức ăn bằng khối lượng nước tiểu 24 giờ cộng với 500ml (mất theo đường thở, mồ hôi và phân)

 

Hạn chế muối ăn, không được cho thêm muối vào thức ăn mà còn phải kiêng cả các loại thức ăn có chứa nhiều muối như khô, mắm, tương, chao…

 

Hạn chế ăn các chất chứa kali (khi tăng > 6,5mmol/l có thể làm tim loạn nhịp và đưa tới ngừng tim đột ngột, gây tử vong bất cứ lúc nào mà không có triệu chứng báo trước).
 
Các thức ăn chứa nhiều kali như hạt đậu phộng, hạt điều, hạt dẻ, sô-cô-la, cà phê và các trái cây nhất là cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, dâu... Một số loại trái cây chứa ít kali hơn như táo, lê, dưa hấu.

 

Các loại rau tươi cũng có nhiều kali nhưng có thể dùng được sau khi đun nấu 2-3 lần và bỏ nước đã luộc rau. Gạo, nui, mì... cũng chứa ít kali.

 

Hạn chế Phosphate có trong phô- mai, sữavà các thuốc chứa phospho

 

3. Nên dùng thêm thuốc có các axit béo (keto axit) như ketosteril dạng uống là alpha-keto tương ứng với acid amin thiết yếu, không chứa nitơ (làm giảm các triệu chứng của tăng urê huyết), cung cấp Calci và giảm được phosphate máu

 

Ngoài ra, có thể truyền các dung dịch acid amin như: Nephramin, Nephrosteril... trong đó có chứa các acid amin thiết yếu và có các acid amin không thiết yếu.
 

Điều trị các yếu tố làm nặng thêm tình trạng suy thận như: cao huyết áp, nhiễm trùng, suy tim xung huyết…

 

Điều trị nội khoa hội chứng tăng u rê huyết, thiếu máu, tăng phospho, giảm calci, loạn dưỡng xương do thận.

 

+ Điều trị thay thế thận: khi suy thận giai đoạn cuối.

 

Như em thấy đó, điều trị suy thận không thể tự ăn hay uống thuốc ở nhà mà không có sự theo dõi điều trị của thầy thuốc.

 

Do vậy, em hãy đưa bác đi khám chuyên khoa Tiết niệu. BS sẽ khám và tư vấn điều trị giúp cải thiện tình trạng sức khỏe bác tốt hơn, em nhé!

 

Thân ái!
 
BS CK1 Nguyễn Minh Thu - AloBacsi.vn 

AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X