Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ bầu đau bụng, ra huyết âm đạo, đừng chủ quan vì có thể thai ngoài tử cung

Buồng tử cung là nơi duy nhất thai có thể phát triển an toàn, ngoài tử cung, không có nơi nào đảm bảo được chức năng này. Nếu lỡ thai nằm ngoài tử cung, phôi không thể tự di chuyển hay bác sĩ mang phôi thai vào đúng vị trí được. Dưới đây BS Lê Tiểu My - Bệnh viện Mỹ Đức sẽ hướng dẫn cách nhận biết, chẩn đoán và điều trị khi bị thai ngoài tử cung.

Bình thường, trứng và tinh trùng sau khi thụ tinh trong ống dẫn trứng sẽ di chuyển vào buồng tử cung, làm tổ và phát triển. Nếu phôi "rong chơi" đi lạc, không vào đúng vị trí mà ghé ngang đâu đó không phải buồng tử cung thì gọi là thai ngoài tử cung (TNTC). Các vị trí TNTC bạn xem thêm hình minh hoạ. Và nhiều khi nó nằm bất kỳ chỗ nào nó muốn thôi, không lường trước được.

Hình ảnh từ bài viết trên Website của Bệnh viện Từ Dũ

Buồng tử cung là nơi duy nhất thai có thể phát triển an toàn, ngoài tử cung, không có nơi nào đảm bảo được chức năng này. Nếu lỡ thai nằm ngoài tử cung, phôi không thể tự di chuyển hay bác sĩ mang phôi thai vào đúng vị trí được. Hiện tại mình chắc chắn điều này là đúng.

Ai có nguy cơ bị TNTC?

- Những ai từng bị TNTC.
- Phẫu thuật liên quan ống dẫn trứng.
- Từng có phẫu thuật ở bụng (vùng chậu).
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Viêm nhiễm vùng chậu.
- Lạc nội mạc tử cung.
- Một vài yếu tố nữa đó là hút thuốc, hoặc có thai sau thụ tinh ống nghiệm hay bơm tinh trùng...

Các dấu hiệu của TNTC là gì?

- Trễ kinh, đau bụng, ra huyết âm đạo bất thường.
- Những dấu hiệu của TNTC cũng bao gồm những dấu hiệu của mới có thai như mệt mỏi, căng ngực, đau âm ỉ bụng dưới. Đôi khi không có dấu hiệu nào. Nếu bạn nghĩ mình có thai nhưng thấy đau bụng dưới, đau vai, khó thở, ra huyết... thì lập tức đến ngay bệnh viện để khám. Lý do mình khuyên bạn đi khám thai sớm là vậy.
Đừng đợi, đừng chần chừ, đừng nghe "khám sớm sẩy thai" - bác sĩ đâu có lý do gì làm bệnh nhân sẩy thai.

Làm sao để chẩn đoán TNTC?
- Bác sĩ sẽ khám, cho xét nghiệm máu (thường là hCG), siêu âm, và bất kỳ điều gì bác sĩ thấy cần cho chẩn đoán.
- TNTC rất đa dạng, không phải lúc nào cũng chẩn đoán dễ dàng, nhiều khi bác sĩ cũng đau đầu lắm. Nếu bạn không có dấu hiệu đe doạ tính mạng, có khi bác sĩ sẽ hẹn tái khám, rồi lại siêu âm, xét nghiệm... cho đến khi xác định được thai nằm ở đâu. Bạn cần kiên nhẫn, đừng chạy chỗ này chỗ kia khám đủ thứ, rồi hoang mang.

Các phương pháp điều trị TNTC?
- Phẫu thuật
- Thuốc (còn gọi là điều trị nội khoa)
- Theo dõi
Để biết bạn thích hợp với cách nào, chỉ có bác sĩ đang khám và theo dõi mới tư vấn cho bạn được.
Vì hầu hết các trường hợp TNTC đều nằm ở ống dẫn trứng, nên khi mổ, có khi bác sĩ sẽ cắt ống dẫn trứng. Việc này nhằm hạn chế bạn lại bị TNTC lần tới. Nếu ODT còn lại thông tốt, hoạt động bình thường và không còn vấn đề nào khác, bạn vẫn còn khả năng có thai tự nhiên.

Vài điều nói nhỏ:
- Quan hệ tình dục an toàn, ngừa thai sẽ giảm nguy cơ thai ngoài ý muốn, giảm rủi ro nạo phá thai, giảm nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, hy vọng giảm rủi ro TNTC.
- Bạn gái trẻ nên tìm hiểu các biện pháp ngừa thai an toàn, đừng nghe ai dụ dỗ. Bạn có thể hỏi một câu "Lỡ em có thai, TNTC anh làm gì?" là biết trình độ ngay thôi.

*Tản mạn về BS Lê Tiểu My:

BS Lê Tiểu My tốt nghiệp Y Cần Thơ. Có bằng chuyên khoa Sản Phụ khoa, chứng nhận đào tạo về IVF ở VN và NUS (Singapore) và bằng CK1 chẩn đoán hình ảnh của ĐHYD TPHCM. Hiện nay, BS My là một trong những “tay cầm đầu dò” tiếng tăm của đội Bệnh viện Mỹ Đức, góp phần mang đến niềm vui cho rất nhiều gia đình.

Đặc biệt hơn, BS My còn là một Facebooker thân thuộc của các chị em trên mạng, với các bài viết kiến thức chăm sóc thai kỳ “đốn tim” nhiều bà bầu. BS My cũng vừa chính thức phát hành quyển sách đầu tay của mình "Thai kỳ an vui" đang được độc giả đón nhận nhiệt liệt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X