Hotline 24/7
08983-08983

Mất mẹ do thiếu máu truyền, người con nguyện hiến máu 100 lần

Anh Nguyễn Trí Hiếu, 48 tuổi, ở TPHCM, đã 70 lần hiến máu và đặt mục tiêu hiến 100 lần sau nỗi đau mất mẹ.

Sáng 4/6, gần 100 người có nhiều lần hiến máu, đã hội tụ tại lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019. Người hiến máu nhiều nhất đã 60 tuổi, người hiến 70 lần là anh Hiếu, người ít tuổi nhất chỉ mới 23 và hiến máu 50 lần.

"20 năm trước mẹ tôi mất do không có máu để truyền", anh Hiếu cho biết và giải thích đây là lý do khiến anh đều đặn đi hiến máu tình nguyện sau này.

Khi ấy anh mới 20 tuổi, mẹ anh chưa đến 50. Bà ngã bệnh và cần đến máu truyền. Cả gia đình huy động mọi người hiến máu, rồi đi mua máu, song không đủ để truyền cho mẹ. Khi ấy, phong trào hiến máu tình nguyện chưa phát triển, việc mua máu vẫn còn rất khó khăn. Không chỉ mẹ anh Hiếu mà rất nhiều bệnh nhân ngày ấy lẽ ra có cơ hội được sống tiếp, do thiếu máu mà đã phải rời xa thế giới này.

"Nhiều khi tôi nghĩ, nếu mẹ sống ở thời này, có lẽ mọi thứ đã khác", anh Hiếu nói.

Anh Trần Trí Hiếu đã hiến máu 70 lần, chia sẻ về nỗi đau mất mẹ do thiếu máu truyền. Ảnh: Thanh Hải.

Sau này, khi đọc thông tin kêu gọi hiến máu, anh lại nhớ đến mẹ, quyết định đi hiến máu. Đến nay, sau 22 năm anh đã hiến máu đến 70 lần, trong đó không ít lần hiến máu sống khẩn cấp. Anh bảo "đến kỳ hiến máu mà có việc đột xuất không thể đi hiến được là người thấy bứt dứt, khó chịu".

Anh Hiếu cũng đã đăng ký hiến mô, hiến tạng sau khi chết hoặc chết não. "Tôi thấy mình có thể cho đi thứ gì thì không cần phải giữ lại", anh chia sẻ.

Cũng đến từ TPHCM, ông Trần Thanh Long, 60 tuổi, 70 lần hiến máu. Ông Long phải dừng lại ở con số 70 bởi hiện ông đã quá tuổi được hiến máu. Khi không thể tiếp tục hiến, ông tham gia vận động, truyền thông để người dân tham gia phong trào tình nguyện.

Còn ông Lâm Văn Vinh, 56 tuổi, là một trong những thành viên Câu lạc bộ nhóm máu hiếm, tích cực nhất với 45 lần hiến. Mang nhóm máu B Rh-, ông Vinh có tên trong danh sách hiến trực tiếp, cứ khi nào bệnh viện cần máu là gọi, dù đang ở đâu ông cũng gác hết việc để đến cho máu. Ông từng hiến máu cho một em bé ghép thận và và bệnh nhân mổ tim tại Bệnh viện 115. Chỉ còn 4 năm nữa là hết tuổi hiến máu, ông hy vọng những giọt máu của mình sẽ còn giúp ích được thêm nhiều người khác.

Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết năm 2018 đã tiếp nhận được gần 1,4 triệu đơn vị máu, trong đó hơn 98% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương hơn 1,4% dân số tham gia hiến máu.

Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6 năm nay, chương trình vận động hiến máu "Hành trình Đỏ" lần thứ 7 mang thông điệp "Kết nối dòng máu Việt" bắt đầu từ ngày 13/6 đến 28/7, có 39 tỉnh, thành phố tham gia. Đây là năm đầu tiên chương trình được tổ chức trong thời gian dài nhất, với sự tham gia của nhiều địa phương nhất.

Theo Lê Nga - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X