Hotline 24/7
08983-08983

Mất chứng minh nhân dân có được bán máu hay hiến máu?

Câu hỏi

Thưa BS, em là người dân Phú Yên nhưng hiện tại đang ở quận Tân Phú. Em bị mất giấy CMND bản gốc, chỉ còn bản photo và sổ hộ khẩu, em còn có 2 giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện năm vừa rồi, vậy theo BS em có được hiến máu hay bán máu không ạ? Vì em đang cần một khoản phí để thanh toán phòng trọ và về quê. Mong BS giải đáp và tư vấn giúp em với ạ. (Nguyễn Thị Bích Hợp - bichho…@gmail.com.vn)

Trả lời
Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Bích Hợp và bạn đọc AloBacsi thân mến,

Thời gian gần đây, hiến và bán máu là vấn đề được nhiều bạn đọc AloBacsi quan tâm, gửi thắc mắc. Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ các thông tin xung quanh việc hiến máu và bán máu để Bích Hợp cùng bạn đọc AloBacsi hiểu rõ hơn.

Hiến máu nhân đạo có ảnh hưởng đến sức khỏe?


Trên cơ sở khoa học và thực tế cho thấy, hiến máu theo hướng dẫn của thầy thuốc không có hại cho sức khỏe mà còn đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời đã được khoa học chứng minh như: tốt cho sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ ung thư…

Về cơ sở khoa học:

Máu có nhiều thành phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mới hằng ngày. Ví dụ: Hồng cầu sống được 120 ngày, huyết tương thường xuyên được thay thế và đổi mới.  Cơ sở khoa học cho thấy, nếu mỗi lần hiến dưới 1/10 lượng máu trong cơ thể thì không có hại đến sức khỏe.

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường không hề gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể.

Cơ sở thực tế:

Thực tế đã có hàng triệu người hiến máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn hoàn toàn tốt. Trên thế giới có người hiến máu trên 400 lần. Ở Việt Nam, người hiến máu nhiều lần nhất đã hiến gần 100 lần, sức khỏe hoàn toàn tốt.

Như vậy, mỗi người nếu thấy sức khoẻ tốt, không có các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu, đạt tiêu chuẩn hiến máu thì có thể hiến máu từ 3-4 lần trong một năm, vừa không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bản thân, vừa đảm bảo máu có chất lượng tốt, an toàn cho người bệnh.

Ai có thể tham gia hiến máu?


Tất cả mọi người từ 18 - 60 tuổi, thực sự tình nguyện hiến máu của mình để cứu chữa người bệnh.

- Cân nặng ít nhất là 42kg đối với phụ nữ, 45kg đối với nam giới. Lượng máu hiến mỗi lần không quá 9ml/kg cân nặng và không quá 500ml mỗi lần.

-Không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác.

- Thời gian giữa 2 lần hiến máu là 12 tuần đối với cả nam và nữ.

- Có giấy tờ tùy thân.

Vậy ai là người không nên hiến máu?


- Người đã nhiễm hoặc đã thực hiện hành vi có nguy cơ nhiễm HIV.

- Người đã nhiễm viêm gan B, viêm gan C, và các vius lây qua đường truyền máu.

- Người có các bệnh mãn tính: tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày…

Quyền lợi khi hiến máu tình nguyện


Quyền lợi và chế độ đối với người hiến máu tình nguyện theo Thông tư số 05/2017/TT-BYT  Quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn:

- Được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí.

- Được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu (hoàn toàn bí mật): nhóm máu, HIV, virut viêm gan B, virut viêm gan C, giang mai, sốt rét. Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm hoặc nghi ngờ các mầm bệnh này thì sẽ được bác sĩ mời đến để tư vấn sức khỏe.

-  Được bồi dưỡng và chăm sóc theo các quy định hiện hành:

+ Phục vụ ăn nhẹ tại chỗ: tương đương 30.000 đồng.
+ Hỗ trợ chi phí đi lại (bằng tiền mặt): 50.000 đồng.

- Chi quà tặng bằng hiện vật nhằm động viên khuyến khích, bồi dưỡng sức khoẻ đối với người hiến máu toàn phần tình nguyện:

+ Một đơn vị máu thể tích 250 ml: 100.000 đồng;
+ Một đơn vị máu thể tích 350 ml: 150.000 đồng;
+ Một đơn vị máu thể tích 450 ml: 180.000 đồng.

- Chi quà tặng bằng hiện vật nhằm động viên khuyến khích, bồi dưỡng sức khoẻ đối với người hiến tình nguyện gạn tách các thành phần máu (khối tiểu cầu, khối bạch cầu hạt, tế bào gốc máu ngoại vi...):

+ Một chế phẩm có thể tích từ 250 - 400 ml: 150.000 đồng;
+ Một chế phẩm có thể tích từ 400 đến 500 ml: 200.000 đồng;
+ Một chế phẩm có thể tích từ 500 đến 650 ml: 250.000 đồng.

Mất chứng minh nhân dân có được hiến máu?


Theo quy định hiện nay, mỗi đơn vị máu đều phải có hồ sơ, trong đó có các thông tin về người hiến máu (họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nghề nghiệp, địa chỉ liên lạc, ….). Đây là một thủ tục cần thiết trong quy trình hiến máu để đảm bảo tính xác thực thông tin về người hiến máu.

Nếu người tham gia hiến máu tình nguyện lần đầu tiên thì phải xuất trình giấy Chứng minh nhân dân (CMND) để cán bộ tiếp nhận máu lưu trữ dữ liệu vào máy tính vì mỗi người đều được cấp một mã số chứng minh riêng biệt, không ai giống ai.

Nếu người tham gia hiến máu lần thứ hai trở lên thì không cần phải xuất trình CMND vì đã có đầy đủ thông tin được lưu trữ trong những lần hiến máu trước, nếu trường hợp quên đem theo CMND thì chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: hộ chiếu, giấy chứng minh quân đội, công an, giấy phép lái xe, thẻ công tác, thẻ học sinh, sinh viên hoặc giấy xác nhận nhân thân do cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương cấp có hình ảnh để chứng thực đó là bản thân người đó đi hiến máu chứ không phải hiến máu dùm cho người khác.

Do đó, trường hợp của bạn đọc Bích Hợp, nếu mất giấy CMND bản gốc thì có thể thay bằng các giấy tờ hợp lệ AloBacsi đã nêu trên để tiến hành hiến máu.

Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu đã hiến khi bạn gặp tình huống không may cần đến máu. Giấy chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Đây là quyền lợi khi bạn có giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện chứ không phải giấy này có công dụng “bồi dưỡng tiền” cho người hiến.

Bán máu được bao nhiêu tiền?


Theo Thông tư quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn do Bộ y tế ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/6/2017:

Các đơn vị máu toàn phần:

Stt

Máu toàn phần theo thể tích

Thể tích thực

(ml) (±10%)

Giá tối đa (đồng)

1

30 ml

35

109.000

2

50 ml

55

157.000

3

100 ml

115

290.000

4

150 ml

170

417.000

5

200 ml

225

505.000

6

250 ml

285

641.000

7

350 ml

395

758.000

8

450 ml

510

858.000


AloBacsi cũng lưu ý đến bạn, do phong trào hiến máu tình nguyện hiện nay ngày được lan tỏa nên nhu cầu mua máu của các bệnh viện không cao. Hơn nữa, bản thân các bệnh viện cũng không đăng ký mua máu mà phát huy tinh thần cộng đồng.

Tuy nhiên, thường trong kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè, tình trạng thiếu nguồn cung máu xảy ra rất nhiều, có thể các bệnh viện sẽ bị thiếu hụt nguồn máu và cần mua. Do đó, bạn có thể liên hệ trực tiếp dến BV Truyền Máu Huyết Học TPHCM để được tư vấn quy định bán máu chi tiết hơn nhé!

BV Huyết học Truyền Máu TPHCM
Cơ sở 1: 118 Hồng Bàng, P.12, Q.5, hoạt động Ngân hàng máu và Ngân hàng Tế bào gốc
ĐT: 028 3957 1342
Cơ sở 2: 201 Phạm Viết Chánh, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, có chức năng của bệnh viện chuyên khám và điều trị các bệnh lý huyết học.
ĐT: 028 3839 7535
Email: lienlac@bthh.org.vn
Website: http://bthh.org.vn

Trân trọng!

Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X