Hotline 24/7
08983-08983

Mất cân bằng giới tính lên mốc mới, người Việt "ưa thích" con trai số 1 khu vực

Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất và là đại diện duy nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc vơi tỉ lệ 117-118 bé trai/100 bé gái.

Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục leo lên mốc mới, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, năm 2018 dân số nước ta tăng thêm 1 triệu người so với năm 2017, lên mức 94,67 triệu người. Như vậy, Việt Nam đang đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới, dù diện tích xếp ở vị trí 65.

Tuy nhiên, đây là năm thứ 2 liên tiếp, tổng tỉ suất sinh cả nước tiếp tục dưới mức sinh thay thế với 2,05 con, cho thấy dân Việt Nam ngày càng lười đẻ. Trong khi suốt 10 năm trước đó, giai đoạn từ 2006 – 2016, nước ta luôn duy trì được mức sinh lý tưởng 2,1 con (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ).

Theo ông Tú, những năm gần đây, ngành dân số chứng kiến sự chênh lệch mức sinh thấy rõ ở các vùng kinh tế.

Trong năm 2018 có 24/63 tỉnh, chủ yếu ở các tỉnh kinh tế còn khó khăn, chiếm 30% dân số, có mức sinh cao trên 2,3 con, trong đó 12 tỉnh có mức sinh rất cao, trên 2,5 con.

Tuy nhiên 16 tỉnh, thành phố lớn, nơi có kinh tế - xã hội phát triển, chiếm 31% dân số, mức sinh giảm nhanh, hiện xuống dưới 1,8 con, cá biệt tại 4 thành phố lớn có mức sinh dưới 1,6 con, riêng TP.HCM đã xuống dưới 1,5 con, thấp nhất cả nước.

Theo dự đoán, mức sinh tại Việt Nam sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Đây là thách thức lớn cho ngành dân số vì kinh nghiệm từ trước tới nay cho thấy, chưa có quốc gia nào thành công trong việc nâng mức sinh, bài học của Hàn Quốc, Singapore... là dẫn chứng sinh động.

Ngoài ra, Việt Nam đang phải đối mặt với mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng nghiêm trọng. Ông Tú cho biết, tỉ số giới tính khi sinh năm 2018 đã tăng lên 115,1 bé trai/100 bé gái, trong khi mục tiêu đặt ra giảm về mức 112,8 bé trai/100 bé gái.

Trước đó sau nhiều năm liên tục giảm, từ 2013, tỉ số giới tính khi sinh bắt đầu nhích lên 113,8 bé trai/100 bé gái; năm 2014 là 112,2; năm 2015 là 112,8; năm 2016 là 112,2; năm 2017 là 112,1. Như vậy, 2018 là năm có tỉ số giới khi sinh tăng nhanh và ở mức cao nhất từ trước đến nay. Ngay tại Hà Nội, nhiều quận, huyện ngoại thành cũng có tỉ số giới tính trên 115 bé trai/100 bé gái.

Với tỉ lệ này, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất và là đại diện duy nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc vơi tỉ lệ 117-118 bé trai/100 bé gái. Kỷ lục tại quốc gia đông dân nhất thế giới từng có lúc lên tới gần 140/100.

Ở Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, tỉ lệ này cũng chỉ ở mức 110-111/100.

Theo QĐ 468 của Chính phủ, mục tiêu đặt ra đến 2020 phải kìm giữ không vượt quá 115 bé trai/100 bé gái. Hiện ngành dân số đang làm mọi cách để tỉ lệ này ngừng tăng, là nền tảng để tiếp tục giảm xuống dưới 107/100 vào năm 2025. Tỉ lệ vàng giới tính khi sinh được Quỹ dân số Liên hợp quốc khuyến cáo là 102-106 bé trai/100 bé gái.

Theo ông Tú, trong thời gian ngắn, rất khó để giảm tỉ số giới tính khi sinh do tâm lý ưa thích con trai của người Việt vẫn còn rất nặng nề.

Theo Vietnamnet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X