Hotline 24/7
08983-08983

Mất “cái ngàn vàng” vì ung thư nội mạc tử cung

Theo bác sĩ, ung thư nội mạc tử cung có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm... Nếu trễ, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nếu bất thường chảy máu âm đạo nên đi khám ngay để phát hiện sớm bệnh (ảnh minh họa)

Xót lòng nữ bệnh nhân trẻ ung thư nội mạc tử cung di căn


Chia sẻ về một ca bệnh mới gặp gần đây, BS. Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, đó là bệnh nhân nữ, 34 tuổi, độc thân chưa quan hệ tình dục. Cách đây chừng 2 tháng trước, bệnh nhân thấy ra máu âm đạo bất thường nên đi khám nhiều bệnh viện. Tất cả bệnh viện đều chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư buồng trứng dựa trên siêu âm và MRI có hình ảnh bướu buồng trứng kích thước 10cm và có chồi sùi bên trong bướu.

“Sau khi làm tất cả xét nghiệm, chúng tôi cũng nghĩ đến tổn thương ác tính ở buồng trứng. Nhưng trên hình ảnh MRI còn ghi nhận một bướu chồi sùi trong lòng tử cung với kích thước khoảng 5cm. Do đó, vấn đề được đặt ra cần phải chẩn đoán phân biệt giữa ung thư nguyên phát ở buồng trứng với ung thư nội mạc tử cung di căn buồng trứng. Điều này là vô cùng quan trọng vì phương pháp phẫu thuật hai loại bệnh lý này có nhiều điểm khác nhau”, BS. Tiến chia sẻ.

Trong trường hợp nếu ung thư buồng trứng giai đoạn sớm trên bệnh nhân trẻ thì có thể cắt phần phụ mang bướu thôi, chừa lại tử cung và phần phụ bên lành để bảo tồn chức năng sinh sản cho bệnh nhân. Ngược lại, nếu là ung thư thân tử cung thì phải sinh thiết lòng tử cung và nếu kết quả xác nhận là ung thư nội mạc tử cung thì sẽ phải cắt tử cung, 2 phần phụ và nạo hạch chậu.

Tuy nhiên, với ca bệnh này, điều khiến các bác sĩ băn khoăn là bệnh nhân còn nguyên cái “ngàn vàng” mà phẫu thuật những trường họp này bắt buộc phải có giải phẫu bệnh - nạo sinh thiết lòng tử cung. Sau trao đổi, bệnh nhân chấp nhận đồng ý với đôi mắt rưng rưng khiến các y, bác sĩ cũng đau lòng.

Như dự đoán, kết quả giải phẫu bệnh là Carcinôm tuyến dạng nội mạc tử cung. Kết quả sau phẫu thuật lại một lần nữa xác nhận là ung thư nội mạc tử cung di căn buồng trứng và gieo rắc nhiều nốt vùng chậu nên chúng tôi đã phải tiến hành phẫu thuật rất phức tạp, cắt tử cung toàn bộ, 2 phần phụ, nạo hạch chậu, phẫu thuật Hudson và cắt trọn đại võng để giảm tổng khối bướu “hoàn toàn”. Sau mổ, bệnh nhân may mắn hồi phục nhanh.

Cũng có dấu hiệu ban đầu là ra máu âm đạo bất thường, một nữ bệnh nhân, 38 tuổi, đã có gia đình vừa nhập viện. Đáng nói bệnh nhân nặng gần 100kg. Sau khi nhập Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM và làm tất cả xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán là ung thư nội mạc tử cung. Theo phác đồ thì điều trị cho loại ung thư này là phẫu thuật, bao gồm: Cắt tử cung và nạo hạch chậu 2 bên.

Có phòng ngừa được ung thư nội mạc tử cung?

Trên thế giới, ung thư nội mạc tử cung là ung thư rất phổ biến ở phụ nữ. Bệnh đứng thứ 6 trong các loại ung thư ở nữ giới và là ung thư phụ khoa thường gặp nhất. Bệnh thường xảy ra ở những phụ nữ mãn kinh (trên 50 tuổi). Theo thống kê, tại Việt Nam, 70% ung thư nội mạc tử cung gặp ở phụ nữ sau mãn kinh, 25% tiền mãn kinh và 5% trong độ tuổi sinh đẻ.

Theo BS. Nguyễn Văn Tiến, ung thư nội mạc tử cung có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm nhưng nếu bệnh ở giai đoạn muộn có thể theo đường bạch huyết di căn đến hạch; hoặc theo đường máu di căn đến các cơ quan khác như: Phổi, gan, não, xương… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản và sức khỏe của chị em phụ nữ. Tuy nhiên, ung thư nội mạc tử cung (thân tử cung) có thể phòng ngừa được.

Để phòng ngừa căn bệnh này, BS. Tiến lưu ý một số trường hợp như, nếu đang sử dụng liệu pháp hormone thay thế để điều trị các triệu chứng sau mãn kinh, bệnh nhân cần hỏi bác sĩ về các ưu - nhược điểm của phương pháp này. Việc sử dụng estrogen (không có progestin đối kháng) ở những phụ nữ chưa cắt tử cung có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Sử dụng kết hợp estrogen và progestin có thể làm giảm nguy cơ này. Hay việc sử dụng thuốc tránh thai ít nhất một năm có thể làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, tuy nhiên cần tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng trước tác dụng phụ của thuốc.

Ngoài ra, béo phì làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung gấp 3 lần. Do vậy, cần tập thể dục thường xuyên, giúp phòng ngừa ung thư nội mạc tử cung và nhiều căn bệnh khác.

BS. Tiến cũng khuyến cáo, nếu bệnh nhân có các bệnh lý nội mạc tử cung, cần thăm khám và điều trị giúp giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Bên cạnh đó, nếu chị em nào mắc hội chứng ung thư đại trực tràng không polyp có tính gia đình (còn gọi là hội chứng Lynch), sẽ có nguy cơ ung thư nội mạc tử cung rất cao. Do vậy phải tầm soát hàng năm, từ năm 35 tuổi, bằng cách siêu âm ngã âm đạo và sinh thiết lòng tử cung để kiểm tra. Hoặc nên cắt tử cung, 2 phần phụ ngay sau khi đã có đủ con để phòng ngừa ung thư nội mạc tử cung.

Trước câu hỏi liệu có tầm soát ung thư nội mạc tử cung, BS. Tiến cho biết: “Hiện nay, chưa có phương pháp nào đơn giản và đáng tin cậy để tầm soát ung thư nội mạc tử cung. “Chị em phụ nữ là cần lắng nghe những thay đổi của cơ thể mình, nhất là khi bước vào giai đoạn mãn kinh hay có các yếu tố nguy cơ (béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, sử dụng tamoxifen, estrogen hay buồng trứng đa nang…) thì cần biết về các triệu chứng báo động của ung thư nội mạc tử cung (nhất là chảy máu âm đạo bất thường) và mạnh dạn đi khám ngay để được phát hiện bệnh sớm”.
Theo Uyên Vũ - Giao Thông

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X