Hotline 24/7
08983-08983

Mảnh sứ văng vào mắt, cần chăm sóc thế nào để nhanh lành, thưa BS Tố Uyên?

Đây là một trong những vấn đề được BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên giải đáp trong chương trình tư vấn của AloBacsi. Mời bạn đọc đón xem và gửi câu hỏi về Nội tổng quát để được các chuyên gia trả lời.


NỘI DUNG TƯ VẤN

Lê Quốc Bảo - Thạnh An

Con bị mẻ xương ngay chỗ dưới vùng đầu gối 1 năm nay chưa khỏi thì con phải làm sao thưa bác sĩ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin gửi về chương trình, em bị mẻ xương vùng gối nhưng không rõ là xương nào, có giới hạn vận động gì hay không, có khám và điều trị ở đâu chưa. Những trường hợp gãy xương đơn giản, di lệch ít, không ảnh hưởng diện khớp thường điều trị bằng bó bột hoặc nẹp cố định ngoài. Nếu di lệch nhiều, gãy xương phức tạp, ảnh hưởng diện khớp cần phẫu thuật kết hợp xương.

Thời gian trung bình lành xương là 1-2 tháng. Em còn trẻ khỏe và chỉ mẻ xương thì đúng ra xương phải lành nhanh hơn. Nếu gãy xương quá thời gian 6 tháng mà xương gãy chưa liền thì nên dùng thủ thuật can thiệp giúp cho xương gãy liền nhanh, có thể dùng dụng cụ kết hợp xương, ghép xương… Vì quá thời gian 6 tháng nếu để tự nhiên không thể nào tự lành được.

Em nên tái khám chuyên khoa Chấn thương để được tư vấn cụ thể và can thiệp điều trị sớm em nhé!
 

T.V.H - tranvan...@gmail.com

Thưa bác sĩ, em đi khám ở Hòa Hảo, bác sĩ xem kết quả xét nghiệm máu rồi nói em bình thường, chỉ bị nhiễm giun đũa chó thôi. Nhưng em thấy mình không có sức khỏe, hít thở không được sâu như bị thiếu hơi. Hơn nữa, em còn bị mất ngủ, người mệt mỏi, buồn rầu.

Lúc trước em đi làm việc nặng nguyên ngày được nhưng nay thì không nổi nữa rồi. Hiện em làm việc nựng phải thở gắng sức, mệt tim, mạch lúc nghe được lúc không. Thậm chí, có lúc em còn nghe nhói người rần rần. Khi em truyền dịch nước, tim đập mạnh, khó lấy hơi để thở. Xin hỏi, nếu em chụp MRI toàn thân hoặc CT thì có tìm ra được bệnh trong người em không ạ?

Xin cho em lời khuyên. Em từng sử dụng ma túy đá và phải cấp cứu.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Trước đây em có sử dụng ma túy đá, đây là tên gọi chỉ chung cho các loại ma túy tổng hợp có chứa chất methamphetamine và amphethamine. Khi mới sử dụng ma túy đá, người chơi cảm thấy khỏe khoắn, hưng phấn, tăng khả năng giao tiếp... Tuy nhiên, khi sử dụng lâu dài thì sẽ dẫn đến rất nhiều tác hại như mất ngủ, suy nhược thần kinh, mặt bơ phờ, ngơ ngáo, mất tập trung, nên người ta hay gọi là ngáo đá; rối loạn cảm xúc, hay cáu gắt, dễ nổi nóng, bị ảo giác, ảo thanh, có thể gây nguy hiểm cho người xung quanh hoặc tự hủy hoại bản thân mình.

Sau một thời gian sử dụng sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm, biểu hiện là mệt mỏi, không buồn giao tiếp... Càng sử dụng nhiều lần thì tác dụng phụ và ảnh hưởng lên não bộ sẽ càng nặng nề, đôi khi không thể hồi phục nếu không được điều trị tại bệnh viện chuyên khoa Tâm thần kinh.

Trong trường hợp này, em nên gửi về cho chương trình kết quả các xét nghiệm đã thực hiện để bác sĩ tư vấn cụ thể hơn cho em. Em cũng nên khám thêm chuyên khoa Tâm thần Kinh để giải quyết những di chứng do việc sử dụng ma túy đá ảnh hưởng lên sức khỏe tinh thần, giấc ngủ của mình em nhé!


Nguyen Duc Hien - Bình Thuận

Xin chào bác sĩ, cháu xin đặt một câu hỏi mong bác sĩ giải đáp ạ.

Gần đây một bên vú phải của cháu sưng nhẹ, tấy đỏ, sờ vào thì hơi đau đau, bên nách cũng có một cục gì đó cảm nhận được rất nhỏ. Cháu xem trên mạng thì bảo ung thư vú. Hiện cháu 18 tuổi, chỉ bị như trên mà không có triệu chứng gì đi kèm. Mong bác sĩ giải đáp cho cháu đỡ hoang mang ạ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Một khối u mới xuất hiện ở vú có thể là một khối áp xe do nhiễm trùng, các khối u lành hoặc u ác. Ở lứa tuổi của em, ung thư vú ít xảy ra nhưng không phải là không có. Trường hợp này bác sĩ phải thăm khám trực tiếp, nếu cần sẽ siêu âm kiểm tra cho em thì mới nhận định được. Em nên khám ở bệnh viện có chuyên khoa Ung Bướu để chẩn đoán ra bệnh sớm để giải đáp những lo lắng thắc mắc về bệnh em nhé!

 
Huong - nghuong...@gmail.com

Cháu bị tai nạn xe khiến môi trên tách ra phải khâu chỉ lại. Đến  nay đã hơn 2 tuần, vết thương lành nhưng lại sưng ở vết chỉ khâu. Môi trên sưng cứng, không bặm môi lại được. Cháu rất lo lắng về tình trạng này. Mong BS phản hồi ạ. Cháu cảm ơn bác sĩ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Vết thương của em đã 2 tuần mà vẫn còn sưng, nhiều khả năng là do nhiễm trùng vết thương. Một số trường hợp là do sẹo phì đại sau tổn thương niêm mạc môi thì khó điều trị hơn. Do đó, em nên khám bác sĩ để đánh giá nguyên nhân và lên kế hoạch điều trị sớm em nhé!

    
Vũ Tuấn Minh - Đồng Nai

Chào bác sĩ,

Tôi bị mảnh sứ văng vào mắt trái gây rách giác mạc, hiện tại đã được phẫu thuật khâu giác mạc 2 tuần. Tôi đã bắt đầu đi làm lại, bác sĩ cho tôi hỏi tôi đi làm lại như vậy có ảnh hưởng nhiều đến mắt không ạ?

Công việc của tôi là thiết kế nên phải ngồi máy tính. Tôi có nên tiếp tục xin nghỉ để mắt hồi phục không ạ? Và thời gian nghỉ ngơi là bao lâu để an toàn và hồi phục tối đa cho mắt ạ? Xin cảm ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Các vết thương liên quan đến giác mạc ít nhiều đều gây ảnh hưởng đến thị lực dù đã được khâu và lành sẹo tốt. Do đó chấn thương thủng giác mạc được xem là một trong những tổn thương nặng của mắt.

Trong chăm sóc sau khâu giác mạc, chế độ ăn uống không đòi hỏi nhiều. Bạn chỉ cần ăn uống bình thường gồm thịt, cá, trứng, sữa và rau quả là đủ.

Trong sinh hoạt bạn cần tránh hai điều hết sức quan trọng là bị va chạm vào mắt hoặc nước dơ bẩn, bụi bặm vào mắt. Như bạn biết mắt bạn đang yếu chỉ cần một va chạm nhỏ thì có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Cũng tương tự như vậy, mắt bạn hiện rất dễ bị nhiễm trùng khi có vết khâu nên chỉ cần vấy bẩn chút ít là nguy cơ nhiễm rất cao. Cách tốt nhất để tránh hai chuyện trên là bạn nên đeo kính bảo hộ liên tục trong một thời gian dài.

Thông thường sau một tháng, vết khâu giác mạc có thể xem là ổn định. Lúc này bạn nên tái khám để BS đánh giá lại xem còn tổn thương nào khác ảnh hưởng đến thị lực hay không bạn nhé!


Phan Giang - trucgi...@gmail.com

Em bị nhiễm sán chó. Bác sĩ kê em liều piza 6 uống liên tục 3 ngày 6v. Sau đó em có uống kháng sinh kháng viêm thêm 5 ngày. 2 tuần sau em phát hiện em có thai 4 tuần thì có ảnh hưởng gì đến thai không ạ. Xin cảm ơn ạ!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Phan Giang thân mến,

Pizar hay Ivermectin có nhiều biệt dược khác nhau (Stromectol, Pizar) là một trong những thuốc có tác dụng điều trị giun, sán bán tổng hợp, dùng đường uống. Theo phân loại của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Ivermectin được phân loại nhóm C, tức là trên động vật có thể gây ra dị tật nhưng chưa có bằng chứng cho thấy ảnh hưởng tới thai kỳ của người. Thuốc cần hạn chế sử dụng trong thai kỳ, chỉ sử dụng khi lợi ích vượt xa nguy cơ.

Trường hợp này khá hi hữu do bạn không chú ý đến việc ngừa thai khi phải dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm. Tuy nhiên, đây không phải là chỉ định để bỏ thai. Bạn nên khám thai định kỳ để siêu âm và xét nghiệm đúng thời điểm, giúp phát hiện và can thiệp sớm các bất thường (nếu có) bạn nhé!

 
Nguyễn Ngọc Sang - Long An

Bác sĩ ơi, kết quả xét nghiệm niệu đạo  như vậy có sao không ạ? Bác sĩ đọc kết quả giúp em với:
Bacilli gram dương kết quả là - Bacilli gram âm kết quả là - Cocci gram dương kết quả là + Song cầu gram âm kết quả là + Clue cell kết quả - Bạch cầu kết quả ++ Tế bào kết quả ++

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Theo kết quả này thì bạn đã bị viêm niệu đạo, nguyên nhân có liên quan đế lậu cầu (song cầu gram âm). Bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn sinh dục - tiết niệu, hậu môn, họng do lậu cầu (Neisseria gonorhoeae) là một song cầu Gram (-), chỉ có vật chủ là người. Bệnh thường lây trực tiếp khi tiếp xúc tình dục.

Biểu hiện của bệnh thường là có mủ chảy từ trong niệu đạo, số lượng nhiều, màu vàng đặc hay vàng xanh, đái buốt, có thể kèm theo đái dắt. Bệnh rất dễ lây lan và gây ra nhiều biến chứng, do đó bạn nên đưa bạn tình cùng tới bệnh viện có chuyên khoa Da Liễu hoặc Ngoại niệu, Nam khoa, Phụ khoa để được điều trị càng sớm càng tốt bạn nhé!


M Cao - baok...@gmail.com

Chào bác sĩ, cháu bị sa ruột xuống bìu cách đây khoảng 17 - 19 năm rồi, bây giờ lâu lâu cứ bị đau, không biết có sao không? Giờ có nên mổ sớm hay thế nào ạ? Cháu ở Đăk nông nên bác sĩ tư vấn giúp cháu chỗ nào mổ là an toàn nhất được không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Vùng bẹn có những lỗ tự nhiên trong quá trình phát triển của bào thai một số cấu trúc giải phẫu đi qua để xuống dưới, như tinh hoàn chạy xuống bìu ở nam giới. Khi những lỗ giải phẫu này rộng, có thể đó là nguồn gốc của thoát vị bẹn, thoát vị đùi, từ đó một phần các tạng trong ổ bụng chui qua lỗ tự nhiên giãn rộng này. Thoát vị bẹn biểu hiện bằng hiện tượng sưng phồng tại vùng bẹn, phần lớn ở tư thế đứng hoặc khi gắng sức. Thoát vị có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào. Thoát vị ở trẻ em là hậu quả của bất thường bẩm sinh.

Theo thời gian, tiến triển tự nhiên của bệnh sẽ làm tăng khó chịu cho người bệnh. Thoát vị nghẹt là nguy cơ hàng đầu: đó là tình trạng mắc kẹt ruột trong thoát vị, lúc này, khối thoát vị không thể đẩy lên được và rất đau đớn. Điều này đòi hỏi bệnh nhân phải được khám và xử trí cấp cứu.

Điều trị triệt để thoát vị bẹn là phẫu thuật. Chỉ phẫu thuật viên khi khám bệnh có thể quyết định không mổ trong những trường hợp cụ thể. Hiện nay với sự tiến bộ của kỹ thuật và vật liệu ngoại khoa, tỷ lệ tái phát và biến chứng rất thấp. Do đó, tốt nhất em nên khám chuyên khoa Ngoại tổng quát để được bác sĩ đánh giá trực tiếp và tư vấn cụ thể phương pháp điều trị cho em nhé!
 

Nguyễn Hoàng Trung - Hà Nội

Cháu năm nay 19 tuổi, bị lao đa kháng thuốc và đang điều trị theo phác đồ rút gọn 9 tháng:

- 4 tháng đầu dùng kanamicyn, ethambutol, prothionamide, clofazimine, levofloxacin, isonazid, pyrazinamide

- 5 tháng còn lại bỏ tiêm, bỏ prothionamide và isonazid.

Cháu muốn hỏi là uống thuốc được tròn 3 tháng, đến tháng thứ 4 bác sĩ gửi giấy xuống ghi đơn thuốc không có 2 loại prothionamide và isonazid, trong khi đó vẫn phải tiêm nốt tháng này. Liệu việc giảm thuốc như thế có nguy hiểm hay có sự nhầm lẫn nào không ạ?

Cháu gọi điện thì bên bệnh viện nói là đã phát đủ thuốc, không hề thiếu, liệu có trường hợp nào được giảm thuốc sớm hơn thường lệ không ạ?

Cháu từ lúc điều trị đến giờ AFB đều âm tính và không có triệu chứng của bệnh lao, chỉ có vết mờ đỉnh phổi phải và thi thoảng hơi ho chút. Thông tin thêm: thuốc chống lao chương trình chống lao quốc gia, AFB đờm âm tính, cấy đờm dương tính.

Cháu lo quá, sợ nó thành siêu kháng. Mong bác sĩ trả lời cháu sớm nhất ạ.

Cháu cảm ơn bác sĩ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Hiện nay bệnh nhân lao đa kháng được sử dụng 4-6 tháng theo phác đồ tấn công với các thuốc: kanamicyn, ethambutol, prothionamide, clofazimine, levofloxacin, isonazid, pyrazinamide và ít nhất 5 tháng duy trì. Phác đồ có thể thay đổi tùy vào kết quả kháng sinh đồ hàng hai hoặc Hain 2. Prothionamide và isoniazid không phải là các thuốc hiếm, do đó việc loại thuốc này ra khỏi phác đồ là có chủ ý.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ cũng sẽ cho kiểm tra liên tục để đảm bảo thuốc còn hiệu quả và hạn chế tối đa các tác hại do điều trị gây ra.

Em nên tiếp tục điều trị, yên tâm và tuân thủ đúng, kết hợp luyện tập tăng cường sức khỏe, ăn ngủ điều độ, tránh lo lắng để giúp bệnh mau khỏi em nhé!

 
Ý Nguyễn - ynguyen...@gmail.com

Em đang trong quá trình điều trị lao phổi, đã uống thuốc nửa thán và có thuyên giảm ít ho. Nhưng hôm nay em lại khạc đờm thì thấy có vệt màu đỏ giống như máu. Bác sĩ cho em hỏi là có nặng không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Ho ra máu do lao phổi là biểu hiện khá thường gặp, có thể dai dẳng kéo dài tới vài tuần, vài tháng. Thậm chí sau khi điều trị khỏi, nhiều bệnh nhân vẫn ho ra máu tái phát do di chứng lao cũ.

Hiện tại, vấn đề ho ra đàm có lẫn ít máu của em có thể xem là do bệnh lao chưa ổn (vì thực tế em vẫn đang trong giai đoạn điều trị tấn công), em có thể theo dõi thêm 1 vài ngày. Nếu ho ra máu xuất hiện trở lại, dai dẳng hoặc lượng nhiều hơn thì nên khám chuyên khoa hô hấp hoặc nhập cấp cứu càng sớm càng tốt em nhé!

       
Nghĩa Ngây Ngô - nghian...@gmail.com

Xin chào bác sĩ,

Em muốn được tư vấn về sản phẩm “Mai Thảo Mộc” với nhuỵ hoa nghệ tây của công ty Mai Mai Phương ở Việt Nam. Mong bác sĩ giải đáp giúp em về sản phẩm, trong sản phẩm có corticoid hoặc chất gì khác gây tổn thương đến da mặt không ạ?

Em cảm ơn!

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin từ công ty Mai Mai Phương (đây là công ty phân phối sản phẩm, không rõ địa chỉ sản xuất) thì sản phẩm có thành phần từ thảo dược, không có chứa các thành phần như vi khuẩn, chì, asen gây đọc, nhưng không có thêm bất kỳ thông tin nào về xuất xứ, nguồn gốc cũng như thành phần hóa dược của sản phẩm. Đương nhiên cũng không có nghiên cứu nào được thực hiện một cách nghiêm túc có thể chứng minh được hiệu quả và độ an toàn của mỹ phẩm này.

Do đó, việc lựa chọn sử dụng cần phải cân nhắc, tốt nhất em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Da Liễu để tùy tình hình từng loại da mà quyết định sử dụng em nhé!


ZL Hong Nhung

Mẹ em năm nay 67 tuổi, được chẩn đoán lãng xương nặng và xẹp 2 đốt sống nhưng lại có bệnh thiếu máu cơ tim. Em mong bác sĩ tư vấn giúp em trường hợp này có thể bơm xi măng sinh học được không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bơm xi măng sinh học vào thân đốt sống có tác dụng gắn lại các chỗ gãy xương siêu nhỏ, vừa làm cho thân đốt sống trở nên ổn định, vững chắc, lấy lại chiều cao đốt sống ban đầu, và tăng sức chịu đựng cho thân đốt sống.

Kỹ thuật điều trị mới này có nhiều ưu điểm vượt trội, khắc phục những nhược điểm của phương pháp trước đây như: Thời gian phẫu thuật được rút ngắn, không đau, làm bền vững thân đốt sống, không mất máu, mất ít thời gian và tránh được nguy cơ gù, trượt đốt sống về sau. Đây là phương pháp ít xâm lấn, vết mổ nhỏ (khoảng 0,5 cm). Sau phẫu thuật chỉ vài giờ, bệnh nhân có thể ngồi dậy và đi lại bình thường.

Trong phẫu thuật cho bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, bác sĩ cần thăm khám chuyên khoa và đánh giá cẩn thận, do đó nếu gia đình có ý định thực hiện nên đưa mẹ bạn đến bệnh viện để thăm khám và đánh giá tiền phẫu. Nếu các bênh lý mạn tính đang ổn định thì vẫn phẫu thuật được bạn nhé!

Nội soi tai mũi họng. Ảnh: Internet

Bạn đọc tên Phi - Long An
 
Chào bác sĩ, em khám Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM bác sĩ kết luận bị viêm họng nhưng uống thuốc hơn tuần nay mà không thấy giảm triệu chứng khiến em rất lo lắng.

Em có triệu chứng đau họng, amidan sưng đỏ, thành họng sung huyết, đặc biệt là sau khi ăn, thỉnh thoảng hơi nhức đầu nhẹ, ăn thì không đau, giọng nói bình thường. Em rất sợ bị ung thư. Em đã soi 2 lần ở 2 bệnh viện khác nhau và đều được chẩn đoán viêm họng.

Em không hiểu viêm họng sao điều trị lâu vậy ạ dù em đã rất tích cực. Xin hỏi bác sĩ triệu chứng em mô tả trên có liên quan đến ung thư không ạ? Nội soi tai mũi họng có phát hiện chính xác ung thư không thưa bác sĩ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Bạn đã khám chuyên khoa và nội soi tai mũi họng 2 lần đều không phát hiện bất thường nào khác ngoài họng viêm, do đó hiện tại không nghĩ tới nguyên nhân gây khó chịu là do ung thư. Nếu amidan thật sự sưng to, kéo dài, không phù hợp với bệnh cảnh chung, bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật amidan làm xét nghiệm.

Nhưng trước hết cần tìm hiểu các nguyên nhân khác có thể gây viêm họng tái đi tái lại nhiều lần như sức khỏe kém, sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, có bệnh lý đường tiêu hóa, viêm xoang mạn…

Bạn nên tuân thủ toa thuốc của bác sĩ chuyên khoa và tái khám để được thay đổi phác đồ phù hợp bạn nhé!

 
Bạn đọc tên Duyên

Bác sĩ ơi, cháu năm nay 17 tuôi cháu, nám tàn nhang nhiều trên mặt thì có được sử dụng sản phẩm sâm Angela Gold không ạ?

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào em,

Sâm Angela có tác dụng như một loại thuốc bổ, nên thường sẽ giúp da đẹp, sức khỏe cải thiện hơn ở những người thiếu một số vi chất nào đó. Tuy nhiên, đây không phải thuốc trị nám, tàn nhang, nên chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả như em mong đợi. Tốt nhất em nên khám chuyên khoa Da Liễu để bác sĩ kê toa các loại thuốc và liệu pháp giúp giảm bớt tàn nhang em nhé!


Quách Duy - Thanh Hóa

Em bị ngã vỡ gót chân đã được 5 tháng 15 ngày rồi nhưng sao khớp mắt cá chân vẫn cứ sưng và đau, đi lại khó khăn. Em có đi chụp khám mà bác sĩ bảo không sao. Như vậy có khi nào em bị viêm khớp cổ chân sau chấn thương không ạ? Nếu em bị thì nên điều trị như thế nào ạ? Em cảm ơn bác sĩ đã giải đáp.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Khớp cổ chân phải chịu một áp lực lớn từ toàn bộ trọng lượng cơ thể. Do đó, những hoạt động hằng ngày như chạy nhảy, chơi thể thao, vận động mạnh ở chân đều có khả năng làm tổn thương khớp cổ chẩn, gây viêm sưng tại khu vực mắt cá và cả cổ chân.

Các chấn thương vùng xương khớp ít nhiều cũng có nguy cơ để lại các di chứng liên quan. Trong đó, khớp cổ chân là bộ phận rất nhạy cảm với các chấn thương. Chỉ một chấn thương do tai nạn cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến dây chằng, khớp gân, sụn, dịch khớp.

Chấn thương của bạn đã kéo dài trên 5 tháng, nên vấn đề viêm khớp và mô mềm cấp tính sau chấn thương là không nghĩ tới. Vùng chi dưới có thể phù nhẹ nếu hồi lưu tĩnh mạch có vấn đề (cũng có thể gặp sau chấn thương), bạn nên khám thêm chuyên khoa mạch máu để phát hiện và điều trị.

Ngoài ra, thoái hóa khớp vùng cổ chân có thể gặp sau chấn thương nhưng điều trị chủ yếu vẫn là giảm đau và tập vật lý trị liệu. Nếu được bạn vui lòng cung cấp thêm phim chụp Xquang khớp gối và toa thuốc để bác sĩ đánh giá thêm, hoặc khám trực tiếp chuyên khoa cơ xương khớp để được hướng dẫn tập luyện phù hợp bạn nhé!

Ảnh: Internet

Trinh Vo - haphuong...@gmail.com

Em từng nôn ói để giảm cân, cứ ăn vào là nôn ra, ngày khoảng 3 lần, kéo dài 2 năm, riết như thoi quen. Em chỉ cần dùng một lực nhẹ ở bao tử là dịch vị, thực phẩm từ dạ dày lên miệng em.

Em đã bỏ thói quen này gần một năm và ăn uống bình thường. Cổ họng em lúc nào cũng đau gần 6 tháng nay và luôn có có cảm giác nghẹn cổ họng nặng. Em đã đi khám nhiều nơi, uống nhiều thuốc nhưng vẫn vậy. Em có soi bao bao tử thì kết quả là bị gerd la-a và viêm xung huyết hang vì tiền môn vị. Vậy bệnh của em có thể chữa trị khỏi không ạ? Hay là cơ tâm vị em đã bị dãn ra và luôn bị trào ngược ạ.

BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên - AloBacsi.com

Chào bạn,

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh khá thường gặp, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý mạn tính khác như viêm họng mạn, viêm mũi xoang, khàn tiếng… nhưng dễ bị bỏ sót. Trong điều trị cần hết sức kiên nhẫn, kết hợp giữa điều trị thuốc với các biện pháp thay đổi lối sống, bao gồm tránh ăn quá no, nên chia ra thành nhiều bữa nhỏ, hạn chế dầu mỡ, thức ăn chua cay, không nên nằm ngay sau bữa ăn ít nhất 2 tiếng và cần giữa cho tinh thần thư giãn, thoải mái.

Thời gian điều trị để bệnh được ổn định là ít nhất 6-8 tuần, sau 2 tuần thuốc nếu không thuyên giảm, bạn nên tái khám để bác sĩ đánh giá lại và có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp bạn nhé!

Xin trân trọng cảm ơn BS.CK1 Võ Thị Tố Uyên đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc. Hẹn gặp lại bác sĩ trong chương trình lần sau!

Phương Nguyên - Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X