Hotline 24/7
08983-08983

Mách bạn cách cạo gió chuẩn cho từng loại bệnh

Cạo gió (đánh gió) là cách chữa bệnh truyền thống giúp nhiều người nhanh chóng giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Nhưng cạo gió thế nào cho chuẩn, không phải ai cũng biết.

Cạo gió (hay còn gọi là đánh gió) là cách chữa bệnh của nhiều người Việt giúp làm giảm nhẹ nhanh chóng triệu chứng bệnh. Đặc biệt ở những nơi xa trung tâm y tế, thiếu phương tiện chữa trị thì cạo gió là phương pháp chữa bệnh vô cùng hữu hiệu.

Tuy nhiên, cạo gió thế nào cho chuẩn, ai nên và bệnh nào thì nên cạo gió thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là những cách cạo gió chuẩn cho 5 loại bệnh thường gặp nhất trong đời sống và những lưu ý quan trọng người bệnh phải tuân thủ khi đánh gió.

1. Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy

Khi gặp các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng kèm theo nôn mửa ngoài việc uống các thuốc chữa bệnh bạn có áp dụng cạo gió để nhanh hết bệnh.

Đầu tiên cạo giữa sống lưng và 2 bên mạng sườn theo chiều từ trên xuống. Sau đó cạo trước ngực, từ hõm cổ xuống, từ cánh tay đến các đầu ngón tay. Tiếp theo cạo từ mặt ngoài chân xuống mu bàn chân, từ sau gáy đến mặt sau cánh tay, lưng tới chân rồi bàn chân.

Khi bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy có thể cạo gió theo cách cạo giữa sống lưng và 2 bên mạng sườn theo chiều từ trên xuống

2. Cảm mạo, trúng gió

Khi bị cảm mạo, trúng gió, có lẽ cạo gió là phương pháp chữa bệnh đầu tiên được nhiều người nghĩ tới. Gặp trường hợp này, người bệnh cần được cạo gió ở giữa sống lưng rồi lan tỏa sang 2 bên mạng sườn sao cho kín hết lưng.

Tiếp theo cạo gió tại ấn đường và 2 bên thái dương. Nếu người bệnh bị đau đầu thì bấm mạnh huyệt bách hội ở trên đỉnh đầu và cạo gió thêm ở 2 bên tay, chân.

3. Sốt, nhức đầu

Nếu người bệnh sốt kèm theo đau đầu như búa bổ thì cần cạo gió ở 2 bên đường gân sau cổ tạo thành 2 đường chéo sang bên vai. Lưu ý, trong trường hợp này phải cạo gió theo chiều từ cổ đến vai, từ đốt xương sống lưng số 2, 3 sang 2 bên vai.

4. Đau nhức khó chịu

Khi thời tiết thay đổi, nhiều người nhất là những người trung niên, người lười vận động sẽ dễ bị đau nhức mình mẩy. Cách cạo gió chuẩn đối với trường hợp này như sau: Đau chỗ nào thì cạo ngay tại chỗ ấy, lưu ý cạo 2 bên theo hướng từ trên xuống dưới.

5. Ho

Nếu người bệnh bị ho khan lâu ngày không khỏi thì có thể áp dụng cách cạo gió như sau, bệnh sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Bạn nên cạo ở giữa sống lưng và theo đường thẳng trước ngực.

Nên dùng dụng cụ nào để cạo gió?

- Dùng đồng bạc và trứng gà: Luộc chín 1 quả trứng gà, tách đôi lấy lòng trắng. Đặt 1 nửa lòng trắng trứng vào khăn mùi xoa (hoặc vải sạch, mỏng) sao cho lòng trắng hướng lên trên. Tiếp theo cho 1 đồng bạc vào lòng trắng trứng, nếu có thể bạn cho thêm 1 ít tóc rối, gừng đập giập vào cùng.

Rồi úp nửa lòng trắng trứng còn lại lên trên, sau đó túm chặt khăn mùi xoa lại. Tiếp theo, bạn nhúng chìm phần khăn đã bọc lòng trắng trứng gà vào nước vừa luộc trứng cho nóng lên và vắt hết nước đi rồi bắt đầu thao tác cạo gió như trên.

Nếu không có đồng bạc thì bạn có thể sử dụng dây chuyền, vòng, hoa tay bằng bạc để thay thế.

- Dùng đồng bạc: Bạn có thể sử dụng đồng bạc hoặc những bật bằng bạc có hình dạng nhẵn nhụi như thìa bạc, chén bạc... để cạo gió.

Tại sao cạo gió lại giúp chữa bệnh?

Nhiều bệnh có người gặp phải là do bị gió độc thấm vào cơ thể qua lỗ chân lông hoặc qua đường hô hấp. Các khí độc này thường là hợp chất của lưu huỳnh. Khi dùng bạc để cạo gió, thì bạc (tên hóa học là Ag) sẽ tác dụng với khí lưu huỳnh (S) tạo thành hợp chất Ag2S có màu đen (bám trên bạc khi đánh gió).

Khí độc lúc này được bạc loại bỏ, từ đó cơ thể sẽ nhanh chóng phục hồi. Còn với cách đánh gió có dùng trứng gà thì lòng trắng trứng trong trường hợp này có tác dụng bịt các lỗ chân lông lại, ngăn cản khí độc tiếp tục xâm nhập vào cơ thể qua các vị trí hiểm yếu.

Cách cạo gió đúng kỹ thuật

- Người bệnh cần nằm ngay ngắn, thả lỏng cơ thể.

- Người cạo xoa dầu lên vùng cần cạo gió và cạo từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Tuyệt đối không miết theo chiều ngược lại.

- Nếu sử dụng đồng bạc hoặc thìa bạc thì cần cầm vật sao cho tạo thành một góc 45 độ so với mặt phẳng cạo.

- Khi cạo cần tác dụng lực thật đều, miết thật dài. Chỉ cần cạo khoảng 5 phút sẽ thấy vùng da thịt đau nhức nổi vết tím đỏ tự nhiên. Tuyệt đối không cố cạo mạnh tay để tạo ra những vết bầm đỏ.

- Không nên cạo gió có 10 phút và phải cạo hết chỗ này mới chuyển sang chỗ khác.

- Không nên sử dụng dầu xoa để cạo gió có thành phần là tinh dầu bạc hà (methol). Đây là tinh dầu có tính chất bốc hơi nhanh nên khi mới xoa dầu sẽ có cảm giác ấm nóng nhưng một lúc sau thì sẽ thấy lạnh.

- Khi đánh gió xong nên uống một cốc trà gừng hoặc ăn một bát cháo tía tô với hành hoặc uống một cốc nước sôi để nguội pha chút muối.

- Người bệnh cần nằm yên trên giường sau khi được đánh gió xong, không đi ra ngoài vì dễ nhiễm lạnh, đặc biệt không được tắm sau khi đánh gió.

- Lưu ý cần cạo gió trong phòng kín, không được để quạt thốc vào người khi đang đánh gió.

Các trường hợp tuyệt đối không được cạo gió

- Trẻ em là đối tượng chống chỉ định với hình thức cạo gió. Vì da của trẻ mỏng và dễ nhầm lẫn triệu chứng nếu trẻ bị sốt xuất huyết.

- Những người bị bệnh tim, huyết áp cao, phụ nữ có thai và những người mắc bệnh da liễu cũng là những đối tượng tuyệt đối không nên cạo gió.

- Đánh gió chỉ thực sự hữu hiệu trong trường hợp cảm mạo, nhiễm lạnh, nhức mỏi tay chân còn bị cảm phong nhiệt thì không nên cạo gió với các loại dầu có tính nóng như dầu gió, dầu gừng, rượu gừng.

Việc này khiến cơ thể tích tụ thêm khí nóng khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X