Hotline 24/7
08983-08983

Mắc bệnh cường giáp, Trúc Diễm lộ ảnh mắt lồi, mặt sưng

Căn bệnh phát hiện đột ngột khiến người đẹp có gương mặt khá 'tây' bị mắt lồi, giảm cân rất nhanh, người sưng.

Mới đây, Hoa hậu Thời trang 2007 Trương Tri Trúc Diễm chia sẻ nguyên nhân gương mặt quá khác biệt. Đó là do hai năm qua, cô mắc bệnh cường giáp, không chỉ sức khoẻ giảm sút mà bệnh còn làm cho cô mắt bị lồi và mặt sưng hơn.

Hoa hậu Trúc Diễm kể khoảng giữa năm 2016, trong một lần đi siêu thị về, cô ngã quỵ ngay trước cửa nhà. Một lúc sau mới tỉnh dậy, ngày hôm sau cô đi khám tổng quát.

Trúc Diễm có gương mặt thon, sống mũi cao, nét đẹp "tây" khá ấn tượng.

Ban đầu, khi chưa tìm ra bệnh, cô rất hoài nghi vì tự thấy sức khoẻ giảm sút. Cơ thể cô sốt nhưng lạnh người về đêm, cổ họng đau, khó thở, tim đập loạn... Người đẹp từng ngất xỉu một lần khi đi chụp hình ngoài nắng nhưng nghĩ đơn giản bị suy nhược.

Qua nhiều xét nghiệm, bác sĩ phát hiện cô mắc chứng bệnh cường giáp. Sau khi dùng thuốc phóng xạ, tiêu hủy được cục bướu độc, sức khoẻ cô đã ổn định hơn. Hiện người đẹp phải trị bệnh suy giáp - hậu quả sau khi điều trị bệnh cường giáp.

Gương mặt được cho là có phần khác lạ của Trúc Diễm mới đây

Hậu quả của căn bệnh này là Trúc Diễm thường bị nhức đầu, đau khớp gối, người mệt và mất tập trung, người sưng.

Bệnh tình buộc Trúc Diễm trở lại bệnh viện tái khám và uống thuốc. Hiện tại, sức khoẻ Trúc Diễm đã ổn định, mắt trở lại bình thường và 3 tháng một lần vào bệnh viện kiểm tra.

Trương Tri Trúc Diễm sinh năm 1987, hoạt động với vai trò người mẫu, người đẹp, diễn viên. Cô từng đoạt giải Á hậu ở cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2005, sau đó tham dự Miss Earth 2007, giành giải phụ Hoa hậu thời trang.

Cường giáp là chứng bệnh gì?

TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng để điều hòa nhiều hoạt động sinh trưởng và phát triển của cơ thể, giúp tổng hợp hormone giáp trạng tiết vào máu và đến các mô trong cơ thể, giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, giúp não, tim, cơ và các cơ quan khác hoạt động ổn định.

Cường giáp là chứng bệnh gây ra bởi tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxin - T4) dẫn đến các triệu chứng tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức với các biểu hiện: tim đập nhanh, gầy sút cân...

Các triệu chứng bệnh cường giáp bao gồm:

- Hồi hộp đánh trống ngực: cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực, có thể cảm thấy đau ngực, khó thở.

- Sợ nóng: do mức chuyển hóa cơ bản cao, thân nhiệt của người bệnh cường giáp thường cao hơn bình thường, do vậy người bệnh thường không chịu được những nơi có nhiệt độ cao hay thời tiết nóng nực.

- Tiêu chảy: Tình trạng tiêu chảy kéo dài có thể là dấu hiệu bệnh cường giáp, nguyên nhân do nhu động ruột tăng thường xuyên.

- Run tay: Triệu chứng run tay khiến bệnh nhân không thể tự kiểm soát, thường run với tần số nhanh và biên độ nhỏ.

- Bướu cổ: vùng cổ, nơi chứa tuyến giáp phình to, nguyên nhân do tuyến giáp bị phì đại.

- Sụt cân: người bệnh cường giáp thường bị sụt cân, dù chế độ ăn vẫn như bình thường thậm chí là nhiều hơn, có thể sụt nhiều kilogram trong vòng 1 tháng.

- Ra mồ hôi nhiều: cùng với tình trạng sợ nóng, người bệnh cường giáp thường xuyên ra mồ hôi thậm chí cả khi không vận động gì chỉ ngồi yên một chỗ.

- Thay đổi tính tình, dễ cáu giận, lo lắng.

- Rối loạn giấc ngủ: người bệnh cường giáp hay bị khó ngủ, giấc ngủ không yên, giấc ngủ ngắn hơn bình thường.

- Yếu mệt: mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, người bệnh không muốn vận động nhiều.

Cường giáp có nguy hiểm không?

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm:

Biến chứng tim mạch: tình trạng nhịp tim nhanh thường gặp ở bệnh nhân cường giáp, các rối loạn nhịp nghiêm trọng hơn như rung nhĩ có thể gặp phải. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng suy tim ở người bệnh cường giáp.

Cơn bão giáp: khi tình trạng hormone tăng quá cao, các triệu chứng đột ngột trở nên nặng nề, lúc này, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa nếu không kịp thời được chẩn đoán và điều trị.

Lồi mắt ác tính: Trong cường giáp do bệnh Basedow, người bệnh có thể bị lồi mắt, thường xuyên chảy nước mắt và nhạy cảm hơn đối với ánh sáng, hay kèm theo viêm kết mạc, tổn thương giác mạc.

TS Phan Hướng Dương khuyến cáo thêm, ở phụ nữ mang thai nếu mắc cường giáp có thể bị bất thường về nhau thai, đẻ non hoặc tiền sản giật, suy tim, nhiễm độc giáp cấp. Con của sản phụ bị cường giáp không được kiểm soát tốt nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, trẻ bị đẻ non, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh.

Theo T. Nguyên - Afamily

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X