Hotline 24/7
08983-08983

Luyện tập chân như thế nào sau 3 tháng gãy xương đùi?

Câu hỏi

Chào BS, Cách đây 3 tháng cháu có bị tai nạn xe dẫn tới gãy xương đùi (gãy rời và không dập nát xương, cơ). Hiện tại cháu thấy bản thân bình phục rất tốt. Cháu đã đi khám 2 lần cho thấy kết quả tốt. Hiện tại cháu chỉ uống thuốc và sữa để bổ sung canxi thôi ạ. Vậy cháu cần luyện tập chân như thế nào và liệu cháu có thể tham gia các môn thể thao hoạt động mạnh như đá bóng được không ạ? Xin cám ơn BS.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Gãy xương đùi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Gãy xương đùi. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng trong gãy xương đùi bao gồm: Cố định tốt điểm gãy trong giai đoạn bất động, giảm đau, giảm phù nề, chống huyết khối  tĩnh mạch, khôi phục lại tầm vận động khớp và phục hồi lại hoạt động bình thường cho bệnh nhân.

Giai đoạn đầu khi còn bó bột, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các phương pháp gồng cơ trong bột, tập thụ động các khớp xung quanh để tránh teo cơ, cứng khớp. Khi tổn thương ổn định hơn sẽ tập đi bằng nạng không chịu lực chân gãy, chịu lực chân gãy dần dần khi can xương hình thành tốt, tuỳ theo khả năng chịu đựng của từng cá nhân. Mục đích là làm sao cho các cơ bắp vùng chân khôi phục được sức mạnh giúp nâng đỡ vùng gãy xương và giúp vết gãy được tưới máu tốt, mau lành hơn.

Nếu tập luyện tốt, bệnh nhân có thể đi lại bình thường sau 3-6 tháng và có thể tập thể thao trở lại nếu em muốn. Do đó em nên tới khoa phục hồi chức năng để đăng ký khám và tập các bài tập theo hướng dẫn trực tiếp của BS chuyên khoa em nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Xương đùi là xương dài nhất và mạnh nhất trong cơ thể. Vì xương đùi rất khỏe nên cần một lực rất lớn để phá vỡ nó. Tai nạn xe là nguyên nhân số một gây ra gãy xương đùi.

Phần dài và thẳng của xương đùi được gọi là trục đùi. Gãy xương đùi xảy ra khi có một lực phá vỡ bất cứ nơi nào dọc chiều dài xương đùi.

Biểu hiện gãy xương đùi rất khác nhau tùy thuộc vào lực gây vỡ xương. Các mảnh xương có thể nằm đúng vị trí hoặc không liên kết (dời ra). Gãy xương có thể kín (da còn nguyên vẹn) hoặc hở (xương chọc thủng qua da).

Hầu hết các trường hợp gãy xương đùi đòi hỏi phải phẫu thuật để chữa lành. Đối với gãy xương đùi được điều trị mà không cần phẫu thuật khá hiếm gặp. Trẻ em nhỏ đôi khi được điều trị bằng bó bột.

Thông thường, thời gian để xương hồi phục là từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, các chi dưới có thể mất thời gian lâu hơn do phải chịu trọng lượng của cơ thể. Tùy thuộc vào vị trí gãy xương đùi, thời gian lành xương sẽ khác nhau. Tốt nhất bạn nên tái khám thường xuyên để biết tiến độ phục hồi của xương và biết khi nào mình có thể tập đi.

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng để giúp xương nhanh hồi phục. Bạn nên thiết kế chế độ ăn có đầy đủ chất đạm, chất béo và bột đường. Bên cạnh đó, bạn cũng cần bổ sung nhiều vi chất cần thiết cho quá trình hình thành xương như: kẽm, canxi, magie, axit folic, vitamin B12…

- Canxi có trong cải bắp, trứng, sữa, hải sản…
- Magie có trong chuối, rau xanh, cá trích, cá thu, sản phẩm từ sữa…
- Kẽm có trong cá biển, hải sản, hạt hướng dương, hạt bí ngô, ngũ cốc…
- Axit folic có trong chuối, đậu, rau xanh, cam quýt.



Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X