Hotline 24/7
08983-08983

Luyện kỹ năng giao tiếp và ứng xử cho trẻ trong cuộc sống hàng ngày

Hiện nay, không ít phụ huynh chỉ quan tâm đầu tư cho con học hành, miễn sao có điểm cao, thành tích tốt là được, mà xem nhẹ việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ăn nói.

Nhiều trẻ đã lớn nhưng phát ngôn thiếu suy nghĩ, làm người khác khó chịu, tổn thương, quên cả những phép tắc căn bản như chào hỏi, mời người lớn, nhường trẻ nhỏ trên bàn ăn… Nếu lơ là cho qua, trẻ sẽ quen với cách hành xử này, rất khó hòa nhập khi vào đời.

Cuối tuần rồi, nhà chị Như (quận Ninh Kiều) đãi tiệc sinh nhật con trai út, khách mời chủ yếu là người thân trong gia đình và bạn bè của con. Bữa tiệc vui không chỉ vì anh em có dịp gặp mặt mà còn do cách cư xử rất khéo léo của gia chủ, nhất là hai con chị Như. Bé Thu Cúc, học lớp 11, đã ra dáng chị hai đảm đang, thương em, làm quản trò, phục vụ các nhóc nhỏ nhiệt tình. Đặc biệt khi lên bàn ăn có người lớn, Cúc chu đáo, lễ phép mời từng người rồi mới cầm đũa, suốt bữa tiệc để ý quan sát gắp thức ăn cho khách, lấy nước đá, khăn, tăm… Còn con trai Gia Bảo 9 tuổi rất ngoan, khi được tặng quà đều khoanh tay cảm ơn và chúc sức khỏe người tặng.

Cư xử lịch sự, biết mời mọc, nhường nhau trên bàn ăn là kỹ năng cần thiết phụ huynh cần quan tâm dạy con.

Chị Như kể, hai con hồi xưa nghịch lắm, nói năng cộc lốc, đôi khi hỗn với người lớn. Một lần bà nội ở quê lên chơi, nhắc ăn cơm nhiều lần, Bảo không nghe còn trả lời: "Con không ăn kệ con, nội nói hoài, bực mình quá!"; khi ăn, hễ món nào thích thì Bảo giành một mình, không chia cho ai. Cúc thì vùng vằng khi bị la, nhắc nhở, lên bàn ăn vừa nhai vừa dán mắt vào điện thoại hoặc xúc tô vào phòng riêng ăn.

Đợi vợ chồng chị Như đi làm về, má chồng kêu cả nhà lại nói chuyện, yêu cầu dạy lại các con. Bà nội chỉ cái sai, phân tích hậu quả cho các cháu nghe nếu tiếp tục những thói quen xấu này. Chị Như tâm sự: "Tôi và chồng nhận lỗi với má chưa giáo dục con tốt. Các con thấy vậy cũng xin lỗi bà nội và hứa sẽ sửa đổi. Má tôi ở lại một thời gian uốn nắn các cháu vào nề nếp. Nhờ vậy, các cháu biết cách cư xử hơn và ngoan như bây giờ".

Cô Lê Thị Thanh Thủy (61 tuổi, quận Bình Thủy) chia sẻ kinh nghiệm: "Trẻ như cây non, phải uốn nắn từ nhỏ. Chuyện ăn nói tưởng đơn giản nhưng rất quan trọng, thể hiện nét văn hóa, nếp nhà. Cha mẹ phải quan tâm dạy con sử dụng lời nói sao cho phù hợp hoàn cảnh, lễ phép, kính trên nhường dưới, trong ăn uống phải chừng mực, lịch sự". Nhờ khéo dạy mà các con của cô Thủy đã lập gia đình, ra riêng nhưng vẫn giữ nếp đi thưa về trình với cha mẹ, hiếu thảo, được xóm giềng yêu mến.

Để rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ không khó, phụ huynh nên trang bị kiến thức, kinh nghiệm và phải kiên nhẫn dạy trẻ từ những điều đơn giản trong cuộc sống.

Đặc biệt, phụ huynh cũng cần có thái độ dứt khoát khi trẻ tỏ ra không lễ phép. Khi trẻ ngoan thì được khen, nên khi còn nói trống không hoặc không biết nói cảm ơn khi được cho món đồ gì đó, cần có hình phạt. Thái độ nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc sẽ giúp trẻ biết xử sự ngoan hơn.

Cuối cùng, muốn trẻ có thái độ lễ phép trước hết cha mẹ cần làm gương cho con. Trẻ quan sát và học hỏi từ cha mẹ rất nhiều thứ, vì thế phụ huynh cần nghiêm túc làm hình mẫu để trẻ noi theo.

Theo Gia đình Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X