Hotline 24/7
08983-08983

Luỵ vitamin, coi chừng hại thân

Làm thư ký văn phòng nhiều áp lực, mỗi ngày chị N.T.L, 30 tuổi, ngụ tại TPHCM, uống 1g vitamin C để đẹp da, giảm căng thẳng, ngăn ngừa bệnh tật.

Nhưng cuối năm qua, khi khám sức khoẻ định kỳ bác sĩ phát hiện chị bị sỏi thận, nghi do uống vitamin C liều cao kéo dài.

Các chuyên gia dinh dưỡng đều thống nhất rau củ, trái cây là nguồn vitamin và khoáng chất tốt nhất.

Mặt trái của chất chống oxy  hoá

BS Lâm Vạn Phong, phụ trách điều hành khoa dinh dưỡng BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, cho biết vitamin C là loại vitamin tan trong nước, nếu dư trong người nó sẽ được thải ra ngoài. Tuy nhiên, nếu dùng liều cao kéo dài, vitamin C có thể gây sỏi thận.

Theo BS Phong, vitamin C cũng như vitamin E, beta-carotene (tiền vitamin A), acid folic hay các nguyên tố vi lượng như selenium, kẽm là chất chống oxy hoá có tác dụng làm chậm quá trình lão hoá, ngăn ngừa ung thư và một số bệnh khác.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua không ít nhà khoa học nghi ngờ sự vô hại của chất chống oxy hoá, thậm chí một số nghiên cứu còn cho thấy nếu dùng lâu dài chúng cũng gây hại. Chẳng hạn vào năm 1994, một thử nghiệm trên 29.133 người Phần Lan hút thuốc ở tuổi 50. Một nửa số người này được bổ sung beta-carotene, số còn lại dùng giả dược. Kết quả trong nhóm bổ sung beta-carotene tỷ lệ ung thư phổi tăng 16%.

Điều tương tự cũng gặp ở phụ nữ hậu mãn kinh tại Mỹ dùng acid folic (một biến thể của vitamin B). Sau mười năm theo dõi, người ta thấy  nguy cơ ung thư vú ở nhóm người bổ sung acid folic tăng lên 20% so với nhóm không bổ sung.

Tình hình tệ hơn nếu kết hợp hai chất chống oxy hoá. Một nghiên cứu trên hơn 1.000 người hút thuốc nặng và cai thuốc trước đó hai năm, cho thấy người sử dụng cùng lúc beta-carotene và vitamin A trong vòng bốn năm có nguy cơ tăng ung thư phổi 28% và tỷ lệ tử vong trong nhóm người này cũng tăng 17% so với nhóm không sử dụng. Nghiên cứu này công bố trên tạp chí Journal of National Cancer Institute năm 1996.

Nếu diễn dịch đầy đủ nghiên cứu trên thì thật đáng lo. Bởi nếu so với nhóm người không dùng beta-carotene và vitamin A (dùng giả dược) thì cứ mỗi năm ở nhóm người sử dụng sẽ có nhiều hơn 20 người tử vong và trong bốn năm là 80 người. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi các nhà khoa học đề nghị những ai muốn bổ sung chất chống oxy hoá cần suy nghĩ lại.

Lẽ dĩ nhiên những nghiên cứu nổi tiếng trên không phản ánh đầy đủ câu chuyện. Thực tế có một số nghiên cứu cho thấy lợi ích của việc bổ sung chất chống oxy hoá, đặc biệt ở những người không ăn uống cân bằng và đầy đủ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2012 xem xét lại 27 nghiên cứu trước đó về hiệu quả của của bổ sung chất chống oxy hoá cho thấy mặt hại nhiều hơn mặt lợi. Thật vậy, chỉ có bảy nghiên cứu chứng minh việc bổ sung chất chống oxy hoá mang lại lợi ích như giảm nguy cơ bệnh mạch vành và ung thư tuỵ. Mười nghiên cứu không cho thấy bất kỳ lợi ích gì, hay nói cách khác, chất chống oxy hoá là “vô thưởng vô phạt”. Mười nghiên cứu còn lại cho thấy những người bổ sung chất chống oxy hoá còn tệ hơn so với trước, như tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư phổi.

Coi chừng dư thừa vitamin

Theo BS Phong, ở nước ta việc bổ sung vitamin qua thực phẩm chức năng đang là trào lưu thịnh hành. Các sản phẩm này thường chứa nhiều vitamin (multivitamin, đa sinh tố), muối khoáng và được quảng cáo như sản phẩm bồi bổ sức khoẻ, tăng sức làm việc, nâng cao hệ miễn dịch chống lại bệnh tật.

Sản phẩm bổ sung vitamin và muối khoáng còn có trong các loại nước uống, nước tăng lực. Thậm chí sữa, bánh mì cũng được bổ sung vitamin D, vitamin A, omega-3, niacin hay acid folic.

Tất cả những thành phần bổ sung trên đều có trong khẩu phần ăn hàng ngày, liệu việc cho thêm có dẫn đến dư thừa và gây độc? Câu hỏi này đã được các chuyên gia dinh dưỡng thống nhất trả lời: Những vitamin tan trong mỡ như vitamin A, D, E, K nếu dùng quá liều sẽ tích tụ trong cơ thể và gây độc, trong khi những vitamin tan trong nước như vitamin B, C nếu dùng nhiều thì cơ thể có thể thải ra ngoài qua đường tiểu.

Theo BS Phong, bổ sung vitamin chỉ có lợi ở một số đối tượng như phụ nữ mang thai hay cho con bú, hoặc bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, còn ở người bình thường, đến nay không có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc bổ sung liều cao vitamin và muối khoáng có lợi cho cơ thể. Thời gian, liều lượng và loại vitamin bổ sung ở những đối tượng này cũng phải được tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng, và tốt nhất là bổ sung từ thức ăn tự nhiên, vì vitamin từ nguồn tự nhiên có liều thấp và không gây độc.

Ông nói thêm: “Một chế độ ăn uống tự nhiên cân bằng và đầy đủ mang lại mọi vitamin và dinh dưỡng cần thiết với hàm lượng cân bằng, chưa kể nó còn cung cấp chất xơ, thành phần cần thiết cho tiêu hoá. Thiên nhiên thật kỳ diệu, mọi thành phần trong thực phẩm tự nhiên đều cân bằng để ngăn ngừa hiện tượng dư thừa vitamin và chất chống oxy hoá”.

Niacin (hay vitamin B3) là chất có lợi cho da, cải thiện nồng độ cholesterol và giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Thật khó để bị quá liều niacin từ thức ăn tự nhiên (một số thực phẩm giàu niacin như gà, cá, đậu phộng, nấm, quả bơ, v.v.); những nguồn niacin thiên nhiên này còn cung cấp chất đạm, các vitamin khoáng chất khác và chất xơ, nhưng người ta có thể dễ dàng vượt quá liều khuyên dùng niacin hàng ngày nếu uống một viên thực phẩm chức năng hay một chai nước dinh dưỡng. Dư thừa niacin cũng có hại, như gây ra tiêu chảy, đau bụng, tim đập nhanh, thay đổi nồng độ đường trong máu…

Ở người bình thường, thay vì mua thực phẩm chức năng hay nước uống dinh dưỡng, tiền đó để mua thực phẩm tươi sống (thịt, cá, trái cây, rau củ) còn có lợi hơn nhiều. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng thống nhất điều này!

Theo Bình Yên - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X