Hotline 24/7
08983-08983

Lương y chỉ cách thở hồi xuân, đảo ngược tình trạng lão hóa của cơ thể

Thở bụng nghịch, co thắt các cơ vùng sàn chậu phối hợp với vận khí thông Nhâm Đốc có tác dụng phòng chống và đảo ngược tình trạng lão hóa các cơ liên quan đến chức năng sinh dục.

Theo lương y Võ Hà, thở bụng nghịch là cách hít vào từ dưới lên trên, thót bụng dưới lại khi hít vào, buông lỏng khi thở ra có thể làm săn chắc các cơ bắp ở vùng xương chậu, phòng chống táo bón, trĩ, són tiểu, rối loạn sinh dục như lạnh cảm, dương hư, xuất tinh sớm. Người xưa gọi đây là phép thở hồi xuân.

Cách thực hành thở bụng nghịch:

Ngồi trên phản hoặc một bề mặt bằng phẳng, hít thở điều hòa một vài hơi. Tập trung ý vào vùng xương chậu, hít vào trong khi thót bụng lại, đặc biệt chú ý nhíu chặt nhị âm (bộ phận sinh dục và hậu môn). Thở ra, từ từ buông lỏng toàn thân.

Khi tập quen, có thể giữ yên tư thế khi hít vào và liên tục nhíu chặt nhị âm nhiều lần, từ vài lần cho đến trên 20 lần trước khi thở ra và buông lỏng toàn thân. Mỗi ngày có thể tập 1 hoặc 2 lần. Người có bệnh tim mạch không nên giữ hơi thở lâu và chỉ nên nhíu chặt nhị âm một vài lần.

Tiến thêm một bước trong những bí thuật hồi xuân, người tập có thể vận dụng phép thở bụng nghịch với vận khí, phối hợp năng lực tổng hợp giữa phong (hô hấp) và hỏa (thần, ý) để đả thông Nhâm Đốc và tạo thành vòng khí tuần hoàn Tiểu châu thiên.

Lương y Võ Hà giải thích, vòng Tiểu Châu thiên bao gồm mạch Nhâm và mạch Đốc. Mạch Nhâm ở phía trước thân người, dưới da, nằm trên đường dọc giữa cơ thể, từ huyệt Hội âm phía dưới bộ phận sinh dục, chạy lên Đan điền, Trung quản, Đản trung, Thiên đột, và kết thúc ở huyệt Thừa tương ở chỗ lõm dưới môi dưới.

Mạch Đốc ở phía sau cơ thể, bắt đầu từ huyệt Trường cường ở đỉnh xương cùng, chạy dọc theo cột sống đi lên Mệnh môn, Chí dương, Đại chùy, vòng lên Bách hội, Thần đình, Ấn đường, Nhân trung và chấm dứt ở huyệt Ngân giao gần nướu răng trên.

Nhâm Đốc là 2 con đường vận khí quan trọng của hầu hết các trường phái khí công. Khai thông Nhâm Đốc và vận hành Tiểu châu thiên có tác dụng gia tăng nội lực, cân bằng âm dương, giúp phòng chống bệnh tật và tăng cường khả năng thích ứng với môi trường và hoàn cảnh.

Có nhiều phương pháp để khai thông Nhâm Đốc. Tuy nhiên cách vận dụng "phong & hỏa" trong thở bụng nghịch có lẽ là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Điều quan trọng là người tập phải phối hợp với ngồi thiền.

Thông Nhâm Đốc:

Giống như cách thở bụng nghịch ở phần trên. Tuy nhiên, khi hít vào, mắt khép nhẹ, định thần, nắm chặt 2 bàn tay, người hơi ngã về phía sau, tập trung ý nhíu chặt nhị âm động thời hít từ từ ngoại khí từ vùng xương cùng, cụ thể là từ 2 huyệt Trường cường và Hội âm, hướng lên Mệnh môn.

Đến đây, thẳng lưng trở lại, hơi rướn người lên cao để kéo giãn cột sống và tạo thế dùng ý dẫn khí kéo hơi thở men theo đường sống lưng thẳng lên đỉnh đầu. Dừng lại ở đỉnh đầu khoảng vài tiếng đếm trước khi thở ra. Thở ra từ từ trong khi đẩy khí men theo đường giữa trước bụng đi xuống Đan điền. Thở ra càng chậm càng dài hơi thì hiệu quả càng tăng.

Thời gian ngưng thở hoặc thở dài hơi tùy theo khả năng của mỗi người. Trung bình, có thể thực hành theo nhịp 10.10.20 (Thời gian hít vào tương ứng với 10 tiếng đếm, ngưng thở tại đỉnh đầu 10 và thở ra từ đỉnh đầu xuống Đan điền ứng với 20 tiếng đếm.)

Luôn giữ cho đầu lưỡi chạm nướu răng trên để làm cầu nối 2 mạch Nhâm Đốc trong khi thực hành bài tập này. Những điều này sẽ giúp cho nội khí sinh ra có thể trở về Đan điền, bể chứa khí, nơi ở của khí hoặc tuần hoàn thành vòng Tiểu châu thiên để phân bố điều hòa khắp châu thân thay vì tích tụ ở phần đầu hoặc ngực.

Ngoài lúc tập luyện, chúng ta cũng thường xuyên để tâm ở phía dưới phần bụng, chân, hai lòng bàn tay khi đặt dưới bụng lúc ngồi kiết già, cũng là giúp củng cố thêm phần Âm của cơ thể.

Theo Đông y, âm lực dưới bụng và chân có tác dụng giữ không cho lực bốc lên trên đầu. Khi Âm lực bị mất, Lực tự do bốc lên trên làm não bộ bị căng thẳng, hư hao, bệnh hoạn. Bảo vệ chân âm chính là bảo vệ sức khỏe, tuổi xuân của con người.

Bảo vệ chân Âm:

- Không hoạt động thái quá về đầu óc, hoặc giác quan trên đầu mặt. Ngay cả việc xem Ti vi nhiều cũng làm khí lực bốc lên trên. Đọc sách, lắng nghe, viết sách, sáng tác… nhiều quá cũng khiến khí lực bốc lên. Làm người phải sử dụng đầu óc, nhưng chúng ta phải biết cân đối vừa phải, và biết giải tỏa stress, nghĩa là phải biết vận động tay chân đơn giản, biết tọa thiền để tâm xuống dưới…

- Những dục lạc cũng làm hao tổn Chân Âm. Niềm vui cao thường từ đạo đức thì rất tốt, nhưng những khoái lạc thì ngược lại.

- Có những thực phẩm cay nồng như ớt tiêu, rượu cũng làm hao bớt Chân Âm. Có những hóa chất trong thực phẩm như hàn the, bột ngọt (mì chính), formaldehyte ướp thực phẩm, phẩm màu nhân tạo, đường hóa học… cũng làm hao tổn Chân Âm.

- Có những hóa dược trị bệnh, trị bệnh nào đó nhanh chóng nhưng lạ phá dần Chân Âm, nhất là các loại thuốc giảm đau.

Theo Ánh Nguyệt - VnTinnhanh/Đại đoàn kết

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X