Hotline 24/7
08983-08983

Lỗi cho con ăn dặm hay mắc phải của cha mẹ Việt

Nhiều bà mẹ vô tư nêm muối, cho con ăn đồ ngọt hay vừa ăn vừa xem tivi mà không biết nhu cầu cơ thể con cũng như không lường được các nguy hiểm nó mang lại.

Ăn dặm là giai đoạn bố mẹ có cơ hội giới thiệu các loại thực phẩm với con. Trẻ dưới 1 tuổi, sữa vẫn là dinh dưỡng chính. Do đó, bố mẹ không nên quá lo lắng khi bé không phối hợp để ăn trong giai đoạn này. Thậm chí, nếu bé ăn dặm tốt còn nên hạn chế để bé có thể ăn sữa đủ lượng cần thiết.

Ngoài ra, ăn uống là hưởng thụ. Hãy để bé được tận hưởng những món ăn yêu thích, hình thành khẩu vị tốt thay vì biến việc ăn uống như một “cuộc chiến” bạn nhé.

Nêm nhiều muối vào thức ăn của con

VnExpress chia sẻ, chế độ ăn mặn gây nhiều tác hại cho cơ thể, có thể gây nên bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... Nghiên cứu cho thấy người Việt Nam thuộc nhóm ăn mặn gấp 3-4 lần so với nhu cầu, điều này xuất phát từ thói quen đuợc hình thành từ nhỏ.

Lỗi cho con ăn dặm hay mắc phải của cha mẹ Việt - Ảnh 1

Trong thời gian đầu tập ăn dặm, hãy cho trẻ làm quen với thức ăn có vị gần giống sữa mẹ như bột sữa, khoai tây nghiền với sữa, trái cây nạo không cần nêm muối. Sau đó cho bé làm quen dần với các món ăn khác có thịt, cá, rau củ... Người nấu ăn cho trẻ cần chú ý chọn món ăn sao cho cân đối và đầy đủ duỡng chất. Khi nêm nếm nên sử dụng các gia vị đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là muối ăn chỉ nên sử dụng muối i-ốt với lượng rất ít. "Cháo hoặc bột của trẻ nên rất nhạt, việc nêm mặn sẽ làm tăng gánh nặng cho thận cũng như tạo thói quen ăn mặn sau này không tốt cho sức khỏe của trẻ", BS Trần Thị Minh Nguyệt, chuyên gia dinh dưỡng cho biết.

Ép con ăn

Với rất nhiều bố mẹ Việt, điều quan trọng nhất trong chuyện ăn uống của con là hôm nay con ăn được mấy bát mà không quan tâm cách con ăn đã đúng hay chưa, có gì nguy hại sức khỏe không, Trí thức trẻ cho biết.

Lỗi cho con ăn dặm hay mắc phải của cha mẹ Việt - Ảnh 2

Trên thực tế, giai đoạn ăn dặm rất quan trọng trong việc hình thành thói quen ăn uống cũng như khẩu vị, gu ẩm thực cho con nhưng không được bố mẹ nhìn nhận đúng cách.

Thậm chí, nhiều người khi gặp nhau liên tục hỏi cân nặng của nhau. Hãy nhớ bạn đang nuôi một đứa trẻ cần phát triển cả thể chất, trí não. Do đó, đừng quá khắt khe với những con số bạn nha.

Không tập nhai cho con

Cũng như các giai đoạn tập bò, tập lật, tập đi, bé cũng có những giai đoạn tập nhai cần được bố mẹ chú ý. Thông thường, bố mẹ cho con ăn đồ nhuyễn vào giai đoạn đầu của quá trình ăn dặm. Sau đó, chỉ chú ý đến nhồi nhét cho con ăn mà không chú ý việc tăng độ thô của thức ăn.

Thông thường, mỗi khi muốn tăng độ thô, bạn có thể nhận thấy dấu hiệu lười ăn của bé. Việc tăng dần độ thô giúp bé dần thích nghi với việc nhai. Nhai lại tiếp tục kích thích tuyến nước bọt, tạo cảm giác ngon miệng, trẻ sẽ lại thấy thèm ăn. Hơn nữa, việc biết nhai sẽ giúp con lựa được các thức ăn có thể nuốt được, hạn chế xảy ra tình trạng nôn, mửa khi ăn.

Cho con ăn nhiều đồ ăn sẵn

Nhiều bố mẹ thường xuyên cho con ăn những đồ ăn nhanh như bim bim, đồ hộp… mà không để ý đến lượng dinh dưỡng con nhận được.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, bim bim, bánh kẹo, đồ ăn chứa đường hay thức ăn đóng sẵn chứa nhiều đường, muối quá mức cần thiết. Thậm chí, chúng không có dinh dưỡng mà còn dễ gây đầy bụng, thậm chí chứa nhiều chất độc hại cho sức khỏe. Việc ăn bim bim, bánh kẹo trước bữa cơm còn khiến trẻ không có cảm giác thèm ăn và từ chối dùng bữa. Khi trẻ lười ăn không được hiểu, bố mẹ lại tiếp tục ép ăn là điều khiến trẻ sợ hãi. Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn để con bạn có sức khỏe tốt hơn.

Vừa ăn vừa chơi

Lỗi cho con ăn dặm hay mắc phải của cha mẹ Việt - Ảnh 3

Nhiều trẻ được bố mẹ cho tự quyết định lượng đồ ăn, loại thức ăn mình thích

Quá trình phát triển của bé có nhiều giai đoạn biếng ăn sinh lý nhưng không được bố mẹ nhận biết. Những giai đoạn này thường xuất hiện khi bé tập trung phát triển các kỹ năng như tập bò, tập đi nên “quên” cả việc ăn uống.

Vậy nhưng, nhiều khi bố mẹ không nghĩ đến các tình huống này mà ép con ăn bằng mọi cách. Vừa ăn vừa chơi, đi rông hay cho xem tivi… là những cách thông thường được sử dụng. Không chỉ phản khoa học, nó còn khiến trẻ mất tập trung vào bữa ăn. Chỉ nuốt mà không cảm nhận được mùi hương, vị của loại thức ăn mình được hưởng.

Do đó, nếu con bạn tự dưng chán ăn, hãy nghĩ đến các trường hợp này và hỗ trợ con phát triển. Qua giai đoạn này, bé sẽ lại tiếp tục ăn như trước.

Ngược lại, nếu bị bố mẹ ép ăn, dần dần bé sẽ cảm giác sợ ăn. Nhiều bé còn chuẩn bị tâm lý nhè hết tất cả các loại thức ăn được bố mẹ đút vào miệng.

Một đứa trẻ sẽ trở nên hạnh phúc khi được bố mẹ thấu hiểu. Điều đó tùy thuộc vào cha mẹ mà thôi.

Theo Ngọc Bé - Người đưa tin

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X