Hotline 24/7
08983-08983

Lò nung thủ công: Tử thần chờ chực

Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có rất nhiều lò nung vôi, nung gạch thủ công, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn tang thương như vụ ngạt khí làm 8 người tử vong ở Thanh Hóa.


Khu vực lò vôi - nơi xảy ra tai nạn đau lòng ở Thanh Hóa.
Khu vực lò vôi - nơi xảy ra tai nạn đau lòng ở Thanh Hóa

Sáng 2/1, dù không khí tang thương đang bao trùm khắp xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa nhưng cách nơi xảy ra vụ ngạt khí làm 8 người tử nạn chỉ vài chục mét, một lò nung vôi thủ công khác vẫn hoạt động như chẳng hề có chuyện gì xảy ra.

Không có việc gì khác để làm

Thoăn thoắt đưa những rổ vôi ra ngoài, ông Lê Trọng Luật cho biết đã làm nghề này được vài chục năm. Khi chúng tôi bày tỏ sự ngạc nhiên rằng có vẻ vụ tai nạn ở lò vôi cách đó không xa dường như chẳng ảnh hưởng gì đến mọi người ở đây.

Ông Luật lắc đầu phân trần: “Công việc đã được giao rồi, bọn tôi không làm thì không được chấm công. Bà con ở đây toàn nông dân nghèo, sau vụ mùa lại kéo nhau đến các lò vôi làm thuê kiếm sống, mỗi ngày công chỉ được chủ lò trả 70.000 đồng. Nghề này nguy hiểm lắm nhưng chẳng còn việc gì để làm”.

Nơi xảy ra vụ tai nạn nằm cách khu dân cư một cánh đồng. Khu vực đặt lò vôi dựa lưng vào một dãy núi. Tại khu vực này có 7 lò vôi thủ công hoạt động từ nhiều năm qua. Lò vôi xảy ra vụ ngạt khí khiến 8 người chết và 1 người nguy kịch vương vãi đồ đạc khắp nơi. Lò chỉ cao khoảng 3 m, có 2 cửa.

Ở Thanh Hóa, 2 xã Hoàng Giang và Hoàng Sơn, huyện Nông Cống vốn có truyền thống về nghề nung vôi. Trước đây, 2 xã này có trên 100 lò vôi thủ công.

Ông Lê Trọng Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết: “Sau khi UBND tỉnh chỉ đạo, địa phương đã vận động xóa bỏ các lò vôi trong thôn, xóm gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, xã Hoàng Giang còn 7 lò chủ yếu của các hộ gia đình từ trong khu dân cư chuyển ra. Theo lộ trình, đến năm 2020, huyện sẽ xóa bỏ toàn bộ lò vôi trên địa bàn”.

Ông Hùng thừa nhận thời gian qua, công tác kiểm tra an toàn lao động của cơ quan chức năng huyện đối với lò vôi thủ công chưa được thường xuyên, chưa quan tâm đúng mức. Thời gian tới, UBND sẽ tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện hộ dân nào sản xuất vôi không an toàn sẽ đình chỉ hoạt động.

Không riêng gì Thanh Hóa, nhiều nơi ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cũng có rất nhiều lò nung vôi, nung gạch thủ công hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn tang thương.

Gặp nạn vì thiếu hiểu biết

Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Hồng Côn, khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, 8 người tử vong ở Thanh Hóa có thể do ngạt loại khí chủ yếu trong lò vôi là CO.

“CO là khí rất độc. Trường hợp nồng độ cao, nó có thể gây ngạt và khiến người ta hôn mê rất nhanh. Với lò vôi, lò gạch, bên cạnh loại khí nguy hiểm này còn có rất nhiều khí độc khác bắt nguồn từ việc cháy chưa hết của than và hơi nước. Tuy nhiên nồng độ cao nhất vẫn là CO. Với người đang ngủ, khí này tràn vào nhanh đến mức không kịp nhận biết, từ đó lịm dần, cái chết đến từ từ, không kịp phản kháng”, Tiến sĩ Côn phân tích.

Theo Tiến sĩ Côn, khi nhận biết có nạn nhân bị ngạt khí CO, người khác muốn cứu thì không nên chủ quan, nếu cứ xông vào sẽ bị ngạt khí tương tự. “Do đó, người cứu nên tìm cành cây để xua không khí, làm loãng khí độc. Nếu không có gió, khí độc sẽ tràn vào dần, khi đạt đến nồng độ cao tự khắc sẽ gây ngạt cho người, thậm chí chỉ trong tích tắc”, vị này nhấn mạnh.

TS Côn cho biết thêm, muốn vào cứu nạn nhân, việc đầu tiên là phải mở tung cửa hoặc làm loãng thông khí, sau đó phải dùng chăn màn, cành cây khua đuổi khí độc, lấy lại đủ khí thở cho nạn nhân. Về mức độ tử vong phải tùy theo nồng độ. Nếu chúng đạt nồng độ gây thiếu ôxy làm não hoạt động kém, trì trệ, nạn nhân sẽ lịm dần, nồng độ tăng dần sẽ gây tử vong nhanh không kịp trở tay.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới những cái chết ngạt khí là do người bị nạn thiếu kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn. Vì vậy, nên đưa các kỹ năng này vào dạy ngay cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở trở lên và cả trong các sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu, phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Hồng Côn phân tích.

Trong khi đó, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn An Lương, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam bày tỏ: “Vụ ngạt khí lò vôi ở Thanh Hóa hết sức thương tâm nhưng đáng buồn và đáng thương hơn, họ chết vì thiếu hiểu biết do không được trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn lao động". 

Đây là điều đáng báo động và chúng ta phải quan tâm đến đối tượng lao động này nhiều hơn nữa để tránh xảy ra những cái chết thương tâm không đáng có, ông Lương nói thêm.

Nguy cơ chết chùm

Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn An Lương, vụ ngạt khí lò vôi là vụ tai nạn cụ thể, điển hình, nói lên sự thiếu hiểu biết cả về nhận thức lẫn kiến thức sơ đẳng trong công tác bảo đảm an toàn khi làm việc.

“Nhà nước làm sao phải quan tâm, bảo đảm cho người lao động được huấn luyện, được tư vấn miễn phí về kiến thức an toàn, nếu không thì sẽ lặp lại tình trạng chỉ 1 người bị nạn nhưng kéo theo thêm 8 người chết khi vào ứng cứu vì họ không hiểu rằng khi lò vôi đốt không cháy hết, nó sinh ra khí CO gây chết người.

Nếu họ có kiến thức, được quan tâm thì khi làm những nghề như vậy, chắc chắn họ phải được trang bị mặt nạ để phòng độc. Tôi khẳng định là phải bán mặt nạ hoặc mặt nạ phòng độc, chứ khẩu trang thì không có tác dụng”, ông nhấn mạnh.

Theo Văn Duẩn - Tuấn Minh - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X