Hotline 24/7
08983-08983

Livestream: Tư vấn cách phòng tránh, xử lý chấn thương thể thao

Sáng 23/8, BS.CK2 Trần Văn Dương - BV Nhân dân 115 tư vấn cách khắc phục chấn thương thể thao, tai nạn té ngã, gãy xương... với bạn đọc Cổng thông tin sức khỏe AloBacsi.




Chấn thương thể thao thường gặp là gì, bao lâu sau chấn thương có thể vận động được, vết thương sưng đau không giảm, đứt dây chằng chéo nên điều trị bảo tồn hay phẫu thuật… là những thắc mắc của bạn đọc AloBacsi hỏi về chấn thương thể thao.

Sáng 23/8, BS.CK2 Trần Văn Dương - Phụ trách khoa Y học thể thao, BV Nhân dân 115 sẽ có buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc AloBacsi để giải đáp những thắc mắc này.


NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN (tiếp theo phần livestream)

Nguyễn Văn Xuyên - nguyenx…@gmail. com

Kính chào BS Dương,

Em đứt bán phần dây chằng chéo trước, rách sụn chêm ngoài gối trái đã mổ 13 tháng em mới đi chụp MRI ngày 7/8, phim kết luận tụ dịch dạng ít.

Giờ em trụ khoảng 2/3 cơ thể thì đau gối trái. Và em mới chụp MRI gối phải hôm 13/8 thì BS kết luận rách bán phần dây chằng chéo trước, rách trong sừng sau sụn chêm trong, tụ dịch vừa.
Em cảm thấy chân không lỏng. Chỉ đau và rát ở ổ khớp chân phải. Lúc nào cũng đau. Em xin lời khuyên của Bác. em chân thành cảm ơn.

Tiền sử: Tháng 11/ 2015 chấn thương gối trái do thể thao. Tháng 7/ 2017 mổ. Tháng 12/ 2017 do té nên đau gối trái, chụp Xquang và MRI khoảng 10 lần từ 7/2017 đến 8/2018. Em đã uống nhiều thuốc kháng sinh và kháng viêm, vitamin D, glucosamin.
 
BS.CK2 Trần Văn Dương

Chào bạn Xuyên,

Theo bạn kể thì sau khi mổ tái tạo dây chằng chéo trước 5 tháng, bạn bị té lại, đập gối bên trái, chụp MRI kiểm tra có đứt bán phần phần dây chằng chéo trước, rách sừng sau sụn chêm trong, tụ dịch khớp gối, bạn nên khám BS chuyên khoa Y học thể thao để quyết định lại xem có cần phẫu thuật lại hay không. Nếu bạn ở phía nam, xin mời bạn đến khoa Y học thể thao BV Nhân dân 115 để BS khám và tư vấn trực tiếp.

 
Nguyễn Thị Huyền - huyenth...@gmail.com

Chào BS Dương,

Em đau đầu gối, đi lại cảm giác rất vướng ở bên trong gối, đi khám được chỉ định chụp MRI và có kết luận là sụn chêm ngoài hình đĩa, thoái hóa sừng sau sụn chêm trong. BS khám nói chỉ mổ nội soi mới điều trị được.

Nhưng em không biết có bắt buộc phải mổ không và sau mổ thì có đi lại được ngay không hay cần dùng nạng và tập vật lý trị liệu 1 thời gian mới vận động lại được? Và chi phí cho ca mổ khoảng bao nhiêu?

Em rất mong được BS tư vấn. Cảm ơn BS ạ!

BS.CK2 Trần Văn Dương

Chào bạn Huyền,

Sụn chêm ngoài hình dĩa là một khiếm khuyết bẩm sinh, chủ yếu ở người châu Á với tỷ lệ khoảng 3-17% dân số, thường gặp ở sụn chêm ngoài, chủ yếu được phát hiện khi chụp MRI khớp gối hoặc khi mổ nội soi khớp gối, nếu không có triệu chứng thì không cần điều trị. Chỉ mổ khi đau khớp gối hoặc khi rách sụn chêm. Nếu mổ sẽ cắt tạo hình sụn chêm ngoài.

Chi phí ca mổ tùy theo từng BV và bạn có BHYT hay không. Bạn nên khám tại các BV có khoa Y học thể thao hoặc Chấn thương chỉnh hình để được tư vấn trực tiếp.
 

Trần Chí Linh - depd…@gmail. com

BS ơi,

Em bị gãy đốt 3 ngón chân giữa bàn chân phải, BS cho em bó bột gần 2 tuần rồi, nhưng khổ nỗi là công ty em không cho nghỉ nhiều!

Không biết là 2 tuần xương ngón chân của em có lành hay chưa?

Hiện tại không còn đau và sưng, hôm bữa em lên tái khám em cử động cho BS xem bình thường! Vậy em có nên tháo bột ra và đi từ từ được không? Mong được giải đáp?
 
BS.CK2 Trần Văn Dương

Chí Linh thân mến,

Vì mới chỉ 2 tuần, bàn chân còn đau và sưng nên chưa thể tháo bột được, tuy nhiên bạn có thể đi được với sự trợ giúp của nạng. Bạn nên khám tại chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được theo dõi quá trình lành xương và quyết định thời gian tháo bột cho bạn.
 

Nguyễn Quốc Dương - Tân Bình

Chào BS,

Khớp vai của em khi đưa tay cao lên là bị đau. Xoay vai thì có tiếng lộp cộp bên trong. Em bị cũng khoảng 4 năm, do thấy không ảnh hưởng nhiều với lại trong tư thế bình thường thì không đau nên em không đi khám.

Khoảng 1 năm nay buổi tối tay em hay bị mỏi. Khoảng 1 tuần trở lại đây thì mỏi nhiều hơn, và mỏi cả ngày. Có khi còn mỏi cả lên cổ.

BS có thể cho em biết tình trạng em như vậy có thể là bệnh gì và có nghiêm trọng không? Điều trị như thế nào và có phải phẫu thuật gì không? Em xin cảm ơn!
 
BS.CK2 Trần Văn Dương

Với những triệu chứng bạn mô tả thì có thể bạn bị hội chứng vai gáy. Để chẩn đoán xác định, bạn cần thăm khám và BS sẽ cho làm 1 số cận lâm sàng cần thiết như MRI cột sống cổ. Bạn nên khám ở BV có chuyên khoa Nội thần kinh để BS khám trực tiếp và tư vấn cho bạn.
 


Nguyễn Văn Hậu - thusjnh. . . @gmail. com

Em chào BS,

Em bị tai nạn xe và bị nứt xương ở mu bàn chân bên phải dưới mắt cá chân. Em đã điều trị xong từ 1 năm nay và bắt đầu đi làm lại bình thường.

Công việc của em đứng nhiều nên tối về em cảm nhận được chỗ vết nứt của em vẫn còn bị đau nhức từ bên trong truyền ra bên ngoài ạ, và khi trời chuyển cũng bị như vậy, đi lại thấy chân bị ngạc không được tự nhiên.

BS tư vấn giúp em làm thế nào để khỏi hẳn ạ. Em sợ để lâu về sau gây biến chứng. Em xin cảm ơn BS.
 
BS.CK2 Trần Văn Dương

Chào bạn Hậu,

Với thông tin bạn cung cấp, có thể bạn đã bị nứt xương sên hoặc xương gót. Hiện tại đã hơn 1 năm mà vẫn còn đau là không bình thường. Bạn nên khám ở BV có chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình hoặc Y học thể thao để được khám và tư vấn trực tiếp.
 

Phạm Minh Tâm - Đồng Nai

BS cho em hỏi với ạ,

Chân em bị té, ngón chân cái bị nứt xương nhẹ. BS chụp hình chỉ kêu uống thuốc, em muốn hỏi chân em như vậy uống thuốc liệu có lành không (có cần làm thêm gì khác không) và khoảng bao lâu thì hoạt động bình thường?
 
BS.CK2 Trần Văn Dương

Chào Minh Tâm,

Gãy xương đốt ngón chân chỉ cần cố định ngón chân bị gãy với các ngón chân lành. Thông thường sau 2 tháng xương ngón chân sẽ lành. Tuy nhiên, bạn nên tái khám để BS theo dõi quá trình lành xương cho bạn.
 

Trần Thanh Nhân - nhanth…@gmail. com

Chào BS,

Mẹ em bị hội chứng ống cổ tay. Sau khi khám, các BS cho uống thuốc 2 tuần và bảo nếu không bớt thì buộc phải mổ.

Tuy nhiên sau 2 tuần uống thuốc, mẹ em bảo không bớt và nói có quen 1 số người cũng bị giống vậy, họ bảo sau mổ tình trạng tê nhức không bớt mà lại có vẻ nặng hơn. Vì vậy, mẹ em nhất quyết không chịu đi mổ và điều trị tiếp mà chuyển sang vật lý trị liệu và đắp thuốc nam.

Hiện tại bệnh vẫn không có chiều hướng thuyên giảm. Vậy BS cho em hỏi:

- Hội chứng ống cổ tay có thể điều trị bằng vật lý trị liệu hay không?

- Nếu điều trị bằng phương pháp mổ, bệnh có hết hay không? Có thể diễn biến nặng hơn hay có biến chứng xảy ra không ạ?
 
Em cảm ơn BS.

BS.CK2 Trần Văn Dương

Chào Thanh Nhân,

Không biết mẹ bạn đã được đo điện cơ chưa? Nếu hội chứng ống cổ tay mức độ nhẹ có thể điều trị bằng cách bất động tay bằng nẹp, uống thuốc và tập vật lý trị liệu. Nếu mức độ nặng thì nên phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng như teo cơ bàn tay không hồi phục.
 

Võ Thái Quang - canmo. . . @gmail. com

Chào BS,

Em bị gãy tay 2 tháng rồi mà tay em chưa thể xoay cổ tay và gấp được. Gãy tay quay trái. Sau 2 tháng xương can chậm. Lệnh ít. Em mong BS giúp em!
 
BS.CK2 Trần Văn Dương

Chào bạn Quang,

Bạn không nói rõ là gãy ở cẳng tay hay cánh tay, và không nói rõ đã được phẫu thuật hay bó bột, và độ di lệch như thế nào, do đó chưa đủ thông tin để BS tư vấn cho bạn. Bạn nên khám ở BV có chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình hoặc Y học thể thao để được khám và tư vấn trực tiếp.

 
Nguyễn Bá Hiển - duyd…@gmail. com

Thưa BS,

Tôi 73 tuổi bị té xe máy, trật khớp vai phải, ngày 4/7 đã nắn chỉnh khớp vai, không mổ, chỉ định đeo đai vai và uống thuốc calci và thuốc giảm đau. Đeo đai hơn 1 tháng, thấy đỡ đỡ, tôi bỏ đai, tập tay phải nhè nhẹ, tiếp tục uống calci và thuốc giảm đau.

Ngày 11/8, chụp phim, kết quả: ổ chảo, ổ khớp vai không ghi nhận bất thường. Kết luận vỡ phần ngoài chỏm xương cánh tay phải có mảnh xương rời.

Hiệnc tay phải tôi hơi sung, hơi đau, vận động hạn chế, tuy vẫn tập nhè nhẹ. Tôi muốn phục hồi chức năng tay phải.

Kính xin BS cho biết tôi có phải mổ không hay chữa bằng vật lý trị liệu, sóng ngắn, hồng ngoại,… Xin chân thành cảm ơn BS.
 
BS.CK2 Trần Văn Dương

Chào bác,

Trường hợp của bác có thể là trật khớp vai phải + gãy mấu động lớn xương cánh tay. Thông thường sau khi nắn trật thì mảnh xương sẽ tự vào vị trí bình thường và có thể bảo tồn được. Chỉ phẫu thuật kết hợp xương khi mảnh gãy di lệch xa.

Bác nên tái khám để BS quyết định phương pháp điều trị tốt nhất cho bác.
 

Lê Quang Phước - Bình Thuận

Chào BS,

Cách đây 2 ngày em bị té từ trên cao xuống. Đi khám và chụp Xquang, BS chẩn đoán chân trái em bị gãy xương gót chân, chân phải rạn xương gót chân.

Hôm mới bị và hôm qua em thấy có sưng nhưng nhỏ. Đến hôm nay là ngày thứ 3 tự nhiên cả 2 chân sưng to.

BS cho em hỏi vậy là sao và có nguy hiểm không, có cần đi khám lại và chẩn đoán lại không ạ?
 
BS.CK2 Trần Văn Dương

Chào bạn Phước,

Bạn bị gãy xương gót mới 3 ngày, chân còn sưng là bình thường. Tuy nhiên, bạn cần được thăm khám để BS chuyên khoa cho chỉ định bất động xương gãy và dùng thuốc và hướng dẫn tập vật lý trị liệu cho bạn. Gãy xương gót dễ lành và không nguy hiểm, bạn cần tái khám để BS theo dõi cho bạn.
 
Ngọc Thắng- thangsieu...@gmail.com

BS ơi, chân em đã tháo bột được 1 tháng 25 ngày, chân của em bị chấn thương ở xương ống chân và phía sau là gãy xương phụ, bị chấn thương từ vùng dưới đàu gối (xương ống chân) và gãy xương phụ gần chỗ gót chân. Hiện em đã đi lại được bình thường nhưng vẫn còn hơi vẹo; đi chân không đau và cũng không nhức nhưng nó vẫn còn sưng. Em đã bó bột chỗ BS khoa chấn thương ở BV đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, lần đầu tiên bó bác cho nẹp 10 ngày rồi xuống bó tròn trong 5 tuần mới tháo bột.

BS hãy giải thích hiện tượng còn sưng giùm em và chỉ em cách để khắc phục ạ. Em cảm ơn BS.
 
BS.CK2 Trần Văn Dương

Chào bạn,
 
Sưng sau gãy xương chủ yếu do rối loạn dinh dưỡng và chấn thương phần mềm kết hợp với gãy xương và do bất độnng lâu ngày. Các triệu chứng này sẽ giảm dần theo thời gian với việc dùng thuốc và tập vật lý trị liệu.

Cổng thông tin sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X