Hotline 24/7
08983-08983

Livestream: “Hỏi - đáp với bác sĩ Lương Lễ Hoàng”

Sáng 29/9, từ 8g30-11g30, chương trình giao lưu “Hỏi - đáp với bác sĩ Lương Lễ Hoàng” đã giải đáp nhiều vấn đề thường gặp của sức khỏe như cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan, trầm uất…







Chương trình giao lưu y học "Hỏi - đáp với bác sĩ Lương Lễ Hoàng” vào cửa tự do, diễn ra tại Hội trường King Hall, Khách sạn Royal Kim Đô (135 Nguyễn Huệ, Q.1, TPHCM) với nhiều vấn đề hấp dẫn, nóng hổi, trọng điểm là:

Người không bệnh có nên dùng tảo Spirulina?
Vì sao người yếu sinh lý cần khoáng tố kẽm?
Nếu dùng thuốc Đông Y trị loét dạ dày có cần dùng thêm thuốc Tây?
Bác sĩ có kinh nghiệm nào trong điều trị trẻ đổ mồ hôi ướt đầu khi đang ngủ?
Ai nên dùng kem chống giãn tĩnh mạch?
Dùng men vi sinh thế nào để có tác dụng tối ưu?
Nên dùng Linh Chi độc vị hay nên kết hợp với hoạt chất khác?
Dùng tinh dầu cây thuốc trong bệnh đường hô hấp có gì khác biệt với kháng sinh?
Thuốc hỗ trợ chức năng sinh lý thường phải khác biệt cho nam và nữ?
Có thuốc nào dùng được cho cả hai?
Đông Trùng Hạ Thảo là thuốc tốt cho ai?
Dùng dược thảo ổn định đường huyết, được hay không?



Từ sáng sớm, bác sĩ Lương Lễ Hoàng và nhiều khách mời tham dự đã có mặt tại hội trường, tham quan, thưởng thức những món ngon trước khi chương trình bắt đầu. Một số cô bác tranh thủ thời gian đọc các tài liệu về sức khỏe, gặp vấn đề nào tâm đắc, lại gật gù đánh dấu về cho gia đình cùng tham khảo.









Có nơi đâu mà người tham dự luôn được cười "thả ga" như hội thảo của bác sĩ Lương Lễ Hoàng!


MC Kim Ánh: Ai cần kem để chống giãn mạch?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Nếu nghĩ bệnh tĩnh mạch không có dấu hiệu báo động thì sai. Không nên xem thường nếu dấu hiệu sưng cổ chân, vọp bẻ, tê đầu ngón chân xảy ra càng lúc càng thường xuyên dù bản thân không hề bị chấn thương. Trái lại, nên sớm gõ cửa thầy thuốc. Chẳng hạn như, sáng mang đôi giày không chật nhưng chiều chật thì chắc hẳn đã có vấn đề.

Khi tĩnh mạch suy, máu chạy chậm có thể tạo cục máu đông, khi cục máu đông này chạy vào tim, phổi thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, khi tĩnh mạch yếu điều đáng lo là rất dễ bị trĩ.

Có một điều rõ hơn ban ngày, chắc hơn đinh đóng cột. Đó là phụ nữ nào cũng muốn… đẹp! Nhưng khi tĩnh mạch đau, tê thì ráng ăn uống, chăm sóc sao để đừng hình thành cục máu đông, chứ không phải là để cho đẹp.

Phụ nữ sinh nở nhiều lần tĩnh mạch yếu, do đó suy tĩnh mạch đúng là nỗi trăn trở của nhiều phụ nữ. Nhưng đừng vì thế mà lo sợ thái quá. Nếu có trục trặc với tĩnh mạch thì trong ngày nên kê chân cao lên, đồng thời kê cả đầu. Xoa kem tĩnh mạch mục đích không phải là tan ra mà để ngăn ngừa hình thành cục máu đông, ngăn ngừa trĩ.

MC Kim Ánh: Vì sao nên dùng dược thảo để ngăn ngừa stress?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Khi có bệnh tim mạch, bắt buộc điều trị bằng thuốc đặc hiệu, trong đó có thuốc loãng máu (thuốc chống đông máu) như aspirin… Hiện nay, tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ, đột quỵ quá cao. Trong đột quỵ, thời gian cấp cứu rất gấp. Tôi rất vui khi trao đổi với AloBacsi được biết tháng 11, ở Cần Thơ sẽ có bệnh viện chuyên về đột quỵ. Đây là tin mừng. Không chỉ Cần Thơ mà xứ ta cần nhiều bệnh viện có thể cấp cứu đột quỵ.

Chữa đột quỵ tốt nhất là làm sao đừng đột quỵ, giữ máu không được loãng như nước lã. Khi lên cơn stress thì phản ứng cơ thể sẽ làm dòng máu chạy chậm lại, chất mỡ trong máu kết dính gây hại cho cơ thể.

May mắn, một số gia vị, cây thuốc dùng thường xuyên… giúp máu có độ loãng lý tưởng, chẳng hạn như diếp cá.

Như vậy, khi có bệnh tim mạch chưa đến lúc phải dùng thuốc thì có thể chọn dược phẩm, thực phẩm chức năng, miễn sao nó có hoạt chất giúp máu loãng, bảo vệ thành mạch máu.



MC Kim Ánh: Già hay trẻ ai nên dùng sâm Hoa Kỳ?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Sâm là một trong tứ bảo.

Ngày xưa sâm mắc nên hay để dành cho ông bà, cha mẹ, nên tự bao giờ luôn định hình người trẻ không cần sâm.

Ngày nay, sâm đã được chứng minh không ảnh hưởng trên huyết áp, không phải là thuốc của riêng người già.

Ở châu Âu sử dụng hoạt chất chứa sâm cho người trẻ chống stress, trẻ em dùng để tăng cường trí não.

Sâm không còn phân biệt, giới hạn độ tuổi người sử dụng. Chẳng hạn như trẻ em mới sốt xuất huyết thì đều có thể sử dung sâm hay nếu nói người già bao nhiêu tuổi mới được uống, như đặt ra “quy định” trên 70 mới được uống sâm thì thật “tội nghiệp” những người 69,5 tuổi chờ mòn mỏi mãi không được dùng.

Nếu chúng ta sử dụng thấy tốt thì tiếp tục dùng, không thì thôi! Vì có tình trạng người bệnh uống vài năm, hỏi thấy bớt không, trả lời rõ lớn “Không” mà không hiểu sao vẫn dùng. Như vậy, dùng sâm cũng giống như các thực phẩm khác mà thôi.



MC Kim Ánh: Dùng men vi sinh thế nào để có tác dụng tối ưu?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Men tiêu hóa là giúp tiêu hóa, men vi sinh cần thiết cho vi khuẩn tốt sống trong dạ dày. Tốt thì yếu nên dễ chết, uống viên kháng sinh, thay đổi thời tiết, hay gia chủ stress cũng dễ chết. Còn vi khuẩn xấu thì “sống dai”. Khi vì khuẩn tốt mà chết thì vi khuẩn xấu thừa nước đục thả câu, nhiều bệnh có cơ hội phát triển.

Sử dụng men vi sinh cần lưu ý chuyện:

- Không thể có tác dụng ngày một ngày hai. Nhất là con nít, trở trời hay bị bệnh uống nhiều kháng sinh, do đó khi dùng men vi sinh phải ít nhất 15 ngày, chứ không phải dùng mà có tác dụng ngay.

- Men vi sinh sẽ tốt hơn nếu sử dụng chung với thành phẩm với kẽm.

- Cơ thể chiếu chất đạm thì men vi sinh cũng không hấp thụ được.

MC Kim Ánh: Trái nào nên thuốc với tên gọi không thừa, không thiếu?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Đây chính xác là trái đu đủ. Bây giờ đương là mốt.

Trái đu đủ để ăn thì không nói chi mà trong lá đu đủ có loại men được y khoa sinh học đánh giá cao giúp chống lão hóa. Nhưng không có nghĩa là ai cũng uống được lá đu đủ. Ví dụ như người ung thư thì không nên dùng không có chỉ định của bác sĩ mà “lỡ” phá bỏ vành đai.

Để giúp máu dẻo dai, chống lão hóa, giữ tế bào trẻ trung thì nên sử dụng lá đu đủ nhưng phải áp dụng lúc tế bào vẫn còn trẻ trung chứ khi hết đát thì uống chi nữa, thì lúc đó nên quay qua ăn trái đu đủ, tận hưởng món ngon trước khi “ra đi”.



MC Kim Ánh: Mì gói gây ung thư, hư thực thế nào?

Với câu hỏi này từ MC, bác sĩ Hoàng khiến cả hội trường ồ lên thích thú khi đặt câu hỏi ngược lại cho khách tham dự "Có những người không ăn mì ăn liền nhưng có bị ung thư không? Câu trả lời đồng thanh là "CÓ".

Bác sĩ Hoàng tiếp tời, chúng ta có thói quen đổ lên đầu một món gì đó khi mắc cái này, mắc cái kia nhưng lại "quên" để ý đến các vấn đề khác. Không thể trăm dâu đổ đầu một chất nào đó được phát hiện trong mì gói. Cũng không thể phát ngôn vô tội vạ để ai ăn gì cũng sợ. Chỉ thành vấn đề khi chất gọi là có hại vượt quá xa định mức an toàn. Đó chính là điểm khác biệt giữa “sản phẩm” chỉ vì lợi nhuận và “tác phẩm” của người yêu nghề.

Dùng mì gói không có gì bất lợi cho sức khỏe nếu đừng quên "đa dạng hóa” khẩu phần với nước trái cây, sữa chua. Thêm được thịt cá, rau quả vào phần mì càng hay. Còn không thì có thể chọn sản phẩm đã cấp đầy đủ các chất trên.

Lượng chất gọi là sinh ung thư, cho dù nếu có trong mì ăn liền, liệu có thể mối nguy nếu so với lượng khói thuốc lá nơi công cộng, khói xăng dầu của xe cộ quá tải, của chất thải công nghệ vô tội vạ vào nguồn nước, với nếp sinh hoạt trái ngược với qui luật thiên nhiên, ngủ ít, thức khuya, lạm dụng rượu bia…? Chuyện nào đáng lo hơn?

Sống kiêng cữ, khắt khe quá e cũng sinh bệnh!

MC Kim Ánh: Người không bệnh có nên dùng tảo Spirulina?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Tảo Spirulina không phải là đề tài mới. Người ta đã phát hiện thêm trên những nước có thiên tai, nạn đói, tảo Spirulina và chùm ngây sử dụng như thực phẩm cứu đói. Ý nghĩa không dừng lại ở đó. Trong 150-200ml nhiều chất đạm nhiều hơn thịt bò. 100mg chùm ngây có nhiều vitamin C hơn cả chục trái cam.

Trong cơ thể không thể thiếu chất đạm. Chất đạm trong động vật có ưu điểm là ngon hơn bột tảo. Nhưng protein trong đạm động vật khi đưa vào cơ thể không thể thì cách mấy cũng không né được cholesterol.

Trong cấu trúc của tế bào luôn cần chất đạm nhưng không phải dạng protein mà là axit amin. Axit amin đó là do khi ăn vào phân thành axit amin. Ví dụ như uống collagen nhưng không phải thứ đặc biệt tốn tiền thì nó không ra collagen, mà bị phân ra thành axit amin, liệu nó có tổng hợp lại thành collagen hay không? Nhưng khi phân tích thì những chất đạm kiểu đó thì ra những phế phẩm làm tăng axit uric, cholestorol, nghĩa là những cơ quan giải độc cho cơ thể như gan, thận sẽ mệt. Vậy có cách nào đưa cho cơ thể axit amin mà không cần đi ngang qua ngõ xử lý đó. Cơ thể đủ axit amin thì sẽ tổng hợp lại và bảo vệ tế bào.

Tế bào ung thư ai cũng có, nhưng nó chỉ tập trung đủ lực lượng, tấn công và phá vỡ cấu trúc của các tế bào lành khi thiếu axit amin quan trọng cho chuyện phòng bệnh. Từ đó, những người nghiên cứu lâu đời về vi tảo mới nhận ra là vi tảo nhỏ nhưng hiệu năng lớn đến thế. Chẳng hạn như với người bị trầm uất mà có đủ pretophan mitronnin - axit amin có trong tảo thì thấy vui hơn, ngủ ngon hơn và không cần an thần, hóa chất tổng hợp.

Tôi áp dụng phương pháp không cần sử dụng quá nhiều tảo. Chỉ cần 50-200ml tảo nguyên chất, uống ngày 3 lần hơn là uống theo kiểu 10 viên hay 20 viên. Uống thuốc mà uống nhiều quá cũng tăng gánh nặng cho người bệnh. Đừng nghĩ phải uống thiệt nhiều tảo mới tốt, chỉ cần lượng đúng thì đã tiếp tế đủ cho cơ thể. Nên nhớ chỉ nên tiếp tế đủ chứ không để dư bởi vì dư có nghĩa là bệnh.

MC Kim Ánh - người bạn đồng hành hơn 10 năm cùng bác sĩ Lương Lễ Hoàng trong các chương trình, buổi hội thảo


MC Kim Ánh: Thanh lọc cơ thể bằng dược thảo lợi hại thế nào?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Trên truyền thông nói nhiều về thanh lọc cơ thể detox. Đây là phương pháp giải tỏa chất độc ra ngoài. Tất nhiên nếu mình pha loãng được thì rất tốt. Vì các chất độc chỉ sinh bệnh khi nào nó tập trung đủ lực lượng. Nếu ta pha loãng trong ngưỡng có thể sát mí bệnh lý nhưng không đủ để gây bệnh thì nó chỉ ở đó với mình cho vui thôi. Giống như tôi xem phim, hoàng tử và công chúa và lấy nhau liền thì sẽ dở, phải éo le chút thì tuồng mới hấp dẫn. Đây cũng vậy, cuộc sống càng stress thì phế phẩm càng nhiều. Do đó, chúng ta cần giữ nó trong định mức không đủ hại mình thì sẽ có cớ để thách thức “có ngon thì hại ta đi”.

Để không gặp phải đoạn phim éo le như hoàng tử - công chúa thì cần thanh lọc định kỳ cho cơ thể. Lá gan đã mệt sẵn rồi, nếu thanh lọc mà đưa vào trong cơ thể làm gánh nặng cho gan thì thanh lọc để làm gì? Vì vậy, chúng ta cần sử dụng những phương thuốc nhẹ nhàng như atiso, kim chi, dược thảo như bồ công anh, rau má… miễn sao đảm bảo chất lượng về an toàn vệ sinh.
Chúng ta không nên thanh lọc cơ thể mỗi ngày. Thanh lọc khi nào thấy nó nguy hiểm, xấu thì hẵng thanh lọc. Vậy khi nào cần “làm sạch” cơ thể:

- Khi ăn vô có miếng mà bỗng no ngay thì mình thanh lọc cơ thể

- Khi ngủ 1-2 giờ sáng thức dậy, ngủ không được, trăn trở đến sáng mệt nhoài thì cần thanh lọc cơ thể.

Thanh lọc cơ thể điều quan trọng nhất là bằng phương pháp nào. Nghĩa là 10 ngày sau khi áp dụng phương pháp đó thì cần thấy khỏe, không cần tiếp tục thanh lọc thì đó mới là đúng nghĩa thanh lọc.

MC Kim Ánh: Atiso thuốc quý hay chỉ là chuyện của quảng cáo?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Quảng cáo không có nghĩa là xấu nếu như người ta quảng cáo đúng. Khéo hơn nữa là người ta quảng bá kiến thức khiến người nghe hiểu rõ và dùng cho đúng, quan trọng nhất là đừng để dùng sai.

Atiso là cây thuốc độc đáo, nó đòi hỏi phải có điều kiện thổ nhưỡng. Các trường đại học, trong đó có đại học ở Paris đã nghiên cứu, chứng minh hàm lượng cinarin có trong atiso là yếu tố quyết định.

Và hàm lượng cinarin ở trong atiso trồng tại Lâm Đồng được xem là cao nhất trên thế giới. Nhưng nó có điều bất lợi là nếu hái atiso trong 48 giờ đồng hồ mà chưa làm ra thuốc thì mất hết hoạt chất. Như vậy, giả sử có người tặng cây atiso từ Lâm Đồng mà thấy quý quá đem cất giấu để ăn sau thì cũng chẳng khác nào mình ăn "rác" bởi chất dinh dưỡng đã mất hết, ăn để "làm màu" thì được.

Trước đây, lợi ích nổi bật nhất của atiso là lợi mất nhưng hiện tại nó đã được chứng minh là giúp tế bào gan bị tổn thương hồi phục.

Do đó, hiện nay cái mọi người cần là một sản phẩm có chất lượng, nghĩa là không phải cây atiso chỉ còn lại "rác" mà là cây atiso có hàm lượng dinh dưỡng cao, được nuôi trồng sinh thái.

Ngoài ra, cần lưu ý không dùng atiso "ròng rã" chỉ vì sợ bệnh gan, bởi khi sử dụng atiso là bắt gan phải tiết ra mật. Người ta quên mất rằng trên đường ra túi mật thì có thể hình thành sỏi, rất nguy hiểm.

Vậy thì ở đây cần phải sử dụng atiso dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc dùng hòa hoãn như trà, cao, nước uống... Khi dùng không phải đợi bệnh gan mật rồi mới đổ xô đi mua uống mà cần dùng khi đang điều trị bằng thuốc khác, nhờ atiso đào thải mà thuốc tốt hơn, ít phản ứng phụ, ít độc tính hơn.

 Bác sĩ Lương Lễ Hoàng theo đuổi hoài bão phát huy giá trị của nền y học cổ truyền phương Đông, ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về y dược, được thế giới công nhận.


MC Kim Ánh: Tinh dầu cây thuốc trị bệnh đường hô hấp có gì khác biệt với kháng sinh hay không?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Ở Hà Nội có một vị bác sĩ đang cổ động chương trình mà tôi cho là rất hay, nuôi con không bằng kháng sinh. Kháng sinh là thứ thuốc không thể thay thế được khi bị bội nhiễm. Ở xứ mình nhiều nơi mua thuốc mà không cần toa hay một số thầy thuốc kê kháng sinh như phản xạ, cứ thấy ho là cho kháng sinh.

Hiện nay, các bác sĩ đang thay đổi quan niệm này, ngay cả WHO cũng đưa ra nhiều nghiên cứu chứng minh 70% những đứa trẻ bị ho, ngay cả sốt không có nghĩa là bắt buộc phải sử dụng kháng sinh ngay.

Bây giờ đã quay trở lại thời sử dụng những phương pháp dân gian được nâng cấp với khoa học hiện đại. Trong đó có sử dụng tinh dầu liệu pháp.

Kháng sinh được sử dụng khi người ta biết có vi khuẩn trong cơ thể. Thầy thuốc sẽ cho loại kháng sinh diệt loại vi khuẩn đó nhưng khi diệt xong coi chừng nó quay lại, vì vi khuẩn rất thông minh biết cách chống lại kháng sinh, gây ra tình trạng lờn thuốc.

Chẳng những vậy, vi khuẩn còn dạy các vi khuẩn khác cách biến thể để tránh thuốc kháng sinh. Vì vậy, thầy thuốc còn đang bận bù đầu để nghiên cứu ra loại kháng sinh mới.

Sử dụng tinh dầu có nhiều cách khác nhau như đánh dầu, xông hơi, ngâm chân, thuốc đắp... Nhưng khi ta dùng tinh dầu liệu pháp không phải như kháng sinh là đi tìm vi khuẩn để tiêu diệt mà nó tạo ra môi trường để vi khuẩn không “tác quái”được. Ở xứ mình, việc sử dụng tinh dầu chưa phổ biến nhưng ở châu Âu tinh dầu liệu pháp đã ở vị trí đầu tiên từ lâu rồi.

Tôi đã áp dụng cho rất nhiều gia đình có bệnh nhi bị ho tái lại nhiều lần. Thứ nhất là giữ ấm lòng bàn chân, xương sống, da đầu. Thứ 2 là sử dụng tinh dầu trước khi cho bé ngủ thì kết quả vừa đuổi được muỗi vừa dễ chịu vừa cảm thấy khỏe khoắn.

Tôi hỏi 10 người về tiêu chí để chọn tinh dầu thì hầu hết đều trả lời là hiệu quả. Nhưng, khi chọn tinh dầu cần phải biết cơ thể có chịu dung nạp hay không. Khi mua, nếu dùng thử lên da mà không thấy ngứa, không kích ứng thì nên sử dụng.


Các gian hàng nhộn nhịp người tham quan, mua sắm


MC Kim Ánh: Vì sao trẻ cần “sạc pin” trước giờ ra chơi?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Rất nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con em mình nhưng trong bối cảnh ngày nay có nhiều nghịch lý mà nếu nói hết ra thì cách mấy cũng đụng chạm.

Một đứa trẻ, ngay từ khi chào đời cũng không thể nào tập trung vào chuyện gì quá 10 phút. Khi lớn lên và ở độ tuổi sắp vào đại học thì khả năng tập trung cao nhất cũng chỉ 4 giờ đồng hồ thôi. Sau đó, khả năng này sẽ giảm dần.

Vậy làm sao mà đứa trẻ có thể học 1 buổi học mà hơn 4 giờ, chẳng phải là phản khoa học sao, đó là còn chưa kể học thêm, học chuyện này, chuyện khác.

Trẻ đi học có giờ ra chơi, nếu không được ăn xế hoặc uống thêm hộp sữa để đủ đường hòa hoãn, nếu không có khoáng tố đa lượng để trấn an thần kinh sau mấy giờ học mệt mỏi như canxi, photpha, magie chẳng hạn, không có đủ sinh tố B - sinh tố trợ lực cho hệ thần kinh thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Các nhà khoa học nghiên cứu trên 20 trường trung học và tiểu học ở Đức thì ghi nhận số trẻ ra chơi bị thương và làm bạn bị thương là những đứa trẻ trước khi giờ chơi bị... đói. Như vậy, cần phải có thêm thời gian cho trẻ để ăn thêm món gì đó rồi hẵng ra chơi, nạp năng lượng để trẻ có phản ứng vừa phải, không thái quá, không cường điệu, hấp tấp. Nhất là sau khi chơi, trẻ sẽ tiêu hao sạch sinh tố, khoáng tố, năng lượng (trừ khi trẻ ra chơi nhưng chỉ ngồi để "quẹt" máy).

Khi trẻ đã hết năng lượng nhưng phải vào lớp học thì lúc đó hoàn toàn không còn chút "vốn liếng" gì để tiếp thu, rồi ba mẹ lại kết luận, thắc mắc "vì sao con tui học hổng vô?".

Tôi có nhắc nhở các phụ huynh đến với tôi, cần can thiệp với nhà trường để trẻ được ăn nhẹ trước giờ chơi, thậm chí là sau giờ chơi rồi mới vào giờ học. Sau 4 tiếng đồng hồ thì nhà bác học còn mệt chứ huống chi con nít.

Có thực với vực được đạo. Vậy hà cớ gì lại đẩy đứa trẻ tới chỗ hết "vốn liếng" mà bắt phải sinh lời? Muốn sinh lời, trước hết cần có đủ vốn, phải không?

MC Kim Ánh: Cà phê nào hại gan, cà phê nào hại thận?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Cà phê được nhiều người sử dụng từ thế kỷ 17. Ngày nay, cà phê còn được kết hợp thêm với các hoạt chất của một số cây thuốc thì còn hay hơn nhiều. Ngược lại, nếu sử dụng cà phê mà “không phải là cà phê”, hay nói cách khác dùng hóa chất để cà phê đen hơn, nổi bọt nhiều hơn thì đó mới là cà phê gây hại.

Vấn đề hiện nay là nhà nước cần đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải là cây cà phê tốt, rồi mới tới cà phê ngon. Cà phê tốt + ngon = đồ uống đáng sử dụng.

MC Kim Ánh: Dùng kem chống sẹo có lợi hay không cho người bị mụn?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Không phải chỉ riêng mụn đâu mà chắc chắn không ai muốn mình bị sẹo. Khi có thương tổn ngoài da nói chung và mụn nói riêng, điều quan trọng nhất là làm sao để nó không ăn sâu xuống hạ bì (hoặc mô hạt không trũng xuống quá, không lồi lên quá) thì khi đó phản ứng làm lành sẽ tốt hơn, không có sẹo xấu.

Mặt khác, những đứa trẻ tuổi dậy thì khi thấy nổi mụn thì sợ, tự ti quá đâm ra bạ chỗ nào cũng nặn nhưng lại không nặn đúng cách dẫn đến hư da. Bên cạnh đó, ở xứ mình tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời quá gay gắt cũng biến thành sẹo, có thể là sẹo thâm, sẹo rỗ… Từ đó dẫn đến tỷ lệ người trưởng thành trầm uất, mắc nhiều bệnh khác nhau và nhất là tỷ lệ tội phạm rất cao vì không được hướng dẫn, không được giúp đỡ khi trẻ mang cái sẹo rất oan uổng.

Do đó, chúng ta cần phổ biến thông tin để những đứa trẻ biết rằng, mụn ở tuổi dậy thì không nghiêm trọng, chỉ có 15% là mụn nặng cần bác sĩ chuyên khoa, 85% còn lại ráng làm sao thanh lọc cơ thể, hướng dẫn để trẻ không mạc cảm về vẻ bề ngoài với bạn bè. Trong đó, có cả biện pháp bảo vệ làn da. Cách điều trị sẹo tốt nhất là làm sao cho đừng thành sẹo, chứ đừng để thành sẹo rồi mới điều trị thì sẽ khó hơn rất nhiều.

MC Kim Ánh: Bị béo phì, làm sao để vẫn ăn được "món béo bở" mà không sợ phát phì thêm?

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng: Khi ăn món béo, lượng mỡ sẽ đưa xuống đường tiêu hóa, hấp thu vào đường máu, trở về với lá gan. Nếu không được xử lý tạo ra năng lượng thì đến lúc nào đó nó sẽ thừa, đóng vào thành bụng, đóng vào thành đùi, thành mông và kết quả là có ngoại hình không như mong muốn.

Người ta đặt ra câu hỏi, nếu tôi không ăn mỡ, liệu có béo phì? Xin thưa là CÓ.

Vậy làm thế nào để ăn được món béo bở mà không sợ phát phì. Có 2 cách. Đó là:

1. Vận động đặc biệt sau bữa ăn để lượng đường trong máu vô trong bắp thịt đốt thành năng lượng, bởi lượng đường dư mới thành mỡ. Sử dụng hết cho năng lượng sau khi ăn thì không thành mỡ được.

2. Sử dụng những hoạt chất sinh học vì nó ăn toàn, hoạt chất này đứng đầu là chất xơ để nó kéo một lượng mỡ theo đường ruột ra ngoài trước khi nó lọc trong máu.

Yoga cười - Món quà sức khỏe đặc biệt của bác sĩ Lương Lễ Hoàng


Ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch câu lạc bộ yoga cười Việt Nam cùng các thành viên...

...hướng dẫn các bài tập yoga cười

Nụ cười luôn là "món quà" đặc biệt nhất trong mỗi hội thảo có sự tham dự của diễn giả Lương Lễ Hoàng. Già, trẻ, lớn, bé, quen biết hay xa lạ, đều vì câu chuyện, câu tư vấn hài hước của ông mà cười nghiêng ngả. Cười để nhớ nhiều hơn về kiến thức. Bởi thế, chẳng dễ gì mà mọi người ưu ái nhớ đến ông với danh xưng - thầy thuốc y khoa vui vẻ.

Điều đặc biệt trong mỗi buổi hội thảo của bác sĩ Hoàng là không ai đứng lên ra về trước khi kết thúc chương trình. Ai cũng nán lại để nhận được niềm vui nhiều hơn sau những ngày làm việc căng thẳng.

Nhất là bộ môn yoga cười mà bác sĩ Hoàng đã mời đến để “tập cười” cho người tham dự. Gần 30 phút cuối của chương trình là những giây phút trọn vẹn được hưởng cảm giác thư giãn, sảng khoái xua tan những mệt mỏi trong cuộc sống thường nhật.

Những bài tập rất đơn giản, tràn đầy hứng khởi...

...giúp người tham dự vỗ tay không ngớt





Buổi tập bắt đầu bằng những động tác khởi động rất riêng, người tập vẫn ngồi trên ghế vỗ tay, hít thở và cười to ha ha ha, hô hô hô. Có người còn sáng tạo ra các cách cười khác nhau, cười to hơn và cười hết sức lấy hơi từ bụng. Những bài tập này được xen kẽ với hơi thở sâu.

Tiếp theo, ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch câu lạc bộ yoga cười Việt Nam còn đưa mọi người đến một trạng thái khác, bằng cách đưa hai tay sang hai bên rồi hô vang các điệp khúc: “Rất tốt, rất tốt, yeah!”.

Sau đó là hàng loạt động tác uống trà được ông Trường hướng dẫn rất chi tiết: “Một tay cầm ly, một tay cầm bình rót trà” và “nhớ đưa tình cảm thân thương của mình vào ly trà thì khi uống vào mới đem lại sự tươi mát cho cơ thể”. Sau đó là tiếng cười hô hô hô, ha ha ha… Cả khán phòng tập theo, cười theo, tiếng cười ngày càng vang rộn, lan tỏa.

Vị chủ tịch CLB Yoga cười cho hay, các tư thế để cười đều ám thị giúp người tập có những suy nghĩ tích cực hơn. Vì vậy, yoga cười có tác dụng rất tốt để chống stress, giải quyết lo âu, hỗ trợ trong việc phòng và điều trị những bệnh mãn tính liên quan đến tinh thần, căng thẳng như tim mạch, tiểu đường, ung thư…


Thực hiện: Thái Dung - Phương Nguyên - Mỹ Thi - Viết Hưởng - Quốc Cường
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X