Hotline 24/7
08983-08983

Livestream: Hành động sớm phòng chống bệnh đái tháo đường

Nhân ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, vào lúc 15g30 chiều nay, ThS.BS Võ Tuấn Khoa - khoa Nội tiết, BV Nhân dân 115 sẽ livestream và tư vấn giải đáp các vấn đề về cách phòng chống bệnh đái tháo đường, cách ngăn ngừa biến chứng…

Theo Tổ chức Sức khỏe thế giới (WHO), thế kỷ 21 là thế kỷ của các bệnh nội tiết và các rối loạn chuyển hóa, điển hình là bệnh đái tháo đường.

Theo dữ liệu của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), ước tính có 425 triệu người mắc đái tháo đường năm 2017 và sẽ tăng lên thành 629 triệu người vào năm 2045. Mỗi ngày có 14000 người chết vì biến chứng của bệnh đái tháo đường trên thế giới.

Hiện nay, Việt Nam có 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó gần 50% người không được phát hiện sớm. Tỷ lệ gia tăng đái tháo đường khoảng 200%.


Nhân ngày phòng chống đái tháo đường thế giới 2018 với chủ đề: “The family & Early Action Diabetes” - tạm dịch “Gia đình cùng hành động sớm phòng chống bệnh đái tháo đường”, BS Võ Tuấn Khoa - khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TPHCM) sẽ livestream trò chuyện trực tiếp và giải đáp nhiều thắc mắc của bạn đọc xung quanh vấn đề về bệnh đái tháo đường như:

- Bệnh đái tháo đường là gì?
- Bệnh
đái tháo đường type 1 và type 2 có gì giống và khác nhau?
- Điều trị
đái tháo đường ra sao?
- Khi bị
đái tháo đường cần làm gì để ngăn ngừa biến chứng?
- Phòng ngừa
đái tháo đường bằng cách nào?

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115 và livestream phát sóng trực tiếp trên kênh fanpage AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lờiBệnh viện Nhân dân 115.

PHẦN 1: LIVESTREAM



MC Mỹ Thi: Ngày phòng chống đái tháo đường thế giới 2018 có chủ đề: “Gia đình cùng hành động sớm phòng chống bệnh đái tháo đường”, xin BS cho biết gia đình có vai trò như thế nào trong việc phát hiện và phòng chống bệnh này?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Đái tháo đường là tình trạng glucose trong máu tăng cao và thường xuyên, lâu ngày dẫn đến các biến chứng trầm trọng. Hơn 95% trường hợp là đái tháo đường típ 2 mà nguyên do là cơ thể giảm tiết chất insulin (một chất làm giảm glucose trong máu) đồng thời giảm tác dụng sử dụng glucose trong máu tại tế bào gan, tế bào cơ bắp và tế bào mô mỡ.

Phần lớn bệnh đái tháo đường type 2 thường trải qua một giai đoạn tiềm ẩn 5-7 năm (còn gọi là tiền đái tháo đường) và hoàn toàn không có triệu chứng gì cho đến khi phát hiện tình cờ bằng khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa hoặc trì hoãn được nhất là trong giai đoạn sớm khi có các yếu tố nguy cơ đặc biệt là thừa cân/béo phì, lối sống tĩnh tại, ít vận động.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại khiến con người trở nên tất bật hơn, ít dành thời gian để ý đến sức khỏe của chính mình và người thân. Ngoài ra, các thế hệ gia đình ít sống chung và ít có cơ hội chuyện trò hơn. Do vậy, với chủ đề năm nay “Gia đình cùng hành động sớm phòng chống bệnh đái tháo đường”, giới y tế muốn đề cao vai trò của gia đình trong cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường. Vai trò này thể hiện ở các khía cạnh sau:

Chính gia đình là người nhận biết người thân có yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường hay không.

Từ đó có thể khuyến khích người thân tích cực thay đổi lối sống và/hoặc làm các xét nghiệm máu để xác định sớm đái tháo đường.

Chính gia đình là người cùng với nhân viên y tế tham gia tích cực quá trình điều trị cho người bệnh đái tháo đường, gọi là mô hình lấy người bệnh là trung tâm hiện nay.

Tóm lại, tôi muốn nhấn mạnh thông điệp ở đây “Bạn mắc đái tháo đường. Bạn sẽ không cô đơn vì gia đình luôn đồng hành giúp đỡ bạn”.

MC Mỹ Thi: Bệnh ĐTĐ có di truyền không thưa BS? Nhờ BS cho biết khả năng bị ĐTĐ ở con cái trong trường hợp cha hoặc mẹ bị ĐTĐ, và trường hợp cả cha và mẹ đều bị ĐTĐ?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ về chuyển hóa chất glucose trong máu ở người bình thường như thế nào?

Glucose có trong thức ăn khi đến dạ dày sẽ ngấm qua thành ruột vào máu làm tăng glucose trong máu. Khi đó tuyến tụy sẽ tiết ra một chất tên là insulin, gọi nôm na là chìa khóa, insulin có tác dụng giúp đưa glucose vào trong các tế bào (chủ yếu tế bào gan, tế bào cơ và tế bào mỡ) tạm gọi là các kho để sử dụng hoặc dự trữ. Như vậy, đái tháo đường phát sinh từ một trong hai tình huống sau:

Không có chất insulin tức là không có chìa khóa để mở kho nên glucose sẽ tăng cao trong máu. Đây là trường hợp đái tháo đường type 1 (chiếm 5%).

Các tế bào không sử dụng hết glucose tức là ổ khóa bị hư khó mở có thể kèm theo giảm tiết insulin một phần. Đây là trường hợp đái tháo đường type 2 (chiếm đa số 95%).

Ảnh hưởng di truyền đối với đái tháo đường nói chung không hoàn toàn tuyệt đối, vì còn tương tác với yếu tố môi trường và cơ địa di truyền.

Đối với đái tháo đường type 1, xu hướng người thân dễ bị đái tháo đường type 1. Nghiên cứu cho thấy, hai cá thể sinh đôi cùng trứng, tỷ lệ hai người cùng bị đái tháo đường type 1 là 30-40%.

Còn đái tháo đường type 2, tác động này có thể thấy rõ hơn như:

- Tỷ lệ hai người sinh đôi cùng trứng bị đái tháo đường type 2 là 90-100%.

- Cha hoặc mẹ bị đái tháo đường thì khả năng con bị là 15%, còn cả cha và mẹ ruột bị thì con số lên đến 75%.

Đây chỉ là con số ước tính, ngoài ra việc phát sinh đái tháo đường còn phụ thuộc một số yếu tố khác nữa.

MC Mỹ Thi: Trường hợp có nguy cơ ĐTĐ do di truyền thì trẻ nhỏ cần được phòng tránh và tầm soát như thế nào ạ?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Hiện tại Việt Nam chưa có phòng xét nghiệm tầm soát các gen liên quan các thể đái tháo đường.

MC Mỹ Thi: Những món ăn vặt ở cổng trường rất hấp dẫn, nhưng ngoài yếu tố đáng lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm thì có liên quan đến việc ĐTĐ đang trẻ hóa không? Nguyên nhân hàng đầu gây ĐTĐ ở người trẻ là gì?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ đái tháo đường type 2 có xu hướng gia tăng ở trẻ em trên thế giới và tại Việt Nam. Yếu tố nguy cơ chính của tình trạng này là tình trạng thừa cân/béo phì kết hợp lối sống ít vận động của trẻ. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do:

- Cuộc sống kinh tế khá hơn nên trẻ em có điều kiện ăn uống nhiều hơn thế hệ trước.
- Trẻ em có nhiều thú tiêu khiển như chơi game, xem truyền hình, mạng xã hội nhiều hơn làm trẻ lười vận động.
- Thức ăn ngoài gia tăng về số lượng còn thay đổi về chất lượng với nhiều năng lượng hơn như các thức ăn chiên xào, thức ăn nhanh… kèm thức uống có đường như nước ngọt… Trong đó thói quen ăn vặt cũng góp phần không nhỏ.

Theo tôi để nâng cao ý thức cho trẻ em về vấn đề dinh dưỡng nói chung và phòng ngừa đái tháo đường, cần có một số biện pháp sau đây:

Thứ nhất: người lớn phải làm gương trong vấn đề ăn uống như hạn chế ăn vặt, không ăn các thức ăn giàu năng lượng, hạn chế thức uống có đường, đều đặn tập thể dục... Các nghiên cứu cho thấy thói quen ăn uống của trẻ phụ thuộc phần lớn từ thói quen của cha mẹ trong gia đình. Đây là cơ sở hình thành nhận thức ban đầu của trẻ về lối sống lành mạnh.

Thứ hai: chúng ta khuyến cáo trẻ không dùng các thức ăn bán quanh cổng trường là đúng vì tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe nhưng nhà trường phải đồng thời xây dựng nhà ăn trong trường theo qui chuẩn và bán thức ăn lành mạnh, phù hợp tránh thức ăn giàu năng lượng, thức uống có đường. Nên làm sẵn các suất ăn lành mạnh với đầy đủ dưỡng chất theo tỷ lệ khuyến cáo từ các hiệp hội chuyên môn để cho trẻ quen dần với cách thức ăn uống này.

Thứ ba: giáo dục thể chất (bao gồm ăn uống lành mạnh và vận động thích hợp) cần được xem là môn học quan trọng bắt đầu từ lứa tuổi mầm non thông qua việc tuyên truyền bằng các poster, tờ rơi và các khẩu hiệu ngắn gọn dễ hiểu như “ngồi ít, đi nhiều”, “ăn để không đói, chứ ăn không để no”…

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Chăm lo cho thế hệ trẻ hôm nay, chính là chăm lo cho chính chúng ta (những người lớn) trong tương lai.

ThS.BS Võ Tuấn Khoa và MC Mỹ Thi

MC Mỹ Thi: Người bệnh ĐTĐ thường được BS khuyên là tăng cường rau xanh, nhưng do công việc thường phải ăn cơm ở hàng quán, ít rau, vậy có sản phẩm nào giúp nhóm người bệnh này bổ sung rau xanh không thưa BS?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Điều trị đái tháo đường ngày nay cần tiến hành đồng thời 3 biện pháp sau đây:

- Dùng thuốc đúng cách theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
- Vận động thể lực hợp lý.
- Ăn uống lành mạnh: biện pháp này có thể chiếm đến 50-60% kết quả điều trị.

Mục tiêu của ăn uống lành mạnh trong điều trị đái tháo đường là:

- Giúp kiểm soát glucose máu ổn định tức là tránh tăng quá cao hay quá thấp.
- Kiểm soát cân nặng hợp lý.
- Góp phần phòng ngừa một số bệnh tim mạch và ung thư.

BS thường khuyên người bệnh đái tháo đường nên tăng cường rau xanh trong bữa ăn. Rau xanh chứa nhiều vitamin, chất khoáng và chất xơ cần cho người bệnh. Chất xơ có vai trò làm giảm đỉnh glucose huyết liên quan bữa ăn, có tác dụng như một tấm lưới bắt giữ chất đường trong thức ăn ở dạ dày-ruột để đưa vào máu từ từ. Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý hai điều sau đây:

- Không ăn quá mức số lượng rau xanh vì sẽ làm cản trở hấp thu các dưỡng chất khác như chất béo, chất đạm… rau xanh nên chiếm phân nửa suất ăn thông thường.

- Rau xanh ăn càng thô càng tốt như ăn sống, luộc, hấp hạn chế xào, chiên.

Trong thực tế, người bệnh đái tháo đường do bận công việc nên phải ăn bên ngoài (không phải ở nhà do mình tự chế biến) thì nên cố gắng chọn suất ăn có thêm rau xanh hoặc thức ăn khác có chất xơ như đậu bắp, khổ qua, bầu bí mướp, dưa leo, đậu que… Các thức ăn này cũng có nhiều chất xơ không kém rau xanh.

Hiện tại, chưa có sản phẩm đóng gói nào thay thế rau xanh, do vậy các bác sĩ vẫn khuyến cáo người bệnh đái tháo đường nên ăn rau xanh theo cách thức như trên.

MC Mỹ Thi: Hiện nay, đa số người cao tuổi bị ĐTĐ vẫn ăn uống, sinh hoạt cùng gia đình, không có chế độ ăn riêng, như vậy có gây trở ngại gì cho việc điều trị không?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Ngày nay, việc điều trị đái tháo đường đã có nhiều tiến bộ và thay đổi, với quan niệm lấy người bệnh làm trung tâm và cá thể hóa điều trị. Ăn uống đóng vai trò quan trọng trong kết quả điều trị đái tháo đường, tuy nhiên điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là việc ăn uống này phải hợp lý và lành mạnh.

Đối với người cao tuổi mắc đái tháo đường sống chung với gia đình, chúng tôi khuyến cáo không nhất thiết để cho họ ăn riêng bao gồm thức ăn riêng, chế biến riêng và chỗ ngồi riêng; điều này tạo khoảng cách không tốt cho họ và làm mất đi vai trò của gia đình trong việc giúp đỡ điều trị như chủ đề ngày đái tháo đường thế giới năm nay.

Ngoài ra, việc ăn uống như thế nào là còn tùy thuộc thói quen, sở thích, điều kiện kinh tế, tôn giáo… Thay vào đó, gia đình chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

- Sức nhai của người cao tuổi có thể đã suy giảm nên tránh các thức ăn có độ cứng, có thể làm thức ăn mềm đi, dễ nuốt nhưng cũng tránh trường hợp xay nghiền thức ăn làm người bệnh dễ ngán và đôi khi làm thay đổi chỉ số đường huyết của thức ăn và góp phần làm tăng đường huyết.

- Người cao tuổi dễ bị hư răng và rụng răng làm cho việc nhai kém đi. Cần chữa răng như nhổ răng sâu, răng hư, trồng răng.

- Cân nhắc sử dụng một số sữa quảng cáo dành cho người đái tháo đường vì có thể làm tăng đường (do chứa đường) hoặc gây tiêu chảy.

- Kiêng khem quá mức (do bản thân, gia đình) có thể làm người cao tuổi dễ suy dinh dưỡng, suy kiệt, đôi khi bị hạ đường huyết quá mức. Tuy nhiên, ăn uống quá thoải mái có thể làm đường huyết tăng cao và dẫn đến nhiều biến chứng trầm trọng.

- Chú ý việc uống đủ nước trong ngày.

MC Mỹ Thi: BS Khoa hiện là Tổng thư ký Liên chi Hội điều trị vết thương TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020, theo BS thì việc điều trị bàn chân ĐTĐ ở Việt Nam hiện nay đang có những vấn đề gì? Người bệnh được điều trị sớm chiếm tỷ lệ nhiều hay ít? Vì sao có những ca rất nặng mới tới BV, đứng trước nguy cơ đoạn chi?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Biến chứng bàn chân (hay loét chân) ở người đái tháo đường là một trong các biến chứng gây hậu quả nặng nề nhất, trong đó cứ 20 giây thì có một trường hợp đái tháo đường phải cắt cụt chi trên thế giới. Nguyên nhân của loét chân đái tháo đường bao gồm:

- Tổn thương dây thần kinh tại bàn chân: thần kinh chi phối ở bàn chân gồm 3 loại:

+ Sợi thần kinh cảm giác: người đái tháo đường khi bị tổn thương sợi thần kinh loại này (chủ yếu thần kinh cảm giác đau) sẽ bị mất cảm giác đau - một cảm giác bảo vệ bàn chân nên dễ bị tổn thương do tác dụng nhiệt, cơ học như đạp vật sắc nhọn, bỏng nhiệt mà không biết.

+ Sợi thần kinh vận động: làm teo các cơ ở bàn chân, dẫn đến thay đổi cấu trúc vòm bàn chân, hình thành nên các biến dạng ở bàn chân như cục chai, ngón chân hình búa… dễ dẫn đến loét chân do thay đổi áp lực tì đè lên bàn chân.

+ Sợi thần kinh tự động: làm bàn chân dễ khô, nứt nẻ… tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập.

- Tổn thương mạch máu tại bàn chân: biểu hiện bằng sự tắc nghẽn mạn tính lòng mạch máu nuôi bàn chân, giảm lưu lượng máu đến bàn chân làm vết loét chân đái tháo đường rất khó lành.

- Nhiễm trùng bàn chân: vi trùng rất dễ xâm nhập ở những bàn chân bất thường như có các biến dạng trước đó, khi đã xâm nhập rồi thì sẽ phát triển rất nhanh do cơ địa giảm đề kháng ở người đái tháo đường.

Kết quả điều trị loét chân đái tháo đường phụ thuộc vào một số yếu tố sau:

- Nguyên nhân gây loét chân: thông thường loét chân xảy ra trên nền bàn chân có biến chứng thần kinh gây các biến dạng bất thường, nếu có nhiễm trùng thì điều trị sẽ khó hơn. Tuy nhiên nếu kèm tắc nghẽn mạch máu ở chân là tình huống xấu nhất làm tăng khả năng cắt cụt chi.

- Thời điểm đến khám: càng trễ thì càng khó lành vết loét.

Cần nhận biết các yếu tố làm tăng nguy cơ loét chân ở người đái tháo đường như:

- Kiểm soát đường huyết kém
- Hút thuốc lá góp phần tắc nghẽn mạch máu chân
- Thời gian mắc bệnh đái tháo đường lâu năm
- Đã từng bị loét chân hay bị cưa chân trước đây
- Không biết cách chăm sóc bàn chân
- Đi giày dép không phù hợp
- Mất cảm giác ở bàn chân do biến chứng thần kinh

Nên nhớ 85% các trường hợp loét chân có thể ngăn ngừa được bằng cách:

- Kiểm soát đường huyết tốt.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Bản thân và gia đình biết cách tự chăm sóc bàn chân mỗi ngày, phát hiện sớm các bất thường của bàn chân, không đi chân không, không ngâm chân, không cắt gọt bàn chân…
- Mang giày dép phù hợp.

Tóm lại loét chân đái tháo đường là biến chứng đáng sợ, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh nhưng phần lớn các trường hợp có thể ngăn ngừa được bằng cách nâng cao nhận thức của người bệnh

MC Mỹ Thi: Được biết BV Nhân Dân 115 nơi BS đang công tác có nhiều chương trình tư vấn cho bệnh nhân ĐTĐ và thân nhân. Xin BS giới thiệu vài nét về những hoạt động này?

ThS.BS Võ Tuấn Khoa: Như trên đã trình bày, điều trị đái tháo đường ngày nay cần tiến hành đồng thời 3 biện pháp sau đây:

- Dùng thuốc đúng cách
- Vận động thể lực hợp lý
- Ăn uống lành mạnh

Tuy nhiên, để áp dụng đúng đắn các biện pháp trên thì đòi hỏi người bệnh đái tháo đường cần có kiến thức căn bản về bệnh đái tháo đường, kiến thức này thường được bác sĩ hay nhân viên y tế hướng dẫn qua các buổi nói chuyện, tư vấn.

Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này, khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân Dân 115 tổ chức các buổi tư vấn sức khỏe đái tháo đường dành cho người bệnh đái tháo đường do các bác sĩ chuyên khoa nội tiết chúng tôi trình bày với các hình thức đa dạng và hoàn toàn miễn phí như sau:

- Sinh hoạt câu lạc bộ người bệnh đái tháo đường: tổ chức định kỳ vào chủ nhật đầu tiên của các tháng trong năm (tháng 1, 3, 5, 7, 9 và 11, nếu trùng ngày nghỉ, (ví dụ 1/1) sẽ tổ chức chủ nhật ngay sau đó) tại khu hành chánh bệnh viện với các đề tài phổ quát liên quan đái tháo đường.

- Tư vấn nhóm nhỏ 10-15 người: các bác sĩ trình bày sâu hơn về một vấn đề cụ thể ở người đái tháo đường, sau đó có tư vấn riêng rẽ từng trường hợp tại khoa Nội tiết. Thời gian tổ chức thay đổi trong năm. Quí vị quan tâm có thể theo dõi thông tin trên website của bệnh viện hoặc gọi số 028 38 654 138 (giờ hành chánh) để biết thông tin và ghi danh tham dự.

Tóm lại, hướng dẫn kiến thức bệnh đái tháo đường cho người bệnh là hòn đá tảng trong điều trị đái tháo đường.

PHẦN 2: GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC ALOBACSI

Phạm Trần Thảo My - 29 tuổi, TPHCM

Thưa bác sĩ, đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2 có gì khác nhau ạ? Ai có nguy cơ mắc căn bệnh này, thưa bác sĩ? Làm những xét nghiệm gì để biết mình có bị đái tháo đường hay không? Xin cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Võ Tuấn Khoa:

Chào bạn Thảo My,

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ về chuyển hóa chất glucose trong máu ở người bình thường như thế nào?

Glucose có trong thức ăn khi đến dạ dày sẽ ngấm qua thành ruột vào máu làm tăng glucose trong máu. Khi đó tuyến tụy sẽ tiết ra một chất tên là insulin, gọi nôm na là chìa khóa, insulin có tác dụng giúp đưa glucose vào trong các tế bào (chủ yếu tế bào gan, tế bào cơ và tế bào mỡ) tạm gọi là các kho để sử dụng hoặc dự trữ. Như vậy, đái tháo đường phát sinh từ một trong hai tình huống sau:

Không có chất insulin tức là không có chìa khóa để mở kho nên glucose sẽ tăng cao trong máu. Đây là trường hợp đái tháo đường típ 1 (chiếm 5%).

Các tế bào không sử dụng hết glucose tức là ổ khóa bị hư khó mở có thể kèm theo giảm tiết insulin một phần. Đây là trường hợp đái tháo đường típ 2 (chiếm đa số 95%).

Như vậy, đái tháo đường typ 1 và đái tháo đường typ 2 khác nhau. Việc phân chia này không mang ý nghĩa nặng nhẹ (ví dụ typ 2 không có nghĩa nặng hơn typ 1) mà chỉ nhằm mục đích trong điều trị, nghĩa là:

- Đái tháo đường typ 1: Do thiếu insullin hoàn toàn nên điều trị phải dùng insullin suốt đời. nếu ngưng insulin, người bệnh dễ rơi vào tình trạng nguy kịch nhanh chóng, có thể tử vong.

- Đái tháo đường typ 2: Thường là dùng thuốc uống, có thể kết hợp với insulin.

Những người sau đây có nguy cơ mắc đái tháo đường, bao gồm:

- Tuổi (45 trở lên)

- Gia đình trực hệ, có người bị đái tháo đường (cha mẹ, anh chị em ruột)

- Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ, hoặc sanh con trên 4kg

- Thừa cân hoặc béo phì

- Ít vận động

- Bản thân tăng huyết áp

- Càng có nhiều yếu tố, thì nguy cơ mắc đái tháo đường càng cao.

Để xác định có đái tháo đường hay không, cần làm các xét nghiệm sau:

- Đường huyết lúc đói: Phải nhịn ăn uống ít nhất là 8 tiếng (có thể uống nước lọc), lấy máu tĩnh mạch, gửi phòng xét nghiệm đo nồng độ glucose ngay

- HbA1c: Đây là xét nghiệm đường huyết trung bình trong 3 tháng, tính từ thời điểm làm xét nghiệm trở về trước  - Tuy nhiên, xét nghiệm này phải được làm ở những cơ sở được chẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Nghi ngời đái tháo đường khi đường huyết đói lớn hơn hoặc bằng 126 mg/dl hoặc HbA1c lớn hơn hoặc bằng 6,5%. Tuy nhiên, để xác định đái tháo đường phải do bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán.


Hương Thảo - An Giang

Bố mẹ và bà nội tôi đều bị tiểu đường, liệu tôi có mắc bệnh này do di truyền không và phòng tránh ra sao? Những dấu hiệu nào cảnh báo mắc bệnh tiểu đường cần đi khám, thưa bác sĩ?


ThS.BS Võ Tuấn Khoa:

Chào bạn,

Ảnh hưởng di truyền đối với đái tháo đường nói chung không hoàn toàn tuyệt đối, vì còn tương tác với yếu tố môi trường và cơ địa di truyền.

Đối với đái tháo đường type 1, xu hướng người thân dễ bị đái tháo đường type 1. Nghiên cứu cho thấy, hai cá thể sinh đôi cùng trứng, tỷ lệ hai người cùng bị đái tháo đường type 1 là 30-40%.

Còn đái tháo đường type 2, tác động này có thể thấy rõ hơn như:

- Tỷ lệ hai người sinh đôi cùng trứng bị đái tháo đường típ 2 là 90-100%.

- Cha hoặc mẹ bị đái tháo đường thì khả năng con bị là 15%, còn cả cha và mẹ ruột bị thì con số lên đến 75%.

Đây chỉ là con số ước tính, ngoài ra việc phát sinh đái tháo đường còn phụ thuộc một số yếu tố khác nữa, như:

- Tuổi (45 trở lên)

- Gia đình trực hệ, có người bị đái tháo đường (cha mẹ, anh chị em ruột)

- Phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ, hoặc sanh con trên 4kg

- Thừa cân hoặc béo phì

- Ít vận động

- Bản thân tăng huyết áp

Càng có nhiều yếu tố, thì nguy cơ mắc đái tháo đường càng cao.

Trở lại trường hợp của bạn Hương Thảo, theo tôi bạn nên tầm soát bệnh đái tháo đường để phát hiện sớm. Lưu ý, đái tháo đường (chủ yếu type 2 thường không có triệu chứng), do vậy các bác sĩ khuyến cáo những người có nguy cơ nên làm xét nghiệm để xác định.


Phương Nhung - nhungtran…@gmail.com

Tôi đi kiểm tra sức khỏe công ty, kết quả xét nghiệm máu: Glucose 8.3, HbA1C 7.2. Tôi đang uống thuốc điều trị dạ dày có Hp. Xin bác sĩ tư vấn bệnh giúp ạ. Xin cám ơn.


ThS.BS Võ Tuấn Khoa:

Bạn thân mến,

Với kết quả của bạn, nhiều khả năng bạn mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra lại lần thứ 2 theo đúng quy chuẩn như sau:

- Đường huyết lúc đói: Phải nhịn ăn uống ít nhất là 8 tiếng (có thể uống nước lọc), lấy máu tĩnh mạch, gửi phòng xét nghiệm đo nồng độ glucose ngay

- HbA1c: Đây là xét nghiệm đường huyết trung bình trong 3 tháng, tính từ thời điểm làm xét nghiệm trở về trước  - Tuy nhiên, xét nghiệm này phải được làm ở những cơ sở được chẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Nghi ngời đái tháo đường khi đường huyết đói lớn hơn hoặc bằng 126 mg/dl (7mmol/l)  hoặc HbA1c lớn hơn hoặc bằng 6,5%.

Tuy nhiên, để xác định đái tháo đường phải do bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán.

ThS.BS Võ Tuấn Khoa tốt nghiệp y khoa năm 1999 và nhận bằng thạc sĩ y học chuyên ngành Nội tổng quát năm 2008 tại Đại học Y Dược, TPHCM. BS Khoa đã trải qua gần 20 năm công tác tại khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhân dân 115.

Ngoài nhiệm vụ chính tại Bệnh viện Nhân Dân 115, BS Khoa còn là giảng viên về phương pháp nghiên cứu khoa học của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đồng thời cũng tham gia giảng dạy các chương trình Đào tạo quốc gia về đái tháo đường cho nhân viên y tế.

Lãnh vực nghiên cứu của BS Khoa bao gồm dịch tễ học lâm sàng, thống kê y học. Gần đây, BS Khoa là tác giả và đồng tác giả của các công trình nghiên cứu về đái tháo đường và tình trạng thiếu kẽm ở thai phụ đã công bố trên các tập san y khoa quốc tế.

Năm 2017, BS Khoa vinh dự là báo cáo viên trong hội nghị của Liên đoàn Đái tháo đường các nước Đông Nam Á (AFES) và hội Dịch tễ học Nhật Bản với đề tài “Tỷ lệ đái tháo đường chưa chẩn đoán và tiền đái tháo đường ở quần thể nguy cơ: Kết quả từ chương trình sàng lọc tại bệnh viện Nhân Dân 115”.

Hiện tại, BS Khoa là Tổng thư ký Liên chi Hội điều trị vết thương TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020 và là thành viên chính thức của Hội Đái tháo đường và Nội tiết Việt Nam.


Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X