Hotline 24/7
08983-08983

Liên tiếp các trường hợp tử vong do chó dại cắn - khuyến cáo của Bộ Y tế

Dại là bệnh lây từ động vật sang người, có thể phòng tránh được và kể cả sau khi bị chó dại cắn nếu tiêm phòng đúng phác đồ thì vẫn tránh được tử vong.

Nhiều trường hợp tử vong do chó dại cắn từ đầu năm

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Kon Tum từ ngày 01/01/2018 đến ngày 24/3/2018 thì trên địa bàn tỉnh có 4 trường hợp do bệnh dại, trong đó có 3 trường hợp ở thành phố Kon Tum và 1 trường hợp ở huyện Đăk Glei. Trên toàn tỉnh có 4 ổ dịch bệnh dại (3 ổ ở thành phố Kon Tum và 1 ổ ở huyện Đăk Glei. Có 02/10 huyện/thành phố với 04/102 xã/phường/thị trấn có ca bệnh.

Cả 4 trường hợp tử vong do bệnh dại trong 3 tháng đầu năm 2018, tất cả các trường hợp sau khi bị chó cắn đều không đi tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại. Thậm chí, còn giết thịt chó để ăn sau khi bị cắn.

Liên tiếp các trường hợp tử vong do chó dại cắn - khuyến cáo của Bộ Y tế - Ảnh 1.

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Kon Tum từ ngày 01/01/2018 đến ngày 24/3/2018 thì trên địa bàn tỉnh có 4 trường hợp do bệnh dại.

Theo ông Đào Duy Khánh, GĐ Sở Y tế tỉnh Kon Tum, các trường hợp bị chó dại cắn đều là đồng bào dân tộc, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện để đi tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn. Chính vì thế, 100% số trường hợp mắc bệnh dại đều tử vong.

Không chỉ ở tỉnh Kon Tum, đầu năm 2018, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân nhập viện do chó dại cắn và hầu hết các trường hợp bệnh nhân đều không tiêm phòng.

Tháng 1/2018, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương này cũng tiếp nhận hai bệnh nhân mắc dại. Trong đó có 1 người 60 tuổi, ở Nghệ An sau 5 ngày điều trị cũng xin về. Bệnh nhân bị chó cắn vào tay, vài ngày sau con chó chết nhưng cũng không đi tiêm. Một trường hợp khác 44 tuổi, ở Tuyên Quang, bị chó cắn vào bàn tay phải, nhưng không biết con chó vào cắn, không tiêm phòng.

Ngày 4/3, bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân 32 tuổi ở Bắc Giang. Theo gia đình người nhà, bệnh nhân làm nghề thịt chó. Hơn một tháng trước, cô gái vào chuồng bắt chó đã bị một con chó khác cắn vào chân. Gia đình bắt đúng con chó này mang đi giết, thay vì để lại theo dõi, thì người bị cắn cũng không đi tiêm phòng bệnh dại.

Sau 40 ngày thì bệnh nhân bắt đầu lên cơn dại, lúc đầu sợ nước, sợ gió, dễ bị kích thích, tăng tiết nước bọt… Lúc này mới hoảng hốt đưa cô gái vào bệnh viện tuyến dưới, sau đó chuyển lên Hà Nội vào ngày 4/3. Bác sĩ chỉ có giúp bệnh nhân bớt đau đớn, lo lắng, bồn chồn; bố trí nằm phòng ít ánh sáng, âm thanh nhất, để bệnh nhân thoải mái. Tối 5/3, gia đình bệnh nhân đã xin ra viện.

Liên tiếp các trường hợp tử vong do chó dại cắn - khuyến cáo của Bộ Y tế - Ảnh 2.

Hầu hết bệnh nhân tử vong do chó dại cắn đều không tiêm phòng.

Không điều trị bệnh dại bằng các loại thuốc lá nam

Dại là bệnh lây từ động vật sang người, có thể phòng tránh được và kể cả sau khi bị chó dại cắn nếu tiêm phòng đúng phác đồ thì vẫn tránh được tử vong. Khi bệnh dại khởi phát, có nghĩa là cơ hội sống khép lại vì bệnh này không có thuốc chữa và tử vong rất nhanh.

Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất cũng phải nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người kéo dài đến vài năm. Nó phụ thuộc vào vị trí cắn, càng gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh. Vì thế, những người bị cắn ở vùng đầu mặt cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12h sau khi bị cắn.

Ngoài ra trong trường hợp biết chính xác con chó bị dại, ốm hoặc chó cắn xong một ngày thì chết cũng thuộc nhóm nguy cơ cao cần tiêm huyết thanh trước, sau đó tiêm vaccine. Huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào để trung hòa virus dại, còn vaccine là để củng cố miễn dịch lâu dài về sau.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ: "Điều đáng tiếc là những trường hợp tử vong do chó dại cắn đều có thể tránh được bằng cách tiêm vaccine khi bị chó cắn. Tuy nhiên, nhiều người đã không làm".

Đặc biệt, người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Trong thời gian tiêm phòng vẫn cần tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày thấy con chó bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm.

BS Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo thêm: Khi người bệnh bị cho cắn phải đi tiêm phòng ngay, vì vaccine phòng dại thế hệ mới gần như không có tác dụng phụ nghiêm trọng như viêm não…

Liên tiếp các trường hợp tử vong do chó dại cắn - khuyến cáo của Bộ Y tế - Ảnh 3.

Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.

Khuyến cáo phòng chống bệnh dại cảu Cục Y tế dự phòng

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại đang tăng cao trở lại, với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2016 cả nước có 91 ca tử vong do bệnh dại (tăng 17% so với 2015 và tăng 38% so với 2014) thì riêng 9 tháng năm 2017 đã có 57 ca tử vong do bệnh dại.

Để phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:

- Các gia đình cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

- Nếu không may bị chó cắn, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

- Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iốt hoặc povidone-iodine (nếu có); Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

- Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa và cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Theo HT - Henilo

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X