Hotline 24/7
08983-08983

Levofloxacin: Công dụng, liều lượng và cách dùng

Bài viết không cung cấp các lời khuyên, chẩn đoán, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh. Nôi dung chỉ có tính chất tham khảo, thuận tiện cho việc tra cứu và không thay thế cho việc chẩn đoán, các phương pháp điều trị y khoa. Thảo luận với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị và dùng thuốc an toàn.

Levofloxacin thuộc nhóm nào?


Levofloxacin là loại thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn thuộc nhóm fluoroquinolon và được xếp vào nhóm thuốc bán theo đơn. Thuốc có phổ kháng khuẩn rộng và không có đề kháng chéo giữa levofloxacin và các loại thuốc kháng khuẩn khác.

Loại thuốc này dùng đường uống và đường tĩnh mạch, có tác dụng ức chế sự tổng hợp của ADN bằng cách thức tác động trên phức hợp gyrase và topoisomerase IV ADN.

Levofloxacin có những dạng và hàm lượng sau: Viên bao 500 mg, 250 mg; Levofloxacin hemihydrate tiêm 500 mg/100 ml, 250 mg/50 ml; Levofloxacin hemihydrate dung dịch nhỏ mắt 5 mg/ml; Viên nén 100 mg.

Levofloxacin là thuốc kháng sinh được chỉ định để điều trị nhiều trường hợp nhiễm khuẩn như viêm xoang cấp, tiêu chảy do nhiễm E.coli, lỵ trực trùng… Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Công dụng của levofloxacin


Levofloxacin được chỉ định để điều trị nhiều trường hợp:

- Nhiễm khuẩn như viêm xoang cấp

- Đợt kịch phát cấp của viêm phế quản mạn

- Viêm phổi mắc phải trong cộng đồng

- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng, viêm thận - bể thận (kể cả loại đã kháng kháng sinh khác)

- Nhiễm khuẩn ở da và phần mềm

- Điều trị hiệu quả tiêu chảy do nhiễm E.coli, lỵ trực trùng...

- Thuốc cũng được dùng để điều trị bệnh viêm tuyến tiền liệt, viêm tuyến vú và nhiều nhiễm khuẩn phụ khoa khác.

Ai không nên dùng levofloxacin?


Bệnh nhân tăng mẫn cảm với levofloxacin, các quinolone khác hoặc với bất cứ tá dược nào của thuốc không được dùng levofloxacin.

Nguy cơ bị đứt gân có thể gia tăng nếu dùng chung levofloxacin với corticosteroid. Tuyệt đối không dùng cho bệnh nhân có tiền sử đau gân cơ liên quan với việc sử dụng fluoroquinolone.

Vì thuốc có thể gây thoái hóa sụn ở khớp chịu trọng lực, do đó, thuốc không nên dùng cho người dưới 18 tuổi; phụ nữ có thai và đang cho con bú.

Thuốc cũng cần được thận trọng khi chỉ định cho bệnh nhân bị nhược cơ vì các triệu chứng này có thể nặng lên khi dùng thuốc.

Bệnh nhân mắc các bệnh lý trên thần kinh trung ương như bệnh động kinh, tiền sử động kinh, xơ cứng mạch não cũng không nên dùng thuốc này vì có thể làm tăng nguy cơ co giật.

Bệnh nhân bị suy thận mà buộc phải dùng thuốc này thì cần điều chỉnh liều levofloxacin và được theo dõi chặt chẽ vì thuốc được bài tiết chủ yếu qua thận, do vậy sẽ làm tình trạng suy thận trở nên nặng hơn.

Có thể gặp tình trạng rối loạn chuyển hóa đường, bao gồm tăng và hạ đường huyết xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường nếu dùng chung levofloxacin đồng thời với một thuốc hạ đường huyết hoặc với insulin. Do vậy, khi dùng chung các thuốc này thì bệnh nhân cần được giám sát chặt chẽ và phải ngừng thuốc ngay nếu xảy ra hạ đường huyết và tiến hành các biện pháp xử trí thích hợp tại chỗ. Với bệnh nhân có nhịp tim chậm, thiếu máu cơ tim cấp cũng không nên dùng thuốc này.

Với người đang lái xe hoặc vận hành máy móc nên uống thuốc trong thời gian nghỉ ngơi, vì thuốc có thể gây ù tai, chóng mặt, buồn ngủ và rối loạn thị giác.

Levofloxacin là thuốc bán theo đơn, do đó không nên lạm dụng, liều lượng phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Liều lượng và cách dùng


Liều lượng:

Đối với người lớn

- Người mắc bệnh viêm phổi: chỉ cần dùng với liều lượng 750 mg kiên trì từ 7 - 14 ngày.

- Người mắc bệnh viêm xoang: liều lượng 500mg bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch sử dụng từ 10 - 14 ngày mỗi 24h.

- Người mắc bệnh viêm phế quản: liều lượng 500 mg uống hay tiêm tĩnh mạch một lần một ngày kiên trì trong 7 ngày.

- Người mắc bệnh viêm da hoặc nhiễm trùng mô mềm: liều lượng ban đầu 500mg, ngày sử dụng 1 lần kiên trì từ 7 - 10 ngày. Với trường hợp nhiễm trùng biến chứng nên tăng liều lượng lên 750mg.

- Người mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt: liều lượng 500mg mỗi 24h và dùng trong 28 ngày.

- Các trường hợp biến chứng do vi khuẩn Enterobacter cloacae, Enterococcus faecalis, K pneumoniae, E coli người bệnh nên sử dụng với liều lượng 250mg dùng trong 10 ngày mỗi 24h. Còn trường hợp nhiễm khuẩn E coli, K pneumoniae, P mirabilis thì sử dụng thuốc với liều dùng 750 mg uống hoặc tiêm tĩnh mạch 1 lần/ngày trong 5 ngày.

- Ngoài ra, trường hợp do khuẩn Escherichia coli gây ra thì theo các bác sĩ, dược sĩ khuyên dùng 250mg sử dụng 1 lần/1 ngày bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch, kiên trì trong 10 ngày, còn nhiễm khuẩn E Coli thì tăng lên 750mg.

Đối với trẻ em

Thuốc Levofloxacin tuy có tác dụng trong việc điều trị nhiễm khuẩn do các vi khuẩn gây nên nhưng khi sử dụng cho trẻ em cũng nên cẩn trọng.

Với trẻ 6 tháng tuổi trở lên và nhẹ hơn 50kg: liều dùng 8mg/kg uống hoặc tiêm tĩnh mạch mỗi 12 giờ trong 60 ngày. Levofloxacin tối đa không vượt quá 250 mg mỗi liều cho bệnh nhân.

Với trẻ 6 tháng tuổi trở lên và nặng 50kg trở lên: liều dùng 500mg uống hoặc tiêm tĩnh mạch mỗi 24 giờ trong 60 ngày.

Cách dùng:

Dùng đường uống: Thời điểm uống levofloxacin không phụ thuộc vào bữa ăn (có thể uống trong hoặc xa bữa ăn).

Dùng ngoài đường tiêu hóa: Levofloxacin chỉ được dùng bằng cách truyền tĩnh mạch chậm, truyền nhanh sẽ dẫn đến nguy cơ hạ huyết áp. Thời gian truyền phụ thuộc vào liều lượng thuốc (liều 250mg hoặc 500mg thường truyền trong 60 phút, liều 750mg truyền trong 90 phút). Không được dùng để tiêm bắp, tiêm vào ống sống, tiêm phúc mạc hoặc tiêm dưới da.

Các dung dịch có chứa levofloxacin với nồng độ 5mg/ml trong dextrose 5%, có thể dùng ngay không cần pha loãng. Dung dịch levofloxacin với hàm lượng 500mg/20ml trong lọ thuốc tiêm bắt buộc phải pha loãng trong các dung dịch tương hợp thành dung dịch có nồng độ 5mg/ml trước khi sử dụng. Các dung dịch tương hợp dùng để pha loãng được nhà sản xuất quy định trong thông tin trên nhãn thuốc. Một số dung dịch tương hợp thường dùng là: dung dịch dextrose 5%, dung dịch natri clorid 0,9%, dung dịch dextrose 5% và natri clorid 0,9%, dung dịch Ringer Lactat và dextrose 5%, dung dịch natri bicarbonat 5%, dung dịch natri lactat 1/6M, dung dịch dextrose 5% và natri clorid 0,45%, nước cất pha tiêm.

Levofloxacin có rất nhiều dạng và hàm lượng khác nhau. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Khi nào nên ngưng sử dụng levofloxacin?


Cần ngừng levofloxacin trong các trường hợp: bắt đầu có các biểu hiện ban da hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng mẫn cảm hay của phản ứng bất lợi trên thần kinh trung ương. Cần giám sát người bệnh để phát hiện viêm đại tràng màng giả và có các biện pháp xử trí thích hợp khi xuất hiện tiêu chảy khi đang dùng levoloxacin.

Viêm gân, đứt gân (achilles) có thể xảy ra trong vòng 48 giờ khi bắt đầu điều trị, do đó, trong thời gian uống thuốc này mà nghi ngờ bị viêm gân thì phải ngừng thuốc, để hai gân gót nghỉ với các dụng cụ cố định thích hợp hoặc nẹp gót chân và hội chẩn chuyên khoa.

Tác dụng phụ khi sử dụng Levofloxacin


Thường gặp: buồn nôn, tiêu chảy, tăng enzym gan, mất ngủ, đau đầu, kích ứng nơi tiêm.

Ít gặp: hoa mắt, căng thẳng, kích động, lo lắng, đau bụng đầy hơi, khó tiêu, nôn, táo bón, tăng bilirubin huyết, viêm âm đạo, nhiễm nấm candida sinh dục, ngứa, phát ban.

Hiếm gặp: tăng hoặc hạ huyết áp, loạn nhịp, đau cơ, đau khớp, viêm đại tràng màng giả, khô miệng, co giật, giấc mơ bất thường, trầm cảm, rối loạn tâm thần, choáng phản vệ.

Không có thuốc giải độc đặc hiệu, do đó khi gặp bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ do tác dụng phụ của thuốc thì cần ngừng thuốc ngay và thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt để được hướng dẫn xử trí hoặc nhập viện điều trị.

Tương tác của Levofloxacin với nhóm thuốc khác


Không được dùng các antacid có chứa nhôm và magnesi, chế phẩm có chứa kim loại nặng như sắt và kẽm, sucralfat, didanosin (các dạng bào chế có chứa antacid) trong vòng 2 giờ trước và sau khi uống levofloxacin.

Cần giám sát chặt chẽ nồng độ theophylin và hiệu chỉnh liều nếu cần khi sử dụng đồng thời với levofloxacin.

Sử dụng levofloxacin làm tăng tác dụng của warfarin và tăng nguy cơ rối loạn đường huyết khi dùng đồng thời với các thuốc hạ đường huyết, tăng nguy cơ kích thích thần kinh trung ương và co giật khi dùng đồng thời với thuốc chống viêm không steroid.

Bảo quản thuốc Levofloxacin như thế nào?


Bảo quản ở nhiệt độ 15-30 độ C, trong lọ kín, tránh ánh sáng.

Dung dịch sau khi pha loãng trong dịch tương hợp, ổn định trong vòng 72 giờ ở nhiệt độ 25 độ C và trong vòng 14 ngày ở nhiệt độ 5 độ C. Dung dịch pha loãng này có thể ổn định tới 6 tháng nếu bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C, khi đưa ra khỏi tủ lạnh sâu, để tan đông ở nhiệt độ phòng, không tan đồng bằng lo vi sóng hoặc ngâm trong nước nóng. Không để đông lạnh lại sau khi đã tan đông. Các lọ thuốc không chứa chất bảo quản nên chỉ dùng một lần, phần còn thừa phải loại bỏ.

Hoàng Thúy (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Có thể bạn quan tâm

097634****

Uống nhầm nước tẩy trang thì xử trí thế nào?

Nếu em chỉ uống nhầm lượng ít thì uống nhiều nước lọc và sữa tươi sẽ giúp làm trung hoà và loãng dung dịch hơn.

Xem toàn bộ

039511****

Đột nhiên đổ mồ hôi dầu là dấu hiệu bệnh gì?

Trường hợp của bạn mồ hôi dầu chỉ mới xuất hiện 3 tháng gần đây, cần cảnh giác với bệnh lý toàn thân như biến đổi nội tiết (đái tháo đường, cường giáp…), hội chứng nhiễm lao, viêm gan…

Xem toàn bộ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X