Hotline 24/7
08983-08983

Lết chân suốt 2 tháng, tưởng suy giãn tĩnh mạch, hóa ra nguyên nhân tại não

Chân trái bỗng nhiên bị yếu liệt, đi phải lết, bà Ng. được bác sĩ tại địa phương chẩn đoán là suy giãn tĩnh mạch chân nhưng uống thuốc không đỡ. Đến chụp MRI tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, bà mới biết nguyên nhân yếu chân của mình là do tắc nghẽn mạch máu não.

Bước ra từ phòng khám của TS.BS Trần Chí Cường tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ nụ cười nở mãi trên môi bà L.T.Ng. (70 tuổi, Long Xuyên). Bà mừng vì đã biết được căn nguyên của chứng bệnh khiến bà bị yếu chân, đi đứng khó khăn 2 tháng nay.


Bà L.T.Ng. yếu chân trái, đi phải lết chân suốt 2 tháng

Mọi việc bắt đầu từ sau tết, chân trái bà bỗng nhiên bị “đơ” ra khi đang đi bộ, không cách gì bước tiếp được. Người thân vội vàng đưa bà đi cấp cứu ở một bệnh viện địa phương. Tại đây bà được chụp CT sọ não, bác sĩ kết luận bà bị đột quỵ nhẹ.

Sau khi xuất viện, cái chân vẫn bị đơ mỗi khi đi được 500m nên bà tiếp tục đi khám tại bệnh viện nơi bà đăng ký BHYT. Sau khi chụp Xquang, bác sĩ chẩn đoán bà bị suy giãn tĩnh mạch chân, kê thuốc và khuyên mang vớ y khoa. Tuy nhiên, hễ uống thuốc là bị ngứa dữ dội nên bà lại tìm đến nhiều phòng mạch tư khác, nhưng bệnh không thuyên giảm, cái chân trái vẫn lê lết.

Cách đây 4 ngày, bà Ng. bỗng chóng mặt dữ dội, chỉ nằm và nôn ói. Đo huyết áp thấy lên cao, bác sĩ gần nhà cho thuốc uống thì bà thấy đỡ chóng mặt nhưng vẫn còn mệt nhiều. Lo sợ mẹ có nguy cơ đột quỵ, con cái quyết định đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ khám bệnh. Xem phim MRI của bà, TS.BS Trần Chí Cường tìm thấy một đoạn mạch máu não bị tắc, đó chính là nguyên nhân khiến bà bị yếu chân 2 tháng nay.


Hình ảnh đoạn mạch máu não bị tắc nghẽn của bà Ng. được chụp bằng máy MRI 3.0 tesla

Bà Ng. cũng được bác sĩ giải thích rõ vì sao yếu cái chân mà bác sĩ cho chụp cái đầu, cách phân biệt yếu chân do suy giãn tĩnh mạch và yếu chân do nguyên nhân từ não. Nếu suy giãn tĩnh mạch, bệnh nhân thường thấy nặng chân, phù chân, điểm quan trọng là: “Suy giãn tĩnh mạch chân thì không có lết vậy đâu”.


Chân của bà Ng. không hề bị phù - dấu hiệu đặc trưng của suy giãn tĩnh mạch chân

Với trường hợp của bà Ng., TS.BS Trần Chí Cường kê thuốc uống 1 tháng, nếu mạch máu chưa thông, có thể sẽ can thiệp DSA.

Một điều khiến bà Ng. vui mừng nữa là không chỉ được chẩn đoán đúng bệnh, bà còn được bác sĩ tư vấn, giải thích cặn kẽ. Bà nói: “Cho dù bác sĩ không trị hết bịnh cho tui thì được nghe bác sĩ giải thích rõ ràng, tui cũng yên lòng. Đi khám mấy nơi mà không hỏi được câu nào hết trơn, làm tui lo quá sút mất mấy ký”.

Tin, ảnh: Hồng Nhung
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X