Hotline 24/7
08983-08983

Lần đầu tiên ở miền Tây can thiệp phình động mạch chủ bụng bằng stent graft

Sau 2 giờ đồng hồ, TS.BS Phạm Minh Ánh - Cố vấn chuyên môn cấp cao của Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã đặt stent graft thành công cho bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng. Đây là trường hợp đầu tiên ở miền Tây được áp dụng phương pháp điều trị này đối với bệnh lý phình động mạch chủ bụng.

Tình cờ phát hiện túi phình động mạch chủ bụng nhờ đi khám tổng quát

Nhìn cách trò chuyện và nụ cười tươi rói của bệnh nhân L.X.N (SN 1958, ngụ tại Đồng Tháp), ít ai nghĩ ông vừa trải qua một ca can thiệp quan trọng mới chưa đầy một ngày.

Ông N. bắt đầu câu chuyện: “Tôi có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 trên chục năm. Năm 2018, ngón tay đột nhiên bị tê, đi khám ở bệnh viện không tìm ra nguyên nhân và đến gặp TS.BS Trần Chí Cường, nhân tiện khám tổng quát luôn. Tình cờ nhờ lần khám đó mà phát hiện bị phình động mạch chủ bụng”.

Khi đó, vì túi phình còn nhỏ, chưa cần phải can thiệp, ông N. uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. Điều kiện gia đình không cho phép, khiến nhiều lần ông N. muốn buông xuôi, dặn người thân “thà tôi để số tiền đó cho con còn hơn”.

Biết được hoàn cảnh của người bệnh, ban giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (Bệnh viện đa khoa Quốc tế S.I.S) đã động viên, hỗ trợ các khoản chi phí trong quá trình điều trị, để ông N. yên tâm phẫu thuật.

Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy người bệnh bị phình động mạch chủ bụng đoạn dưới động mạch thận kích thước 50mm, dài 70mm, có khả năng vỡ bất cứ lúc nào. Tiến hành hội chẩn, các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch điều trị phình động mạch chủ bụng bằng cách đặt stent graft cho bệnh nhân.

Điểm khó khăn của ca mổ này là bệnh nhân có 2 túi phình, 1 túi phình động mạch chủ bụng trên 50mm và 1 túi phình động mạch chậu đều có nguy cơ vỡ. Tuy nhiên, nhờ ê-kíp can thiệp dày dặn kinh nghiệm, ca can thiệp chỉ diễn ra trong khoảng 2 giờ (mổ phanh kinh điển trung bình từ 3-4 giờ). Ngay sau can thiệp, mạch, huyết động của bệnh nhân ổn định.

TS.BS Phạm Minh Ánh là một trong những chuyên gia giàu kinh nghiệm, được mệnh danh là người vá những
TS.BS Phạm Minh Ánh là một trong những chuyên gia giàu kinh nghiệm, được mệnh danh là người vá những "vết rách tử thần". Ảnh: Viết Hưởng

TS Minh Ánh (phải) đánh giá đây là ca mổ tương đối phức tạp, vì bệnh nhân có cả túi phình ở động mạch chủ bụng và chậu dọa vỡ. Ảnh: Viết Hưởng
TS Minh Ánh (phải) đánh giá đây là ca mổ tương đối phức tạp, vì bệnh nhân có cả túi phình ở động mạch chủ bụng và chậu dọa vỡ. Ảnh: Viết Hưởng

TS.BS Phạm Minh Ánh - Cố vấn chuyên môn cấp cao Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ - “chỉ huy trưởng” của kíp mổ chia sẻ: “Đây là ca can thiệp đầu tiên tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, sử dụng kỹ thuật cao để điều trị bệnh lý mạch máu phức tạp, nặng nề. Điều này mang lại ý nghĩa rất lớn. Nếu trước đây phương pháp phẫu thuật truyền thống là mổ hở để vá lại phần mạch máu bị tổn thương thì hiện tại làm hoàn toàn qua da. Điều này giúp người bệnh gần như không đau đớn, không mất máu, hồi phục rất nhanh, không ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa và có thể ra viện sau 2-3 ngày”.

TS Minh Ánh cho biết thêm, đây là một bệnh lý nặng, nguy cơ tử vong sẽ rất cao nếu phải di chuyển xa. Trước đây, khi vùng ĐBSCL chưa có bệnh viện có thể xử lý, can thiệp những ca bệnh phình động mạch chủ bụng, bệnh nhân phải di chuyển đến TPHCM. Khoảng cách quá xa hoặc đường vận chuyển không được thuận lợi (gập ghềnh, kẹt xe…) thì có khả năng sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, làm nặng thêm tình trạng khiến việc điều trị “khó càng thêm khó”.

Kỹ thuật giảm thiểu nguy cơ rủi ro, giảm chi phí điều trị cho người bệnh

TS.BS Phạm Minh Ánh cùng TS.BS Trần Chí Cường - giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ thăm bệnh nhân sau ca phẫu thuật
TS.BS Phạm Minh Ánh (trái) cùng TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ thăm bệnh nhân sau ca phẫu thuật

Theo TS.BS Phạm Minh Ánh, triệu chứng của phình tách động mạch chủ bụng khá âm thầm nên khó phát hiện sớm, phần lớn các trường hợp được phát hiện tình cờ qua khám tổng quát hoặc đi khám vì một bệnh khác. Khi bệnh nhân xuất hiện cảm giác đau, trụy tim mạch thì đã có khả năng vỡ hoặc sắp vỡ. Phình càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao.

“Để phát hiện bệnh lý này sớm và điều trị kịp thời, những người có nguy cơ như tôi đã nói ở trên nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát xem có bệnh lý về mạch máu hay không. Đừng nên để khi xuất hiện triệu chứng mới tìm cách giải quyết, lúc này đã ở giai đoạn nguy hiểm cho chính mình”.

Được biết, kỹ thuật đặt stent graft mở ra triển vọng mới để điều trị cho các bệnh nhân bị phình tách động mạch chủ ngay ở trong nước với chi phí thấp hơn nhiều (khoảng 200 - 400 triệu đồng) so với ra nước ngoài (khoảng 30.000 - 50.000 USD, chưa kể chi phí đi lại của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân).

Hơn nữa, với đường mổ nhỏ ở đùi, người bệnh có thể chỉ cần được gây tê tại chỗ, tỉnh táo hoàn toàn trong khi mổ. Từ đường mổ ở đùi, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ vào lòng mạch máu lên đến vị trí khối phình. Stent graft sẽ được bung ra để máu không còn lưu thông vào khối phình nữa, từ đó loại bỏ nguy cơ vỡ. Phẫu thuật ít ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, ít đau, ít biến chứng và thời gian hồi phục ngắn hơn.

Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X