Hotline 24/7
08983-08983

Lần đầu điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần tại Cần Thơ

Chiều ngày 19/8, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ phối hợp cùng các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) đã tiến hành can thiệp điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần cho hai bệnh nhân 21 tuổi và 66 tuổi.

Êkip bác sĩ gồm TS.BS Trương Quang Khanh (Trưởng Khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất) - trưởng êkip cùng các bác sĩ khoa Tim mạch của S.I.S đã thực hiện hai ca rối loạn nhịp. Đây là lần đầu tiên tại Cần Thơ sử dụng phương pháp đốt điện tim sinh lý bằng sóng có tần số radio điều trị trên bệnh nhân có rối loạn nhịp.

BS Trương Quang Khanh - Trưởng êkip can thiệp

Bệnh nhân nữ T. T. H. (66 tuổi, Cần Thơ) bị hồi hộp, chóng mặt. Điện tim đồ ghi nhận cơn tim nhanh khoảng 150 lần/ phút, chỉ định thăm dò và cắt đốt điện sinh lý tim bằng sóng có tần số radio. Thủ thuật được tiến hành trong 45 phút. Sau đốt điện sinh lý kiểm tra lại bệnh nhân hoàn toàn không lên cơn nhịp nhanh nữa.

Ca thứ hai là nam bệnh nhân N. D. K. (21 tuổi, Vĩnh Long, đang là sinh viên y khoa) hay bị lên cơn hồi hộp. Khi làm điện tim cho bệnh nhân, phát hiện thêm một đường sóng nhỏ (gọi là sóng delta) giữa các buồng trên và buồng dưới, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng W.P.W (Wolff-Parkinson-White). Triệu chứng nhẹ của hội chứng này là hồi hộp, nặng hơn sẽ lên cơn nhịp nhanh gây ngất xỉu, nặng hơn nữa sẽ gây đột tử. Vì vậy bệnh nhân được chỉ định đốt. Các bác sĩ sử dụng ống thông luồn qua các mạch máu đến tim. Các điện cực ở đầu ống thông được làm nóng để phá hủy sóng delta gây ra tình trạng này. Sau 2 tiếng thực hiện, điện tim của người bệnh về bình thường, tỉnh táo và tiếp xúc tốt.

ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường (khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ) và TS.BS Trương Quang Khanh (Trưởng Khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất).

Việc cắt đốt điện sinh lý bằng sóng radio can thiệp qua da có thể điều trị tốt các loại rối loạn nhịp tim với tỷ lệ thành công rất cao, không gây đau đớn và ít biến chứng nhưng đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại.

Cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cũng tiến hành đặt máy tạo nhịp cho bệnh nhân nữ N. T. T. H. (38 tuổi, Cần Thơ). Bệnh nhân có tiền sử ngất xỉu đột ngột 15 phút, sau đó tỉnh dậy không biết chuyện gì xảy ra. Kết quả các xét nghiệm, chụp MRI sọ não bình thường, chỉ định nghiệm pháp bàn nghiêng đã phát hiện bệnh nhân bị ngất do phản xạ thần kinh thể ức chế tim làm tim ngừng đập khoảng 6 giây. Bệnh nhân được chỉ định đặt máy tạo nhịp 2 buồng để phòng ngừa những cơn ngất lần tới. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân đã có thể đi đứng bình thường.

Cận cảnh đặt máy tạo nhịp vào cơ thể bệnh nhân.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X