Hotline 24/7
08983-08983

Làm thế nào hết tình trạng nói mớ khi ngủ?

Câu hỏi

Chào BS, Em năm nay 25 tuổi, em bị tình trạng nói mớ lâu lắm rồi. Em không biết trong lúc ngủ nói gì nhưng người xung quanh nói em cười, nói với những ngôn ngữ khó hiểu. Không ai hiểu em nói gì. Em không biết mình nói, chỉ thông qua những người xung quanh. Mọi người bảo em đang nói chuyện với ai đó mà em không biết em nói cười làm cho người khác sợ. Vậy cho em hỏi em bị gì ạ? Đêm nào cũng nói và kéo dài trong nhiều năm nay rồi ạ. Cảm ơn BS ạ. (N.T. Quyên - Quận 7)

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Quyên thân mến,

Nói mớ là một trong các rối loạn của giấc ngủ. Người ngủ mớ sẽ không ý thức được hành vi cũng như ngôn từ của mình.

Lúc mới bắt đầu ngủ, nội dung nói mớ có thể hiểu được, có khi là những từ đơn độc, có khi giống như cuộc đối thoại, thường liên quan đến các sự kiện ban ngày gây ấn tượng mạnh, các mối quan hệ, tình cảm đã qua.

Khi giấc ngủ càng sâu thì nói mớ thường có thể là những tiếng rên rỉ, lầm bầm, không rõ nghĩa. Càng về cuối giấc ngủ, nói mớ thường kết hợp với các cử động.

Nói mớ thường gặp nhất ở trẻ em và tự hết. Nói mớ có thể xuất hiện ở người trưởng thành, có khi mang tính chất gia đình, có khi được gây ra do các nguyên nhân như tình trạng stress, trầm cảm, sốt, thiếu ngủ, lạm dụng chất (rượu, các chất gây nghiện…).

Với tình trạng của mình, em cho biết đã diễn ra khá thường xuyên và từ lâu. Như vậy, em nên ghi chú lại nhật kí giấc ngủ như giờ giấc đi ngủ, vào giấc ngủ, thức giấc; nhờ người ngủ chung bổ sung các thời điểm nói mớ, nội dung (có thể ghi âm) cũng như các biểu hiện khác kèm theo.

Nếu chỉ là tình trạng nói mớ đơn thuần, trước mắt em có thể tự điều chỉnh bằng cách sắp xếp lại công việc và sinh hoạt sao cho có đủ thời gian ngủ nghỉ, giảm bớt stress, tránh các thức uống có chất kích thích như rượu, cà phê, nước ngọt,… tránh ăn quá no hay làm việc trí óc căng thẳng trước khi ngủ, nên tập thể dục đều đặn, giải trí, thư giãn nhẹ nhàng vào buổi tối.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống ban ngày của em như mệt mỏi, kém tập trung, hay quên, dễ cáu gắt… và những cách tự điều chỉnh trên không có hiệu quả, em nên đến khám với BS chuyên khoa Tâm thần kinh để được chẩn đoán và điều chỉnh phù hợp.

Trân trọng!

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:

› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn

› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh Online và Hỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn

› Để nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, hàng ngày, từ 17 -19g, Hotline: 08983 08983

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X