Hotline 24/7
08983-08983

Làm thế nào để phát hiện rối loạn lipid máu?

Rối loạn lipid máu (hay còn gọi là rối loạn mỡ máu) là bệnh khá phổ biến hiện nay, bệnh làm vữa động mạch và biến chứng gây ra các bệnh tim mạch nguy hiểm.

Lipid máu hay còn được gọi là “mỡ máu”, là một thành phần quan trọng trong cơ thể. Trong thực tế, lipid máu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol.

Có hai loại cholesterol chính là loại “tốt” (HDL-C) và loại “xấu” (LDL-C). Nếu loại xấu tăng nhiều quá hoặc mất cân đối giữa hai loại là nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não...

Cholesterol có từ hai nguồn: do cơ thể tổng hợp và từ thức ăn. Nguồn từ cơ thể (tổng hợp từ gan và các cơ quan khác) chiếm khoảng 75% tổng lượng cholestrol trong máu, 25% còn lại từ nguồn thức ăn. Bên cạnh đó, một thành phần khác của lipid máu cần được quan tâm là triglycerid.

Rối loạn chuyển hóa lipid máu khi có một hoặc nhiều các rối loạn sau:

- Tăng cholesterol trong máu.

- Tăng triglycerid máu.

- Tăng LDL-cholesterol.

- Giảm HDL-cholesterol máu.

Hiện tượng này nếu kéo dài gây xơ vữa động mạch, làm hẹp mạch máu và là nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim mạch.

Làm thế nào để phát hiện rối loạn lipid máu

Hầu hết những người có cholesterol máu cao đều hoàn toàn khoẻ mạnh. Bạn thường không có dấu hiệu gì báo trước và cách duy nhất để phát hiện ra bệnh là làm xét nghiệm máu. Tất cả những người lớn trên 20 tuổi nên được xét nghiệm 5 năm một lần các thành phần cơ bản của lipid máu. Các xét nghiệm nên được làm khi đói (cách bữa ăn trước ít nhất 12 giờ, bao gồm cả đồ uống có năng lượng).

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo khuyến cáo Hội tim mạch Quốc gia Việt Nam 2015 về chẩn đoán và điều trị rối loạn lipid máu:

Rối loạn lipid máu khi có một hoặc nhiều các rối loạn sau:

- Tăng Cholesterol toàn phần: ≥ 200 mg/dL (5.2 mmol/L)

- Tăng LDL-C:  ≥ 130 mg/dL (3.4 mmol/L)

- Giảm HDLC:  < 40 mg/dL (1.0 mmol/L)

- Tăng Triglycerid: ≥ 200mg/dL (2.26 mmol/L)

- Rối loạn kiểu hỗn hợp: khi tăng cholesterol kết hợp với tăng triglyceride

Nguyên nhân rối loạn lipid máu?

Có 3 nhóm nguyên nhân gây rối loạn lipid máu, người bệnh cần nắm rõ để có hướng điều trị chính xác và kịp thời:

Nguyên nhân tăng cholesterol máu

- Do chế độ ăn uống

+ Ăn quá nhiều mỡ động vật.

+ Ăn quá nhiều thức ăn chứa nhiều Cholesterol (phủ tạng động vật, mỡ động vật, trứng, bơ, sữa toàn phần…).

+ Dư thừa năng lượng (béo phì).

- Do di truyền: Thứ phát sau mắc các bệnh (Hội chứng thận hư, suy giáp…).

Nguyên nhân gây tăng triglycerid máu

- Béo phì

- Uống quá nhiều rượu

- Đái tháo đường

- Tăng TG có tính chất gia đình, dùng thuốc chẹn beta giao cảm kéo dài, thiếu hụt gen tiêu hủy lipoprotein hoặc apoprotein C-H.

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây giảm HDL-C

- Hút thuốc lá

- Béo phì

- Lười vận động thể lực

- Đái tháo đường không phụ thuộc Insulin, tăng TG, dùng thuốc chẹn beta giao cảm kéo dài, rối loạn chuyển hóa HDL..

Phòng bệnh rối loạn lipid máu

- Để phòng bệnh, cần thay đổi lối sống, sống tích cực và tập thể dục đều đặn (đi bộ, bơi lội, chạy bộ...) giúp cải thiện rối loạn lipid máu và rất tốt cho tim mạch.

- Kiêng ăn mỡ heo, mỡ bò, mỡ gà, mỡ vịt, các phủ tạng động vật như gan, lòng, óc, thận, các thịt tạp vụn như cổ, cánh, da...

- Hạn chế ăn lòng đỏ trứng gà, vịt. Nên ăn nhiều chất xơ, nhiều rau quả tươi, nhiều cá, thịt nạc và ít muối.

- Nếu béo phì, cần giảm cân bằng cách ăn kiêng, tăng cường tập thể dục, giảm lượng rượu hàng ngày ở những người nghiện rượu thừa cân.

- Nếu các biện pháp không dùng thuốc không đem lại hiệu quả, bạn cần phải dùng thuốc dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ.

Rối loạn lipid máu là yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Do vậy, điều trị tốt tình trạng này sẽ tránh được các biến chứng do bệnh vữa xơ động mạch gây ra: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hẹp hoặc tắc động mạch ngoại biên gây hoại tử chi... Nghĩa là góp phần tăng tuổi thọ, tăng chất lượng cuộc sống, chưa kể đến việc không tốn kém chi phí cho gia đình và xã hội nếu phải điều trị các tai biến nói trên.

Nguồn tham khảo:
https://tuoitre.vn/roi-loan-lipid-mau-can-kiem-tra-thuong-xuyen-1335354.htm
http://benhviendhqghn.com/y-hoc-thuong-thuc/roi-loan-lipid-mau/87

Lê Hoa (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X