Hotline 24/7
08983-08983

Làm thế nào để nhận biết trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý?

Phần lớn trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thường bị cho rằng nghịch ngợm quá mức và sống tắc trách chứ không được hiểu rằng các em bị bệnh.

"Trẻ chậm chạp, kém linh hoạt so với bạn bè, hoặc quá hiếu động, kém tập trung… nếu không điều trị kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển ngày càng trầm trọng" - BS cao cấp Lý Trần Tình, Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội chia sẻ với PV về bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý.


Vậy phải dựa vào những dấu hiệu nào để nhận biết đó là rối loạn tăng động giảm chú ý thưa bác sĩ?

Trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit/hyperactivity disorder: ADHD) thường có biểu hiện như: hay mơ màng; không tuân theo các chỉ dẫn và không chú ý lắng nghe khi thực hiện các nhiệm vụ hoặc hoạt động có tính tổ chức; dễ dàng bị phân tâm và hay cựa quậy tay chân; thường nói quá nhiều, cắt ngang hoặc xen vào cuộc nói chuyện hoặc trò chơi của người khác; gặp khó khăn trong việc chờ đợi.

ADHD thường gặp ở nam giới hơn ở nữ giới, các biểu hiện hành vi cũng có thể khác nhau giữa nam và nữ. Ví dụ, các bé trai có thể có hiếu động quá mức trong khi các bé gái có xu hướng kém chú ý một cách lặng lẽ.

Hầu hết bệnh được phát hiện ở những năm đầu trẻ đến trường vì lúc đó phải tiếp xúc với những môi trường mới có những quy tắc, nề nếp nhất định. Quá trình tiến triển của ADHD rất phong phú. Các triệu chứng biểu hiện dai dẳng, có thể kéo dài tới tuổi vị thành niên hoặc trưởng thành chiếm khoảng 50% các trường hợp.

Cho đến nay, phần lớn trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý không được công nhận là đang bị bệnh. Thay vào đó, người ta cho rằng trẻ nghịch ngợm quá mức và sống tắc trách. Chúng không được điều trị theo phương pháp thích hợp và dẫn tới hậu quả xấu.

Khi trẻ mắc bệnh này thì cuộc sống bị ảnh hưởng như thế nào?

ADHD khiến trẻ có thể phải đối mặt với những khó khăn trong việc phát triển lòng tự trọng, thành tích học tập ở trường kém và gặp rắc rối trong các mối quan hệ khiến cuộc sống của trẻ gặp khó khăn.

Ví dụ, trong lớp, có thể dẫn đến thành tích học tập kém và chịu sự chế giễu hay trách mắng từ bạn học và người lớn. Chính vì sự tăng động nên trẻ dễ bị tai nạn và thương tích nhiều hơn so với trẻ khác.

ADHD khiến trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp. Đặc biệt, trẻ có nguy cơ cao trở nên lạm dụng rượu và ma túy cũng như các hành vi phạm pháp khác.

Để điều trị bệnh lý này phải áp dụng như thế nào, thưa bác sĩ?

Điều trị thường bao gồm thuốc và những can thiệp về hành vi. Việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể tạo nên một sự khác biệt lớn trong kết quả điều trị bệnh.

Cha mẹ bệnh nhân được bác sĩ tư vấn

Ông có lời khuyên gì đối với cha mẹ bệnh nhân ADHD?

Việc phòng bệnh ADHD không đơn giản vì nguyên nhân chưa rõ ràng và có yếu tố di truyền nhưng chúng ta cũng có thể phòng ngừa bằng cách tránh những yếu tố nguy cơ như đảm bảo an toàn sinh nở, phòng chống những bệnh gây tổn thương não bộ, không hút thuốc uống rượu khi mang thai, tránh tiếp xúc với các chất kim loại nặng, thuốc trừ sâu, không sử dụng các phẩm màu thực phẩm gây độc hại.

Hạn chế trẻtiếp xúc nhiều với màn ảnh. Không cho trẻ em xem tivi hoặc chơi trò chơi điện tử quá nhiều trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời.

Khi trẻ mắc ADHD, cần đưa trẻ đi khám tại các chuyên khoa nhi và chuyên khoa tâm thần. Nếu không can thiệp kịp thời sẽ thiệt thòi cho đứa trẻ sau này.

Cảm ơn ông!

Theo Lưu Hường - VOV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X