Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao xoa dịu nỗi đau thể chất, tinh thần cho người bệnh giai đoạn cuối?

Chăm sóc giảm nhẹ giúp người bệnh giảm đau đớn về thể chất, giải toả tâm lý tiêu cực, sống tích cực hơn, có tinh thần mạnh mẽ, vững vàng hơn để chiến đấu bệnh tật, tránh rơi vào trầm cảm hoặc có ý định tự tử.

Gần đây, Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) tiếp nhận điều trị cho người bệnh N.T.M.T, 37 tuổi, ngụ tại TPHCM.

Chị T. vào Khoa Lão - CSGN BV ĐHYD TPHCM sau khi đã được phẫu thuật, hóa trị và xạ trị do ung thư buồng trứng. Trong lần nhập viện này, chị T. được chẩn đoán bán tắc ruột do ung thư di căn manh tràng, hồi tràng, ung thư xâm lấn niệu quản.

Sau vài ngày được điều trị tại Khoa, chị T. được kiểm soát đau hiệu quả và được an ủi chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và xuất viện với tinh thần rất lạc quan.

Nhưng sau đó không lâu, chị T. lại phải nhập viện với chẩn đoán: sảng giảm động do nhiễm trùng, theo dõi bệnh não gan, ung thư buồng trứng di căn 2 phổi, xâm lấn bàng quang, niệu quản trái, suy mòn, chấn thương phần mềm đầu. Tâm sự với bác sĩ, chị T. cho biết chị cảm thấy bản thân là gánh nặng của gia đình, không giúp được gì cho chồng con nên đã có ý định tự tử.

Các bác sĩ, nhân viên y tế đã thường xuyên tâm sự, động viên và mời Đơn vị tâm lý lâm sàng phối hợp để giúp chị T. vượt qua được những bất ổn tâm lý, đồng thời nói chuyện với gia đình chị, sắp xếp người chăm sóc các cháu để chị yên tâm hơn. Sau đó chị T. vui vẻ trở lại, tinh thần lạc quan, thường xuyên đọc sách và tập thể dục. Hiện chị đã xuất viện và đang được điều trị bằng thuốc giảm đau tại nhà.

Tại BV ĐHYD TPHCM, số lượng người bệnh ung thư giai đoạn cuối cần chăm sóc giảm nhẹ (CSGN) nhập viện có xu hướng tăng dần qua các năm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, Khoa Lão - CSGN BV ĐHYD TPHCM đã tiếp nhận số lượng người bệnh chăm sóc nội trú là 5.411 ca, theo dõi tại phòng khám ngoại trú 910 ca. Bên cạnh việc điều trị giảm đau bằng thuốc (nhóm opioid) trong thời gian người bệnh nằm viện và sau khi xuất viện (được cấp trực tiếp từ Khoa Dược của bệnh viện), các hoạt động tư vấn tâm lý, hỗ trợ xã hội cũng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh và gia đình của họ.

TS.BS Thân Hà Ngọc Thể - Trưởng Khoa Lão - CSGN BV ĐHYD TPHCM

TS.BS Thân Hà Ngọc Thể - Trưởng Khoa Lão - CSGN BV ĐHYD TPHCM cho biết, CSGN dành cho tất cả các đối tượng người bệnh mắc các bệnh cấp tính lẫn mạn tính không chữa khỏi và gia đình họ. Các hoạt động CSGN giúp người bệnh giảm đau đớn về thể chất, giải toả tâm lý tiêu cực, sống tích cực hơn, có tinh thần mạnh mẽ, vững vàng hơn để chiến đấu bệnh tật, tránh rơi vào trầm cảm hoặc có ý định tự tử.

Trong quá trình CSGN, các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ giúp người bệnh hiểu rõ bệnh, tiên lượng bệnh để lập kế hoạch chăm sóc sức khoẻ trong tương lai một cách phù hợp, giúp người bệnh sống lạc quan hơn cũng như tìm thấy được chỗ dựa đáng tin cậy trong giai đoạn cuối đời.

TS.BS Thân Hà Ngọc Thể cho biết, các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ được tiến hành trong thời gian nằm viện và sau khi người bệnh xuất viện. Khi người bệnh nhập viện, các bác sĩ sẽ theo dõi, đánh giá mức độ đau và kiểm soát đau kịp thời cho người bệnh; đánh giá và điều trị thích hợp các triệu chứng cần giảm nhẹ khác như: khó thở, nôn ói, xuất huyết, vết thương ác tính, tổn thương tì đè, phù, báng bụng, thuyên tắc huyết khối…; cung cấp điều trị opioid đúng chỉ định cho các trường hợp có đau hoặc khó thở do ung thư hay bệnh lý mạn giai đoạn cuối. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng thảo luận cùng người bệnh và người nhà người bệnh mục tiêu chăm sóc, từ đó lên kế hoạch CSGN và đưa ra quyết định chọn lựa các can thiệp y khoa phù hợp.

Ngoài việc điều trị hiệu quả các vấn đề thể chất, các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ còn bao gồm việc hỗ trợ tâm lý, xã hội, tâm linh cho người bệnh, người chăm sóc và gia đình người bệnh thông qua việc phối hợp với nhân viên phòng Công tác xã hội thăm hỏi, động viên, hỗ trợ tài chính khi cần, tặng quà sinh nhật cho người bệnh, tặng tóc giả khi người bệnh có nhu cầu; phối hợp với các tăng ni, cha đạo để hỗ trợ tâm linh cho người bệnh, người nhà người bệnh có tôn giáo; phối hợp với Đơn vị tư vấn tâm lý lâm sàng để hỗ trợ  người bệnh lấy lại cân bằng tâm lý để đi những bước tiếp theo trong điều trị.

Chăm sóc giảm nhẹ giúp người bệnh giảm đau đớn về thể chất, giải toả tâm lý tiêu cực, sống tích cực hơn. Ảnh: Internet

Sau khi người bệnh xuất viện, các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh tiếp tục sử dụng thuốc giảm đau hiệu quả và an toàn tại nhà, thường xuyên điện thoại hỏi thăm tình trạng người bệnh và gia đình người bệnh, đặc biệt là các trường hợp người bệnh thời gian sống ngắn muốn xuất viện và được chăm sóc tại nhà, đồng thời cung cấp số điện thoại hỗ trợ người bệnh khi cần và khám ngoại trú theo dõi bệnh sau thời gian nằm viện.

TS.BS Thân Hà Ngọc Thể khuyến cáo, người bệnh và gia đình người bệnh mắc các bệnh mạn tính không chữa khỏi như ung thư, suy các cơ quan cần tìm hiểu thêm thông tin và yêu cầu được tư vấn các dịch vụ CSGN, giúp thảo luận mục tiêu chăm sóc phù hợp với giai đoạn bệnh. Từ đó có kế hoạch cụ thể cho những điều trị y tế trong tương lai, giúp xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần cho người bệnh và giảm thiểu các điều trị không cần thiết.

 

Ngày 12/10/2019, Hội Y học Chăm sóc Giảm nhẹ Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất với chủ đề “My Care - My Right (Chăm sóc cho tôi - Quyền của tôi) tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng ngày Chăm sóc giảm nhẹ và Cận tử thế giới 12/10, đồng thời ra mắt Hội Y học Chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam cùng Ban chấp hành Hội. Những đề tài báo cáo, công trình nghiên cứu và kinh nghiệm được chia sẻ trong Đại hội lần này có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển chuyên ngành Chăm sóc giảm nhẹ trên quy mô cả nước.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X