Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao vượt qua nỗi buồn mất người thân vì ung thư?

Tôi vừa mất đi một người thân yêu vì ung thư. Thật sự lúc này đây tôi đang rất bối rối và hụt hẫng. Mong AloBacsi cho lời khuyên.

Chào AloBacsi,

Thật sự lúc này đây tôi đang rất bối rối và hụt hẫng. Tôi vừa mất đi một người thân yêu vì ung thư. Mọi thứ rất bất ngờ khiến tôi không kịp chuẩn bị tinh thần rằng ông đã ra đi mãi mãi. Dường như tôi không thiết tha gì với mọi thứ, lúc nào nhớ đến ông tôi cũng đều khóc.

Mọi từ ngữ bây giờ chắc không đủ để diễn tả tâm trạng của tôi lúc này.

AloBacsi giúp tôi với.

(Hồng Nga - TPHCM)

Chị Nga thân mến,

AloBacsi xin được chia sẻ nỗi lòng cùng với chị.

Việc bỗng dưng một ngày nào đó ta phải chấp nhận sự ra đi mãi mãi của một người rất yêu thương, ngay cả trong trường hợp đã dự đoán trước vẫn luôn là một sang chấn mạnh, gây ra cơn khủng hoảng tâm lý. Có lẽ chị đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ phủ nhận, hoài nghi, bối rối, “sốc” đến tuyệt vọng.

Không có cách nào tuyệt đối chuẩn xác để vượt qua nỗi đau buồn hay một khoảng thời gian cụ thể để phục hồi sau nỗi đau ấy.

Nhưng để vượt qua sự mất mát to lớn này việc đầu tiên cần nhớ là chị cứ biểu lộ ra ngoài nỗi đau buồn chứ đừng tìm cách dồn nén vào trong lòng. Hãy khóc khi chị muốn khóc, để những giọt nước mắt xua đi nỗi buồn. Vì đó là phản ứng rất tự nhiên.

Chị có thể chia sẻ nỗi buồn với bạn bè, các thành viên khác trong gia đình. Việc chia sẻ cùng nhau có thể giúp các thành viên cùng vượt qua nỗi buồn ấy. Điều quan trọng nhất là phải nói ra hết các cảm xúc của mình và sau đó sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Ngoài ra, chị có thể viết nhật ký. Hãy dành một chút thời gian với cuốn nhật ký để giúp chị hiểu được những thay đổi mà bạn đang trải qua. Ngoài việc viết về cảm xúc và suy nghĩ của mình, chị còn có thể sử dụng nhật ký để sắp xếp các kế hoạch, nhiệm vụ, ưu tiên. Khi xem lại nhật ký, chị có thể thấy các ưu tiên và mục tiêu của chị đã thay đổi như thế nào cũng như khả năng thích nghi của chị đã được cải thiện ra sao.

Cuối cùng, chị nhớ ăn uống và ngủ đầy đủ, dành tối thiểu 20 phút tập thể lực mỗi ngày, không nên lạm dụng rượu để giải buồn, tránh đưa ra những quyết định quan trọng trong thời điểm khó khăn này (như bán nhà, thay đổi việc làm...) và kiên nhẫn (vì chị cần thời gian để nguôi ngoai nỗi buồn, điều chỉnh lại bản thân và thích nghi với hoàn cảnh mới).

Khi nỗi đau dịu đi, chị có thể cảm thấy như bản thân đang bắt đầu quên mất người thân của mình. Tìm cách tưởng nhớ họ có thể giúp giữ những kỉ niệm về họ còn sống mãi và duy trì cảm giác kết nối. Chị có thể làm một quyển sách gia đình với những hình ảnh, câu chuyện hoặc các vật lưu niệm do các thành viên khác nhau trong gia đình đóng góp. Chị cũng có thể tham gia tình nguyện ở tổ chức từ thiện liên quan đến ung thư hoặc một tổ chức quan trọng đối với người thân của chị. Hãy đọc thêm về các cách để vượt qua nỗi đau buồn.

Chú ý rằng nếu sau khoảng 2 tháng mà chị vẫn còn trong tình trạng trầm cảm hoặc không thể làm việc, học hành, sinh hoạt bình thường thì cần đến bác sĩ tâm thần để khám chị nhé!

Mong chị sớm bình tâm!

Trân trọng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X