Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao giúp trẻ đối phó với dậy thì sớm?

Chào bác sĩ! Con gái tôi 9 tuổi, bé mới có kinh nguyệt. Bé cao lớn hơn so với các bạn cùng độ tuổi và bắt đầu phát triển ngực từ năm 7 tuổi. Bé có kinh nguyệt ở độ tuổi này có bất thường không? Nó có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bé? Tôi nên làm gì để giúp con đối phó với dậy thì sớm?

Trẻ dậy thì sớm có thể gặp những trở ngại về tâm lý - Ảnh minh họa

Chào bạn!

Có những thông tin quan trọng mà bạn cần biết về dậy thì sớm. Độ tuổi bắt đầu dậy thì ở trẻ rất khác nhau. Ở các bé gái, ngực phát triển thường là dấu hiệu đầu tiên. Thông thường, ngực của các bé thường phát triển lúc 10 - 11 tuổi, lông mu bắt đầu xuất hiện sau đó 6 - 12 tháng. Tiếp đến là bé gái sẽ có kinh nguyệt. Hầu hết các bé gái sẽ có kinh nguyệt lần đầu tiên sau 2 - 2,5 năm phát triển ngực. Độ tuổi trung bình của kỳ kinh nguyệt đầu tiên của một bé gái là 12,75 tuổi.

Lưu ý, cha mẹ cần phân biệt dậy thì với tình trạng vú phát triển sớm – một rối loạn lành tính trong đó ngực phát triển không kèm theo các dấu hiệu dậy thì khác.

Đối với bé trai, khoảng 10 - 13 tuổi tinh hoàn và bìu bắt đầu phát triển. Vài tháng sau lông mu sẽ mọc lên. Cuối cùng, dương vật và tinh hoàn phát triển, kèm theo vỡ giọng.

Dậy thì sớm được định nghĩa là dậy thì trước 7 - 8 tuổi ở bé gái hoặc 9 tuổi ở bé trai. Dậy thì sớm phổ biến ở bé gái hơn bé trai khoảng 10 lần.

Thông thường, dậy thì sớm chỉ đơn giản là trưởng thành sớm, tuy nhiên, Hiệp hội Nội tiết Nhi Lawson Wilkins (Mỹ) khuyên bạn nên đánh giá tình trạng bệnh lý tiềm ẩn ở những bé gái bị dậy thì sớm trong độ tuổi 6 - 7 tuổi. Những bệnh lý tiềm ẩn có thể gây dậy thì sớm là: U nang buồng trứng, các vấn đề tuyến giáp, rối loạn hệ thần kinh trung ương hoặc tiêu thụ estrogen...

Ở những bé gái trên 6 tuổi, những nguyên nhân này khá hiếm nhưng tốt nhất bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám.

Trưởng thành sớm ở trẻ gái được phân thành 2 loại chính: Tiến triển nhanh và tiến triển chậm. Hầu hết các bé gái bị dậy thì sớm (đặc biệt là quá trình dậy thì bắt đầu trước 6 tuổi) có sự phát triển nhanh chóng. Các bé trải qua từng giai đoạn (bao gồm cả đóng sụn tăng trưởng của xương) với tốc độ rất nhanh, vì vậy có thể khiến bé không phát triển chiều cao tốt khi đến tuổi trưởng thành. Những trẻ dậy thì sớm có khả năng thấp lùn hơn các bạn cùng trang lứa không bị dậy thì sớm.

Với những bé tiến triển chậm (thường là bắt đầu sau 7 tuổi) sẽ vẫn trải qua tất cả các giai đoạn phát triển với tốc độ trung bình. Trẻ vẫn cao sớm nhưng xương vẫn tiếp tục phát triển và đạt được độ trưởng thành cuối cùng vào khoảng 16 tuổi.

Dậy thì sớm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trẻ có kỳ kinh nguyệt đầu tiên trước 12 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những trẻ khác. Nguy cơ ung thứ vú cũng tăng lên khi những đứa trẻ này lớn lên thực hiện các điều sau: Uống thuốc tránh thai có chứa estrogen, mang thai lần đầu sau 30 tuổi, chế độ ăn nhiều chất béo, uống rượu và nhiễm phóng xạ...

Nếu nhận thấy con bạn có dấu hiệu dậy thì sớm hơn so với bạn bè đồng trang lứa, bạn nên cân nhắc đưa trẻ đến bác sĩ nhi để chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Khi nghi ngờ tình trạng dậy thì của bé gái do các nguyên nhân bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để xác định các bệnh lý tiềm ẩn.

Để giúp con bạn đối phó với dậy thì sớm, bạn nên quan sát cẩn thận và lắng nghe con. Một trong những điều khó khăn nhất mà con bạn đang phải đối mặt là bé khác biệt với những bạn cùng lứa tuổi. Khi bản thân có sự khác biệt về ngoại hình, cơ thể, trẻ sẽ có cảm giác lạc lõng, trầm cảm, từ đó sinh ra tự ti, sợ hãi do vậy cha mẹ cần thường xuyên chia sẻ, trò chuyện và giải thích cho con hiểu về tình trạng mà con đang trải qua.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:

>> Bé gái dậy thì sớm có ảnh hưởng gì không?

>> Giải pháp phòng ngừa dậy thì sớm ở bé gái

Dậy thì sớm ở bé gái có thể bắt nguồn từ một số bệnh lý bên trong cơ thể, nhưng cũng có thể do chế độ ăn uống, sinh hoạt không phù hợp. Dưới đây là một số giải pháp giúp giảm thiểu tình trạng dậy thì sớm ở bé gái:
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bố mẹ nên xây dựng một chế độ ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau củ quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích,..hay những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao. Lưu ý chọn các thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, thực phẩm chứa hocmon tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới sinh lý của trẻ.

Tăng cường vận động: nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, nhảy dây, đá bóng, đá cầu.. không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn ích lợi cho việc trau dồi kỹ năng sống của trẻ.
Hạn chế cho tiếp xúc với estrogen và testosterol: ba mẹ cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hocmon sinh dục.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X