Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để tự bảo vệ trước những phương pháp điều trị ung thư giả?

Mặc dù những trò đùa, chơi khăm là điều bình thường vào ngày Cá tháng Tư, trong điều trị ung thư thì việc bị lừa có thể gây nguy hiểm. Nhiều sản phẩm và dịch vụ trên Internet khẳng định có thể ngăn chặn, điều trị hoặc chữa khỏi ung thư nhưng trước khi dành thời gian hay bỏ tiền bạc vào đó thì việc đánh giá và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng.



Khi bạn nghiên cứu một phương pháp điều trị ung thư tiềm năng, điều quan trọng nhất là phải xác định liệu sản phẩm đó có được chứng nhận bởi Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) hay không. Các dược phẩm, thiết bị và phương pháp điều trị được FDA chuẩn thuận đã được kiểm định một các nghiêm ngặt qua các thử nghiệm lâm sàng về độ an toàn và hiệu quả. Ngược lại, các sản phẩm và liệu pháp không có sự phê chuẩn của FDA để chữa trị ung thư và có ghi “Chưa được đánh giá bởi FDA” thì không có hiệu quả chắc chắn và một số thậm chí có thể gây hại hay cản trở việc điều trị mà các bác sĩ đang chỉ định.

Bất cứ khi nào có một người hay công ty, khẳng định rằng một sản phẩm không được FDA chứng nhận có thể chữa ung thư, thực chất, điều trị hay chữa ung thư thì người quảng cáo đều đang lừa gạt. Theo FDA và Ủy ban Thương mại Liên bang Hòa Kỳ (FTC), những điều sau đây là dấu hiệu ngầm cảnh báo rằng sản phẩm được quảng cáo là giả dối:

- Quảng cáo viết sản phẩm sẽ chữa khỏi mọi loại ung thư. Không một phương pháp chữa trị riêng lẻ nào dùng được cho tất cả mọi người hay mọi loại ung thư.

- Quảng cáo dùng những “nhân chứng” là bệnh nhân nói rằng sản phẩm có tác dụng tốt. Những người này có thể được thuê để làm diễn viên, nhưng thậm chí nếu họ không phải diễn viên thì những câu chuyện của họ thường không đáng tin và không cung cấp bằng chứng khoa học về hiệu quả của sản phẩm.

- Quảng cáo đưa ra cam kết hoàn tiền lại. Lời hứa hoàn tiền lại không chứng minh sản phẩm sẽ có tác dụng.

- Từ ngữ trong quảng cáo nghe có vẻ có tính chuyên môn. Người quảng cáo mong bạn bị ấn tượng bởi những từ chuyên môn, nhưng nó không chứng minh rằng sản phẩm sẽ tác dụng như quảng cáo.

- Quảng cáo nói rằng sản phẩm là phương thuốc tự nhiên. Nhiều thành phần “tự nhiên” vẫn có hại cho con người, như cây thường xuân độc. Vì thế”tự nhiên” không có nghĩa là nó sẽ hỗ trợ hay không làm hại bạn.

- Quảng cáo thông báo rằng nguồn sản phẩm là có hạn và/ hoặc bạn phải trả tiền trước. Đây là một trong những chiêu để câu khách vào mua hàng ngay.

- Các cụm từ khác cần đề phòng là “sự đột phá khoa học”, “cách chữa bệnh thần kỳ”, “thành phần bí mật” hay “phương thuốc gia truyền/cổ truyền”. Các thuật ngữ này nghe rất ấn tượng, thường được người quảng cáo sử dụng để thu hút sự quan tâm của cộng đồng mà không đưa ra bất cứ chứng cứ cụ thể nào.

Khi nghi ngờ, hãy trao đổi với bác sĩ hay các thành viên khác trong đội ngũ chăm sóc sức khỏe của bạn. Bạn cũng có thể đối chiếu danh sách ở link dưới đây, do FDA thông báo về những sản phẩm và công ty mạo nhận sản phẩm có thể ngăn chặn, chẩn đoán, chữa trị và chữa khỏi ung thư.

Biên dịch: Phan Thị Trường Phước, Thái Khoa Bảo Châu
Hiệu đính: BS.TS. Phạm Nguyên Quý
Nguồn: Y học cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X