Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để con bạn không cận thị?

Cận thị là một tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác và chiếm 20 - 30% dân số, đặc biệt ở độ tuổi học đường.

Người bị cận thị sẽ gặp khó khăn khi nhìn xa. Khi nhìn gần, người cận thị sẽ thấy rõ hơn. Để khắc phục rối loạn này, mắt sẽ được điều chỉnh với kính đeo mắt (kính gọng), kính áp tròng hay phẫu thuật.

Nguyên nhân:

Có hai nguyên nhân chính gây cận thị là do bẩm sinh và mắc phải. Trong đó, cận thị do bẩm sinh (di truyền) chiếm khoảng 60%. Số còn lại là do tác động môi trường, bụi bẩn, thời gian và mức độ sử dụng mắt: làm việc bằng mắt quá nhiều, 8 giờ trở lên trong một ngày; cường độ ánh sáng quá tối; nhìn vật quá gần; sau phẫu thuật hoặc chấn thương…

Cận thị thường gặp ở lứa tuổi học đường là do các em học tập, làm việc, nhìn gần nhiều trong điều kiện thiếu ánh sáng, mắt không được nghỉ ngơi hợp lý.

Triệu chứng:

Giảm thị lực khi nhìn xa. Người cận thị thường nheo mắt để nhìn rõ hơn. Do thường nheo mắt nên dễ gây mệt mỏi mắt, nhức đầu. Khi không mang kính điều chỉnh thì người cận thị thường đọc sách với cự ly rất gần nếu cận thị cao độ.

Mô phỏng giữa mắt thường và cận thị. Ảnh: Aladro

Tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng đều gây giảm thị lực. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám để có phương pháp điều trị kịp thời.

Điều trị:

Bệnh cận thị có thể điều trị hiệu quả hoặc thuyên giảm nếu nhận biết sớm và có các phương pháp điều trị kịp thời. Phương pháp điều trị cận thị, phổ biến nhất là đeo kính gọng, đeo kính sát tròng và hiện đại nhất là mổ laser.

Đeo kính gọng là cách thông dụng, rẻ tiền, dễ áp dụng. Tuỳ theo mức độ cận thị, bệnh nhân cần đeo kính thường xuyên hay chỉ cần đeo kính khi nhìn xa. Nếu bệnh nhân cận thị được chỉnh kính đúng thì tiến triển cận thị sẽ chậm lại, không bị tăng độ.

Sử dụng kính sát tròng thì bệnh nhân phải giữ gìn vệ sinh tốt, đặc biệt là trong môi trường nóng ẩm và bụi, đeo kính vào sáng sớm và tháo ra buổi tối trước khi ngủ, không được đeo kính sát tròng khi xuống nước như lúc tắm biển.

Trẻ đeo kính sát tròng cần được kiểm tra giác mạc 3 tháng một lần, phải ngưng sử dụng kính nếu có bất thường trên giác mạc hoặc có phản ứng của mắt với kính.

Đối với phương pháp phẫu thuật Laser, chỉ điều trị với bệnh nhân trên 18 tuổi. Phẫu thuật này khá phổ biến, chính xác và có hiệu quả cao nhất trong phẫu thuật khúc xạ hiện nay, nhất là dùng Excimer laser.

Ưu điểm là không đau, thời gian phẫu thuật ngắn dưới 10 phút, độ chính xác cao, phục hồi thị lực nhanh, bệnh nhân có thể nhìn rõ sau phẫu thuật 12-24 giờ. Tuy nhiên, có thể có những biến chứng trong khi phẫu thuật như rách vạt, đứt vạt giác mạc hoặc biến chứng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.

Phòng bệnh:

- Khi đọc sách hay làm việc đòi hỏi phải nhìn gần cần nghỉ ngơi mắt mỗi 45 phút.

- Khoảng cách đọc sách từ 35 - 40cm

- Khi đọc sách cần có đủ ánh sáng

- Tư thế đọc sách phải đúng

- Đối với trẻ nhỏ cần hạn chế thời gian xem truyền hình và chơi game

- Ngồi cách máy vô tuyến truyền hình bằng 7 lần chiều rộng của màn hình

- Tham gia các hoạt động ngoài trời

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Theo Nhã Uyên - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X