Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để cân bằng tâm lý ở người cao tuổi - về hưu?

Những phân tích về tâm lý của người cao tuổi - về hưu từ chuyên gia tại Việt Nam và Pháp đưa đến cái nhìn tổng thể về nguyên nhân dẫn đến các vấn đề tâm lý của người già, và bước đầu đề ra các phương pháp giúp người cao tuổi lấy lại tâm lý cân bằng, ổn định.

Sáng 11/5; tại Phòng khám Đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã diễn ra chuyên đề: Các vấn đề tâm lý ở người cao tuổi - về hưu. Đây là chương trình Tư vấn sức khỏe và Tầm soát 2019 của Phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch kỳ tháng 5/2019, với sự tham gia của chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, 2 chuyên gia tâm lý quốc tế là bà Maiwenn Tranchard và ông Armand Pinot đến từ Pháp.

Các diễn giả tham dự chương trình: Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, 2 chuyên gia tâm lý quốc tế là bà Maiwenn Tranchard và ông Armand Pinot đến từ Pháp (3 người ở giữa)


PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, phó hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - trưởng Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phát biểu khai mạc

Tại chương trình, chuyên gia tâm lý quốc tế - bà Maiwenn Tranchard cho biết, quan điểm về sự lão hóa không giống nhau ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, về cơ bản thì tất cả người cao tuổi (NCT) dù ở quốc gia nào cũng sẽ trải qua tiến trình lão hóa về thể chất, cảm giác và trí tuệ.

Về thể chất, chẳng hạn, bệnh tim mạch sẽ khiến cuộc đi dạo của họ ngắn lại, phải về nhà sớm. Tương tự với những hoạt động khác, hạn chế này góp phần làm cho việc họ dần bị cô lập trong xã hội.

Về cảm giác, hai giác quan bị lão hóa rõ ràng nhất là thị giác và thính giác, tình trạng mắt mờ tai kém khiến việc giao tiếp khó khăn, khiến cho họ tự ti, tự cô lập mình. Nếu nắm được tâm lý này, chúng ta sẽ hiểu được vấn đề và tìm cách can thiệp, giúp cho NCT cảm thấy cuộc sống vẫn rất đẹp.


Chuyên gia tâm lý Maiwenn Tranchard phân tích các ảnh hưởng tâm lý bắt nguồn từ thể chất, cảm giác và trí tuệ ở người cao tuổi

Già đi về trí tuệ thể hiện ở việc giảm trí nhớ, khiến NCT lo sợ, do đó chúng ta cần lắng nghe NCT và trấn an họ. Cần tiếp tục khuyến khích họ học từ ngữ mới, giúp cho ngôn ngữ ở NCT phong phú hơn.

NCT cũng gặp khó khăn khi phải kết hợp nhiều việc cùng lúc, chẳng hạn nếu vừa đi dạo vừa nói chuyện, có thể họ sẽ té ngã. Chúng ta cần lưu ý điều này.

Về trí thông minh thì mọi người yên tâm, khi về già chúng ta không kém thông minh so với trước mà chỉ gặp khó khăn trong việc phản ứng. Phản ứng chậm chạp hơn, do đó NCT cảm thấy khó khăn khi tiếp thu những điều mới mẻ như cập nhật công nghệ hay xem chương trình truyền hình mới, dẫn đến việc họ ngại tham gia những điều này, vô tình cô lập mình với người xung quanh.

“Mỗi người già đi theo nhịp điệu của chính mình, không phải tất cả đều già đi theo “công thức” tôi vừa nêu. Ví dụ như bà của tôi, tuy bà rất ít nói nhưng bà vẫn cập nhật và nắm rõ tất cả các xu hướng thời trang”. - bà Maiwenn Tranchard chia sẻ.


Chuyên gia tâm lý Armand Pinot phân tích sâu về diễn tiến tâm lý của người cao tuổi

Trong phần trình bày của mình, ông Armand Pinot đào sâu về khía cạnh tâm lý: lão hóa là sự mất mát, một vết thương của tính ái kỷ, những tổn thương này tác động xấu đến tâm lý. Nhận thức về thời gian tiến triển theo tuổi tác, tuổi càng lớn con người càng suy nghĩ về “thời gian còn lại” của mình nhiều hơn, khiến cho họ lo lắng, sợ hãi.

Họ cũng rất sợ mất đi khả năng trí tuệ. Đối phó với tình trạng này, vai trò của người thân và người xung quanh rất quan trọng. Người thân nên khuyến khích và cùng tham gia với NCT chơi những trò chơi về dùng từ, dùng số để giữ được sự “trẻ hóa” trong tinh thần và trí tuệ của NCT.


Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai trình bày bức tranh toàn cảnh về người cao tuổi ở Việt Nam

Để giải đáp về vấn đề giảm trí nhớ ở người cao tuổi, chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai đưa ra lời khuyên: để duy trì trí nhớ tốt, người cao tuổi nên đọc sách báo, nghe đài, xem ti vi… Nên chú ý vào một vấn đề nào đó và nghe đi, đọc lại nhiều lần để nhớ rõ. Luyện tập như thế, trí nhớ sẽ ổn định, cũng như cách rèn luyện kỹ năng “nhớ”. Có như vậy sẽ hạn chế được tình trạng mất trí nhớ ở NCT.


PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp, nguyên trưởng khoa Thận-tiết niệu, BV Nhi đồng 2 nhấn mạnh việc mở rộng hệ thống bác sĩ gia đình để chăm sóc người cao tuổi về cả thể chất và tâm lý

Theo PGS.TS Trần Thị Mộng Hiệp, nguyên trưởng khoa Thận-tiết niệu, BV Nhi đồng 2, ở nước ngoài, người cao tuổi thường vào Viện dưỡng lão, ở đó có đầy đủ tiện nghị từ sinh hoạt giao tiếp đến chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi ít cảm thấy cô đơn. Tại Việt Nam đa số người cao tuổi thường sống chung với con cháu, đôi lúc chúng ta lại áp đặt con cháu theo ý mình, điều này có thể nảy sinh những mâu thuẫn gia đình, ảnh hưởng đến tâm lý mọi người trong nhà. Vì vậy, cần mở rộng hệ thống bác sĩ gia đình để chăm sóc người cao tuổi, cũng như quan tâm hơn đến tâm lý của họ.


Chương trình thu hút sự tham gia của nhiều người cao tuổi và về hưu đến từ quận 10 và các quận khác tại TPHCM

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, phó hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - trưởng Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phát biểu: “Người cao tuổi có tâm lý mong manh dễ vỡ, dễ tủi thân, thậm chí có người nhập viện chỉ vì một câu nói của con cháu. Cuộc sống của NCT có nhiều vấn đề về tâm lý cần được chia sẻ, tháo gỡ.

Để đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe tâm lý cho cộng đồng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã mở những lớp đào tạo thạc sĩ tâm lý. Buổi hôm nay, Phòng khám đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mời các chuyên gia tâm lý tại Việt Nam và Pháp để cùng trao đổi về tâm lý NCT, người về hưu của châu Á, châu Âu và các nước, tâm lý của họ có những vấn đề gì, cách tiếp cận ra sao để chúng ta có cái nhìn và sự hỗ trợ phù hợp cho NCT. Sự cân bằng tâm lý cũng giúp họ giữ gìn sức khỏe tốt hơn”.


Phần giao lưu với nhiều câu hỏi thực tế từ khán giả



Hồng Nhung - Ảnh: ĐVCC
Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X