Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để biết mình có bị u vú hay không?

Qua email, BS Lan Hương hướng dẫn bạn đọc AloBacsi cách tầm soát u vú, xử trí táo bón sau sinh, giải đáp về đau bụng dưới rốn, viêm lưỡi lâu ngày, nôn ói kèm ê đầu, choáng váng...

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:


- Thu Cuc - thucuc…@gmail.com

Chào BS,

Gần đây em có dấu hiệu nôn ói, phần trên đầu bị ê và có cảm giác choáng, vậy BS có thể tư vấn dùm em được không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Thu Cúc,

Các triệu chứng của em có thể do một số nguyên nhân sau: thai hành (nếu có quan hệ tình dục không bảo vệ), ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày - ruột, viêm nhiễm ở cơ quan ngoài hệ tiêu hóa, bệnh lý ở não (như u não, máu tụ trong não, viêm não - màng não...)...

Cảm giác choáng là dấu hiệu nguy hiểm, có thể do huyết áp thấp, có thể do tụt điện giải...vì thế cần phải vào BV kiểm tra và xử trí kịp thời. Em có thể vào khoa cấp cứu nếu người mệt nhiều, hoặc đến chuyên khoa tiêu hóa để BS khám và làm xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp.

Bên cạnh đó, để giảm nôn, em có thể uống trà gừng ấm, nghỉ ngơi, ăn thực phẩm dễ tiêu, ít dầu mỡ như cháo, súp.


- Hồng Nhung - Tuy Hòa

BS ơi, cho em hỏi mấy hôm nay phần bụng dưới rốn của em bị đau âm ỉ, khi nằm thì không sao nhưng ngồi dậy hay làm chuyện gì mạnh lại bị đau. Mong BS tư vấn cho em ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Nhung thân mến,

Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng vùng dưới rốn ở nữ, như hội chứng tiền kinh nguyệt, viêm nhiễm phụ khoa, u xơ tử cung to, viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiểu dưới, bệnh lý tại ruột...

Do vậy, em cần đến cơ sở y tế để kiểm tra, đăng ký khám tổng quát hay tiêu hóa đều được, BS sẽ thăm khám và làm xét nghiệm cần thiết cho em (xét nghiệm máu, siêu âm bụng, xét nghiệm nước tiểu...) để tìm ra nguyên nhân và điều trị thích hợp.


- Vũ Thị Xinh - bedau…@gmail.com

BS cho cháu hỏi là chỉ làm xét nghiệm máu và siêu âm tuyến vú thì có phát hiện được u tuyến vú không ạ? Cháu xin cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Xét nghiệm máu gồm có nhiều loại xét nghiệm, BS cần biết em đã làm xét nghiệm gì thì mới trả lời được rằng xét nghiệm đó có giúp ích cho việc tầm soát ung thư vú hay không.

Siêu âm tuyến vú có giúp phát hiện được u ở vú, tuy nhiên, có những u vú nhỏ thì siêu âm có thể bỏ sót, do đó vẫn phải kiểm tra định kỳ.

Cách tốt nhất để theo dõi và tầm soát u hay ung thư vú đó là:

- Tự khám vú: trên 18 tuổi, tự khám vú hàng tháng.

- Khám vú lâm sàng: khám tầm soát mỗi 6 tháng ở chuyên khoa sản phụ khoa

- Phương tiện chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, chụp nhũ ảnh


- Nguyễn Trung - trungnhich…@gmail.com

Em đang bị tăng huyết áp, rối loạn lipit máu. Vừa rồi khám ở BV Gia Định BS có cho toa thuốc uống sáng: 1 viên Bisoprolol Fumarate 2.5mg, chiều: 1 viên Zhekof 40mg.

Xin hỏi giờ em uống cả 2 loại thuốc cùng vào buổi sáng luốn được không? Xin cám ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Nguyễn Trung,

Cả 2 thuốc BS kê cho em đều là thuốc hạ áp, mặc dù cả 2 đều là dạng tác dụng dài, có thể ổn định huyết áp 24 giờ, nhưng nếu dùng cùng lúc cả 2 loại vào buổi sáng thì tác dụng hạ huyết áp vào ban ngày sẽ nhiều hơn ban đêm, khiến huyết áp dao động nhiều, điều đó là không nên.

Do đó em nên uống thuốc theo hướng dẫn của BS, em nhé


- Bích Ngoan - bichngoan…@gmail.com

Dạ vâng,

Em muốn hỏi BS là mẹ em mới đầu bị triệu chứng đau lưỡi và đã đi khám ở rất nhiều nơi nhưng hiện tại vẫn chưa có tiến triển gì, kéo dài đến 3 tháng nay rồi. Cụ thể khám ở BV Tai Mũi Họng TW, BV K, Da liễu, Nội tiết, đều chẩn đoán bị viêm lưỡi nhưng gần đây lưỡi lại xuất hiện vệt đen và vẫn đau, mẹ em không thể ngủ được.

Mong BS tư vấn cho em với ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng đau lưỡi, loét lưỡi, nứt lưỡi, lưỡi có vệt đen là triệu chứng thường gặp trong bệnh viêm lưỡi. Mẹ em đã khám nhiều BV và tất cả các BV lớn mà em nêu đều chẩn đoán giống nhau là viêm lưỡi, thế nhưng bệnh của mẹ em kéo dài 3 tháng chưa khỏi, cho thấy đây là bệnh viêm lưỡi mạn tính.

Viêm lưỡi mạn tính khá là khó điều trị. Các nguyên nhân gây bệnh là trào ngược dạ dày thực quản, nấm lưỡi, bệnh hệ thống như thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B, thiếu vitamin PP; một số bệnh da phát triển toàn thân như lichen phẳng, aptơ...

Người bệnh cần kiên trì tại một BV để BS tiện theo dõi và chỉnh thuốc cho phù hợp, gia đình có thể chọn BV K hay BV Tai Mũi Họng đều được.

Song song đó, mẹ em cần vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (nhưng không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas.


- Phạm Văn Bảy - vanbay…@gmail.com

Viêm dạ dày tá tràng/viêm tuỵ (k29). BS cho hỏi k29 là gì ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

K29 là mã số chuyên môn của bệnh viêm dạ dày tá tràng, không phải ung thư dạ dày, bạn nhé.


- Đào Sun - sundao…@gmail.com

BS cho em hỏi với ạ,

Trong thời gian gần đây cứ tầm buổi chiều chiều là em thường xuyên đau đầu, đầu óc thì hay mất tập trung và nhiều khi còn hay quên nữa ạ? Liệu em bị gì thưa BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Kiểu đau đầu của em thường là do căng cơ - mỏi cơ (có liên quan đến áp lực học tập - làm việc, gia đình), do thiếu nước, do giãn mạch, do ngủ trưa quá trễ, do có bệnh lý ở mắt... Bệnh thường sẽ giảm với việc nghỉ ngơi và thuốc giảm đau thông thường như panadol, paracetamol.

Tuy nhiên, đây chỉ là dự đoán sơ bộ, em cần khám BS chuyên khoa Nội thần kinh để được kiểm tra kỹ và định bệnh, tránh bỏ sót nguyên nhân nguy hiểm.


- Nguyễn Trang - trangdai…@gmail.com

BS ơi,

Dạo này em có cảm giác chóng mặt, khó thở, buồn nôn, ăn nhanh no, có khi chán ăn. Mỗi lần sau khi ăn no là bị đau bụng. Vậy cho em hỏi với những triệu chứng trên thì em bị bệnh gì ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Trang thân mến,

Những triệu chứng của em là dấu hiệu cho thấy sức khỏe có vấn đề. Những triệu chứng này có thể gặp trong một số bệnh cảnh khác nhau, như viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng ruột kích thích, rối loạn thần kinh thực vật, viêm nhiễm, rối loạn nội tiết tố, rối loạn tiền đình...

Trước hết em cần khám tổng quát hoặc chuyên khoa Tiêu hóa để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời, em nên cải thiện chế độ ăn uống, ăn thực phẩm dễ tiêu và giàu dinh dưỡng như cháo, súp, sữa; bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả, uống đủ nước, không uống bia rượu, không hút thuốc lá, ngủ nghỉ đầy đủ và hạn chế thức khuya là điều chắc chắn.


- Thu Dung - Vĩnh Phúc

Thưa BS,

Em đi khám tuyến giáp, xét quả xét nghiệm, phân tích tế bào ngoại vi % MONO là 6.2, %, EOS là 0.3, % BASO là 0.4. Còn các chỉ số còn lại bình thường. Liệu em có mắc chứng bệnh gì nữa không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Xét nghiệm cho các chỉ số của tế bào máu hiện nay đang dùng rộng rãi là xét nghiệm “tổng phân tích tế bào máu bằng tia laser”. Khi quét qua tia laser, máy có thể có lầm lẫn trong giới hạn cho phép khi phân định các loại tế bào máu. Hơn nữa, những người khỏe mạnh bình thường cũng có thể có xê dịch đôi chút trong kết quả xét nghiệm công thức máu.

Các chỉ số em cung cấp chỉ thay đổi giá trị phần trăm của nhóm MONO, EOS và BASO (thay đổi nhẹ), còn trị số tuyệt đối của chúng thì bình thường, các chỉ số khác cũng bình thường, điều này không thể kết luận em có bệnh, vì có thể gặp ở người bình thường. Tốt nhất nên theo dõi thêm và làm lại xét nghiệm huyết đồ 2-3 tháng sau.


- Nguyễn Khâm Tuyến - boio…@gmail.com

BS ơi,

Hồi nhỏ con hay bị nghẹt mũi, con thường dùng hai tay bịt mũi và thở phồng tai ra, cho tới năm lớp 8 khi con ngáp hoặc nuốt nước miếng màng nhĩ kêu rất to, kêu tiếng ''rộp rộp'' nên con đã bỏ thói quen đó. Và giờ mỗi khi hít thở sâu hay ngáp to con đều cảm giác thấy màng nhĩ bị phồng rất khó chịu.

Con đã đi nội soi nhưng không có kết quả, mong BS tư vấn cho con ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Cơ thể người bình thường có 1 ống nối thông thương tai giữa và thành sau họng gọi là vòi nhĩ hay tai vòi. Tai vòi mở ra khi nuốt và khi ngáp giúp cho sự lưu thông không khí từ vòm mũi họng lên tai, làm cho áp lực không khí mặt trong và ngoài của màng nhĩ cân bằng. Khi ngáp hay hít sâu có thể đẩy lượng không khí từ hầu họng qua tai vòi đến tai trong và phồng màng nhĩ.

Nếu em đã nội soi tai không có gì bất thường thì không đáng ngại, không có bệnh, em nhé.


- Ha Kim - hakimha…@gmail.com

Dạ, con đang uống thuốc bao tử thì bị sốt siêu vi. Con dừng uống bao tử và uống thuốc sốt siêu vi thì cảm thấy bụng trương khó chịu, có sao không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bản thân bệnh sốt siêu vi cũng có thể ảnh hưởng lên dạ dày (bao tử) nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung, triệu chứng thường gặp là khó tiêu, chán ăn, thậm chí tiêu chảy nhẹ.

Thuốc trị bệnh dạ dày ít có tương tác với thuốc trị sốt siêu vi, nếu em bị viêm dạ dày nặng thì không nên tự ý dừng thuốc trị đau dạ dày, mà có thể tiếp tục uống kèm với thuốc trị sốt siêu vi, em nhé.


- Bạn đọc Luân - luanxung…@gmail.com

Em hút thuốc được 2 năm, em bị bệnh viêm thanh quản mãn tính từ nhỏ đến nay, em hay bị ho hay sổ mũi và đặc biệt em bị ù tai ù tai lúc tai này lúc lại chuyển sang tai khác. Thưa BS em bị bệnh gì ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Luân thân mến,

Em đang có vấn đề về tai mũi họng. Việc đầu tiên là em cần bỏ thuốc lá ngay, vì thuốc lá chính là chất độc có hại về hệ hô hấp, thanh quản, có thể gây viêm mạn, gây ung thư.

Ngoài ra, các tác nhân có thể góp phần làm cho em hay bị ho và sổ mũi là viêm mũi xoang do thay đổi thời tiết, do tiếp xúc với tác nhân dị ứng, do môi trường ô nhiễm, viêm họng mạn... thành sau họng có ống vòi nhĩ nối với tai giữa nên khi lỗ vòi nhĩ bị bít tắc, như do thành sau họng bị viêm sung huyết thì có thể gây ù tai.

Tốt nhất em nên khám chuyên khoa Tai mũi họng để BS soi hầu họng, tai và xác định rõ bệnh, nguyên nhân, mức độ, từ đó sẽ có thuốc điều trị thích hợp.

Ngoài ra để hỗ trợ phòng và điều trị bệnh, em nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi.


- Lương Thị L. - luong…@gmail.com

Chào BS,

Sau khi sinh bé tình trạng táo bón của em ngày càng trầm trọng (2 lần/tuần) và em đã bị trĩ. Mỗi lần đi vệ sinh thì đau với rát vì phân cứng và to. Em đã uống nhiều nước và ăn nhiều rau mà vẫn vậy.

BS cho em lời khuyên ạ. Em xin chân thành cảm ơn ạ!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Táo bón sau sinh là tình trạng rất thường gặp, do tưới máu đến hậu môn - trực tràng giảm nhiều sau sinh làm niêm mạc nơi đây khô, và nhu động ruột cũng giảm do mẹ vận động không linh hoạt như trước.

Cách xử trí bao gồm dùng thuốc hỗ trợ đi cầu (thuốc uống như duphalac, forlac; thuốc bơm kích thích hậu môn), giai đoạn đầu phân cứng quá có khi phải móc phân bằng tay hỗ trợ (đeo găng, thoa vaseline).

Đồng thời, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, hạn chế đồ cay, nóng, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, tăng cường rau xanh, trái cây và uống nhiều nước, tối thiểu là 2 lít mỗi ngày. Nên tích cực hoạt động vừa sức, không quá kiêng khem và cũng không lao động quá sức để tăng nhu động ruột.

Nếu vẫn không cải thiện thì em cần phải khám BS chuyên khoa tiêu hóa để có biện pháp “mạnh” hơn, kiểm tra các vấn đề như trĩ, polyp đại trực tràng có hay không... để xử trí thích hợp, em nhé.


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X