Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì khi ốm nghén quá nặng?

Tôi từng bị ốm nghén rất nặng trong lần mang thai trước khiến cơ thế suy nhược, sinh con nhẹ cân.

Người ta mang bầu tăng cân, tôi đến tháng thứ 3 giảm gần 1 kg, ăn gì cũng nôn. Con tôi có lẽ ít nhiều bị ảnh hưởng (cháu sinh ra chỉ 2,7 kg). Nay tôi vừa thử thai và biết mình có tin vui lần nữa. Tôi thực sự rất sợ một lần nữa việc ốm nghén ảnh hưởng con. Tôi nên làm gì đây?

(Lê Thị Bảo Nghi, 34 tuổi, quận 8, TPHCM)

BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM:

Nghén hay ốm nghén là tình trạng thường gặp trong những tháng đầu thai kỳ với nhiều mức độ khác nhau, tùy theo thể tạng từng người và có thể khác nhau ở những lần mang thai. Do có sự thay đổi nhanh về nồng độ chất nội tiết trong cơ thể, thai phụ sẽ có nhiều triệu chứng như mệt mỏi, buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn hoặc nôn khi gặp một số mùi và thức ăn nào đó, thèm ăn chua, thèm ăn một số thức ăn lạ…

Các triệu chứng này thường sẽ giảm hẳn sau 3 tháng đầu của thai kỳ, cá biệt có một số người có tình trạng nghén rất nặng và kéo dài hơn bình thường. Một số trường hợp đa thai, đa trứng… có thể làm thai phụ nghén nặng hơn.

Nếu ốm nghén quá nặng, rối loạn tiêu hóa, nôn nhiều quá sẽ suy nhược cơ thể, rối loạn nước - điện giải, ảnh hưởng đến phát triển của thai thì cần điều trị bằng thuốc (giảm nôn, bổ sung vi chất, truyền dịch…). Do vậy, nếu bạn thấy các triệu chứng quá nặng thì nên thông báo với bác sĩ đang theo dõi thai để có hướng xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, tốt nhất là có những bước chuẩn bị từ đầu để không bị hành hạ bởi các triệu chứng ốm nghén. Đó là thư giãn, suy nghĩ tích cực, chú ý tránh những nơi có khói, bụi, tránh những thức ăn hoặc vật dụng có mùi gây khó chịu. Bạn không cần cố nuốt những thứ khiến mình buồn nôn, cái gì ăn được thì dùng, chia nhiều lần, mỗi lần ăn một ít để dễ dung nạp. Cũng không nên vì mệt mà nằm một chỗ hoài bởi vận động nhẹ, làm một số việc nhẹ nhàng, vừa sức sẽ thấy thoải mái hơn.

Quan trọng nhất, bạn không nên lo lắng, ám ảnh sợ hãi việc ốm nghén quá mức vì nghén không phải là bệnh lý mà chỉ là các triệu chứng khi bắt đầu có thai. Việc lo sợ này có thể làm tăng nặng hơn các triệu chứng nghén.

Việc thai phụ tăng cân ít, thậm chí sụt cân trong 3 tháng đầu do ốm nghén không phải chỉ mình bạn gặp. Bạn nên kịp thời tăng cường dinh dưỡng vào những tháng sau, khi đã bớt nghén để bảo đảm cho sức khỏe của mình và sự phát triển của bé.

Ngoài ra, bạn nên đi khám thai theo hướng dẫn của bác sĩ chăm sóc thai, làm đầy đủ các xét nghiệm, tiêm ngừa VAT, bổ sung vi chất, có kế hoạch tăng cường dinh dưỡng phù hợp với cơ địa và thể trạng.

Theo Anh Thư - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X