Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì để thai phụ bớt lo bệnh tiểu dường?

Nhờ hiểu hơn về bệnh tiểu đường nên dạo sau này nhiều thai phụ được theo dõi đường huyết trong suốt thai kỳ để kịp thời phát hiện bệnh.

Quả thật là hay nếu biết được bệnh, thay vì thầy thuốc trở tay không kịp rồi khổ cho cả mẹ lẫn con. Mặt khác, lo sợ là tiếng kép. Cũng vì biết bệnh nên nhiều thai phụ vốn đã lo trong lúc mang nặng phải thêm sợ cho sức khỏe của thai nhi. Ai bình yên cho nổi khi biết mình bị bệnh tiểu đường trong lúc mang thai? Bà mẹ nào không lo:

- Con sinh ra cũng bị bệnh tiểu đường.

- Thai kỳ gặp khó khăn do tác hại của tăng đường huyết.

Đáng tiếc vì nếu được giải thích tận tường thai phụ không cần phải trăn trở đến thế do:

-  Bệnh tiểu đường không có tính di truyền tuyệt đối và tự động. Trẻ có cha hay mẹ mang bệnh tiểu đường đúng là có cơ tạng dễ bị bệnh hơn người khác nhưng bệnh hay không tùy thuộc nếp sinh hoạt của mỗi đối tượng cá biệt.

- Thai kỳ đương nhiên phải được chú trọng nhiều hơn, nếu so với đối tượng không bị tiểu đường, nhưng nói chung vẫn xuôi chèo mát máy nếu thai phụ trong suốt thai kỳ được theo dõi qua thầy thuốc sản phụ khoa có kiến thức về bệnh tiểu đường. Quan trọng hàng đầu trong suốt thai kỳ là làm sao ổn định đường huyết vì thai nhi cần lượng đường trong máu khá thấp để phát triển bình thường. Thai phụ vì thế cần được xét nghiệm trị số HbA1C hàng tháng đồng thời cần được khám mắt và chức năng thận mỗi tam cá nguyệt. Với đối tượng hay bị bội nhiễm tiết niệu trước khi mang thai, chương trình theo dõi di chứng trên mắt và thận thậm chí nên được tiến hành hàng tháng trong 3 tháng cuối của thai kỳ.

Bên cạnh đó, thai phụ một khi đường huyết vượt mức bình thường cần lưu ý một số điểm như:

- Đừng tăng cân hơn 1kg mỗi tháng trong 6 tháng đầu. Trong 3 tháng cuối đừng hơn 500g mỗi tuần. Đừng nghĩ phải cố ăn cho nhiều vì phải nuôi thêm miệng ăn trong bụng. Chất lượng là tiếng kép với chất quan trọng hơn lượng. Chỉ cần khẩu phần đầy đủ dưỡng chất. Sau khi tham vấn ý kiến của thầy thuốc có thể bổ sung chất đạm gốc thực vật từ đậu nành, tảo Spirulina.

- Đừng để thiếu canxi, sắt, kẽm và acid folic trong chế độ dinh dưỡng.

- Theo dõi siêu âm mỗi tháng để đánh giá trọng lượng của thai nhi. Nên nhớ đường huyết cao làm thai tiểu nhiều khiến tăng nước ối, một trong các nguyên nhân thường gặp dẫn đến sảy thai.

- Không được tự ý dùng thuốc uống để hạ đường huyết. Chỉ được tiêm insulin trong trường hợp cần thiết và theo đúng y lệnh.

- Nghỉ việc sớm hơn trước ngày vào phòng sinh, càng sớm càng tốt.

Thêm một điểm rất quan trọng. Thai phụ đừng vì quá sợ bệnh tiểu đường mà cữ ngọt. Đừng quên không chỉ thai phụ mà thai nhi rất cần năng lượng để phát triển đồng đều trên cả hai mặt tâm thể.

Nói cách khác, quan trọng là làm sao đừng tụt đường huyết nhưng mặt khác đừng tích lũy đường trong máu quá lâu. Muốn vậy phải dùng cho hết. Muốn dùng cho hết tuy một mặt vẫn phải cung cấp chất đường đều đặn nhưng đừng vượt quá khả năng xử lý của tụy tạng, thay vì để đường huyết “góp gió thành bão” sau mỗi bữa ăn!

Trên cơ sở vừa phân tích, thai phụ muốn thưởng thức món ngọt cho bớt thèm, chỉ cần đợi đến lúc đường huyết xuống thấp với khoảng cách giữa hai bữa ăn càng xa càng tốt hãy ngồi vào bàn ăn. Khi đó thai phụ có thể yên tâm thưởng thức món tráng miệng đang thèm mà không sợ đường huyết tăng cao.

Thêm vào đó, đừng quên vận động cho đổ mồ hôi trước giờ ăn để góp phần kéo đường huyết xuống thấp. Quan trọng không kém là vận động ngay sau bữa ăn để xài cho hết lượng đường thặng dư trong máu. Cung có cao vẫn không thừa nếu số cầu cũng tăng.

Theo BS Lương Lễ Hoàng
Nguồn: luonglehoang.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X