Hotline 24/7
08983-08983

Làm gì để giảm stress?

Ngủ đủ giấc có thể giúp cải thiện sức khỏe và giúp bạn ít căng thẳng hơn. Nếu ngủ không đủ giấc và căng thẳng có thể là một vòng luẩn quẩn.

Sự căng thẳng, mệt mỏi suốt cả ngày dễ khiến bạn mất ngủ, và thiếu ngủ có thể làm bạn mệt mỏi, căng thẳng vào ngày hôm sau. Những người bị stress mạn tính có thời gian ngủ ngắn hơn và chất lượng ngủ cũng rất thấp so với người bình thường cùng độ tuổi.

08-40-41_tr42
Ảnh minh họa

Nhiều liệu pháp tâm lý thường được sử dụng như một biện pháp kiểm soát stress nhằm giảm bớt các triệu chứng căng thẳng và lo âu, trong đó trò chuyện là một biện pháp tốt. Khi trò chuyện, bệnh nhân và nhà tâm lý trị liệu thảo luận về các vấn đề của bệnh nhân và cùng nhau sửa chữa các vấn đề đang bị suy nghĩ tiêu cực hoặc bị bóp méo.

Trong liệu pháp trò chuyện, có nhiều phương pháp: liệu pháp hành vi nhận thức, liệu pháp hành vi biện chứng và liệu pháp nhóm, nhưng đều có điểm chung là nhằm mục đích giúp bệnh nhân đối phó với những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực và giúp họ thay đổi tích cực để đối phó tốt hơn với sự căng thẳng.

Tập thể dục thể thao có thể giảm căng thẳng vì làm giảm mức cortisol. Chất này là một hormon được sản sinh từ tuyến thượng thận trong thời gian căng thẳng, khi bạn cảm thấy lo lắng, giận dữ hoặc sợ hãi. Nó có thể làm tăng huyết áp, tăng mức đường huyết và giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, có thể gây tổn thương nhiều cơ quan.

Tập thể dục giúp đốt cháy cortisol, do đó làm cho chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Tập thể dục cũng kích thích tuyến yên giải phóng endorphins - chất dẫn truyền thần kinh có hiệu quả cao, giúp cơ thể hạn chế được các tác động tiêu cực của stress. Tăng cường vận động cơ bắp, nên để các nhóm cơ chính như chân, hông, lưng, bụng, ngực, vai và cánh tay vận động bằng các bài tập phù hợp. Đảm bảo tập thể dục ít nhất 2,5 giờ mỗi tuần, nghĩa là chỉ cần đi bộ nhanh 10 phút, 3 lần/ngày trong 5 ngày mỗi tuần là đã có 150 phút hoạt động với cường độ vừa phải, là có hiệu quả tốt.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy: lợi ích của thiền định là giúp giảm căng thẳng, giảm huyết áp, giảm bớt cảm giác đau đớn và thậm chí ngăn ngừa tái phát ở những bệnh nhân bị trầm cảm. Nghiên cứu tại Đại học Emory ở Atlanta cho thấy: thiền giúp ta nâng cao những nhận thức về tinh thần và kiểm soát suy nghĩ của bản thân trong khi tập trung vào hơi thở, có thể điều trị các rối loạn thiếu tập trung và hiếu động. Có nhiều phương pháp thiền khác nhau. Một số phong cách thiền định tập trung vào việc làm thanh lọc tâm hồn, khuyến khích việc tăng cường những hình ảnh và suy nghĩ tích cực, đối xử tốt với bản thân và mọi người xung quanh. Người có vận động hạn chế cũng có thể thiền trong khi ngồi trên ghế hoặc nằm cũng thiền được.

Nghiên cứu của Đại học Loma Linda (Hoa Kỳ) phát hiện ra rằng: những người xem một đoạn video hài hước sẽ giảm hormon stress là cortisol và giảm epinephrin. Những người này cũng có sự gia tăng chất endorphins, tăng cường các cảm xúc hưng phấn, tăng miễn dịch và giảm trầm cảm. Tiếng cười vừa giúp chúng ta giảm sự căng thẳng hay nỗi đau tinh thần, vừa giúp hạn chế các cơn đau thể xác. Nghiên cứu tại Đại học Oxford ở Anh phát hiện ra rằng: tiếng cười có thể kích thích giải phóng các endorphin, có tác dụng giảm đau rất hiệu quả. Còn nhân dân ta thì nói: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Lợi ích của cười rất lớn, chúng ta hãy tạo ra nhiều niềm vui và tiếng cười cho cuộc sống thêm vui.

Hãy để ra thời khóa biểu cho riêng mình: Hãy để đồng hồ báo thức đánh thức bạn vào buổi sáng vào một giờ nhất định, hãy ăn sáng thường xuyên. Bạn sẽ dậy đúng giờ và có một thói quen sinh hoạt đều đặn. Hầu hết mọi người đều thú nhận "Nếu như đi làm mà không ăn sáng, tôi thường bị đau đầu và rất dễ bị stress".

Hãy phục tùng các giác quan của bạn: Hãy tạo cho mình một thói quen làm một công việc gì đó một cách đều đặn mỗi ngày. Ví dụ như: sau giờ làm việc căng thẳng, hãy cắm một ngọn nến trên bàn ăn, ngửi một bông hồng trước bữa ăn, chơi một trò chơi nào đó để giải tỏa sự căng thẳng của bạn.

Hãy thi vị hóa cuộc sống: Hãy trở nên lạc quan và yêu đời trước mọi việc. Những ngày nghỉ cuối tuần, bạn có thể cùng người thân đi picnic, thăm thú những danh thắng nổi tiếng trước khi bắt đầu một tuần làm việc mới.

Thử tập trò chơi tung bóng: Cầm 3 hay nhiều quả bóng trên tay rồi tung và hứng. Khi bạn tung lên và hứng được những trái bóng bay lơ lửng, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái như mình vừa làm được một điều kỳ diệu vậy. Bạn hãy cứ thử xem.

Tranh thủ đi du lịch: Hãy biết tận hưởng và nhìn nhận những thay đổi của thế giới xung quanh mình. Nếu có điều kiện, bạn hãy đi du lịch trong và ngoài nước cùng với người thân. Những thắng cảnh đẹp cùng với con ngươi mới, phong tục tập quán mới sẽ kích thích trí tò mò và óc quan sát của bạn. Nó là giải pháp tốt nhất để thay đổi tâm trạng chán chường và mệt mỏi của bạn sau những tháng ngày làm việc căng thẳng.

Hãy tự thỏa mãn mình: Mỗi khi công việc làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi và stress dồn nén, hãy "nuông chiều" mình bằng cách thưởng cho mình một thú vui thích nào đó. Bạn đừng bắt mình phải phục tùng theo một chế độ cứng nhắc nào nếu như thời điểm thực hiện không thích hợp. Hãy thử "phá lệ" một lần xem.

Đừng ngần ngại dựa dẫm vào người khác: Khi cảm thấy stress, bạn cần có một chỗ dựa, cần một người để chia sẻ. Hãy tìm đến những người bạn, những người thân thương nhất để được sẻ chia và nhận những lời khuyên của họ. Họ sẽ vỗ về và có thể là liều thuốc tốt nhất với bạn lúc đó.

Lưu lại những hình ảnh gây cho bạn thích thú: Hãy lưu lại những khoảnh khắc, những câu nói yêu thương của người thân hay một hình ảnh ấn tượng đậm sâu trong tâm hồn bạn. Mỗi khi nghĩ lại, bạn lại tìm thấy sự đồng cảm và ý nghĩ biết bao nhiêu.

Theo Tuấn Anh - Nông nghiệp Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X