Hotline 24/7
08983-08983

Kinh nghiệm phòng bệnh tay chân miệng tại nhà

Khi trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần hiểu biết đúng mực về căn bệnh này để phát hiện kịp thời và chăm sóc đúng cách nếu chẳng may bé mắc bệnh.

Cha mẹ đừng quá hoảng hốt khi con bị bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng (TCM) gặp rải rác quanh năm và xuất hiện ở hầu hết các địa phương. Ở phía Nam, bệnh tăng cao từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12 hàng năm. Bệnh dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). 

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Bệnh TCM lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Trẻ bệnh tiết virus ra môi trường bên ngoài qua nước bọt, phân hoặc bóng nước trên da. Sự lây nhiễm cho trẻ khác có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua đồ vật và đặc biệt là người chăm sóc bé.

Kinh nghiem phong benh tay chan mieng tai nha
 

Những nơi tập trung nhiều trẻ như nhà trẻ, mẫu giáo, khu vui chơi, hồ bơi là môi trường thuận lợi cho bệnh tay chân miệng lây lan. Một số trường hợp trẻ chỉ vài tháng tuổi, không đi ra khỏi nhà nhưng vẫn bị nhiễm bệnh do người thân có tiếp xúc với dịch tiết trẻ bệnh nhưng không rửa tay khi chế biến đồ ăn và khi chăm sóc cho bé.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Nguyên trưởng khoa Nội 1 - BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết: “Thời gian ủ bệnh TCM thông thường từ khi nhiễm bệnh tới khi khởi phát triệu chứng là 3-7 ngày, sau đó đến giai đoạn khởi phát 1-2 ngày và cuối cùng là giai đoạn toàn phát 3-10 ngày.

Đa số bệnh TCM có dự hậu tốt, tuy nhiên bệnh do EV71 thường gây các biến chứng thần kinh nặng và có thể dẫn đến tử vong. Biểu hiện chính là tổn thương da - niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời”.

“Cần nhắc lại là đa số tiên lượng tốt nên bệnh chủ yếu được điều trị tại nhà, phụ huynh không nên hoảng hốt khi được bác sĩ chẩn đoán là tay chân miệng. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, theo dõi sốt, phát hiện sớm những triệu chứng thần kinh như giật mình, hốt hoảng, nôn ói hay tiêu lỏng, và điều trị biến chứng, đảm bảo vệ sinh răng miệng, thân thể, đảm bảo cung cấp nước, dinh dưỡng cho trẻ” - BS Thanh đưa ra lời khuyên.

Xà phòng là “vắc xin” phòng bệnh tay chân miệng  

Kinh nghiem phong benh tay chan mieng tai nha
BS CKII Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội 1 - BV Nhi đồng 2 (TP.HCM)

Khi thấy trẻ sốt, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân hay trong miệng cần đưa trẻ đi khám ngay. Nếu được chẩn đoán TCM ở thể nhẹ thì có thể theo dõi ở nhà và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Nếu bác sĩ yêu cầu nhập viện thì cần nhập viện ngay để trẻ được theo dõi và can thiệp kịp thời.

Cho đến nay, chưa có vaccin phòng bệnh TCM. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm bệnh có thể được giảm thiểu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ em bị bệnh.

Một biện pháp được coi là “vắc xin” hữu hiệu để ngăn ngừa căn bệnh này đó chính là rửa tay bằng xà phòng. Theo BS Nguyễn Thị Thanh, những thời điểm cần phải rửa tay bằng xà phòng cho bé là trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho hoặc hắt hơi vào tay, sau khi vui chơi hoặc tiếp xúc ở những nơi công cộng hoặc bất cứ khi nào bạn cảm thấy tay của con bẩn.

Ngoài ra, người lớn chăm sóc bé cũng nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn nhanh trước và sau khi tiếp xúc với trẻ (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).

Bên cạnh đó, cha mẹ cần giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, vật dụng cá nhân, đồ chơi, các khu vực sinh hoạt của trẻ bằng cách rửa sạch với xà phòng sát khuẩn, và khử trùng trong 10 phút bằng dung dịch Chloramin B 2% (20g trong một lít nước) hoặc với nước Javel 0,5% (pha một phần Javel với 9 phần nước) và đem phơi khô.

“Cách ly khi có người nhà hoặc trong lớp học có trẻ nghi ngờ bị bệnh. Với một số phụ huynh, nếu phát hiện con mình bị TCM thì nên báo với nhà trường để kịp thời vệ sinh lớp học và các vật dụng khác nhằm phòng tránh lây lan cho trẻ khác.

Cách ly trẻ bệnh tại nhà trong 10-14 ngày, không cho đến nhà trẻ, trường học, khu vui chơi để tránh lây lan cho trẻ khác. Nếu bé đã khỏi bệnh hơn 1 tuần rồi và bé khỏe mạnh thì hoàn toàn có thể cho trở lại trường học. Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, thức ăn chín, uống nước đun sôi và ngủ chơi hợp lý” - BS Thanh cho biết.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X